/ Luật sư - Bạn đọc
/ Tội 'Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đến người khác để trục lợi'

Tội 'Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đến người khác để trục lợi'

29/04/2024 05:40 |

(LSVN) - Tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đến người khác để trục lợi" là một trong các tội danh thuộc nhóm tội phạm về tham nhũng và chức vụ theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tội danh này xử lý đối với chủ thể đặc biệt là người có chức vụ, quyền hạn nhưng đã sử dụng chức vụ quyền hạn như một công cụ để thực hiện hành vi phạm tội. Hành vi phạm tội trong trường hợp này là sử dụng chức vụ quyền hạn của mình để tác động, gây ảnh hưởng đến người có chức vụ quyền hạn khác thực hiện công việc theo yêu cầu, đề nghị của mình để trục lợi từ bên thứ ba.

Ảnh minh họa.

Trong mối quan hệ này có ba bên, trong đó có hai bên là người có chức vụ quyền hạn, bên thứ ba là bên đã đưa tiền, lợi ích vật chất cho người phạm tội để người phạm tội tác động đến người có chức vụ quyền hạn trực tiếp nhằm thực hiện công việc theo yêu cầu, có lợi của người đưa lợi ích. 

Tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đến người khác để trục lợi" là một trong các tội phạm về tham nhũng và chức vụ được quy định tại Điều 358, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cụ thể, tội danh và hình phạt được quy định như sau:

Điều 358. Tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi"

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đòi, nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây dưới mọi hình thức để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đến người khác để trục lợi" có hình phạt cao nhất là 20 năm tù hoặc tù chung thân, nếu số tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác mà người phạm tội nhận được từ 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 5.000.000.000 đồng trở lên.

Điều đáng lưu ý là với tội danh này có hai người có chức vụ quyền hạn, một người là người phạm tội, là người đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để nhận tiền, lợi ích vật chất của người khác. Để được hưởng tiền, lợi ích vật chất đó thì người phạm tội đã gây ảnh hưởng, tác động đến người có chức vụ quyền hạn khác để người này thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa lợi ích. Người có chức vụ quyền hạn này không biết về việc có thỏa thuận lợi ích để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa lợi ích. 

Nếu trong mối quan hệ ba bên này, cả ba bên đều biết là sẽ nhận lợi ích để người có chức vụ quyền hạn thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa lợi ích thì sẽ không xử lý về tội danh này mà xử lý về nhiều tội danh khác nhau trong đó có tội: "Đưa hối lộ"; "Nhận hối lộ" và "Môi giới hối lộ". Trong tình huống này, cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ chứng minh đã có việc thỏa thuận giữa người có chức vụ quyền hạn với người khác để thực hiện công việc theo yêu cầu và người có chức vụ quyền hạn được hưởng lợi ích. Tuy nhiên, người có chức vụ quyền hạn không phải là người trực tiếp có thẩm quyền giải quyết công việc của người đưa tiền, đưa lợi ích, chính vì vậy, không xử lý được về tội "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ". Hành vi này không phải là đưa hối lộ, nhận hối lộ vì người nhận lợi ích không phải là người có chức vụ quyền hạn trực tiếp liên quan đến công việc của người đã đưa lợi ích. Tuy nhiên, sau khi nhận lợi ích hoặc sau khi có thỏa thuận về lợi ích được hưởng thì người này đã dùng ảnh hưởng của mình tác động đến người có chức vụ quyền hạn khác (chính là người có chức vụ quyền hạn trực tiếp liên quan đến công việc mà người đưa lợi ích đang hướng đến). Nếu những người có chức vụ quyền hạn này có thỏa thuận với người đưa tiền, đưa lợi ích để thực hiện công việc theo yêu cầu của họ thì người có chức vụ quyền hạn sẽ bị xử lý về tội nhận hối lộ, môi giới hối lộ. Còn người đưa lợi ích sẽ bị xử lý về tội "Đưa hối lộ".

Trong mối quan hệ này thì có thể sẽ không xử lý hình sự đối với người đưa tiền cho người phạm tội, cũng không xử lý hình sự đối với người có chức vụ quyền hạn đã thực hiện công việc do bị tác động từ người phạm tội theo Điều 358, Bộ luật Hình sự. Trừ trường hợp những người này có hành vi khác cấu thành tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" hoặc tội "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ" trong các giao dịch khác (nếu có).

Nếu nhận tiền mà không tác động theo thỏa thuận với người đưa tiền thì không xử lý về tội danh này mà có thể xử lý về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". 

Tiến sĩ, Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Thuê giấy phép lái xe để đối phó phạt nguội là hành vi coi thường pháp luật

Nguyễn Hoàng Lâm