Tội phạm môi trường và các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

18/03/2022 14:52 | 2 năm trước

(LSVN) - Mỗi năm, Việt Nam thiệt hại do ô nhiễm môi trường tương đương với 5% GDP. Nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay ở nước ta có nhiều, nhưng các nguyên nhân chính gồm: những bất cập của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tính răn đe của các quy định xử lý vi phạm pháp luật môi trường còn thấp; ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường chưa cao... Vì vậy, xác định, quy định cụ thể các chế tài nghiêm minh, đủ sức răn đe trừng phạt các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường là một trong những biện pháp phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật môi trường là rất cần thiết, góp phần bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững đất nước. Bài viết này tập trung phân tích về những hành vi vi phạm pháp luật về BVMT và các chế tài xử lý vi phạm.

Ảnh minh họa. 

Thực trạng

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm môi trường và các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT) diễn biến rất phức tạp, phổ biến trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Tội phạm môi trường đã hủy hoại, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu, chất lượng môi trường suy giảm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe của nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Trên một số địa bàn, lĩnh vực, hoạt động tội phạm và vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT gây phức tạp tình hình an ninh trật tự, trong đó điển hình ở một số lĩnh vực sau:

Lĩnh vực công nghiệp, xây dựng cơ bản, môi trường đô thị

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay cả nước có 230 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 96 khu công nghiệp đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng; 613 cụm công nghiệp cùng với hàng ngàn làng nghề đã hình thành, đang hoạt động (khoảng 1.800 làng nghề), giải quyết việc làm, thu nhập cho hàng triệu lao động. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái tại các làng nghề không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt và sức khỏe của những người dân làng nghề mà còn ảnh hưởng đến cả những người dân sống ở vùng lân cận, gây phản ứng quyết liệt của một bộ phận dân cư, làm nảy sinh các xung đột xã hội gay gắt. Ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn cũng đang ở mức báo động do việc quy hoạch các khu đô thị chưa gắn liền với vấn đề xử lý chất thải, xử lý nước thải...

Nguyên nhân chủ yếu của các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay, trước hết là do ý thức chấp hành pháp luật của các chủ doanh nghiệp, chủ các nguồn thải; nhà đầu tư chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế, không quan tâm đầy đủ đến công tác BVMT, thực hiện pháp luật về BVMT. Thậm chí có những chủ doanh nghiệp, chủ các nguồn thải cố tình vi phạm pháp luật, như có hệ thống thu gom, xử lý chất thải, nước thải, nhưng cố tình không vận hành, xây dựng hệ thống ngầm xả nước thải, chất thải chưa được xử lý theo quy định thẳng ra môi trường; nhất là trong lĩnh vực xây dựng cơ bản gần như bị xem nhẹ trong thời gian dài, các yêu cầu BVMT trong quá trình triển khai dự án hầu như chỉ mang tính thủ tục, thiếu cơ chế giám sát thực hiện.

Lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, đa dạng sinh học

Hiện cả nước có trên 1.500 tổ chức tham gia hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, nhưng hầu hết đều không chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật về BVMT. Các hành vi vi phạm phổ biến là: không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch, đề án BVMT trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản; không thực hiện việc xây dựng công trình xử lý nước thải hoặc thực hiện không đúng những nội dung xây dựng công trình xử lý chất thải trong bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường; xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép; không phục hồi, hoàn thổ hoàn nguyên môi trường sau khai thác...

Trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, theo thống kê sơ bộ, mỗi năm bình quân xảy ra 7.000-8.000 vụ phá rừng, làm mất gần 6.000 ha/năm; khoảng gần 20.000 vụ vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép; hàng trăm vụ việc săn bắt, vận chuyển động vật hoang dã quý hiếm.

Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, làng nghề

Hiện nay, cả nước có 98 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, trong đó chỉ có khoảng 1/3 tổng số cơ sở nằm trong các khu công nghiệp tập trung, còn lại nằm rải rác ở các vùng nông thôn, xen kẽ trong các khu dân cư gây khó khăn cho công tác quản lý, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Cả nước hiện có 260 kho thuốc bảo vệ thực vật, chủ yếu là các loại thuốc quá hạn sử dụng là tang vật của một số vụ việc vi phạm chưa được xử lý gây tác động xấu đến môi trường, ô nhiễm nặng tới môi trường đất và nguồn nước.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cùng với việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản, trồng cây lương thực, hoa màu kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là ô nhiễm nguồn nước tại các sông, kênh, hồ, mương, đồng ruộng, ô nhiễm không khí ở khu vực nông thôn.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do phần lớn lượng chất thải từ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản không được xử lý mà thải trực tiếp ra kênh mương, đồng ruộng; lạm dụng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật; vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật không được thu gom, xử lý triệt để. Công tác quy hoạch vùng chăn nuôi, quản lý môi trường ở khu vực nông nghiệp, nông thôn chưa được quan tâm đúng mực, gần đây mới chỉ chú trọng đến việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với hàng nông sản thực phẩm. Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ tình trạng công nghệ sản xuất ở các làng nghề rất lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ thường là hộ gia đình, không đủ năng lực tài chính, kỹ thuật để đầu tư công nghệ xử lý chất thải. Mặt khác, cũng do hiểu biết và ý thức BVMT của nhân dân còn hạn chế, do tập quán, lịch sử để lại, mặt khác có không ít cơ sở tại các làng nghề chỉ chạy theo lợi nhuận, cố tình không xử lý chất thải nhằm giảm thiểu chi phí; chưa có cơ quan quản lý nhà nước về môi trường ở các làng nghề hoặc công tác quản lý môi trường lĩnh vực này còn lỏng lẻo, hạn chế và chồng chéo.

Lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu và quản lý chất thải nguy hại

Tình trạng nhậu khẩu trái phép rác thải công nghiệp, chất thải nguy hại, phế liệu chưa được làm sạch vào Việt Nam diễn biến phức tạp. Mỗi năm có hàng trăm nghìn tấn rác thải, phế liệu được nhập khẩu vào nước ta như nhựa phế liệu, sắt phế liệu, thiết bị máy tính cũ, ắc quy chì cũ... Có dấu hiệu hình thành các băng, ổ nhóm, đường dây vận chuyển, kinh doanh rác.

Trong lĩnh vực quản lý chất thải nguy hại, số lượng chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất công nghiệp, làng nghề, lĩnh vực y tế, từ các vụ vi phạm pháp luật trong nhập khẩu phế liệu... rất lớn (tính riêng lượng chất thải nguy hại từ các làng nghề trên toàn quốc ước đạt trên 2.800 tấn/ngày) nhưng chưa được xử lý đúng quy định pháp luật.

Lĩnh vực môi trường y tế và an toàn vệ sinh thực phẩm

Hiện nay, trên toàn quốc có khoảng 13.640 cơ sở khám chữa bệnh các loại với tổng số hơn 220.000 giường bệnh. Với số lượng như trên, tổng lượng chất thải rắn y tế phát sinh khoảng 500 tấn/ngày, trong đó tỷ lệ chất thải y tế nguy hại chiếm khoảng 20%, chưa tính hàng triệu m3 nước thải y tế. Nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác quản lý chất thải y tế chưa được chú trọng, bị buông lỏng trong một thời gian dài trước khi có những vụ việc mang tính cảnh báo. Nhu cầu khám chữa bệnh tăng cao trong khi kinh phí đầu tư hạ tầng của các cơ sở khám chữa bệnh chưa đáp ứng, có tình trạng vừa hoạt động vừa xây dựng. Một số bệnh viện, cơ sở y tế và nhân viên coi thường pháp luật, cố tình thực hiện hành vi vi phạm vì động cơ vụ lợi.

Trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, tình hình vi phạm diễn ra rất nghiêm trọng, nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua đường thực phẩm, số người mắc bệnh và tử vong do ăn phải thực phẩm không an toàn ngày một tăng cao. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do sự suy giảm đạo đức kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp, cá nhân, chỉ chú trọng lợi nhuận, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng. Thói quen, ý thức tiêu dùng, mức sống của một bộ phận nhân dân, nhất là khu vực nông thôn còn thấp, thường không đề cao chất lượng, chủ yếu chỉ chú ý giá cả…

Tội phạm môi trường và các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT có yếu tố nước ngoài

Thời gian qua, cùng với chính sách mở cửa, thu hút đầu tư, phát triển thị trường du lịch..., tội phạm về môi trường có yếu tố nước ngoài ở nước ta đã xuất hiện trong những năm gần đây với những diễn biến ngày càng phức tạp, phổ biến trên các lĩnh vực sau: xử lý chất thải công nghiệp; nhập khẩu máy móc, thiết bị lạc hậu, phế liệu; buôn bán động vật hoang dã, quý hiếm; khai thác khoáng sản...

