Ảnh minh họa.
Theo đó lần đầu tiên trong lịch sử pháp luật tố tụng hình sự, BLTTHS năm 2015 đã đưa ra những quy định pháp luật cụ thể về việc triệu tập Điều tra viên đến phiên tòa tại 02 điều luật - đó là:
- Điều 296 - Sự có mặt của Điều tra viên và những người khác: “Trong quá trình xét xử, khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể triệu tập Điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án”.
- Điều 317 - Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trình bày ý kiến “Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử tự mình hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng yêu cầu Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trình bày ý kiến để làm rõ những quyết định, hành vi tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử”.
Các trường hợp triệu tập Điều tra viên đến phiên tòa?
BLTTHS năm 2015 không quy định cụ thể trong trường hợp nào thì triệu tập Điều tra viên đến tham dự phiên tòa. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy một số trường hợp sau đây được xem là cần thiết triệu tập Điều tra viên đến phiên toà để làm rõ những quyết định, hành vi tố tụng trong giai đoạn điều tra vụ án.
Thứ nhất: Khi cần làm rõ những vấn đề trong yêu cầu điều tra, yêu cầu điều tra bổ sung của Kiểm sát viên mà Điều tra viên thực hiện không đúng yêu cầu hoặc không thực hiện.
Điều tra viên, Cán bộ điều tra được phân công điều tra vụ án phải thực hiện yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên, tuy nhiên có trường hợp có nội dung yêu cầu điều tra mà Điều tra viên, cán bộ điều tra không nhất trí, thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra báo cáo Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra.
Trường hợp Cơ quan điều tra không thực hiện yêu cầu điều tra của Viện Kiểm sát hoặc đã tiến hành các hoạt động điều tra nhưng do trở ngại khách quan mà không thể thực hiện được yêu cầu điều tra của Viện Kiểm sát thì Cơ quan điều tra phải nêu rõ lý do trong bản kết luận điều tra. Do đó khi cần làm rõ vấn đề này thì Hội đồng xét xử phải triệu tập Điều tra viên hoặc Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Điều tra đến phiên tòa để làm rõ những lý do không thực hiện được yêu cầu điều tra của Điều tra viên.
Thứ hai: Trong hồ sơ vụ án có những nội dung không thống nhất trong việc đánh giá, tài liệu chứng cứ giữa Điều tra viên và Kiểm sát viên.
Theo quy định chậm nhất 10 ngày đối với vụ án ít nghiêm trọng và nghiêm trọng, 15 ngày đối với vụ án rất nghiêm trọng, 20 ngày đối với vụ án đặc biệt nghiêm trọng trước khi kết thúc điều tra hoặc hết thời hạn điều tra vụ án, Điều tra viên và Kiểm sát viên phải phối hợp để đánh giá toàn bộ chứng cứ, tài liệu và các thủ tục tố tụng của vụ án.
Đối với vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp hoặc Điều tra viên và Kiểm sát viên không thống nhất quan điểm đánh giá chứng cứ, tội danh thì Điều tra viên trao đổi với Kiểm sát viên báo cáo Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện Kiểm sát để Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện Kiểm sát tổ chức họp đánh giá kết quả điều tra vụ án, chỉ đạo giải quyết những vấn đề chưa thống nhất, khó khăn, vướng mắc, bảo đảm việc kết thúc điều tra, giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, khi vụ án có những nội dung không thống nhất quan điểm đánh giá chứng cứ, tài liệu, chứng cứ, thủ tục tố tụng giữa Điều tra viên và Kiểm sát viên. Khi cần làm rõ vấn đề này thì Hội đồng xét xử tiến hành triệu tập Điều tra viên tham dự phiên tòa để làm rõ.
