Tội 'Xâm phạm quyền bình đẳng giới'

27/03/2024 22:43 | 4 tuần trước

(LSVN) - Theo quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 2015, xâm phạm quyền bình đẳng giới là hành vi cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế dưới bất kỳ hình thức nào vì lý do giới.

Ảnh minh hoạ.

Đây là tội phạm mà Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định là xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ, nay Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định xâm phạm quyền bình đẳng giới là mở rộng phạm vi áp dụng, không chỉ đối với phụ nữ mà đối với tất cả mọi người.

Nếu trước đây, xã hội còn có tư tưởng trọng nam khinh nữ, nên mọi tuyên ngôn hay các cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng, cũng là đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Tuy nhiên, xã hội càng phát triển thì không chỉ có quyền của phụ nữ mà còn có cả quyền của nam giới và của những người đồng tính và người chuyển đổi giới cũng cần được bảo vệ và được bình đẳng với mọi người khác. Do đó, khái niệm bình đẳng phụ nữ không còn phù hợp với xu thế phát triển của xã hội nữa, mà hiện nay, khi nói đến “bình đẳng giới” là muốn nói nam giới và nữ giới, trong đó gồm cả cộng đồng người đồng tính và người chuyển giới cần nhận được đối xử công bằng trong tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội và quyền con người, quyền công dân như: giáo dục, y tế, văn hóa, hôn nhân, gia đình, việc làm, các chính sách phúc lợi...(1). Tuy nhiên, khi nói đến bình đẳng giới thì chủ yếu vẫn là bình đẳng giữa nam và nữ.

Theo Liên hợp quốc, bình đẳng giới có nghĩa là phụ nữ và đàn ông được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người và có cơ hội đóng góp,  thụ hưởng những thành quả phát triển của xã hội nói chung.

Trên thế giới có rất nhiều phụ nữ là những nhà nghiên cứu khoa học hàng đầu, có nhiều người thậm chí đã được giải Nobel về sinh học, vật lý, hóa học. Tại các nước phát triển ở Bắc Âu hay Canada, Singapore… rất nhiều người đứng đầu các phòng nghiên cứu khoa học tự nhiên và khoa học trong các ngành STEM (Science, Technology, Engineering and Mathematics), những nhà khoa học nữ có hiệu suất làm việc ngang bằng với các nhà khoa học nam. Một số nghiên cứu còn cho rằng, bình đẳng giới giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, vì khi cho phụ nữ cơ hội như nam giới, họ sẽ có khả năng giúp đỡ và san sẻ công việc cho nhau nhiều hơn; nhiều phụ nữ là chính trị gia, là người đứng đầu của một nước như tổng thống, thủ tướng. Việt Nam cũng không ít phụ nữ là cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước; là đại biểu Quốc hội; là cán bộ khoa học. Ví dụ: Có nhiều tấm gương phụ nữ được tặng danh hiệu anh hùng lao động; tính đến năm 2018 đã có 45 cá nhân và 18 tập thể các nhà khoa học nữ xuất sắc, tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên được trao giải thưởng Kova- levskaia. Việt Nam đã có nữ tham gia Bộ Chính trị, có chủ tịch Quốc hội, phó chủ tịch Quốc hội; trưởng ban, chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội; bộ trưởng, thứ trưởng… Với tỷ lệ 26,8% nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV, nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và thế giới (đứng thứ 43/143 nước trên thế giới và thứ 2 trong ASEAN). Là nước dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về các chỉ số bình đẳng giới thông qua việc cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục tới trẻ em gái, trẻ em trai, phụ nữ, nam giới, tỷ lệ mù chữ của nữ giới so với nam giới ngày càng giảm…

Hiến pháp năm 1946 đã công bố nguyên tắc: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”. Hiến pháp năm 1992 lại khẳng định rõ nguyên tắc này. Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên đã ký vào “Công ước Cedaw” nhằm xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. Hiến pháp năm 2013 quy định “công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới” và “nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”.

Ngoài Hiến pháp còn có Luật số 73/2006/QH11 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ ng- hĩa Việt Nam khóa XI thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007 quy định về bình đẳng giới ở Việt Nam. Ngoài ra, còn có một số đạo luật như: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Phòng, chống mua bán người; Bộ luật Lao động; Luật Việc làm… đều được lồng ghép vấn đề giới.

Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự cũng có nhiều quy định ưu tiên, chiếu cố đến người phạm tội là phụ nữ như: người phạm tội là phụ nữ có thai thì được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, không bị phạt tử hình; ngược lại nếu phạm tội đối với phụ nữ có thai thì bị coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự…

Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm

Cũng như đối với chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội xâm phạm quyền bình đẳng giới cũng phải bảo đảm các yếu tố (điều kiện) cần và đủ về độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, Điều 21 Bộ luật Hình sự.

Chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này, còn người dưới 16 tuổi không phải là chủ thể, vì theo Điều 12 Bộ luật Hình sự thì người dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự.

Đối với pháp nhân thương mại cũng không phải là chủ thể của tội xâm phạm quyền bình đẳng giới, vì theo Điều 76 Bộ luật Hình sự thì pháp nhân thương mại cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự. Nhưng nếu cá nhân của pháp nhân thương mại mà xâm phạm quyền bình đẳng giới thì vẫn là chủ thể của tội phạm này, nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm này. Cũng như đối với người có hành vi xâm phạm quyền hội họp, lập hội của công dân và người có hành vi xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác, phải là người đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi xâm phạm quyền bình đẳng giới mà còn vi phạm, thì mới là chủ thể của tội phạm này.

Người có hành vi xâm phạm quyền bình đẳng giới đã bị xử lý kỷ luật hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính là người đã bị cơ quan, tổ chức quyết định xử lý kỷ luật theo điều lệ, quy chế hoặc bị xử phạt hành chính theo Luật Xử lý vi phạm hành chính về hành vi xâm phạm quyền bình đẳng giới nhưng chưa hết thời hạn được xóa kỷ luật hoặc xóa quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì mới là chủ thể của tội phạm này.

Các dấu hiệu về khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm này là quyền bình đẳng giới. Quyền này được quy định trong Hiến pháp năm 2013; Luật Bình đẳng giới số 73/2006/QH11  ngày  29/11/2006. Ngoài ra, quyền bình đẳng giới còn quy định ở một số đạo luật khác như: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Phòng, chống mua bán người; Bộ luật Lao động; Luật Việc làm…

Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan

Có thể nói một cách ngắn gọn, người phạm tội xâm phạm quyền bình đẳng giới chỉ có hành vi “cản trở” người khác nhưng hành vi này lại được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác để cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế.

Khi xác định hành vi khách quan của tội xâm phạm quyền bình đẳng giới cần chú ý:

- Nếu người phạm tội dùng vũ lực để cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế, mà gây thương tích cho người bị cản trở hoặc gây chết người thì người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh tương ứng, ngoài tội xâm phạm quyền bình đẳng giới.

- Điều luật quy định người phạm tội thực hiện hành vi dưới bất kỳ hình thức nào mà không miêu tả hình thức của hành vi, trong đó có hành vi cấu thành một tội phạm độc lập nhưng cũng có hành vi chưa cấu thành một tội phạm độc lập, miễn là người phạm tội thực hiện được ý muốn của mình là cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế.

Hậu quả

Hậu quả của hành vi xâm phạm quyền bình đẳng giới là làm cho người khác không tham gia được vào các hoạt động trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế.

Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Người phạm tội có thể đã có hành vi cản trở nhưng người bị cản trở vẫn tham gia được vào các hoạt động trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế thì thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt (chưa đạt được hậu quả nhưng đã hoàn thành hành vi).

Đối với các thiệt hại khác như tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của nạn nhân, nếu cấu thành tội phạm độc lập thì người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng với hành vi và hậu quả đã gây ra cho bị hại. Nếu các thiệt hại này đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội phạm khác thì không được tính để xác định hậu quả của tội xâm phạm quyền bình đẳng giới.

Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý, không phân biệt hình thức cố ý nào, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là xâm phạm quyền bình đẳng giới, thấy trước hậu quả của hành vi do mình thực hiện và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là xâm phạm quyền bình đẳng giới hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Mục đích của người phạm tội là mong muốn cho người khác không thực hiện được các hoạt động trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế.

Đối với tội phạm xâm phạm quyền bình đẳng giới, động cơ là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Do đó, cơ quan tiến hành tố tụng cần xác định người phạm tội phải có động cơ vì lý do giới thì người có hành vi cản trở người khác tham gia các hoạt động trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế mới cấu thành tội xâm phạm quyền bình đẳng giới.

(1) Tuyên bố Liên hợp quốc về nhân quyền, với mục tiêu cơ bản là nhằm cung cấp sự bình đẳng về mặt luật pháp cũng như bình đẳng trong vị thế xã hội, đặc biệt là trong hoạt động bầu cử và bảo đảm trả lương công bằng.

LuậtĐINH VĂN QUẾ

Nguyên Chánh Tòa Hình sự Tòa án nhân dân Tối cao

Một số quy định cần hoàn thiện nhằm thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất

 

 

Từ khoá : lsvn.vn LSVN