Nhà nước ta đã tiến hành nhiều cách thức, biện pháp khác nhau nhằm BVMT hiệu quả, ngăn chặn, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, trong đó đã quy định các biện pháp xử lý hình sự rất nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật môi trường gây nguy hiểm cho xã hội (các quy định về tội phạm môi trường  trong Bộ luật Hình sự năm 1985, năm 1999, năm 2015) hay xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT (Nghị định số 155/2016/NĐ-CP và gần đây được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 55/2021/NĐ-CP) với các chế tài khá nghiêm minh, đủ sức răn đe, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. 

Vi phạm hành chính và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường

Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT được quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/7/2021.

Hiện nay, sau khi Luật BVMT 2020 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, dự thảo và trình ban hành mới Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT. Nội dung của Nghị định này sẽ có nhiều điểm mới, được tiếp cận trên tinh thần của Luật mới, với quan điểm chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp; những quy định đặt ra trong dự thảo Nghị định phải rõ ràng, rành mạch, xử phạt nghiêm minh và có biện pháp khắc phục khả thi. Quán triệt quan điểm: mức phạt phải đủ sức răn đe đối với hành vi cố tình vi phạm, hủy hoại môi trường. Sẽ nghiêm trị các hành vi như cố tình lắp đặt thiết bị, đường ống xả thải để thải chất thải không qua xử lý ra môi trường. Quy định rõ các hành vi vi phạm vi phạm các quy định về BVMT tại khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề. Vi phạm các quy định về phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, xử lý, thải rác thải sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường. Vi phạm các quy định về BVMT trong hoạt động nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu... cũng như sửa đổi, bổ sung một số quy định về hình thức, thời hiệu, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT.

Đáng lưu ý, dự thảo Nghị định quy định xử phạt mới đối với các hành vi vi phạm quy định về giấy phép môi trường, đăng ký môi trường, đánh giá tác động môi trường. Vi phạm các quy định về xây dựng, vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải sau khi được cấp phép môi trường và vận hành công trình BVMT. Vi phạm quy định về trách nhiệm tái chế, thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu. Vi phạm các quy định về BVMT trong quản lý các chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy. Vi phạm về dán nhãn và công bố thông tin nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy. Vi phạm khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng... Đặc biệt, trong dự thảo Nghị định này sẽ quy định tước quyền sử dụng giấy phép môi trường đối với các vi phạm xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định; các hành vi xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật nhiều lần, nghiêm trọng đến mức bị đình chỉ theo quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP; hành vi gây ô nhiễm đất, nước, không khí, gây ô nhiễm môi trường kéo dài; hành vi vi phạm quy định của cơ sở xử lý chất thải nguy hại đến mức bị đình chỉ hoạt động theo quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP.

Nghị định số 55/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155/2016/NĐ-CP đã cơ bản khắc phục được những bất cập giữa các nghị định xử phạt vi phạm hành chính, tạo khuôn khổ pháp lý khá đồng bộ trong xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT. Tuy nhiên, quy định của các Nghị định này về biện pháp khắc phục hậu quả “buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc trong trường hợp gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành” (1) chưa phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan. Cụ thể, Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Trong quá trình xem xét, ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt có thể trưng cầu giám định. Việc trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định”. Mục đích của việc trưng cầu giám định là nhằm sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến vi phạm hành chính. Do đó, việc trưng cầu giám định do người có thẩm quyền xử phạt yêu cầu nhằm có được kết luận chính xác về vấn đề có liên quan đến hành vi vi phạm hành chính. Nói cách khác, trưng cầu giám định là một giai đoạn quan trọng trong quá trình xử phạt, nó có tác dụng chứng minh hành vi vi phạm. Theo khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính, “người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính”. Do đó, trưng cầu giám định là một nghĩa vụ mà người có thẩm quyền xử phạt phải tiến hành nhằm chứng minh về vi phạm hành chính. Vì vậy, chi phí trả cho hoạt động trưng cần giám định, nếu có, phải thuộc về các chủ thể tiến hành xử phạt. Chính vì vậy, không thể xem “buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định” là một biện pháp khắc phục hậu quả. Tinh thần này được Luật Giám định tư pháp năm 2012 quy định rất cụ thể tại Điều 36: “Người trưng cầu giám định (cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng) có trách nhiệm trả chi phí giám định tư pháp cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp theo quy định của pháp luật về chi phí giám định tư pháp”. Bên cạnh đó, bản chất của biện pháp này cũng không nhằm mục đích khắc phục những hậu quả xấu do vi phạm hành chính về thu gom, thải rác thải sinh hoạt trái quy định về BVMT gây ra.

Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh ở cấp cơ sở còn quá thấp, dẫn đến tình trạng các chức danh ở cơ sở không thể xử phạt các vi phạm hành chính về thu gom, thải rác thải sinh hoạt trái quy định về BVMT. 

Tội phạm môi trường

Tội phạm môi trường được quy định lần đầu trong Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1985 - Điều 195 (2)  và được quy định cụ thể hơn tại Chương 17 BLHS sự năm 1999 gồm 10 điều, từ Điều 182 đến Điều 191.

Tuy việc triển khai thực hiện các quy định về BVMT trong các BLHS, nhất là Chương 17 BLHS năm 1999 đã đạt được nhiều kết quả bước đầu, nhưng cũng phải đánh giá khách quan rằng, tình hình vi phạm pháp luật về môi trường nói chung và tội phạm về môi trường nói riêng có xu hướng ngày càng gia tăng với tính chất tinh vi và khó phát hiện. Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội những năm qua cho thấy, pháp luật hình sự giai đoạn này của nước ta quy định về tội phạm môi trường còn có những bất cập, hạn chế, dẫn đến việc xử lý chưa nghiêm minh các hành vi vi phạm của các cá nhân, tổ chức; thiếu những căn cứ pháp lý cần thiết để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi có dấu hiệu tội phạm, nhất là đối với pháp nhân là đối tượng chính gây ô nhiễm môi trường. Từ đó dẫn đến việc môi trường bị ô nhiễm một cách nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe và chất lượng cuộc sống nhưng khó xử lý.

Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) tiếp tục được hoàn thiện, quy định tội phạm môi trường tại Chương 19 gồm 12 điều từ Điều 235 đến Điều 246, theo đó đã có nhiều nội dung đổi mới về nhóm tội phạm môi trường và một tội danh mới đã được bổ sung (Điều 238). Đây là lần đầu tiên BLHS quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại (PNTM), một bước tiến đột phá, quan trọng của pháp luật hình sự nước ta, mặc dù chỉ giới hạn trách nhiệm hình sự đối với PNTM, nhưng đã tạo cơ sở pháp lý để xử lý hình sự đối với loại chủ thể này khi có những hoạt động có dấu hiệu tội phạm trong việc gây ô nhiễm môi trường. Việc quy định trách nhiệm hình sự của PNTM đã đáp ứng yêu cầu tình hình mới, kịp thời xử lý hình sự đối với pháp nhân gây ô nhiễm môi trường, mà trước đây rất khó khăn trong xử lý hình sự.

Việc quy định trách nhiệm hình sự của PNTM đã mở ra một hướng giải quyết rất lớn trong công cuộc đấu tranh, phòng và chống tội phạm về môi trường. Bên cạnh đó, quy định này tạo ra sự tương thích giữa pháp luật hình sự và pháp luật hành chính, trong khi việc xử phạt hành chính không thể đủ sức răn đe và không tương xứng với tính chất nghiêm trọng của các hành vi vi phạm. Theo quy định tại khoản 2 Điều 76 BLHS năm 2015, PNTM chịu trách nhiệm hình sự đối với 9 tội danh trong tổng số 12 tội danh, bao gồm: tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235); tội vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường (Điều 237); tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông (Điều 238); tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam (Điều 239); tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản (Điều 242); tội hủy hoại rừng (Điều 243); tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (Điều 244); tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên (Điều 245); tội nhập khẩu, phát tán các loại ngoại lai xâm hại (Điều 246).

BLHS năm 2015 cũng đã bổ sung một tội danh mới: “Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông” (Điều 238).

Với những sửa đổi, bổ sung về nhóm tội phạm môi trường, BLHS năm 2015 đã mở ra hy vọng rất lớn đối với việc ngăn chặn, xử lý một cách nghiêm minh và đẩy lùi những hoạt động gây ô nhiễm môi trường có dấu hiệu tội phạm của các chủ thể, bảo vệ môi trường sống xanh, sạch đẹp, an toàn cho nhân dân. Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung này cũng đã đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực hiện các điều ước quốc tế về BVMT. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số khó khăn trong việc xử lý hình sự đối với PNTM vi phạm pháp luật môi trường, đó là:

Tội phạm về môi trường theo BLHS năm 2015 không có tội phạm nào được phân loại là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (không có hình phạt nào quá 15 năm đối với tội phạm về môi trường), trong khi hậu quả của tội phạm này gây ra cho môi trường là rất lớn. Ngoài ra, BLHS năm 2015 còn quy định hình phạt chính của tội phạm môi trường là hình phạt tiền, chứ không phải là hình phạt tù. Mặt khác, đối với PNTM chỉ bị áp dụng hình phạt tiền. Bên cạnh đó, BLHS năm 2015 quy định liên quan đến tội phạm môi trường về hình phạt đối với pháp nhân đã dành một điểm quy định PNTM: “Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn”.