Thứ ba: Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, có căn cứ xác định Điều tra viên, Cơ quan điều tra không cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng cứ, tài liệu liên quan theo quy định của pháp luật trong quá trình điều tra vụ án làm cho Kiểm sát viên không nắm được nội dung vụ án để kịp thời đề ra yêu cầu điều tra. Như, không chuyển các biên bản hoạt động tố tụng theo quy định tại khoản 5, Điều 88, BLTTHS năm 2015 cho Kiểm sát viên. Do đó, theo đề nghị của người tiến hành tố tụng đề nghị triệu tập Điều tra viên đến phiên tòa để làm rõ vấn đề.
Thứ tư: Trong quá trình chuẩn bị xét xử hoặc xét xử, những người tham gia tố tụng có ý kiến về Cơ quan điều tra không đảm bảo quyền lợi của họ khi tham gia tố tụng, như: Không được thông báo kết quả điều tra vụ án như; không được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ, không được đưa ra chứng cứ, đồ vật, yêu cầu của bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự… những người này đề nghị Hội đồng xét xử triệu tập Điều tra viên đến phiên tòa để làm rõ.
Thứ năm: Trong quá trình chuẩn bị xét xử hoặc xét xử, cần làm rõ những đề nghị, yêu cầu của những người tham gia tố tụng nhưng Cơ quan Điều tra không giải quyết và ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ như: Đề nghị giám định, định giá tài sản của bị can, bị cáo, bị hại; yêu cầu kiểm tra, tài liệu chứng cứ của bị cáo, bị hại; yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của bị hại; Đề nghị tiến hành các hoạt động tố tụng, thu thập tài liệu chứng cứ của người bào chữa… Hội đồng xét xử hoặc những người tham gia tố tụng khác đề nghị Hội đồng xét xử triệu tập Điều tra viên đến để làm rõ.
Thứ sáu: Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, sau khi nghiên cứu hồ sơ nếu thấy có một trong các căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nhưng Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa đã có biện pháp khắc phục hoặc có thể bổ sung được tại phiên tòa mà không phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, như: Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra, nhưng không xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng. Vì vậy cần phải triệu tập Điều tra viên đến phiên tòa để làm rõ, tránh trường hợp trả hồ sơ điều tra bổ sung làm cho quá trình giải quyết vụ án kéo dài.
Thứ bảy: Bị cáo khiếu nại về việc bị “ép cung”, “bức cung”, “nhục hình”; khiếu nại về việc Điều tra viên để giấy trắng rồi ghi thêm nội dung sau khi đã kết thúc việc hỏi cung; khiếu nại về việc khi hỏi cung không có luật sư hoặc kiểm sát viên tham gia nhưng biên bản lại thể hiện có những người này; biên bản phạm tội quả tang phản ánh không đúng sự thật khách quan; hoạt động đối chất không được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật…
Những người có quyền triệu tập Điều tra viên đến phiên tòa?
BLTTHS năm 2015 không quy định cho Tòa án nói chung hay Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa quyền triệu tập Điều tra viên mà quy định chỉ có Hội đồng xét xử, trong quá trình xét xử, khi thấy cần thiết thì quyết định việc triệu tập Điều tra viên. Quy định này là cần thiết nhằm đảm bảo sự thận trọng trong việc triệu tập Điều tra viên đến phiên tòa và cũng phù hợp với việc chỉ Hội đồng xét xử mới có thẩm quyền phân tích tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên (Điều 260, Điều 326); Tính hợp pháp của những chứng cứ, tài liệu do Cơ quan điều tra thu thập và việc phân tích đánh giá này chỉ được thực hiện theo trình tự thủ tục xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm. Tuy nhiên quy định này lại gây khó khăn khi thực hiện, bởi lẽ: trong quá trình xét xử, khi xét thấy cần thiết Hội đồng xét xử mới quyết định triệu tập Điều tra viên dẫn đến phải tạm ngừng, thậm chí hoãn phiên tòa vì Điều tra viên không thể có mặt ngay theo quyết định triệu tập của Hội đồng xét xử.
Những người có quyền yêu cầu triệu tập Điều tra viên đến phiên tòa?
Điều 296, BLTTHS chỉ quy định, trong quá trình xét xử, khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể triệu tập Điều tra viên đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án.
