/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Tội 'Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng'

Tội 'Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng'

16/11/2023 06:29 |

(LSVN) - Tội phạm này được quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015. Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 179, 308 và 376 của Bộ luật Hình sự.

Ảnh minh họa.

So với Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999, thì Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 có nhiều sửa đổi, bổ sung, mặc dù tên của tội danh vẫn là “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” nhưng đã được cụ thể hóa các trường hợp “gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng”, đồng thời tách khoản 2 của Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999 thành 2 khoản (khoản 3 và khoản 4) về trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Tuy nhiên, nếu chỉ xét về hành vi khách quan và ý thức chủ quan thì tội phạm này tương tự với tội “thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” quy định tại Điều 179, tội “thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 308 và tội “thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn” quy định tại Điều 376 Bộ luật Hình sự, chỉ khác với các tội phạm này ở hậu quả, ở đối tượng tác động. Cũng chính vì vậy, điều văn của điều luật quy định “nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này”.

Trong thời gian qua, các cơ quan tiến hành tố tụng chủ yếu truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp, còn trong các cơ quan tư pháp hầu như không thấy. Trong khi đó thì hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong hoạt động tư pháp của cán bộ điều tra, viện kiểm sát và tòa án không phải không xảy ra, làm cho dư luận, cũng như người dân chưa hài lòng khi có những cán bộ trong các cơ quan tố tụng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây thiệt hại cho người tham gia tố tụng nhưng không được xử lý theo pháp luật. Có những vụ án oan sai rất nghiêm trọng dư luận lên tiếng, cơ quan điều tra đã khởi tố thẩm phán chủ tọa phiên tòa nhưng rồi cũng không đưa ra xét xử, vì chính các cấp lãnh đạo trong các cơ quan tiến hành tố tụng dù muốn xử lý nhưng lại rất khó, vì để chứng minh hành vi thiếu trách nhiệm của cán bộ là người tiến hành tố tụng không đơn giản. Dư luận cho rằng, có lẽ vì họ là người am hiểu pháp luật nên biết cách “lách luật”. Mặt khác, bệnh thành tích vẫn còn nặng nề nên càng gặp khó khăn hơn trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người trong cơ quan tiến hành tố tụng về tội phạm này.

Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm

Cũng như đối với một số tội “thiếu trách nhiệm”, chủ thể của tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” cũng được coi là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức mới có thể là chủ thể của tội phạm này. Việc xác định tư cách chủ thể của tội phạm này là việc làm đầu tiên khi xác định hành vi phạm tội.

Cũng như đối với các tội phạm về chức vụ khác, người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ (khoản 2 Điều 352 Bộ luật Hình sự).

Tuy nhiên, đối với tội phạm này, trách nhiệm của người phạm tội là trách nhiệm gián tiếp đối với hậu quả xảy ra (hành vi thiếu trách nhiệm không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả nghiêm trọng). Đây cũng là dấu hiệu để phân biệt tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" với ba trường hợp thiếu trách nhiệm quy định tại các Điều 179, 308 và 376, Bộ luật Hình sự.

Bộ luật Hình sự chỉ quy định những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp của Nhà nước chứ không quy định đối với những người trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngoài Nhà nước như đối với tội "Tham ô tài sản" hay tội nhận hối lộ. Việc không quy định những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngoài Nhà nước là chủ thể của tội phạm này rõ ràng là không phù hợp. Vì đối với những người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng có nhiều trường hợp vì thiếu trách nhiệm nên đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là đặc biệt nghiêm trọng.

Các dấu hiệu về khách thể của tội phạm

Khách thể của tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào chế độ; gây thất thoát, lãng phí nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức và tính mạng, sức khỏe của người dân; làm cho cán bộ, công chức ở cơ quan, tổ chức bị thoái hóa, biến chất.

Các dấu hiệuthuộc mặt khách quan của tội phạm

Đối với tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", các dấu hiệu thuộc mặt khách quan cũng là những dấu hiệu rất quan trọng để xác định hành vi phạm tội cũng như để phân biệt tội phạm này với các tội phạm khác.

