1. Chính sách khuyến khích cai nghiện ma túy tự nguyện - Cơ sở chính trị, pháp lý
Chính sách khuyến khích cai nghiện ma túy tự nguyện là một định hướng xuyên suốt trong công tác phòng, chống ma túy ở Việt Nam, được thể hiện nhất quán trong các văn kiện của Đảng, chương trình mục tiêu quốc gia và pháp luật hiện hành.
Về định hướng chính trị, Kết luận số 132-KL/TW ngày 18/3/2025 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy xác định: “tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện và cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030”.
Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 đã được phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 163/2024/QH15 ngày 27/11/2024 của Quốc hội, trong đó nêu rõ mục tiêu cụ thể: “phấn đấu ít nhất 70% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng”.
Về mặt pháp luật, Điều 3 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 về chính sách của Nhà nước về phòng, chống ma túy, trong đó khoản 6 quy định rõ: “Khuyến khích người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện ma túy, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế”.

Ảnh minh họa.
2. Tội “Sử dụng trái phép chất ma túy” trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi 2025)
Ngày 02/4/2025, Bộ Công an đã trình Chính phủ dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi 2025), trong đó đề xuất bổ sung Điều 256a quy định về rtội "Sử dụng trái phép chất ma túy" như sau:
“Điều 256a. Tội sử dụng trái phép chất ma túy
1. Người nào đang trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện, cai nghiện ma túy bắt buộc, điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế hoặc đã từng cai nghiện ma túy tự nguyện, cai nghiện ma túy bắt buộc, điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy mà bị phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào thì bị phạt tù từ 02 năm đến 03 năm.
2. Tái phạm tội này thì bị phạt tù từ 03 năm đến 05 năm”.
Với quy định trên, dự thảo giới hạn phạm vi hình sự hóa ở ba nhóm chủ thể:
- Người cai nghiện ma túy tự nguyện (gồm cả trường hợp đang hoặc đã cai);
- Người điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế (đang hoặc đã điều trị);
- Người cai nghiện ma túy bắt buộc (đang hoặc đã cai).
Dự thảo sử dụng một thuật ngữ mới “điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế”, có nội hàm rộng hơn so với cụm “điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế” hiện hành.
Điều này đặt ra yêu cầu phải làm rõ các trường hợp áp dụng, bởi vì hình thức điều trị này có thể được thực hiện trong ba tình huống khác nhau:
- Là một phần của quá trình cai nghiện ma túy tự nguyện. Ví dụ, người nghiện tự nguyện điều trị methadone tại cơ sở y tế.
- Là một hình thức điều trị độc lập, mang tính y tế - xã hội, không nằm trong khuôn khổ cai nghiện.
- Được áp dụng trong khuôn khổ cai nghiện bắt buộc, theo quyết định của cơ sở cai nghiện dựa trên chỉ định y tế.
Trong hai tình huống đầu tiên, điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế được thực hiện trên cơ sở tự nguyện - dù là trong quá trình cai nghiện ma túy tự nguyện hay như một biện pháp điều trị độc lập. Riêng tình huống thứ ba mang tính bắt buộc nhất định do gắn với biện pháp cai nghiện bắt buộc.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích nhóm chủ thể cai nghiện ma túy tự nguyện, bao gồm cả người điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế trên cơ sở tự nguyện.
Theo quy định tại Điều 30, Điều 31 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021; Điều 35 đến Điều 38 Nghị định 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 hướng dẫn Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, cai nghiện ma túy tự nguyện được thể hiện qua hai hình thức chính:
- Tại gia đình, cộng đồng: Người nghiện ma túy thực hiện cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng với sự hỗ trợ chuyên môn của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy, sự phối hợp, trợ giúp của gia đình, cộng đồng và chịu sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã.
- Tại cơ sở cai nghiện ma túy: Việc tiếp nhận, điều trị được thực hiện theo thỏa thuận dân sự giữa người nghiện (hoặc người giám hộ) và cơ sở cai nghiện ma túy theo hình thức Hợp đồng dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện.