Như vậy, điều luật chỉ dừng lại ở việc quy định Hội đồng xét xử có quyền triệu tập Điều tra viên đến phiên tòa nhưng lại không hề quy định những người nào có quyền yêu cầu triệu tập Điều tra viên đến phiên tòa. Tuy nhiên, tại Điều 287, BLTTHS có quy định về việc triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên tòa như sau: “Căn cứ vào quyết định đưa vụ án ra xét xử, yêu cầu của Kiểm sát viên, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên tòa”. Như vậy , nếu như xem Điều tra viên cũng là người cần triệu tập đến phiên tòa để xét hỏi thì Kiểm sát viên, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác có quyền yêu cầu triệu tập Điều tra viên đến phiên tòa và người có quyền triệu tập lúc này sẽ là Thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 không quy định cho Tòa án nói chung hay Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa quyền triệu tập Điều tra viên mà quy định chỉ có Hội đồng xét xử, trong quá trình xét xử, khi thấy cần thiết thì quyết định việc triệu tập Điều tra viên. Như vậy, vấn đề này vẫn còn phát sinh nhiều mâu thuẫn giữa các điều luật với nhau.
Tư cách tố tụng của Điều tra viên tại phiên tòa là gì?
BLTTHS năm 2015 không có quy định cụ thể, hơn nữa cũng chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này nên hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi, không thống nhất.
Có ý kiến cho rằng, theo quy định tại Chương III BLTTHS năm 2015 quy định về Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì Điều tra viên là người tiến hành tố tụng. Vì vậy, khi được triệu tập đến phiên tòa Điều tra viên tham gia phiên tòa với tư cách là người tiến hành tố tụng được triệu tập.
Một số người khác có quan điểm: Theo quy định tại Phần thứ tư của BLTTHS năm 2015 về xét xử vụ án hình sự và các văn bản hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao như Nghị quyết 05/2017/NQ-HĐTP về việc Ban hành một số biểu mẫu trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự, xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật của BLTTHS thì tại phiên tòa người tiến hành tố tụng chỉ gồm: Các thành viên của Hội đồng xét xử, Thư ký và Kiểm sát viên - Đại diện Viện Kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử. Vì vậy, Điều tra viên được triệu tập phiên tòa với tư cách người tham gia tố tụng.
Căn cứ Điều 55, BLTTHS quy định người tham gia tố tụng gồm có 20 loại người: Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố; Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; Người bị bắt; Người bị tạm giữ; Bị can; Bị cáo; Bị hại; Nguyên đơn dân sự; Bị đơn dân sự; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; Người làm chứng; Người chứng kiến; Người giám định; Người định giá tài sản; Người phiên dịch, người dịch thuật; Người bào chữa; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố; Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội, người đại diện khác theo quy định của Bộ luật này, nhiều Hội đồng xét xử xác định Điều tra viên được triệu tập đến phiên tòa tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Theo tác giả cả hai ý kiến vẫn còn tồn tại những điểm bất hợp lý chưa phản ánh đúng bản chất vị trí, vai trò của Điều tra viên tại phiên tòa, bởi lẽ:
Người tiến hành tố tụng với nhiệm vụ, quyền hạn của họ sẽgắn với từng giai đoạn tố tụng cụ thể, Điều tra viên là người tiến hành tố tụng, có nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm khi được phân công tiến hành hoạt động khởi tố, điều tra vụ án vì vậy đến giai đoạn xét xử và nhất là tại phiên tòa, Điều tra viên không phải là người tiến hành tố tụng vì đã hết nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của luật.