Hành vi khách quan

Khi xác định hành vi phạm tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", có lẽ hiểu như thế nào về dấu hiệu “vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao” là quan trọng nhất.

Có thể nói, người phạm tội chỉ có hành vi khách quan duy nhất là thiếu trách nhiệm, bản thân của hành vi này đã phản ánh bản chất của tội phạm. Nhưng biểu hiện của hành vi thiếu trách nhiệm lại không phải giống nhau, nó tùy thuộc vào nhiệm vụ được giao và tùy vào hoàn cảnh cụ thể lúc xảy ra hậu quả. Dù được biểu hiện như thế nào thì hành vi của người phạm tội cũng là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao.

Hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong công tác quản lý, điều hành của người có chức vụ, quyền hạn được biểu hiện như: vi phạm các nguyên tắc, chính sách, chế độ liên quan đến việc quản lý Nhà nước, quản lý con người, quản lý tài sản...

Các nguyên tắc, chế độ có liên quan đến việc quản lý Nhà nước có thể là chế độ chính sách trên phạm vi toàn quốc, từng địa phương, từng ngành, từng lĩnh vực.

Các nguyên tắc, chế độ có liên quan đến việc quản lý con người là nguyên tắc, chế độ quản lý cán bộ, công chức hoặc thành viên trong một cơ quan, tổ chức; có thể là quy chế, chỉ thị, nghị quyết, nghị định… về công tác quản lý cán bộ, công chức.

Các nguyên tắc, chế độ có liên quan đến việc quản lý tài sản có thể là nguyên tắc, chế độ quản lý kinh tế, nhưng cũng có thể chỉ là nguyên tắc, chế độ về hành chính nhưng có liên quan đến quản lý tài sản, đôi khi chỉ là một bản nội quy cơ quan nếu vi phạm mà gây hậu quả nghiêm trọng thì cũng bị coi là thiếu trách nhiệm.

Thiếu trách nhiệm là không làm hoặc làm không đúng trách nhiệm được giao nên mới gây hậu quả, nếu họ làm đúng trách nhiệm được giao thì không thể gây hậu quả. Trường hợp đã làm hết trách nhiệm mà hậu quả vẫn xảy ra thì không phải là thiếu trách nhiệm và không phải là hành vi phạm tội này, dù hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Ví dụ: Ông Đào Ngọc H. là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã giao cho Bùi Văn T. là Phó Chủ tịch đại diện bên A. ký hợp đồng với Công ty Xây dựng M. sửa chữa trụ sở Ủy ban nhân dân xã với tổng giá trị là 600 triệu đồng. Trong quá trình thi công, ông H. đã thường xuyên yêu cầu T. báo cáo tình hình thực hiện hợp đồng, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện hợp đồng. Việc thực hiện đang tiến triển thuận lợi thì đột nhiên ông H. bị bệnh phải vào bệnh viện tỉnh điều trị. Trong thời gian nằm viện, ông H. yêu cầu T. thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện hợp đồng cho ông nghe, nhưng T. đã móc ngoặc với bên B nâng khống một số hạng mục công trình rút tiền chia nhau. Sau khi nghiệm thu, công trình đưa vào sử dụng được 6 tháng thì bị sập một góc làm chết 01 người và bị thương 02 người với tỉ lệ thương tật mỗi người là 35%. Mặc dù là người đứng đầu, nhưng ông H đã làm hết trách nhiệm của mình, nên không thể coi việc làm của ông H. là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Thực tiễn xét xử cho thấy, hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng bị coi là hành vi phạm tội thường là những hành vi thiếu yếu tố cấu thành tội phạm khác hoặc không chứng minh được động cơ, mục đích phạm tội. Ví dụ: Trong vụ án Nguyễn Ngọc L, một số cán bộ kiểm hóa thuộc Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã không làm tròn trách nhiệm (không kiểm hóa hoặc kiểm hóa qua loa) để Nguyễn Ngọc L buôn lậu trót lọt một lượng lớn xe ô tô. Trong quá trình điều tra, không chứng minh được các cán bộ hải quan này nhận hối lộ của Nguyễn Ngọc L, nên chỉ truy cứu các cán bộ hải quan này về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Nếu căn cứ vào điều văn của điều luật thì dấu hiệu “vì thiếu trách nhiệm” và dấu hiệu “không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao” là hai hành vi khác nhau chứ không phải là một. Vậy, ngoài dấu hiệu “không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao” thì còn có dấu hiệu nào nữa không? Lẽ ra điều luật phải viết: “Người nào có chức vụ, quyền hạn mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao…” thì ai cũng hiểu dấu hiệu “không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao” chính là hành vi thiếu trách nhiệm, chứ không còn hành vi nào khác. Với tinh thần tiếp cận khái niệm “thiếu trách nhiệm” như vậy mới phù hợp. Đây cũng là vấn đề về kỹ thuật lập pháp còn nhiều bất cập, nếu mổ xẻ khái niệm thì rất khó cho việc hiểu và áp dụng. Bởi vì theo Từ điển tiếng Việt thì từ “mà” nhà làm luật dùng trong trường hợp này là “kết từ” chứ không phải là “khẩu ngữ”. Khi đã là “kết từ” thì dấu hiệu “không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao” chỉ là bổ sung cho dấu hiệu “thiếu trách nhiệm”.

