Những người theo quan điểm cho rằng, chỉ áp dụng đối với người phạm tội đủ 18 tuổi lý giải, điều luật quy định “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” cũng có nghĩa là tình tiết này đã thể hiện rõ chỉ có thể áp dụng đối với người phạm tội đủ 18 tuổi, vì chỉ có người đủ 18 tuổi - có khả năng nhận thức và điều khiển về mọi hành vi của mình một cách đầy đủ - mới có thể chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Mặt khác, điều luật không quy định bắt buộc phải áp dụng đối với tất cả các trường hợp phạm tội xảy ra, nên khi áp dụng cần phải xem xét đến tính nhân đạo trong chính sách hình sự của Nhà nước ta; phải áp dụng theo hướng có lợi cho người thực hiện hành vi phạm tội, cũng như thực hiện chính sách hình sự khoan hồng, nhân đạo đối với người phạm tội dưới 18 tuổi. Những người theo quan điểm này cũng cho rằng, trong BLHS có rất nhiều điều luật quy định về đường lối xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, tất cả các quy định này đều theo hướng khoan hồng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội dưới 18 tuổi. Do vậy, để thực hiện chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, khi áp dụng tình tiết tăng nặng “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” cần phải theo hướng có lợi cho họ.
Đối với quan điểm cho rằng, phải áp dụng đối với người phạm tội đủ 18 tuổi và người phạm tội dưới 18 tuổi. Những người theo quan điểm này có cách nhìn nhận ngược lại. Có nghĩa là, điều luật quy định các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, trong đó có tình tiết “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” và có thể nhận thấy rằng không có quy định nào loại trừ việc áp dụng tình tiết tăng nặng này đối với người phạm tội dưới 18 tuổi. Vì vậy, khi có hành vi phạm tội xảy ra, mà thỏa mãn tình tiết này thì dù là người đủ 18 tuổi hay dưới 18 tuổi đều phải bị áp dụng. Không được giải thích theo hướng áp dụng có lợi cho bị cáo, hay vì chính sách nhân đạo đối với người dưới 18 tuổi mà loại trừ việc áp dụng.
Để làm sáng tỏ vấn đề này, chúng ta có thể phân tích làm rõ một số vấn đề có tính chất lý luận như sau:
Thứ nhất, khoản 1 Điều 52 BLHS quy định 15 nhóm hành vi, theo đó, khi người thực hiện hành vi phạm tội phạm phải thì sẽ bị áp dụng để tăng nặng trách nhiệm hình sự và chỉ những hành vi này mới được xem là tình tiết tặng nặng trách nhiệm hình sự để áp dụng đối với người phạm tội. Theo đó, tại khoản 2 Điều luật còn quy định những tình tiết là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng. Ngoài ra, Điều luật, cũng như các quy định khác trong BLHS không có quy định bất cứ một trường hợp nào khác để loại trừ việc áp dụng các tình tiết tăng nặng này đối với người thực hiện hành vi phạm tội. Điều này cũng có nghĩa là, khi một người đã thực hiện hành vi phạm tội và đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, nếu vi phạm vào các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đã quy định thì đều phải bị áp dụng để xem xét trong khi lượng hình. Tình tiết “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” là một trong những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định trong khoản 1 Điều 52 BLHS, nên trong mọi trường hợp, nếu người phạm tội phạm vào tình tiết này đều phải bị áp dụng để tăng mức hình phạt theo đúng quy định của pháp luật về hình sự.
Đối với một số tội có quy định tình tiết định khung tăng nặng “Xúi giục người khác gây rối” (Điều 318 tội "Gây rối trật tự công cộng"), “Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội” (Điều 330 tội "Chống người thi hành công vụ”), “Lôi kéo người khác phạm tội” (Điều 332 quy định về tội "Trốn tránh nghĩa vụ quân sự"), “Lôi kéo người khác phạm tội” (Điều 415 tội "Quấy nhiễu nhân dân")…
Vấn đề đặt ra là những người thực hiện hành vi phạm tội này đã xúi giục, lôi kéo người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì có áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” hay không?