Tuy nhiên, nếu xác định Điều tra viên được triệu tập đến phiên tòa là người tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng không phản ánh đúng, gây hiểu nhầm về vị trí, vai trò của Điều tra viên tại phiên tòa. Việc xác định Điều tra viên là người làm chứng hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan dẫn đến Điều tra viên cũng có các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 65, Điều 66, BLTTHS là chưa chuẩn xác. Thực tế những phiên tòa xác định Điều tra viên là người làm chứng thì sau khi Hội đồng xét xử hỏi, các chủ thể khác là Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự có thể hỏi Điều tra viên với tư cách người làm chứng, điều này vô hình trung hạ thấp vị trí của Điều tra viên. Theo tôi Điều tra viên chỉ có trách nhiệm trình bày để giải thích, làm rõ tính có căn cứ của quyết định tố tụng, hành vi tố tụng mà mình đã thực hiện trong quá trình điều tra theo yêu cầu của Hội đồng xét xử. BLTTHS năm 2015 không có quy định về việc hỏi Điều tra viên tại phiên tòa mà quy định rõ: “Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử tự mình hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng yêu cầu Điều tra viên… trình bày ý kiến để làm rõ những quyết định, hành vi tố tụng trong giai đoạn điều tra…”. Điều tra viên không có các quyền và nghĩa vụ của người làm chứng, cũng như người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, không phải cam đoan khai trung thực, cũng như không tham gia tranh luận…
Theo tác giả, mặc dù BLTTHS chưa có quy định cụ thể, song căn cứ vào các Điều 296, Điều 317 có thể xác định, Điều tra viên được triệu tập đến phiên tòa trình bày ý kiến để làm rõ những quyết định, hành vi tố tụng trong giai đoạn điều tra không phải là người tiến hành tố tụng, cũng không phải là một trong 20 người tham gia tố tụng theo quy định tại Điều 55, BLHS. Điều tra viên tham gia phiên tòa có quyền và nghĩa vụ được BLTTHS quy định cụ thể là (1) có mặt theo quyết định triệu tập của Hội đồng xét xử; (2) trình bày ý kiến để làm rõ những quyết định, hành vi tố tụng trong giai đoạn điều tra. Như vậy, có thể khẳng định theo các quy định này, Điều tra viên hoàn toàn không có các quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng như người làm chứng hay người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan…
Điều tra viên có quyền tranh luận tại phiên tòa hay không?
Khoản 1, Điều 322, BLTTHS quy định về việc tranh luận tại phiên tòa như sau: “Bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận của mình để đối đáp với Kiểm sát viên về những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội; tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; nhân thân và vai trò của bị cáo trong vụ án; những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, mức hình phạt; trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp; nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án. Bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác có quyền đưa ra đề nghị của mình”.
Như vậy, nay tại Điều 322 cũng đã chi ra các đối tượng có thể tham gia tranh luận bình đẳng, công khai tại phiên tòa bao gồm: kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác (bị hại, đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự hay người đại diện của bị cáo,…), không hề có quy định về Điều tra viên tham gia tranh luận. Quy định này cũng hoàn toàn phù hợp với quy định về trình tự phát biểu khi tranh luận tại Điều 320, BLTTHS khi điều luật cũng chỉ xoay quanh các đối tượng được liệt kê ở trên ,à không hề có điều tra viên.
Bên cạnh đó, việc Điều tra viên xuất hiện tại phiên tòa chỉ có trách nhiệm trình bày để giải thích, làm rõ tính có căn cứ của quyết định tố tụng, hành vi tố tụng mà mình đã thực hiện trong quá trình điều tra theo yêu cầu của Hội đồng xét xử. Cho nên, Điều tra viên không có các quyền và nghĩa vụ của người làm chứng, cũng như người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan,… không phải cam đoan khai trung thực, cũng như không tham gia tranh luận.