Không thực hiện là không làm gì cả (không hành động) nên dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ: Sau khi nhận hồ sơ vụ án bị hủy để điều tra lại từ viện kiểm sát nhưng cho vào tủ, không tiến hành các bước tiếp theo và để quên, đến khi nhớ ra thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đã hết, buộc phải đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, tiến hành xin lỗi và bồi thường cho người được đình chỉ.

Thực hiện không đúng là có làm nhưng lại làm không đến nơi đến chốn, làm sai với nhiệm vụ được giao nên dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ: Thủ trưởng cơ quan điều tra thực hiện lệnh bắt người bị tình nghi phạm tội về tạm giữ, nhưng sau khi bắt người giữ trong nhà tạm giữ đã không kiểm tra nên để điều tra viên có hành vi dùng nhục hình đối với người bị bắt, dẫn đến hậu quả thương tích có tỉ lệ tổn thương cơ thể 61%.

Từ phân tích trên, có thể kết luận, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng.

Hậu quả

Hậu quả của tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, đó là làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên.
Như vậy, hậu quả nghiêm trọng do hành vi thiếu trách nhiệm gây ra là những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của con người và của cơ quan, tổ chức.
Hành vi thiếu trách nhiệm gây ra hậu quả nghiêm trọng, được xác định như là một nguyên nhân gián tiếp. Đây cũng là dấu hiệu để phân biệt tội phạm này với một số tội phạm khác có hành vi thiếu trách nhiệm là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả như tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước.

Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm Về ý thức chủ quan, người phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thực hiện hành vi là do vô ý, có thể là vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý do cẩu thả.

Các dấu hiệu về vô ý phạm tội được quy định tại Điều 11 Bộ luật Hình sự. Có hai trường hợp vô ý phạm tội:

- Trường hợp thứ nhất là người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây hậu quả, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được; khoa học luật hình sự gọi trường hợp vô ý phạm tội này là “vô ý vì quá tự tin”.

- Trường hợp thứ hai là người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước; khoa học luật hình sự gọi trường hợp vô ý phạm tội này là “vô ý vì cẩu thả”.

Cả hai trường hợp vô ý trên, người phạm tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" đều có thể mắc phải tùy thuộc vào chức vụ, quyền hạn của họ và hoàn cảnh cụ thể lúc xảy ra hậu quả. Việc xác định lỗi vô ý gây hậu quả nghiêm trọng của người phạm tội là bắt buộc, nhưng không bắt buộc phải xác định người phạm tội do vô ý vì quá tự tin hay vô ý vì cẩu thả.

Động cơ phạm tội không phải là yếu tố bắt của cấu thành tội phạm này. Đây là đặc điểm khác với một số tội phạm khác mà người phạm tội có chức vụ, quyền hạn thực hiện do cố ý. Vì vậy, khi xác định trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", nếu cần xác định động cơ phạm tội cũng chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt chứ không có ý nghĩa định tội.

ThS.LS ĐINH VĂN QUẾ

Nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao

Một số ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

Nguyễn Hoàng Lâm