/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Tội 'Môi giới mại dâm' - Bất cập và giải pháp hoàn thiện

Tội 'Môi giới mại dâm' - Bất cập và giải pháp hoàn thiện

24/11/2023 07:07 |

(LSVN) - Tội "Môi giới mại dâm" được quy định tại Điều 328, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung tiến bộ hơn so với quy định của các Bộ luật Hình sự trước đó. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu và áp dụng pháp luật, tác giả nhận thấy còn nhiều bất cập dẫn đến vướng mắc, thiếu thống nhất trong nhận thức và áp dụng các quy định của pháp luật trong thực tiễn.

Ảnh minh họa.

1. Quy định của Luật

So với Điều 255 Bộ luật Hình sự năm 1999 thì Điều 328 Bộ luật Hình sự năm 2015 có nhiều quy định tiến bộ, phù hợp thực tiễn hơn, cơ bản đáp ứng được mục đích, yêu cầu công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm mại dâm nói riêng.

Cấu thành tội phạm cơ bản của tội danh quy định tại khoản 1 Điều 328 Bộ luật Hình sự đã bổ sung thêm các thuật ngữ pháp lý để làm rõ hơn hành vi khách quan của tội "Môi giới mại dâm": "...làm trung gian dụ dỗ, dẫn dắt để người khác thực hiện việc mua dâm, bán dâm", thay vì chỉ quy định: "...dụ dỗ hoặc dẫn dắt người mại dâm". Mức độ phạm tội được giảm xuống, đồng thời với đó là mức độ hình phạt cho tội này cũng giảm xuống. Khung hình phạt cơ bản tại khoản 1 Điều 328 Bộ luật Hình sự hiện đã được giảm xuống còn "từ 06 tháng đến 03 năm", điều này đồng nghĩa với việc theo quy định của Bộ luật Hình sự về tội "Môi giới mại dâm" thuộc khung cơ bản đã chuyển thành tội ít nghiêm trọng.

Tại khoản 2 đã giảm mức hình phạt tù tối đa đối với người phạm tội xuống còn 07 năm chuyển thành tội nghiêm trọng, có lợi cho người phạm tội hơn so với khoản 2 Điều 255 Bộ luật Hình sự năm 1999. Sửa đổi một số cách diễn đạt như: Phạm tội "đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi", "phạm tội nhiều lần", "đối với nhiều người " được sửa lại thành trường hợp phạm tội "đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi", "phạm tội hai lần trở lên", "đối với hai người trở lên". Bỏ tình tiết định khung tăng nặng "gây hậu quả nghiêm trọng khác" và bổ sung tình tiết "thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng".

Tại khoản 3 đã bỏ tình tiết tăng nặng "gây hậu quả rất nghiêm trọng" và bổ sung tình tiết "thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên".

Việc bổ sung tình tiết tăng nặng định khung thu lợi bất chính với số tiền thu lợi được quy định cụ thể là phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn, tạo cơ sở pháp lí để các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng áp dụng nhằm xử lí người phạm tội tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà người đó đã thực hiện.

Cụ thể, Điều 328 Bộ luật Hình sự quy định:

1. Người nào làm trung gian dụ dỗ, dẫn dắt để người khác thực hiện việc mua dâm, bán dâm, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi;

b) Có tổ chức;

c) Có tính chất chuyên nghiệp;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Đối với 02 người trở lên;

e) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;

b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Khi áp dụng pháp luật chúng ta cần chú ý:

- Về khách thể của tội phạm: Tội phạm trực tiếp xâm phạm đến trật tự công cộng, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

- Về mặt khách quan của tội phạm:

