Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức và thuận lợi đan xen, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quan trọng đối với ngành ngân hàng như định hướng ngành phải góp phần quan trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng; giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay; tập trung tín dụng cho các ngành nghề, chương trình ưu tiên như tín dụng cho phát triển hạ tầng [1] (hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, điện…); kiểm soát nợ xấu hiệu quả; tiếp tục tiên phong trong chuyển đổi số, kết hợp với thực hiện Đề án 06 và xây dựng cơ sở dữ liệu ngành Ngân hàng [2]. Tiếp đó, ngày 11/02/2025, tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại những nhiệm vụ này tiếp tục được nhấn mạnh [3]. Như vậy, để hiện thực hoá những chỉ đạo này trên thực tiễn, hoàn thành các nhiệm vụ được giao phó thì các tổ chức tín dụng cần lưu ý các vấn đề cụ thể như: Đẩy mạnh hoạt động xử lý và thu hồi nợ; cân nhắc đến việc tham gia vào thị trường mua bán nợ; ứng dụng AI trong hoạt động, vận hành; nâng cao trải nghiệm, chất lượng dịch vụ bên cạnh việc đảm bảo an toàn trong hoạt động cho vay; lưu ý đến các chính sách pháp luật mới tác động đến hoạt động của các tổ chức tín dụng…

Ảnh minh hoạ.
1. Đẩy mạnh hoạt động xử lý và thu hồi nợ
Lợi nhuận của các tổ chức tín dụng không chỉ được hình thành từ hoạt động kinh doanh mà còn được hình thành từ hoạt động xử lý và thu hồi nợ đối với các khoản vay đã phát vay trước đó. Đặc biệt, trong trường hợp nếu tăng trưởng tín dụng khó khăn thì hoạt động xử lý và thu hồi nợ là hoạt động đóng góp đáng kể vào lợi nhuận cho các tổ chức tín dụng.
Năm 2024 là năm kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đồng thời, thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản phục hồi còn chậm, thị trường mua bán nợ chưa phát triển như kỳ vọng, thiên tai, bão lũ gây thiệt hại nặng nề,... khiến cho nợ xấu vẫn có xu hướng tăng. Trong bối cảnh đó, để kiểm soát nợ xấu, góp phần bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như việc kiểm soát, xử lý, thu hồi nợ xấu và chất lượng tín dụng của tổ chức tín dụng…Đến cuối tháng 10/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm 05 ngân hàng đang kiểm soát đặc biệt) ở mức 1,96%; nợ xấu nội bảng, nợ bán VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu (không bao gồm 05 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt) chiếm tỷ lệ 3,28% so với tổng dư nợ [4].
Để hoạt động thu hồi và xử lý nợ thực sự hiệu quả như kỳ vọng với mục tiêu giảm nợ xấu, đóng góp chung vào lợi nhuận của tổ chức tín dụng, điều cần thiết là hoạt động thu hồi, xử lý nợ phải thực sự hiệu quả, đảm bảo thu hồi được dư nợ kể từ thời điểm phân luồng xử lý nợ trong thời gian ngắn nhất, tiết kiệm tối đa chi phí tiêu tốn cho hoạt động này và đảm bảo hiệu suất lao động tối đa của nguồn nhân lực thực hiện công tác thu hồi và xử lý nợ.
Nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa đóng góp trong cơ cấu lợi nhuận của hoạt động xử lý và thu hồi nợ, một số tổ chức tín dụng đã và đang thực hiện việc tối ưu hoá mô hình hoạt động, vận hành cho hoạt động thu hồi và xử lý nợ thông qua việc chuyên môn hoá, phân công lao động rõ ràng, tách biệt giữa các nhân lực thực hiện hoạt động thu hồi và xử lý nợ trong những giai đoạn tố tụng khác nhau; áp chỉ tiêu thu hồi nợ danh định (KPI bao gồm số thu trên các bản án/quyết định khi chưa thực tế thu hồi khoản vay bên cạnh số thu thực tế) nhằm đẩy nhanh tiến độ tố tụng của công tác xử lý và thu hồi nợ. Thực hiện tối ưu hoá quy trình thu hồi và xử lý nợ với mục tiêu đẩy mạnh tiến độ, rút ngắn nhất thời hạn có thể của quy trình xử lý và thu hồi các khoản vay trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật.
