Tại dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi lần này đã có bước tiến đáng kể trong việc siết chặt chế tài đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, đặc biệt là khi hành vi này được thực hiện trên nền tảng thương mại điện tử và có phạm vi tiếp cận từ 500 người trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự (điểm l khoản 2 Điều 193 Dự thảo).

Ảnh minh họa.
Ý nghĩa của việc bổ sung yếu tố “nền tảng thương mại điện tử” và ngưỡng “từ 500 người tiếp cận”
Trước hết, việc đưa yếu tố “hoạt động trên các nền tảng thương mại điện tử có từ 500 người tiếp cận trở lên” vào cấu thành định khung hình phạt từ 05 năm đến 10 năm tù là một bước tiến phù hợp với thực tiễn. Các nền tảng như Facebook, TikTok, Shopee, Lazada hay các website bán hàng cá nhân đã trở thành kênh phân phối phổ biến, hiệu quả và dễ tiếp cận đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, chính sự tiện lợi và tính ẩn danh tương đối của các nền tảng này đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho các hành vi gian dối, lừa đảo, đặc biệt là trong lĩnh vực thực phẩm, nơi mà hậu quả của hàng giả, hàng kém chất lượng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.
Việc đưa ra ngưỡng “từ 500 người tiếp cận trở lên” tuy là một con số tương đối, nhưng lại thể hiện rõ nỗ lực của Cơ quan soạn thảo trong việc lượng hóa phạm vi ảnh hưởng của hành vi vi phạm. Đây không chỉ là căn cứ xác định mức độ nguy hiểm cho xã hội, mà còn là tiêu chí kỹ thuật giúp cơ quan điều tra, truy tố, xét xử có cơ sở rõ ràng để áp dụng pháp luật. Trong thời đại số, “người tiếp cận” là thể hiện chi tiết tầm ảnh hưởng truyền thông, tương tự như quy mô phân phối trong mô hình kinh doanh truyền thống.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng việc xác định “người tiếp cận” sẽ đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng và các nền tảng kỹ thuật số, bởi dữ liệu này thường chỉ được ghi nhận bởi bên vận hành hệ thống. Việc minh bạch, khách quan hóa quy trình thu thập và xác thực thông tin này là rất cần thiết để tránh tình trạng lạm dụng hoặc bỏ lọt tội phạm.
Tăng hình phạt tiền
Bên cạnh việc quy định khung hình phạt tù nghiêm khắc hơn, Dự thảo còn điều chỉnh mức phạt tiền tăng lên từ 40 triệu đồng đến 200 triệu đồng (so với mức hiện tại là từ 20 triệu đến 100 triệu đồng). Việc nâng mức phạt tiền là hợp lý trong bối cảnh giá trị thu lợi bất chính từ các hành vi buôn bán hàng giả ngày càng cao. Trong thực tế, không ít trường hợp các đối tượng vi phạm coi việc bị xử lý vi phạm hành chính hoặc hình sự là “chi phí kinh doanh” nếu hình phạt không đủ sức răn đe. Do đó, việc nâng mức phạt tiền có thể giúp làm tăng sức nặng của chế tài kinh tế đối với hành vi vi phạm.
Ngoài ra, việc duy trì các biện pháp bổ sung như cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, là rất cần thiết. Các biện pháp này thể hiện tính toàn diện của chính sách hình sự: không chỉ trừng trị mà còn phòng ngừa tái phạm, đồng thời khôi phục lại phần nào công bằng xã hội và giảm thiểu nguy cơ phát sinh tội phạm từ việc tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực đã vi phạm.
Tác động đối với doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh trên môi trường mạng
Đối với các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh chân chính, quy định mới này không gây cản trở hoạt động thương mại mà ngược lại, giúp làm sạch môi trường kinh doanh trực tuyến. Việc xác lập một hành lang pháp lý rõ ràng và nghiêm minh sẽ góp phần tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử một cách bền vững.
Tuy nhiên, cũng cần tăng cường công tác phổ biến pháp luật và hướng dẫn tuân thủ cho cộng đồng người bán hàng trực tuyến. Đa số người kinh doanh nhỏ lẻ hiện nay chưa được đào tạo bài bản, thiếu hiểu biết pháp luật và có thể vô tình trở thành đối tượng vi phạm khi tiếp tay cho các nhà cung cấp hàng giả. Việc hướng dẫn, hỗ trợ họ xây dựng quy trình kiểm soát nguồn gốc sản phẩm, kiểm định chất lượng, cũng như cung cấp công cụ xác thực thông tin là những yếu tố thiết yếu đi kèm với việc thực thi pháp luật.
Một số kiến nghị hoàn thiện
Mặc dù, Dự thảo đã có nhiều điểm tích cực, song để đảm bảo tính khả thi và công bằng trong áp dụng, cần xem xét thêm các khía cạnh sau:
- Làm rõ khái niệm “người tiếp cận”: Cần hướng dẫn cụ thể thế nào là “người tiếp cận” (ví dụ: lượt xem bài đăng, lượt nhấn vào liên kết, lượt mua hàng hay đơn giản là lượt hiển thị...), tránh tình trạng diễn giải mâu thuẫn giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
- Phân biệt giữa hành vi cố ý và vô ý: Không nên áp dụng hình phạt quá nghiêm khắc đối với trường hợp người bán không biết sản phẩm là hàng giả do lỗi của nhà cung cấp, đặc biệt khi họ đã có những biện pháp kiểm tra hợp lý.
- Tăng cường năng lực điều tra trong môi trường số: Việc chứng minh hành vi phạm tội trên nền tảng thương mại điện tử đòi hỏi năng lực thu thập chứng cứ điện tử, phân tích dữ liệu mạng và truy vết dòng tiền, những kỹ năng mà không phải cơ quan điều tra nào cũng được trang bị đầy đủ, đo đó cần phải tăng cường năng lực điều tra trong môi trường số đối với cơ quan có thẩm quyền.