Chính phủ chỉ đạo sớm xử lý
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 08 đối tượng về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo cơ quan chức năng, từ tháng 8/2021 đến nay, các đối tượng đã thành lập Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất, kinh doanh sữa bột.

Ảnh minh họa.
Ngoài 02 công ty trên, các đối tượng còn liên doanh, liên kết bằng hình thức góp cổ phần với nhiều đối tượng khác để thành lập thêm 09 công ty, với mục đích đứng tên hồ sơ công bố các dòng sản phẩm (nhãn thương hiệu sản phẩm) và trực tiếp kinh doanh, phân phối tiêu thụ các sản phẩm được sản xuất tại nhà máy của Công ty Hacofood và Công ty Rance Pharma.
Cơ quan chức năng cũng cho biết, đến nay, đường dây này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại, dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ có thai.
Những nhãn hiệu sữa này được quảng cáo, công bố có chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, sữa của 02 công ty trên sản xuất không có những chất này, chất lượng đạt dưới 70% mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả.
Các đối tượng khai nhận đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia.
Trong khoảng 04 năm, cơ quan chức năng xác định doanh thu từ việc bán các hộp sữa trên là gần 500 tỉ đồng.
Liên quan đến vấn đề này, tại Công điện số 40/CĐ-TTg ngày 17/4/2025 về xử lý vụ việc sản xuất, phân phối sữa giả do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ điều tra, sớm đưa ra kết luận về vụ việc sản xuất, buôn bán sữa giả nêu trên để thông tin cho người tiêu dùng và đưa các đối tượng vi phạm ra xét xử theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Công thương tiếp tục tăng cường công tác quản lý thị trường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, trong đó có sữa giả.
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chỉ đạo tổ chức rà soát, xử lý các sai phạm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm trên báo chí, trên môi trường mạng, trên các xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các bộ, cơ quan liên quan rà soát quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm sữa và có biện pháp xử lý phù hợp, đề xuất sửa đổi các quy định hiện hành trong trường hợp cần thiết.
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện rà soát, kiểm tra việc chấp hành quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm sản phẩm sữa trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.
Các Bộ: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Môi trường, Văn hoá - Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, tăng cường các biện pháp quản lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, cơ quan điều tra sẽ làm rõ việc cấp phép hoạt động, đăng ký lưu hành, quy trình sản xuất, nguyên liệu, quá trình đưa ra thị trường để xác định trách nhiệm của các bị can, trách nhiệm của những người có liên quan, kể cả là trách nhiệm của cơ quan chức năng trong công tác quản lý.
Theo đó, cơ quan điều tra sẽ làm rõ trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp, cơ quan chức năng có tiến hành thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật hay không, trong quá trình sử dụng sản phẩm có trường hợp nào bị ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe, có khiếu kiện khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc xác minh hay không để xác minh rõ lý do vì sao chất lượng sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, xác định là hàng giả nhưng cơ quan chức năng không thanh tra kiểm tra kịp thời, không phát hiện để xử lý, cho đến khi hậu quả rất lớn mới bị phát hiện xử lý. Theo Luật sư, cần phải bổ sung các quy định của pháp luật để tăng cường kiểm soát hàng hóa đầu ra, tăng cường công tác kiểm tra đối với các hàng hóa là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Cơ quan điều tra cũng cần tiếp tục làm rõ những người tham gia vào khâu sản xuất, nếu phát hiện có đối tượng biết hàng hóa không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn giúp sức để hàng hóa được tiêu thụ và đưa ra thị trường thì sẽ được xác định là đồng phạm với hành vi sản xuất hàng giả. Với cơ quan chức năng có trách nhiệm trong việc cấp phép phải kiểm soát, kiểm tra mà thiếu trách nhiệm thì cũng sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Luật sư cũng cho hay, việc quảng cáo sản phẩm cũng cần phải được xem xét xử lý bởi khâu quảng cáo, tiếp thị sản phẩm, là một khâu trung gian quan trọng khiến cho sản phẩm thâm nhập sâu vào thị trường.
Theo đó, nếu kết quả điều tra cho thấy những đối tượng biết rõ đây là hàng giả, kém chất lượng nhưng vì được trả lợi nhuận cao nên vẫn giúp sức cho các đối tượng thực hiện hành vi bán hàng giả thì sẽ bị xử lý hình sự về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm" với vai trò đồng phạm.