Hành vi: Hành vi môi giới mại dâm của người phạm tội được thực hiện với thủ đoạn khác nhau như: dụ dỗ hoặc dẫn dắt với vai trò người làm trung gian để các bên thực hiện việc mua dâm, bán dâm. Trước hết phải xác định người phạm tội "Môi giới mại dâm" phải là người làm trung gian cho người mua dâm và người bán dâm, nhưng không nhất thiết phải biết cụ thể người bán dâm cho người nào hoặc người mua dâm với ai. Khi xác định hành vi môi giới mại dâm cần phân biệt với hành vi của người đồng phạm trong vụ án chứa mại dâm có tổ chức; nếu tách riêng hành vi của người đồng phạm thì chỉ có thể xác định là hành vi môi giới mại dâm nhưng hành vi này là hành vi giúp sức cho việc chứa mại dâm. Ngược lại, người có hành vi tưởng như đó là hành vi chứa mại dâm nhưng đó là hành vi môi giới mại dâm, nếu như hành vi đó không phải là đồng phạm trong vụ án chứa mại dâm.

Trường hợp một hoặc một số người (thường là những người đã có nhiều tiền án, tiền sự) “chăn dắt” một số gái mại dâm để chuyên cung cấp cho các khách sạn, nhà nghỉ khi có yêu cầu thì cần phân biệt: nếu có sự bàn bạc, thỏa thuận từ trước, thành đường dây "gái gọi" thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa mại dâm với vai trò đồng phạm, nếu không có sự bàn bạc, thỏa thuận từ trước thì truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Môi giới mại dâm" với các tình tiết định khung là: Có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, phạm tội hai lần trở lên, đối với hai người trở lên hoặc tái phạm nguy hiểm.

Hậu quả: hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm mà chỉ có ý nghĩa trong việc định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.

- Về mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý (người phạm tội biết rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi đó);

- Về chủ thể của tội phạm: có thể là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên không ở trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự.

2. Vướng mắc, bất cập

Một là, các quy định của Bộ luật Hình sự chưa thống nhất về hành vi giao cấu và hành vi quan hệ tình dục khác.

Tình huống: Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Q., kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ massage do bà T làm chủ. Qua kiểm tra, phát hiện các nhân viên massage (cả nam và nữ, có nhân viên dưới 18 tuổi) đã dùng tay, chân, miệng để kích dục cho khách hàng, khách hàng trả tiền để thư giãn. Theo các khái niệm được quy định tại Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 thì: Mại dâm là hành vi mua, bán dâm; Mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu; Bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác. Như vậy, hành vi của bà Lê Thị T. chưa đủ yếu tố để cấu thành hành vi quy định tại Điều 328 Bộ luật Hình sự vì chưa có hành vi "giao cấu". Bà Lê Thị T. có bị xử lý hình sự hay không, hay chỉ dừng lại ở mức độ xử lý vi phạm hành chính.

Trong khi đó, Bộ luật Hình sự quy định về các tội phạm tình dục, thì ngoài hành vi giao cấu, nhà làm luật còn coi các hành vi quan hệ tình dục khác cũng được xử lý như giao cấu để xử lý về các tội "Hiếp dâm" (Điều 141, 142), Tội "Cưỡng dâm" (Điều 143, 144), tội "Giao cấu hoặc thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác đối với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi" (Điều 145)... Tại khoản 1, 2 Điều 3 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi (Nghị quyết số 06/2019) quy định: Giao cấu quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 của Bộ luật Hình sự là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào. Hành vi quan hệ tình dục khác quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 của Bộ luật Hình sự là hành vi của những người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào, bao gồm một trong các hành vi: Đưa bộ phận sinh dục nam xâm nhập vào miệng, hậu môn của người khác; dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn của người khác.

Đồng thời, hiện nay ngoài các hành vi mại dâm nữ, còn có mại dâm nam, đồng tính… các hành vi trên sẽ không chịu sự điều chỉnh của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 và Bộ luật Hình sự cũng chưa có quy định xử lý hành vi này.

