Ảnh minh họa.
So với Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 1999, thì Điều 181 Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung hành vi “cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn”. Việc nhà làm luật bổ sung hành vi này là đáp ứng yêu cầu thực tiễn đòi hỏi phải xử lý hình sự về hành vi này. Đây là quy định mới nên chỉ áp dụng đối với hành vi xảy ra từ ngày 01/01/2018 (ngày Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực).
Cũng như Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 1999, Điều 181 Bộ luật Hình sự năm 2015 không cấu tạo nhiều khoản như các điều luật khác nhưng lại quy định 03 hành vi phạm tội khác nhau, gồm: hành vi cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ; hành vi cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; hành vi cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn.
Các hành vi trên đều có cùng tính chất nên nhà làm luật quy định chung trong cùng một điều luật. Tuy nhiên khi định tội, nhất là ghi trong các quyết định tố tụng cần chú ý:
- Nếu chỉ có hành vi cưỡng ép kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, mà không có các hành vi khác thì trong các quyết định tố tụng chỉ ghi: “Cưỡng ép kết hôn trái với sự tự nguyện của họ” mà không ghi đầy đủ như điều luật;
- Nếu chỉ có hành vi cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, mà không có các hành vi khác thì ghi: “Cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ”;
- Nếu chỉ có hành vi cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn mà không có các hành vi khác thì ghi: “Cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn”;
- Nếu người phạm tội vừa có hành vi cưỡng ép kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, vừa có hành vi cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ thì ghi: “Cưỡng ép kết hôn trái với sự tự nguyện của họ và cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ” (thay dấu phẩy (,) bằng kết từ “và”).
Chủ thể của tội phạm
Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ cũng phải bảo đảm các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12 và 21 Bộ luật Hình sự.
Chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này, vì theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật Hình sự (không có Điều 181).
Đối với người trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự (Điều 13 Bộ luật Hình sự).
Khách thể của tội phạm
Khách thể của Tội "Cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện" xâm phạm đến quan hệ hôn nhân tự do, tiến bộ. Các quan hệ này không chỉ được Hiến pháp, Luật Hôn nhân và Gia đình ghi nhận, mà trực tiếp xâm phạm đến quyền kết hôn, quyền ly hôn giữa nam và nữ.
Liên quan đến vấn đề khách thể của tội phạm này, mà dư luận rất quan tâm, đó là vấn đề: Kết hôn đồng giới có thuộc trường hợp bị cấm hay không? Nếu những người đồng giới bị cưỡng ép kết hôn hoặc đã kết hôn rồi mà xin ly hôn nhưng bị cản trở ly hôn thì hành vi cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở ly hôn có coi là hành vi phạm tội hay không? Đây là vấn đề toàn thế giới quan tâm, có nước công nhận, có nước không công nhận việc kết hôn đồng giới.
Hôn nhân đồng giới là vấn đề nhạy cảm rất cao không chỉ ở Việt Nam mà cả trên toàn thế giới, ngay cả với những nước phát triển. Hôn nhân đồng giới là hôn nhân giữa hai người có cùng giới tính sinh học, đồng cảm, chia sẻ với nhau những khó khăn trong cuộc sống. Những người cùng giới tính họ cũng mong ước giống như người bình thường, đó là được chung sống trong một gia đình với người mình yêu, được quan tâm, chăm sóc, do đó dẫn đến tình trạng kết hôn giữa những người cùng giới tính.
Ở nước ta, khi sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, Quốc hội cũng thảo luận rất sôi nổi. Nhiều đại biểu cho rằng Nhà nước ta nên công nhận, nhưng cũng không ít đại biểu phản đối, vì kết hôn đồng giới là không thể đạt được mục đích hôn nhân, trái với phong tục, tập quán của người Việt Nam…
Nếu trước đây, theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì việc kết hôn giữa những người đồng giới bị cấm và theo Nghị định 87/2001/NĐ-CP ngày 21/11/2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình thì hành vi kết hôn giữa những người có cùng giới tính sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng. Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2015, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có hiệu lực, Nhà nước đã bỏ điều cấm này và thay bằng khoản 2 Điều 8 với nội dung: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ đã bỏ quy định xử phạt hành chính đối với người kết hôn đồng giới.