Trong năm 2025, Ngân hàng Nhà nước có định hướng sẽ đề xuất luật hóa một số quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 trong việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán nợ [5]. Đồng thời, ngày 11/02/2025, tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc trực tiếp chỉ đạo, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẩn trương xây dựng hồ sơ, trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 tới để luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng [6]. Đây là tín hiệu tốt đối với công tác xử lý và thu hồi nợ tại các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các tổ chức tín dụng có thể có phương hướng rõ hơn sau khi Nghị Quyết 42 được luật hoá đối với phương thức thu giữ tài sản bảo đảm được đề cập qua quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 [7] và thường được các bên thoả thuận tại các văn kiện tín dụng khi khách hàng vi phạm nghĩa vụ thanh toán khoản vay [8].
2. Cân nhắc đến việc tham gia vào thị trường mua bán nợ
Tính đến 31/12/2024, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) của 25 ngân hàng niêm yết lên đến 118.915 tỷ đồng (khoảng 4,75 tỷ USD), tăng 39,30% so với đầu năm 2024 [9]. Bán nợ - tham gia vào thị trường mua bán nợ với vai trò là bên cung (bên bán nợ) cũng là một trong những phương án nhằm giảm tỷ lệ nợ xấu tại các tổ chức tín dụng. Mua, bán nợ là thỏa thuận bằng văn bản về việc các tổ chức tín dụng chuyển giao quyền đòi nợ đối với khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay, khoản trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh, theo đó bên bán nợ là các tổ chức tín dụng chuyển giao quyền sở hữu khoản nợ cho bên mua nợ (các công ty mua bán nợ trên thị trường) và nhận tiền thanh toán từ bên mua nợ [10].
Việc bán nợ của các tổ chức tín dụng được thực hiện dựa trên quy định của pháp luật, thoả thuận với khách hàng về việc chuyển giao quyền yêu cầu và chuyển giao nghĩa vụ trong các văn kiện tín dụng được ký kết. Bán nợ sẽ giúp giảm tỷ lệ nợ xấu tại các tổ chức tín dụng đồng thời cũng là một cơ hội kinh doanh của những công ty mua bán nợ đủ tiềm lực tài chính, uy tín khi thay thế, kế thừa quyền yêu cầu của các tổ chức tín dụng để bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ thanh toán kể từ thời điểm khoản nợ được chuyển giao.
Dù rằng trên thị trường hiện tại ngoài VAMC thì còn có nhiều doanh nghiệp hoạt động mua bán nợ nhưng để đảm bảo uy tín, thương hiệu với khách hàng dù khoản vay đã chuyển sang nhóm nợ xấu thì các tổ chức tín dụng vẫn nên cân nhắc đến việc lựa chọn những doanh nghiệp mua bán nợ có tiềm lực, uy tín, tuân thủ quy định của pháp luật (doanh nghiệp mua nợ có quy trình xử lý và thu hồi các khoản nợ được mua, có đội ngũ nhân sự cố định chất lượng, có cơ chế kiểm soát việc thực hiện thu hồi nợ của đội ngũ nhân sự…) để tránh những rủi ro về nhận diện thương hiệu không cần thiết dù đã chuyển giao toàn bộ quyền yêu cầu và nghĩa vụ cho doanh nghiệp mua bán nợ.
Đồng thời, những thủ tục thông báo đến khách hàng (hình thức thông báo, thời hạn thông báo, nội dung thông báo việc khoản nợ đã được bán…) phải được thực hiện đúng theo thoả thuận tại các văn kiện tín dụng đã ký kết với khách hàng trong trường hợp các tổ chức tín dụng chuyển giao quyền yêu cầu và chuyển giao nghĩa vụ.