Từ thực tiễn xét xử, Thẩm phán Nguyễn Đình Tiến, Phó chánh Tòa hình sự - Tòa án nhân dân TP. Hà Nội, băn khoăn về quá trình ban bố án phạt, hệ quả hay thi hành hình phạt đối với PNTM. Luật hiện hành nêu rõ 2 hình thức xử phạt, gồm: hình phạt chính (phạt tiền, đình chỉ hoạt động), hình phạt bổ sung (cấm kinh doanh, huy động vốn…). Theo ông Tiến, nhiều hình phạt ảnh hưởng đến hoạt động của PNTM, như: cấm PNTM kinh doanh, huy động vốn, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; đình chỉ hoạt động (có thời hạn hoặc vĩnh viễn). Bởi vì, PNTM ký kết nhiều hợp đồng trong quá trình hoạt động. Trong đó, không ít hợp đồng vướng tranh chấp. Nếu PNTM bị đình chỉ có thời hạn thì giao dịch thương mại thuộc diện tạm đình chỉ. Tình huống đó có thể khiến pháp nhân khác (tham gia vào hợp đồng) gặp bất lợi. Chưa kể, việc xác định lỗi khi có thiệt hại xảy ra chưa có hướng dẫn. Cơ quan tiến hành tố tụng không rõ lỗi thuộc về PNTM hay là tình huống bất khả kháng. Sau khi PNTM “xuất hiện” rõ ràng trong BLHS năm 2015, cơ quan tiến hành tố tụng có khởi tố một vài PNTM có hoạt động vi phạm pháp luật về môi trường, nhưng đến nay, những vụ này hiện vẫn trong giai đoạn điều tra, truy tố...

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về BVMT

1. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, chủ trương, pháp luật, các thông tin về môi trường và phát triển bền vững cho nhân dân, đặc biệt là trong tầng lớp thanh niên; đưa nội dung giáo dục về BVMT vào chương trình, sách giáo khoa của hệ thống giáo dục quốc dân. Tạo thành dư luận xã hội lên án nghiêm khắc đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường đi đôi với việc áp dụng các chế tài, xử phạt nghiêm các vi phạm.

2. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về BVMT, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về BVMT, phát triển bền vững, trước mắt hướng dẫn áp dụng BLHS năm 2015; xây dựng và ban hành quy định giải quyết bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về BVMT gây ra.

3. Tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra các cơ sở, địa bàn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; triển khai có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, đấu tranh xử lý nghiêm minh, triệt để các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT.

4. Xã hội hóa công tác BVMT, xác định rõ trách nhiệm BVMT của Nhà nước, cá nhân, tổ chức và cộng đồng, đặc biệt đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các doanh nghiệp, nhà máy, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong công tác BVMT.

5. Áp dụng các biện pháp kinh tế trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về BVMT, thực hiện nguyên tắc người có hành vi vi phạm pháp luật về BVMT, gây thiệt hại đối với môi trường phải bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả gây ra.

6. Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu cho công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về BVMT.

7. Tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm về môi trường có yếu tố nước ngoài và tội phạm môi trường do người nước ngoài gây ra ở Việt Nam.   

============

(1) h) Sửa đổi điểm a và b khoản 13 như sau:

“a) Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu, chuyển giao chất thải cho đơn vị có chức năng xử lý do hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2, 9a, 9, 10 và 11 Điều này gây ra;

b) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại khoản 10 Điều này”.

(2) Điều 195. Tội vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng:

1. Người nào vi phạm các quy định về giữ gìn vệ sinh công cộng, về phòng ngừa và chống dịch bệnh, về bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm;

2.Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

 

Tài liệu tham khảo chính:

1. Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2. Kết luận số 02-KL/TW ngày 26/4/2016 của Ban Bí thư TW Đảng về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

3. Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT.

4. Luật Bảo vệ môi trường năm 1993, năm 2005, năm 2014 và năm 2020.

5. Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

6. Luật Giám định tư pháp năm 2012.

7. Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

8. Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT.

Luật sư LÊ VĂN HỢP

Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Tách Luật GTĐB 2008 thành hai luật chuyên biệt: Nên hay không?