Như vậy, theo quy định trên thì hôn nhân đồng tính không còn bị cấm. Người đồng tính có thể tổ chức hôn lễ, chung sống với nhau nhưng về pháp luật thì không được coi như vợ chồng và không thể đăng ký kết hôn với cơ quan nhà nước. Đây là kết quả của quá trình vận động và thảo luận xã hội trong nhiều năm qua, dẫn đến việc các nhà làm luật đã nhìn nhận tích cực hơn về quyền kết hôn, bình đẳng của người đồng tính và các cặp đôi cùng giới. Do đó, nếu những người đồng giới bị cưỡng ép kết hôn hoặc đã kết hôn rồi mà xin ly hôn nhưng bị cản trở ly hôn thì hành vi cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở ly hôn không bị coi là hành vi phạm tội. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, pháp luật không cho nhưng cũng không cấm mà những người kết hôn đồng giới hoặc ly hôn lại bị cưỡng ép hoặc cản trở thì phải coi là hành vi phạm tội. Đây là vấn đề mới, rất cần sự hướng dẫn của cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương để các địa phương áp dụng thống nhất.
Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm
Người phạm Tội "Cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện" có thể thực hiện một trong các hành vi sau đây:
Cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ là bằng thủ đoạn hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc bằng thủ đoạn khác buộc người khác phải kết hôn trái với nguyện vọng của họ. Ví dụ: Cháu Trần Thị Huyền Tr không muốn kết hôn với một người Hàn Quốc có tên là Park Chul In, nhưng vì bố mẹ cháu Tr đã nhận của Park Chul In số tiền 40.000 USD nên đã ép cháu Tr phải kết hôn với ông Park Chul In. Vì sợ bị đánh, bị ngược đãi nên cháu Tr buộc phải kết hôn với ông Park Chul In.
Hành hạ là hành vi của một người đối xử tàn ác với người khác (thông thường là đối với người lệ thuộc mình) một cách có hệ thống (lặp đi lặp lại nhiều lần), gây đau đớn về thể xác và tinh thần cho người bị hành hạ.
Người phạm tội có những hành vi đối xử tàn ác đối với người lệ thuộc mình như đánh đập và những hành động bạo lực khác một cách có hệ thống, được lặp đi lặp lại nhiều lần.
Thông thường, hành vi hành hạ được lặp đi lặp lại và kéo dài vài ngày, vài tuần, thậm chí hàng tháng, hàng năm. Hành vi này không chỉ gây đau đớn về thể xác mà còn gây đau khổ về tinh thần cho người bị hành hạ, nếu hành vi này có gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị hành hạ, thì cũng chỉ là thương tích nhẹ chưa tới mức bị truy cứu về tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Hành vi hành hạ người khác trong Tội "Cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện" cũng tương tự như hành vi hành hạ trong một số tội phạm khác, chỉ khác nhau ở mục đích của người phạm tội.
Người bị hành hạ chủ yếu là người có quan hệ lệ thuộc với người phạm tội. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp giữa người phạm tội với người bị hành hạ không có mối quan hệ lệ thuộc.
Mối quan hệ lệ thuộc giữa người phạm tội với người bị hành hạ là lệ thuộc về vật chất, về tinh thần. Mối quan hệ này bắt nguồn từ quan hệ hôn nhân (vợ chồng), quan hệ huyết thống (cha mẹ với các con, ông bà với các cháu), quan hệ nuôi dưỡng (cha mẹ nuôi với con nuôi, người đỡ đầu với người được đỡ đầu), quan hệ công tác (thủ trưởng với nhân viên), quan hệ thầy trò, quan hệ tôn giáo, quan hệ giữa người làm công với chủ, nhất là đối với một số nhà hàng, khách sạn tư nhân... Tuy nhiên, người bị hành hạ trong Tội "Cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện" chủ yếu bắt nguồn từ quan hệ huyết thống.
Ngược đãi là hành vi đối xử một cách tàn nhẫn, trái với lẽ phải, với đạo đức giữa bố mẹ đối với con cái, giữa ông bà đối với các cháu, giữa vợ chồng với nhau... Tuy nhiên, người bị ngược đãi trong Tội "Cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện" chủ yếu là hành vi đối xử một cách tàn nhẫn của bố mẹ đối với con cái, ông bà đối với các cháu.
Cưỡng ép là cưỡng bức và ép buộc người khác phải làm theo ý mình; đối với hành vi cưỡng ép người khác kết hôn hoặc ly hôn trái với sự tự nguyện của họ, tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi không chỉ giới hạn ở chỗ hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần mà còn trực tiếp xâm phạm nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người bị cưỡng ép thì người phạm tội còn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng với hành vi và hậu quả do hành vi đó gây ra, như: nếu dùng vũ lực để cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ gây ra hậu quả chết người thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người, nếu gây ra thương tích có tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích...