3. Ứng dụng AI trong hoạt động, vận hành
Ngày 03/02/2025, Thủ tướng chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng trong việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay [11].
Lãi suất cho vay cũng là một trong những lợi thế để cạnh tranh giành thị phần giữa các tổ chức tín dụng. Để giảm được lãi suất cho vay thì các tổ chức tín dụng phải giảm được chi phí vận hành, trong đó có chi phí chi trả cho nhân sự. Trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, có nhiều hoạt động mà AI có thể thay thế được con người và mang lại năng suất lao động cao hơn như hệ thống nhắc nợ tự động (số lượng khách hàng được tác động trong một ngày năng suất cao hơn), hệ thống hỗ trợ khách hàng sau các giao dịch mở thẻ, hệ thống kiểm soát chất lượng cuộc gọi tự động và phân tích Voice of Customer, công cụ hỗ trợ chiết xuất chứng từ thông minh và chatbot Gen AI (AI tạo sinh)…Tuỳ vào cách thức tổ chức, sắp xếp, phân bổ nhân sự, công việc, nhiệm vụ, tổ chức tín dụng có thể liệt kê những đầu mục công việc mà AI có thể thay thế con người và mang lại năng suất lao động cao hơn để có thể thực hiện chuyển đổi số về ứng dụng AI, thay thế “phương thức sản xuất” truyền thống nhằm tăng năng suất lao động, giải phóng sức lao động của con người trong những hoạt động, công việc mà AI có thể thay thế để nhân sự tập trung vào những hoạt động AI không thể thay thế được con người. Mục đích hướng đến là để các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí vận hành, chi phí nhân công trong khi chất lượng công việc vẫn đảm bảo trên nền năng suất lao động được tăng cao, là cơ sở giảm chi phí hoạt động, vận hành để có thể giảm lãi suất cho vay.
4. Nâng cao trải nghiệm, chất lượng dịch vụ bên cạnh việc đảm bảo an toàn trong hoạt động cho vay
Việc nâng cao trải nghiệm, dịch vụ đối với khách hàng cũng là một trong những lợi thế cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng. Và thách thức đặt ra trong vấn đề này là giải quyết được bài toán giữa việc nâng cao trải nghiệm, dịch vụ cho khách hàng bên cạnh việc đảm bảo an toàn trong hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng. Thực tiễn cho thấy, việc nâng cao trải nghiệm, chất lượng phục vụ đối với khách hàng thông qua các dịch vụ cấp tín dụng trực tuyến (giao dịch online) không những chỉ đem đến khó khăn hơn trong công tác xử lý và thu hồi nợ giai đoạn sau này khi quan điểm của một số toà án còn chưa thực sự cởi mở với loại chứng cứ là dữ liệu điện tử mà còn có thể dẫn đến nguy cơ mất vốn bởi yếu tố gian lận từ phía khách hàng.
Một vụ việc thực tiễn từ Bản án hình sự sơ thẩm số 468/2021/HSST ngày 12/11/2021 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội cho thấy: Ngày 18/9/2020 Công ty TNHH X (Công ty tài chính) có đơn trình báo gửi cơ quan công an Quận Hai Bà Trưng về việc Nguyễn L. A. có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đơn và biên bản ghi lời khai, đại diện Công ty X trình bày ngày 11/10/2014 Công ty có ký hợp đồng tín dụng với khách hàng Đỗ Thị H. để hỗ trợ khách hàng vay tiền mua trả góp điện thoại tại cửa hàng viễn thông A. Ngày 16/10/2019, bà Đỗ Thị H. đến Công ty X khiếu nại về việc bà không thực hiện hợp đồng với Công ty X dù thông tin trên hợp đồng tín dụng là của bà H. Qua công tác xác minh, Công ty X đã xác định Nguyễn L. A. tự ý sử dụng thông tin, hình ảnh, giấy tờ cá nhân gồm chứng minh thư và giấy phép lái xe của bà H. rồi đóng giả bà H. thực hiện hợp đồng tín dụng nêu trên. Tại cơ quan điều tra, Nguyễn L. A. khai nhận đã được một cá nhân khác cung cấp giấy tờ giả mạo thông tin của bà H. nhưng hình ảnh trên giấy tờ là của Nguyễn L. A. để thực hiện hợp đồng với Công ty X. Kết luận giám định đã kết luận chữ ký do Nguyễn L. A. ký trên các văn kiện tín dụng không phải là chữ ký của chị H. Nguyễn L. A. sau đó đã bị tuyên phạt 10 tháng tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, nhưng cho hưởng án treo.
