/ Pháp luật - Đời sống
/ Tình tiết 'nồng độ cồn vượt quá mức quy định được xác định như thế nào?

Tình tiết 'nồng độ cồn vượt quá mức quy định được xác định như thế nào?

18/06/2023 12:02 |

(LSVN) - Tình tiết “nồng độ cồn vượt quá mức quy định” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 được xác định như thế nào? Áp dụng khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 hay khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 để làm căn cứ xử lý?

Ảnh minh họa.

Liên quan đến vấn đề này, theo Công văn 2160/VKSTC-V14 ngày 05/6/2023 của VKSND Tối cao về giải đáp khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, thi hành tạm giữ và thi hành án hình sự nêu rõ: Điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 quy định tình tiết định khung tăng nặng “trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định”.

Việc xác định mức nồng độ cồn được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Theo quy định tại khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì một trong những hành vi bị nghiêm cấm là: “Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lit khí thở”.

Tuy nhiên, khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2020) như sau: “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Do vậy, kể từ ngày 01/01/2020, người điều khiển phương tiện gây tai nạn có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở thì áp dụng quy định được sửa đổi, bổ sung theo khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 để làm căn cứ xử lý.

DUY ANH

Thời hiệu khởi kiện đối với các vụ án tranh chấp hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất

Bùi Thị Thanh Loan