Vị trí, chỗ ngồi của Điều tra viên tại phiên toà
Nhằm cụ thể hóa các nguyên tắc và những nội dung của BLTTHS năm 2015, ngày 28/7/2017, Chánh án TAND Tối cao ban hành Thông tư số 01/2017/TT-TAND Tối cao quy định về phòng xử án. Trong đó khằng định phòng xử án phải được bố trí trang nghiêm, bảo đảm an ninh, trật tự phiên tòa; việc bố trí phòng xử án phải thể hiện vị trí, vai trò trung tâm của Hội đồng xét xử; bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án; bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự… Đây là quy định tiến bộ của BLTTHS năm 2015 so với BLTTHS năm 2003. Tuy nhiên, khi áp dụng trong thực tiễn, tôi thấy việc bố trí phòng xử án theo Thông tư số 01 năm 2017 của TAND Tối cao đối với các phiên tòa hình sự cũng gặp không ít khó khăn như chỗ ngồi, bàn trình bày của Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi được Tòa án yêu cầu đến phiên tòa (Điều 317, BLTTHS năm 2015) thì ngồi, trình bày ở chỗ nào, tư cách tố tụng ra sao… Để tìm hiểu rõ hơn nội dung này, chúng ta quan sát phòng xử án hình sự hiện nay:
Qua quan sát phòng xử án hình sự trên, chúng ta không thấy vị trí chỗ ngồi, bàn trình bày của Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi được Tòa án yêu cầu đến phiên tòa chưa được Thông tư số 01 năm 2017 của TAND Tối cao quy định. Đây là khó khăn, vướng mắc khi áp dụng trong thực tiễn và có những ý kiến khác nhau.
Ý kiến thứ nhất cho rằng khi Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng được Tòa án yêu cầu đến phiên tòa trình bày ý kiến để làm rõ những quyết định, hành vi tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử thì những người này sẽ ngồi ở vị trí số 10 (người tham gia tố tụng khác) và đứng trình bày ý kiến ở vị trí số 5 (bục khai báo của người tham gia tố tụng khác). Nếu những người này tham gia phiên tòa như vậy thì tư cách tố tụng của họ là gì, có phải là những người tham gia tố tụng và vị thế của họ tại phiên tòa có đảm bảo nguyên tắc tố tụng hình sự không? Ví dụ điển hình là tại phiên tòa xét xử vụ án "Vô ý làm chết người" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" tại tỉnh Hòa Bình, khi Điều tra viên đến phiên tòa ngồi và đứng trình bày ý kiến ở vị trí 05 và 10.
Ý kiến thứ hai cho rằng khi Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng được Tòa án yêu cầu đến phiên tòa trình bày ý kiến để làm rõ những quyết định, hành vi tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử thì những người này sẽ ngồi ở vị trí ngay cạnh phía tay phải vị trí số 3 (đại diện Viện Kiểm sát) và đứng lên trình bày ý kiến ở tại vị trí này. Những người có ý kiến này đưa ra quan điểm việc Tòa án yêu cầu đến phiên tòa thì họ với tư cách là những người tiến hành tố tụng và vị trí của họ phải ngang bằng với đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa. Còn nếu không bố trí chỗ ngồi, bàn khai như trên thì họ sẽ không tham gia phiên tòa vì họ không có tư cách tố tụng gì tại phiên tòa.
Ý kiến thứ ba cho rằng cần phải bổ sung vị trí chỗ ngồi, bàn trình bày ý kiến của Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng được Tòa án yêu cầu đến phiên tòa sao cho phù hợp với phòng xử án hình sự hiện nay, đảm bảo quyền và xác định đúng tư cách tố tụng của những người này.
Tác giả đồng tình với ý kiến thứ ba, để áp dụng pháp luật được thống nhất và bảo đảm các nguyên tắc của BLTTHS năm 2015 đề nghị TAND Tối cao cần sửa đổi phòng xử án hình sự quy định trong Thông tư số 01 năm 2017 cho phù hợp với thực tiễn khi xét xử các vụ án hình sự hiện nay.
Xuất phát từ những khó khăn trong xác định tư cách tố tụng của Điều tra viên tham gia phiên tòa, đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp, hướng tới việc xét xử khách quan, công bằng, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người và trật tự pháp luật, các cơ quan có thẩm quyền cần soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể về việc tham dự phiên tòa của Điều tra viên. Đặc biệt, phải quy định rõ về địa vị pháp lý và quyền, nghĩa vụ của Điều tra viên được triệu tập tại phiên tòa.
VÕ HOÀNG QUỐC
Vụ I, Văn phòng Chính phủ