Tương tự tình huống trên, ngay tại giai đoạn xác lập các khoản vay online, vẫn có thể tiềm ẩn nguy cơ giả mạo từ phía khách hàng với mục đích chiếm đoạt tài sản từ việc mạo danh thông tin của những cá nhân khác để được cấp tín dụng. Với những thao tác xác minh online như thông tin trên căn cước công dân, thông tin do khách hàng cung cấp, hình ảnh chụp cận mặt… thì vẫn tiềm tàng rủi ro về nguy cơ giả mạo thông tin cá nhân khác nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.
Vì vậy, để đạt được mục tiêu nâng cao trải nghiệm, sự thuận tiện khi sử dụng dịch vụ của khách hàng nhưng đồng thời vẫn đảm bảo an toàn trong hoạt động cho vay thì tổ chức tín dụng cần phải cẩn trọng hơn trong việc xác minh thông tin, đánh giá tính khả tín của khách hàng vay [12] (chẳng hạn như hệ thống sử dụng những câu hỏi xác minh nhân thân của khách hàng bên cạnh việc đối chiếu các thông tin có trên Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư [13]…).
Đồng thời, để tạo điều kiện trong công tác xử lý và thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng đối với các khoản vay được xác lập qua giao dịch trực tuyến, thiết nghĩ Hiệp hội Ngân hàng có thể cân nhắc đến phương án có văn bản kiến nghị đến các cơ quan tư pháp về tính hợp pháp của chứng cứ là dữ liệu điện tử [14] trong hoạt động cho vay của ngành ngân hàng (các khoản vay online) để ngành tư pháp có thể có cái nhìn cởi mở, toàn diện hơn về loại chứng cứ đặc thù này. Tránh trường hợp vẫn còn một số Toà án có cái nhìn chưa thực sự cởi mở về chứng cứ dữ liệu điện tử và cho rằng cần kiến nghị các tổ chức tín dụng việc xác lập, lưu trữ các hợp đồng tín dụng được giao kết với khách hàng dưới dạng văn bản giấy, biên bản giao nhận khi phát hành thẻ tín dụng (dù tổ chức tín dụng đã cung cấp chứng cứ dữ liệu điện tử trích xuất từ hệ thống về việc khách hàng kích hoạt thẻ tín dụng từ số điện thoại được đăng ký khi mở thẻ) dù cho đó là các khoản vay được xác lập qua giao dịch trực tuyến.
5. Chính sách, pháp luật tác động đến hoạt động của các tổ chức tín dụng
Trong năm 2024, các luật quan trọng như Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật các Tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực đã tác động chung đến hoạt động của các tổ chức tín dụng khi tài sản bảo đảm của các khoản vay chiếm phần lớn là quyền sử dụng đất, công trình xây dựng cũng như hoạt động thu hồi và xử lý nợ giai đoạn sau phát vay đều chịu sự tác động của các quy định pháp luật liên quan này.