Cản trở người khác kết hôn là ngăn cấm không cho nam và nữ kết hôn với nhau mặc dù họ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình. Hành vi cản trở kết hôn cũng có thể được thực hiện bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc thủ đoạn khác, nhưng chủ yếu bằng thủ đoạn yêu sách của cải (thách cưới, đặt điều kiện rất khó thực hiện để cản trở việc kết hôn của hai người nam và nữ...). Trong điều kiện xã hội ngày một văn minh, thì hành vi cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ lại bằng những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn trước, ngay việc yêu sách của cải cũng không còn trắng trợn, mang tính chất phong kiến như trước, mà nó tinh vi, khó nhận thấy.
Cản trở người khác duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ là tìm mọi cách chấm dứt quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ đang tồn tại. Nếu ở hành vi trên, người phạm tội tìm mọi cách ngăn cấm kết hôn, thì ở hành vi này người phạm tội lại tìm cách phá vỡ quan hệ hôn nhân đang tồn tại. Hành vi cản trở người khác duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ có thể dẫn đến quan hệ hôn nhân tan vỡ, nhưng cũng có thể quan hệ hôn nhân đó không bị tan vỡ nhưng cũng làm cho cuộc sống chung vợ chồng xáo trộn.
Tất cả các hành vi “cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện” nếu chưa bị xử phạt hành chính về hành vi này thì chưa cấu thành tội phạm.
Dấu hiệu đã bị xử phạt hành chính là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm và cũng là dấu hiệu để phân biệt hành vi phạm tội với hành vi vi phạm.
Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm là trước đó đã có lần có hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc đã có lần cản trở kết hôn, cản trở duy trì hôn nhân tự nguyện, cản trở ly hôn tự nguyện đã bị xử phạt hành chính bằng một trong những hình thức xử phạt hành chính hoặc bằng một trong những hình thức xử lý hành chính khác theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính (01 năm), nay lại có hành vi vi phạm cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc đã có lần cản trở kết hôn, cản trở duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện. Nếu trước đó người phạm tội tuy có bị xử lý hành chính, nhưng về hành vi khác không phải là hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc đã có lần cản trở kết hôn, cản trở duy trì hôn nhân tự nguyện, cản trở ly hôn tự nguyện thì cũng không cấu thành tội phạm này.
Hậu quả của hành vi “cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện” là những thiệt hại về vật chất, tinh thần mà người phạm tội gây ra cho người khác và cho xã hội, mà chủ yếu là đối với bị hại.
Hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện có thể gây ra một trong những thiệt hại sau: làm cho việc kết hôn, ly hôn trái với sự tự nguyện của một bên hoặc cả hai bên nam và nữ; làm cho việc kết hôn tự nguyện, tiến bộ, việc ly hôn tự nguyện không thực hiện được; làm cho quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ không được duy trì, bị tan vỡ; làm cho quyền tự do ly hôn không được thực hiện theo quy định của pháp luật; gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích; gây ra dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến chính sách của Đảng và Nhà nước về các quyền của công dân, nhất là đối với chế độ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.
Mặc dù hậu quả có xảy ra hay không cũng không có ý nghĩa trong việc xác định hành vi phạm tội, mà chỉ có ý nghĩa trong việc xác định tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội để quyết định hình phạt. Hậu quả của tội phạm này không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành. Tuy nhiên, nếu hành vi phạm tội đã gây ra hậu quả thì người phạm tội sẽ phải chịu một hình phạt nặng hơn trường hợp chưa gây ra hậu quả.
Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội thực hiện hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là “cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện” trái với sự tự nguyện của bị hại, thấy trước được hậu quả và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Đối với Tội "Cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện", người phạm tội bao giờ cũng mong muốn cho hậu quả xảy ra. Mục đích là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.
Khi xác định hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện, cần phân biệt với một số tội như: tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình (Điều 185); tội bức tử (Điều 130); tội hành hạ người khác (Điều 140); tội làm nhục người khác (Điều 155); tội dùng nhục hình (Điều 373); tội bức cung (Điều 374); tội làm nhục, hành hung người chỉ huy hoặc cấp trên (Điều 319); tội làm nhục đồng đội (Điều 397)… Đối với các tội phạm này, nếu người phạm tội có thực hiện hành vi hành hạ, ngược đãi thì hành vi này không nhằm mục đích buộc người khác “cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện” mà người phạm tội nhằm mục đích khác.
Thạc sĩ, Luật sư ĐINH VĂN QUẾ
Lãi suất chậm thanh toán trong tranh chấp hợp đồng xây dựng: Thực tiễn xét xử và hướng giải quyết