Trường hợp không chứng minh được vai trò đồng phạm nhưng có hành vi vi phạm về quảng cáo thì người thực hiện hành vi quảng cáo gian dối cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi này.
Cụ thể, đối tượng nào thực hiện hành vi bán sản phẩm mà biết là sản phẩm không đủ tiêu chuẩn, kém chất lượng thì sẽ có thể bị xử lý hình sự về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm" theo Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với hình phạt cao nhất có thể là tù chung thân đối với cá nhân và đối với pháp nhân thương mại thì hình phạt có thể lên tới 18 tỉ đồng và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Trường hợp không đủ căn cứ để xử lý về tội danh này nhưng có căn cứ cho thấy đã có hành vi gian dối trong bán hàng thì cũng có thể xử lý hình sự về tội "Lừa dối khách hàng" theo quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với hình phạt có thể tới 05 năm tù.
Cũng theo Luật sư, quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy ngoài các bị can đã bị khởi tố thì còn có những người khác có hành vi giúp sức với các đối tượng thực hiện hành vi sản xuất buôn bán hàng giả, vi phạm về kế toán hoặc có các hành vi vi phạm pháp luật khác mà thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì cũng sẽ bị xử lý hình sự.
Tất cả các tài sản có liên quan đến tội phạm, tài sản do phạm tội mà có thì cũng sẽ bị kê biên, niêm phong, phong tỏa để đảm bảo thi hành án. Những người đã mua các sản phẩm sữa giả có quyền trình báo sự việc với cơ quan điều tra để tham gia vụ án với vai trò là người bị hại hoặc người có quyền lợi liên quan.
Về nguyên tắc thì hàng giả là hàng hóa không đủ điều kiện lưu hành, không được tham gia vào các giao dịch nên các giao dịch mua bán hàng giả là vô hiệu, người mua hàng có quyền yêu cầu bên bán hàng phải trả lại tiền. Tất cả những hàng hóa là hàng giả chưa bán thì sẽ bị tịch thu để tiêu hủy. Với những tài sản của bị can, tài sản thu lợi bất chính sẽ bị phong tỏa, kê biên để đảm bảo thi hành án.
"Cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm các đối tượng có vi phạm, đồng thời sẽ làm rõ hậu quả đã gây ra đối với xã hội để xử lý các đối tượng vi phạm và thực hiện các giải pháp phòng ngừa. Đối với nạn nhân bị lừa mua phải sữa giả thì có quyền yêu cầu hoàn tiền, nếu bị thiệt hại về sức khỏe, về tài sản thì có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật", Luật sư cho biết.
Bộ Công an đề xuất tăng án tù, phạt tiền với tội phạm an toàn thực phẩm
Tại dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ Công an đề xuất mức phạt tiền đến 03 tỉ đồng, phạt tù tới 20 năm với đối tượng phạm tội về an toàn thực phẩm.
Theo đó, một trong những tội bị đề xuất nâng mức phạt cao nhất (tăng tới 06 lần) là tội "Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” (Điều 317). Cụ thể, hành vi dùng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm bị cấm sử dụng, ngoài danh mục được dùng trong thực phẩm, hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam; hành vi sử dụng động vật chết, có nguồn dịch bệnh bị buộc tiêu hủy để chế biến, buôn bán thực phẩm; nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm có chất phụ gia, chất cấm... có thể bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 03 tỉ đồng, tùy theo số tiền thu lợi và tính chất nghiêm trọng của hành vi. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, tiền phạt với tội này chỉ bị phạt từ 50 - 500 triệu đồng.
Ngoài tăng mức phạt tiền, dự thảo còn đề xuất nâng mức phạt tù tối thiểu với người phạm tội này từ một năm lên thành 03 năm. Khung hình phạt nhẹ nhất là từ 03 - 07 năm tù (quy định hiện hành từ 01 - 05 năm tù).
Bên cạnh đó, với tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” (Điều 193) cũng bị đề xuất tăng gấp đôi mức phạt bổ sung, từ 20 - 100 triệu lên 40 - 200 triệu đồng. Pháp nhân thương mại có thể bị phạt tới 36 tỉ đồng (mức hiện tại là 18 tỉ đồng).
Dự thảo Luật còn đề xuất mức phạt tù 05 - 10 năm áp dụng với người người sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm "hoạt động trên các nền tảng thương mại điện tử có từ 500 người tiếp cận trở lên".