Hiện nay, các chính sách phát triển tài chính xanh, phát triển bền vững, những cơ hội và thách thức từ thị trường tín chỉ cac-bon cũng ảnh hướng đến định hướng phát triển của các tổ chức tín dụng. Cụ thể, Quyết định số 232/QĐ-TTg ngày 24/01/2025 về việc phê duyệt Đề án Thành lập và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam. Theo Đề án, hàng hóa trên thị trường các-bon gồm 02 loại: (i) Hạn ngạch phát thải khí nhà kính, được phân bổ cho các cơ sở thuộc Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo phương thức miễn phí và phương thức đấu giá (ii) Tín chỉ các-bon được xác nhận giao dịch trên thị trường. Như vậy, một quyền tài sản mới là quyền phát thải đã xuất hiện trong xu thế phát triển bền vững của nhân loại. Bên cạnh những tài sản bảo đảm truyền thống như quyền sử dụng đất, quyền sở hữu công trình xây dựng, hàng hoá, dây chuyền máy móc, trang thiết bị… thì quyền phát thải cũng có thể là tài sản bảo đảm cho các khoản vay [15].
Tuy nhiên, do đây là một quyền tài sản mới, đặc thù nên trong trường hợp nếu quyền tài sản này đủ điều kiện trở thành tài sản bảo đảm thì cơ chế thẩm định ban đầu trước khi cấp tín dụng, phương án xử lý trong trường hợp phải xử lý loại tài sản bảo đảm này cần được tính toán kỹ lưỡng khi thị trường giao dịch quyền tài sản này sẽ được hình thành và vận hành trong tương lai gần [16]. Điều này đòi hỏi các tổ chức tín dụng phải cân nhắc, đo lường mọi rủi ro đối với loại tài sản mới này và có sự chuẩn bị điều kiện về mặt nhân sự thẩm định, nhân sự bán loại tài sản này trong trường hợp phải xử lý tài sản bảo đảm bên cạnh đội ngũ bán tài sản bảo đảm truyền thống là phương tiện vận tải, bất động sản…
Trong thực tiễn, các ngành tiềm năng thực hiện dự án tín chỉ cac-bon chính là những ngành đang phát thải nhiều nhất và chịu áp lực lớn trong giảm phát thải. Cụ thể, đó là các ngành năng lượng; nông nghiệp; sử dụng đất và thay đổi sử dụng đất, lâm nghiệp; các quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm. Trong đó, năng lượng - ngành có phát thải lớn nhất hiện có số lượng dự án tín chỉ cac-bon lớn nhất và thuỷ điện là tiểu ngành đóng góp nhiều dự án tín chỉ cac-bon nhất [17].
Với định hướng đến nhóm dự án năng lượng tái tạo và truyền tải điện là định hướng phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngày 03/02/2025 về tín dụng ưu tiên cho hạ tầng.
Việc bám sát các mục tiêu tăng trưởng, bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội, dự báo, tiên liệu về chính sách, đánh giá sự tác động của các chính sách, quy định pháp luật trong hiện tại, tương lai gần càng rõ ràng, công tác dự báo càng chính xác sẽ là lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh của các tổ chức tín dụng cũng như tránh được những rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động, vận hành.
Tóm lại, để giảm tỷ lệ nợ xấu, kiểm soát được nợ xấu; giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay; chuyển đổi số thành công; thực hiện nhiệm vụ về chương trình tín dụng ưu tiên như chỉ đạo, nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã giao thì những vấn đề trên là những vấn đề các tổ chức tín dụng cần lưu ý trọng định hướng phát triển năm 2025.