Chúng ta có thể khẳng định, các tình tiết trên đều thuộc tình tiết định khung tăng nặng. Ở các điều luật không quy định việc người bị xúi giục, lôi kéo phải là người đủ 18 tuổi; do vậy, trong những trường hợp này có thể là người đủ 18 tuổi và cũng có thể là người dưới 18 tuổi. Dù người bị xúi giục, bị lôi kéo là người dưới 18 tuổi hay đủ 18 tuổi thì tình tiết tăng nặng định khung này cũng được áp dụng để chuyển khung hình phạt nặng hơn.
Như vậy, việc áp dụng tình tiết tăng nặng định khung trong trường hợp này là bắt buộc. Tuy nhiên, nếu không xem xét áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” sẽ không đảm bảo tính nghiêm minh. Vì nếu người phạm tội đã xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội mà bị tuyên phạt mức án bằng với người phạm tội xúi giục người đủ 18 tuổi phạm tội thì không đảm bảo tính trừng trị, răn đe người phạm tội trong áp dụng pháp luật và áp dụng hình phạt (nếu họ có các tình tiết tương đồng nhau trong vụ án). Mặt khác, chính sách hình sự của Nhà nước ta đặc biệt chú trọng xem xét đến tính chất nghiêm trọng của vụ việc. Rõ ràng, một người xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội sẽ có tính chất nghiêm trọng hơn đối với người xúi giục người đủ 18 tuổi phạm tội. Do vậy, trong những trường hợp này khi xét xử phải áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” đối với người đã thực hiện tội phạm có hành vi lôi kéo, xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội.
Thứ hai, về nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Điều 91 BLHS quy định về nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, được thể hiện cụ thể:
“1. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.
2. Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;
b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;
c) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.
3. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.
4. Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương này không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.
5. Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
6. Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.
Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.
Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
7. Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm”.
Quy định này cho thấy, chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta đối với người dưới 18 tuổi phạm tội rất cụ thể và có tính khoan dung rất cao. Tuy nhiên, việc khoan hồng đối với người dưới 18 tuổi chỉ được xem xét sau khi đã đánh giá, áp dụng toàn bộ các tình tiết, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, cũng như hành vi phạm tội của người phạm tội. Không thể lý giải rằng, khi giải quyết vụ án các cơ quan tiến hành tố tụng có thể loại bỏ một số tình tiết liên quan đến cấu thành tội phạm, tình tiết định khung tăng nặng, tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự… để giảm nhẹ cho người dưới 18 tuổi phạm tội là thể hiện tính khoan dung, nhân đạo của Đảng và Nhà nước.
Để đánh giá được tính chất nghiêm trọng của vụ án thì người tiến hành tố tụng, cũng như cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét, đánh giá tất cả chứng cứ, tình tiết thu thập được để trên cơ sở đó nhận định được chính xác vụ việc. Với lý giải này có thể bác bỏ quan điểm cho rằng việc không áp dụng tình tiết “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” đối với người phạm tội dưới 18 tuổi là thực hiện chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta đối với người phạm tội dưới 18 tuổi.
Cũng không thể cho rằng, người dưới 18 tuổi xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội là thuộc trường hợp người này chưa nhận thức được tính nguy hiểm của hành vi để không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Vì chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi được quy định rất cụ thể, như: Người dưới 18 tuổi phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả và phải đảm bảo đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 91 BLHS…; việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm… Những quy định này của BLHS cho thấy, chỉ truy cứu trách nhiệm đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong những trường hợp rất cần thiết khi hành vi phạm tội của họ gây nguy hại lớn cho xã hội không thể khoan dung được. Do vậy, khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thì bắt buộc phải áp dụng đúng quy định của pháp luật hình sự để xem xét toàn diện vụ việc, đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi và trên cơ sở đó đưa ra mức hình phạt thích đáng, phù hợp; người phạm tội thỏa mãn tình tiết nào thì sẽ áp dụng tình tiết đó đối với họ.
Từ các phân tích trên có thể khẳng định rằng, tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” phải được áp dụng đối với người thực hiện hành vi phạm tội dưới 18 tuổi, nếu thỏa mãn các dấu hiệu về cấu thành tội phạm, cũng như các tình tiết có liên quan. Điều này cũng có nghĩa là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” được áp dụng cả đối với người phạm tội đủ 18 tuổi và người phạm tội dưới 18 tuổi.
Thạc sĩ NGUYỄN VĂN LAM
Tòa án quân sự Quân khu 9
Giải quyết tranh chấp hợp đồng hứa thưởng qua thực tiễn một vụ án