Như vậy, từ góc độ chính sách và pháp luật, nhóm người đang hoặc đã cai nghiện ma túy tự nguyện là nhóm thể hiện ý chí từ bỏ ma túy và chủ động hành xử phù hợp với chính sách mà Nhà nước khuyến khích.
3. Mâu thuẫn trực tiếp với chính sách khuyến khích cai nghiện ma túy tự nguyện
Việc hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy đối với những người đã hoặc đang cai nghiện ma túy tự nguyện có nguy cơ tạo ra tác dụng ngược, trực tiếp mâu thuẫn với chính sách hiện hành vốn đề cao việc hỗ trợ, khuyến khích người nghiện tự giác cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng. Cụ thể, một số vấn đề sau đây có thể phát sinh:
Thứ nhất, giảm động lực tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện.
Người nghiện lo ngại bị ghi nhận tiền sử cai nghiện trong hồ sơ và trở thành đối tượng có nguy cơ cao bị truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ vì thất bại trong quá trình cai nghiện dẫn đến việc tái sử dụng.
Thứ hai, tăng động cơ che giấu tình trạng nghiện.
Người nghiện sợ bị hình sự hóa, họ có xu hướng che giấu việc sử dụng trái phép chất ma túy, thay vì chủ động tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện. Điều này cản trở công tác phòng, chống ma túy do việc phát hiện và can thiệp sớm trở nên khó khăn hơn.
Thứ ba, thiếu công bằng trong xử lý đối với người từng nỗ lực cai nghiện.
Người từng tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện – vốn thể hiện thái độ hợp tác và ý chí từ bỏ ma túy – lại có nguy cơ bị xử lý nghiêm khắc hơn so với người sử dụng trái phép chất ma túy cố tình né tránh, không tham gia bất kỳ chương trình cai nghiện nào.
Một ví dụ điển hình dưới đây cho thấy sự bất hợp lý trong việc xử lý hình sự đối với người từng nỗ lực cai nghiện: A và B đều sử dụng trái phép ma túy nhưng chưa bị phát hiện. A sau đó chủ động đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện, hoàn thành và được cấp giấy xác nhận. B thì cố tình né tránh, tiếp tục sử dụng ma túy trong cộng đồng, không tham gia bất kỳ chương trình cai nghiện nào. Một thời gian sau, cả hai bị phát hiện có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Theo Điều 256a dự thảo, chỉ A – người từng có tiền sử cai nghiện – bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trong khi B thì không.
Rõ ràng, A, người từng chủ động cai nghiện, thể hiện tinh thần hợp tác và tuân thủ định hướng khuyến khích của Nhà nước, lại đứng trước nguy cơ bị xử lý nghiêm khắc hơn hẳn so với B - người cố tình né tránh và không hề thể hiện thiện chí từ bỏ việc sử dụng trái phép chất ma túy.
Kết luận
Mặc dù Tờ trình số 155/TTr-BCA ngày 02/4/2025 (Mục 2.3, Phần V) nêu rằng việc bổ sung tội danh mới nhằm “phù hợp với thực tiễn hiện nay”, nhưng lập luận này vẫn chưa đủ sức thuyết phục – ngay cả trong giả định rằng mục tiêu là nhằm kiểm soát tái nghiện, tăng cường răn đe hoặc phòng ngừa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
Bởi lẽ, việc quy định tội "Sử dụng trái phép chất ma túy" tại Điều 256a trong dự thảo trực tiếp mâu thuẫn với chính sách khuyến khích cai nghiện ma túy tự nguyện hiện hành, như đã phân tích ở phần trên.
Do đó, tác giả kiến nghị cơ quan soạn thảo:
Thứ nhất, loại trừ khỏi phạm vi điều chỉnh của Điều 256a trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi 2025) nhóm người đang hoặc đã cai nghiện ma túy tự nguyện - bao gồm cả trường hợp đang hoặc đã điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế trên cơ sở tự nguyện;
Thứ hai, về mặt kỹ thuật lập pháp, cần xác định rõ nội hàm của khái niệm “điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế”, đặc biệt trong mối liên hệ với tính chất tự nguyện hoặc bắt buộc của biện pháp này nhằm bảo đảm sự phân định rành mạch về mặt chủ thể trong cấu thành tội phạm.