[1] Xem thêm Báo cáo tóm tắt ngành Ngân hàng năm 2024 và định hướng năm 2025, https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/trangchu/ttsk/ttsk_chitiet? , truy cập 11/02/2025
[2] https://baochinhphu.vn/thu-tuong-cac-ngan-hang-can-hy-sinh-mot-phan-loi-nhuan-de-giam-lai-suat-cho-vay-ho-tro-nen-kinh-te-nguoi-dan-doanh-nghiep-102250211131329607.htm, truy cập ngày 11/2/2025
[3] https://baochinhphu.vn/thu-tuong-chu-tri-hoi-nghi-thuong-truc-chinh-phu-lam-viec-voi-cac-ngan-hang-thuong-mai-102250212081322146.htm, truy cập ngày 12/02/2025
[4] Xem thêm Báo cáo tóm tắt ngành Ngân hàng năm 2024 và định hướng năm 2025, https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/trangchu/ttsk/ttsk_chitiet? , truy cập ngày 10/2/2025
[5] https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/trangchu/ttsk/ttsk_chitiet?, truy cập ngày 11/02/2025
[6] https://baochinhphu.vn/thu-tuong-cac-ngan-hang-can-hy-sinh-mot-phan-loi-nhuan-de-giam-lai-suat-cho-vay-ho-tro-nen-kinh-te-nguoi-dan-doanh-nghiep-102250211131329607.htm, truy cập 11/02/2025
[7] Xem thêm Điều 307 Bộ Luật Dân sự 2015
[8] Xem thêm Điều 49 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định chung về xử lý tài sản bảo đảm quy định việc xử lý tài sản bảo đảm phải được thực hiện đúng với thỏa thuận của các bên, quy định của Nghị định này và pháp luật liên quan.
[9] https://vietnamnet.vn/can-canh-buc-tranh-no-nhom-5-moi-nhat-cua-cac-ngan-hang-2369463.html, truy cập ngày 10/2/2025
[10] Xem thêm Khoản 1 Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-NHNN quy định về hoạt động mua bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
[11] https://dantri.com.vn/kinh-doanh/thu-tuong-giao-nhiem-vu-nam-moi-cho-nganh-ngan-hang-20250203161300132.htm, truy cập ngày 10/2/2025
[12] Xem thêm khoản 2 Điều 8 Nghị định 70/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước 2023 quy định Tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông, di động, tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử, tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy, tổ chức hành nghề công chứng, thừa phát lại và tổ chức khác được giao thực hiện dịch vụ công khai thác thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua phương thức khai thác thông tin quy định tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 5 Điều 10 Luật Căn cước 2023
[13] Xem thêm Điều 9 Luật Căn cước 2023 quy định Thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Tên gọi khác; Số định danh cá nhân; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Nơi sinh; Nơi đăng ký khai sinh; Quê quán; Dân tộc; Tôn giáo; Quốc tịch; Nhóm máu; Số chứng minh nhân dân 09 số; Ngày, tháng, năm cấp, nơi cấp, thời hạn sử dụng của thẻ căn cước, thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân 12 số đã được cấp; Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân, số chứng minh nhân dân 09 số, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng, con, người đại diện hợp pháp, người được đại diện; Nơi thường trú; Nơi tạm trú; Nơi ở hiện tại; Tình trạng khai báo tạm vắng; Số hồ sơ cư trú; Tình trạng hôn nhân; Mối quan hệ với chủ hộ; Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân, số chứng minh nhân dân 09 số của chủ hộ và các thành viên hộ gia đình; Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích; Số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử; Thông tin khác theo quy định của Chính phủ.
[14] Xem thêm Điều 94 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 (BLTTDS 2015) quy định về nguồn của chứng cứ và Điều 95 BLTTDS 2015
Điều 94. Nguồn chứng cứ
Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây: Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử…
Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
[15] Xem thêm Điều 18 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định tài sản thuộc dự án đầu tư
Chủ đầu tư được dùng dự án đầu tư mà Luật Đầu tư, luật khác liên quan không cấm chuyển nhượng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Chủ đầu tư có thể dùng toàn bộ dự án đầu tư, quyền tài sản của mình về khai thác, quản lý dự án đầu tư và quyền tài sản khác hoặc tài sản khác thuộc dự án đầu tư để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
[16] Xem thêm Mục II Quyết định số 232/QĐ-TTg ngày 24/01/2025 phê duyệt Đề án Thành lập và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam: Giai đoạn từ năm 2029 chính thức vận hành sàn giao dịch các-bon trong nước.
[17] https://diendandoanhnghiep.vn/nhung-nganh-nao-co-tiem-nang-thuc-hien-du-an-tin-chi-carbon-260013.html, truy cập ngày 11/02/2025
DƯƠNG THỊ CHIẾN
Công ty Luật TNHH Pros Legal