Bàn về tôn trọng đồng nghiệp theo quy định của Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

14/04/2023 06:00 | 1 năm trước

(LSVN) - Quy tắc 18, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định: “Luật sư có ý thức tôn trọng, hợp tác và giúp đỡ đồng nghiệp trong hành nghề cũng như trong cuộc sống”. Bài viết sẽ tìm hiểu và làm rõ một số nội dung liên quan đến quy tắc này.

Ảnh minh họa.

Tính chủ động trong quan hệ với đồng nghiệp, Bộ Quy tắc quy định Luật sư có ý thức tôn trọng đồng nghiệp, mà ý thức con người được thể hiện ra bên ngoài qua hành động cụ thể. Bộ Quy tắc quy định Luật sư có ý thức tôn trọng điều đó có thể hiểu rằng Bộ Quy tắc yêu cầu Luật sư phải chủ động tôn trọng đồng nghiệp, chủ động hành động để bảo vệ, để giúp đỡ đồng nghiệp. 

Về phạm vi, Bộ Quy tắc quy định Luật sư có ý thức tôn trọng đồng nghiệp trong “hành nghề” và “trong cuộc sống”. Tức việc tôn trọng, hợp tác và giúp đỡ đồng nghiệp diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi trong tất cả quan hệ không giới hạn trong các hoạt động nghề nghiệp. Ví dụ, khi có một Luật sư gặp rủi ro các Luật sư đồng nghiệp cũng cần có sự quan tâm, động viên, giúp đỡ phù hợp với điều kiện khả năng của mình.

Vậy tôn trọng đồng nghiệp theo quy định Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư trong quan hệ với đồng nghiệp là gì và được thể hiện như thế nào là phù hợp? Tôn trọng một người được hiểu chung là sự nhìn nhận, đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, phẩm giá và lợi ích của người đó, thể hiện lối sống văn hóa của mỗi người. 

Với nghề Luật sư, tôn trọng đồng nghiệp cũng không ngoài phạm vi đó nhưng có những biểu hiện và yêu cầu gắn liền với mối quan hệ đồng nghiệp, với hoạt động nghề nghiệp và đặc trưng nghề nghiệp Luật sư. Trên thực tế mỗi cá nhân Luật sư đều có điểm mạnh, điểm yếu, những ưu điểm và hạn chế của mình. Không có ai là người toàn vẹn, không ai là người giỏi tất cả các lĩnh vực, công việc. Tôn trọng Luật sư đồng nghiệp đòi hỏi sự nhìn nhận, đánh giá, động viên và ghi nhận đúng những điểm mạnh, những việc đồng nghiệp đã làm được hoặc có khả năng làm được dưới góc nhìn của chính đồng nghiệp, của khách quan; không đánh giá, áp đặt mang tính chất chủ quan, định kiến cá nhân; không đánh giá, nhìn nhận Luật sư đồng nghiệp chỉ thông qua một hoặc một vài vụ việc cụ thể, không để kết quả thắng thua khi thực hiện vụ việc cho khách hàng ảnh hưởng đến quan hệ với đồng nghiệp.

Tôn trọng đồng nghiệp yêu cầu Luật sư phải tôn trọng chính kiến, quan điểm của đồng nghiệp, bảo đảm sự độc lập, bình đẳng của đồng nghiệp. Tôn trọng đồng nghiệp đòi hỏi Người Luật sư khi đề cập đến đồng nghiệp hoặc quan điểm, việc làm cụ thể của đồng nghiệp đặc biệt khi tranh tụng tại Tòa cần phải tiết chế cái tôi, có kỹ năng xử lý hài hòa giữa việc bảo vệ quyền lợi ích của khách hàng và bảo vệ đồng nghiệp, bảo vệ nghề nghiệp. Đặc biệt, trong trường hợp các Luật sư có quan điểm trái ngược nhau hoặc bảo vệ cho các nhóm chủ thể có quyền lợi ích hợp pháp đối lập nhau, Luật sư phải có thái độ ứng xử đúng mực khi tranh tụng tại phiên tòa. 

Tôn trọng đồng nghiệp đòi hỏi người Luật sư phải bảo vệ đồng nghiệp, không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của đồng nghiệp trong công việc và trong cuộc sống hàng ngày.

Tôn trọng đồng nghiệp của Luật sư không những để ghi nhận, tôn vinh cá nhân Luật sư đồng nghiệp, góp phần bảo vệ, hỗ trợ cá nhân Luật sư đồng nghiệp, mà còn vì uy tín của nghề Luật sư. 

Luật sư TRẦN VĂN AN

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá và tâm lý ‘trọng chứng hơn trọng cung’