Ảnh minh họa.
Theo Quy tắc 12 Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, trong quá trình thực hiện vụ việc của khách hàng, Luật sư phải đảm bảo 04 nguyên tắc cơ bản sau:
Một là, Luật sư phải chủ động, tích cực giải quyết vụ việc của khách hàng và thông báo tiến trình giải quyết vụ việc để khách hàng biết.
Hai là, Luật sư nhận và có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn tài liệu, hồ sơ mà khách hàng giao cho mình theo quy định của pháp luật hoặc thỏa thuận với khách hàng.
Ba là, khi thực hiện vụ việc, Luật sư phải có thái độ ứng xử phù hợp, tránh làm phát sinh tranh chấp với khách hàng. Nếu có bất đồng giữa Luật sư và khách hàng hoặc có khiếu nại của khách hàng, Luật sư cần có thái độ đúng mực, tôn trọng khách hàng, chủ động thương lượng, hòa giải với khách hàng.
Bốn là, trong trường hợp đang cùng thực hiện một vụ việc, nếu có sự không thống nhất ý kiến giữa các Luật sư có thể gây bất lợi cho khách hàng thì Luật sư phải thông báo để khách hàng thực hiện quyền lựa chọn.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện vụ việc của khách hàng, Luật sư có quyền từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc của khách hàng nếu có các yêu cầu không thỏa đáng từ phía khách hàng; khách hàng sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật sư để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; hoặc một số trường hợp khác theo quy định tại Quy tắc 13 Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam. Trong trường hợp chối tiếp tục thực hiện vụ việc của khách hàng, Luật sư có thể đơn phương chấm dứt thực hiện dịch vụ pháp lý nhưng phải có thái độ tôn trọng khách hàng, thông báo bằng văn bản cho khách hàng trong thời hạn hợp lý để khách hàng có điều kiện tìm Luật sư khác, đồng thời giải quyết nhanh chóng các vấn đề liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký kết.
Ngoài ra, nhằm giảm thiểu tối đa các rủi ro khi thực hiện vụ việc của khách hàng cũng như phát huy tính hiệu quả cao nhất, Luật sư cũng cần phải tập trung chuyên môn cao, vận dụng hết các khả năng cần thiết, giữ bí mật thông tin của khách hàng và luôn giữ vững tính độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, không vì lợi ích vật chất, tinh thần hoặc bất kỳ áp lực nào khác để làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.
Như đã đề cập, thực hiện vụ việc của khách hàng là giai đoạn trọng tâm trong quá trình hành nghề của Luật sư. Chính vì thế, để thực hiện tốt giai đoạn này, người Luật sư phải tập trung cao độ, luôn tuân thủ các quy định về thực hiện vụ việc của khách hàng và đảm bảo đạo đức nghề nghiệp; luôn công khai và minh bạch trong suốt quá trình làm việc để tạo dựng niềm tin cho khách hàng; luôn biết điểm dừng phù hợp nếu có phát sinh các vấn đề ngoài thỏa thuận. Đã trở thành một người Luật sư thì phải luôn nhớ rằng Luật sư là một nghề nghiệp cao quý vì mục đích hướng tới bảo vệ lẽ phải và những điều tốt đẹp của xã hội. Để làm được điều đó, trước hết, người Luật sư phải thực sự là một tấm gương tốt đẹp và mẫu mực được thể hiện thông qua chính quá trình hành nghề của mình.
THANH THỊNH