Trách nhiệm pháp lý trong vụ án khi nguyên Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình đã chết

10/09/2020 16:40 | 3 năm trước

(LSO) - Đối với trường hợp thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại khi người gây thiệt hại đã chết, Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Theo thông tin lãnh đạo huyện Vũ Thư xác nhận với báo chí, ông Nguyễn Văn Điều, nguyên Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình được phát hiện đã tử vong bất thường ngoài nhà riêng. Cụ thể, sáng nay 10/9, ông Nguyễn Văn Điều được người dân phát hiện đã tử vong gần một đài tưởng niệm liệt sĩ ở xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư.

Hiện cơ quan Công an địa phương đang phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân cái chết của ông Điều.

Ông Nguyễn Văn Điều – nguyên Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình – người bị cách các chức vụ trong Đảng và chính quyền, bị Cơ quan Công an khởi tố về hành vi “Vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ”.

Trước đó, vào chiều ngày 08/5, trên đường Trần Thủ Độ (phường Tiền Phong, TP. Thái Bình) ông Điều điều khiển xe ô tô gây tai nạn làm 1 người chết, 2 người bị thương, sau đó ông này không dừng xe xuống xem nạn nhân thế nào mà lái xe bỏ chạy, bị người dân đuổi theo chặn lại.

Đến ngày 03/6, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. Thái Bình khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn Điều để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự. Bên cạnh quyết định khởi tố bị can, Cơ quan điều tra cũng có lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Điều.

Vậy, theo quy định của pháp luật trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự trong vụ án này sẽ được giải quyết, xử lý như thế nào khi nguyên Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình đã chết?

Trước hết, về trách nhiệm hình sự, theo quy định tại khoản 1 Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp:

– Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự;

– Đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.

Điều 157. Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự
Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong các căn cứ sau:
1. Không có sự việc phạm tội;
2. Hành vi không cấu thành tội phạm;
3. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;
4. Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;
5. Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;
6. Tội phạm đã được đại xá;
7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;
8. Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.

Như vậy, căn cứ vào quy định trên, trường hợp bị can chết trong giai đoạn điều tra thì cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra (chấm dứt hoạt động điều tra) đối với bị can đó.

Trường hợp vụ án chỉ có một bị can mà người này đã chết thì cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án. Nếu vụ án có nhiều bị can, việc đình chỉ điều tra bị can đã chết không liên quan đến bị can còn lại thì các bị can đó tiếp tục bị điều tra.

Về trách nhiệm dân sự, khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.

Về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân, khoản 1 Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường”.

Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

- Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

- Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

- Thiệt hại khác do luật quy định.

Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Đối với trường hợp thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại khi người gây thiệt hại đã chết, Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thoả thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.

Mặt khác, Điều 658 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:

- Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng;

- Tiền cấp dưỡng còn thiếu;

- Chi phí cho việc bảo quản di sản;

- Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ;

- Tiền công lao động;

- Tiền bồi thường thiệt hại.

Như vậy, đối chiếu các quy định trên với trường hợp người gây thiệt hại đã chết và có để lại di sản thì sau khi thực hiện xong nghĩa vụ thanh toán các chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng còn thiếu; chi phí cho việc bảo quản di sản; tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ; tiền công lao động thì những người hưởng thừa kế của người gây thiệt hại có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho gia đình người bị hại trong phạm vi di sản để lại.

THANH THANH

/dieu-kien-nhap-quoc-tich-viet-nam.html
/nguyen-truong-ban-noi-chinh-tinh-uy-thai-binh-tu-vong.html