Hai là, khó khăn trong việc định tội danh. Điều 329 Bộ luật Hình sự quy định về Tội mua dâm người dưới 18 tuổi có nội dung "… trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 142 của Bộ luật này…", nhưng trong Điều 328 Bộ luật Hình sự lại không có quy định này trong cấu thành hành vi. Đồng thời, Điều 328 Bộ luật Hình sự chỉ dừng lại ở việc quy định môi giới mại dâm cho người từ đủ 13 tuổi trở lên. Vậy hành vi môi giới mại dâm đối với người dưới 13 tuổi thì cấu thành tội phạm gì? Hiện nay, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể vấn đề này và vẫn còn tồn tại hai quan điểm trái chiều:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Nên đề xuất hành vi môi giới mại dâm người dưới 13 tuổi vào cấu thành tăng nặng của điều luật. Bởi nó thể hiện tính nguy hiểm cao cho xã hội, xâm phạm đến đối tượng đang trong giai đoạn phát triển tâm sinh lý bình thường của một con người.

Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả: Hiện nay, các hành vi giao cấu và quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi đều cấu thành "Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi" quy định tại điểm b khoản 1 Điều 142 Bộ luật Hình sự. Cho nên, hành vi môi giới này phải cấu thành tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi" với vai trò đồng phạm. 

Ba là, trường hợp người môi giới mại dâm biết rõ người mua, bán dâm bị bệnh truyền nhiễm khác với HIV, các bệnh này cũng là những căn bệnh nguy hiểm cao cho xã hội như: Lậu, Giang mai, Herpes sinh dục, Sùi mào gà, Viêm gan B… không thuộc trường hợp quy định tại Điều 149 Bộ luật Hình sự thì có phạm tội hay không? Nếu có thì phạm tội gì? Trong khi đó, Bộ luật Hình sự chỉ dừng lại ở quy định cho bệnh HIV.

Bốn là, hiện nay các đối tượng môi giới mại dâm lợi dụng Internet, mạng xã hội để lập ra các tài khoản, hội, nhóm kín có chứa thông tin người bán dâm để người mua dâm liên hệ, lựa chọn, hành vi này diễn ra tinh vi, rất khó phát hiện nhưng Luật vẫn chưa có quy định định khung tăng nặng nào cho hành vi trên.

3.  Đề xuất, kiến nghị

Để áp dụng pháp luật một cách thống nhất và hiệu quả, tác giả đề xuất, kiến nghị một số nội dung sau:

Một là, để đảm bảo sự thống nhất trong áp dụng Bộ luật Hình sự, chúng ta cần hiểu: mua dâm là “hành vi dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác”; bán dâm là “hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác”. Do đó, cần bổ sung hành vi quan hệ tình dục khác vào hành vi khách quan của tội phạm, nạn nhân của tội phạm có thể là người thuộc bất kỳ giới tính nào (nam, nữ, đồng tính, lưỡng tính hoặc chuyển giới)… Mở rộng hành vi khách quan (coi hành vi giao cấu và hành vi quan hệ tình dục khác là tương xứng) của tội phạm này, thể hiện rõ hơn bản chất, tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội.

Hai là, bổ sung cụm từ "… trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 142 của Bộ luật này…" vào phần mô tả hành vi của điều luật để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, cụ thể:

"Điều 328. tội "Môi giới mại dâm"

1. Người nào làm trung gian dụ dỗ, dẫn dắt để người khác thực hiện việc trả tiền, lợi ích vật chất khác hoặc nhận tiền, lợi ích vật chất khác nhằm giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 142 của Bộ luật này thì...".

Ba là, nên bổ sung quy định về việc lợi dụng Internet, mạng xã hội để phạm tội và hành vi cố ý làm lây lan bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho xã hội (không thuộc trường hợp quy định tại Điều 149 Bộ luật Hình sự) vào trong cấu thành tăng nặng Điều 328 Bộ luật Hình sự.

Bốn là, Pháp lệnh phòng chống mại dâm năm 2003 ra đời từ rất lâu, có nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tiễn. Do vậy, thời gian tới Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao cần có hướng dẫn cụ thể về việc định tội danh trong trường hợp môi giới mại dâm người dưới 13 tuổi để áp dụng thống nhất pháp luật.

VÕ MINH TUẤN

Tòa án Quân sự Khu vực 1 Quân khu 5

Một số vướng mắc, bất cập về áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn theo quy định của BLTTHS 2015

Nguyễn Hoàng Lâm