Trình Quốc hội thông qua EVFTA: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam

20/05/2020 00:07 | 3 năm trước

(LSO) - Sáng ngày 20/5, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) đã được trình Quốc hội xem xét và dự kiến thông qua ngày 28/5.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đọc Tờ trình Hiệp định EVFTA và EVIPA.

Đọc tờ trình về việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết nội dung hiệp định bao gồm các vấn đề liên quan đến thương mại hàng hoá, quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hoá thương mại, các biện pháp kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng rào kỹ thuật, thương mại dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm Chính phủ….

Vừa tạo cơ hội vừa đặt ra thách đòi hỏi cho Việt Nam

Tờ trình đánh giá hiệp định EVFTA thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc thúc đẩy quan hệ song phương, giúp Việt Nam nâng cao nội lực và củng cố vị thế. Đặc biệt, hiệp định mang lại lợi ích giúp tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thu ngân sách, tạo ra sức ép cải cách…

Hiệp định cũng mang đến một số thách thức nhất định như cam kết mở cửa thị trường, yêu cầu đáp ứng các quy định chặt chẽ về thủ tục đầu tư, hải quan, tiêu chuẩn kỹ thuật và cam kết về lao động…

Thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã trình bày báo cáo thuyết minh bổ sung về Hiệp định EVFTA của Chính phủ trước Quốc hội. Dự kiến, Quốc hội cho ý kiến và thông qua hiệp định trong kỳ họp thứ 9.

Hồi tháng 4, EU đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn nội bộ hiệp định. Như vậy EVFTA giờ chỉ cần được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn là có hiệu lực đối với cả EU và Việt Nam.

Theo Chính phủ, EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới quan trọng. Theo nghiên cứu, EVFTA sẽ giúp Việt Nam tăng thêm 0,8 triệu người thoát nghèo vào năm 2030, tương đương với mức giảm tỷ lệ nghèo 0,7%. Hiệp định này cũng có khả năng giúp thu hẹp khoảng cách tiền lương theo giới tính thêm 0,15%, đặc biệt cho các hộ gia đình thuộc nhóm 40% có thu nhập thấp nhất.

Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, EVFTA sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ.

Đối với Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng hiệp định này sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thông qua tác động tới đầu tư, thương mại, cải thiện năng suất và cải thiện môi trường thể chế.

Trong ngắn hạn (giai đoạn 2019-2021), tăng trưởng thương mại do giảm các hàng rào phi thuế quan có tác động tích cực hơn đến tăng trưởng GDP. So với trường hợp không tham gia các hiệp định này, GDP của Việt Nam tăng thêm 0,28-0,63%/năm.

Không những vậy, việc tham gia các hiệp định này dự kiến sẽ có tác động trực tiếp, gián tiếp đến việc tạo việc làm và thu nhập của người lao động. Trong ngắn hạn, trung bình mỗi năm sẽ tạo thêm 26.000-66.000 việc làm.

Giúp Việt Nam thiết lập chuỗi cung ứng mới, kinh tế phục hồi

Nhìn nhận vào bối cảnh dịch Covid-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, cả hai hiệp định đều có tác động tích cực đến Việt Nam trong việc thiết lập các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị mới với EU, giúp nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng tốt và bù đắp những thiệt hại.

Hơn nữa, đây là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp có thể khôi phục và thúc đẩy việc sản xuất kinh doanh sau giai đoạn dịch bệnh. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội được mở rộng và đa dạng hóa hơn, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.

Tuy vậy, thách thức đặt ra là thể chế, chính sách, cơ chế quản lý của Việt Nam còn một số mặt hạn chế, hệ thống kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu nhà đầu tư.

Năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, khả năng hấp thụ công nghệ còn hạn chế, thường gặp nhiều khó khăn trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Thẩm tra sơ bộ về việc phê chuẩn các hiệp định này, chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đề nghị Chính phủ đánh giá thêm tác động của các hiệp định sau đại dịch Covid-19, các thách thức dự báo xu hướng phát triển quốc tế, đề ra các giải pháp đảm bảo an ninh kinh tế, chính trị, giữ gìn bản sắc dân tộc.

Ông Giàu nhấn mạnh việc áp dụng tự động hóa trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ có ảnh hưởng đến nhóm ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày.

Cần đánh giá cụ thể hơn cả tác động tích cực, tiêu cực và nhìn nhận lại năng lực của Việt Nam để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, phát huy thế mạnh để tận dụng cơ hội và hạn chế tối đa các tác động tiêu cực, có chính sách hỗ trợ phù hợp.

Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cũng lưu ý việc bảo đảm các nghĩa vụ, cam kết trong khuôn khổ các hiệp định được thực thi một cách đầy đủ, hạn chế phát sinh tranh chấp, khiếu kiện mà Việt Nam là bị đơn.

Về vấn đề Anh, báo cáo cũng Chính phủ cũng làm rõ thêm khi EVFTA được ký kết, Anh vẫn là thành viên của EU và được coi là thuộc bên tham gia ký kết cùng Việt Nam. Theo thỏa thuận Brexit, Anh sẽ có “giai đoạn chuyển tiếp” trước khi chính thức rời khỏi EU.

Giai đoạn này bắt đầu từ 1/2 đến 31/12 năm nay và có thể gia hạn đến 24 tháng. Theo đó, nếu EVFTA có hiệu lực và được thực thi trong giai đoạn chuyển tiếp thì Anh vẫn được hưởng các cam kết Việt Nam dành cho EU trong khuôn khổ EVFTA và ngược lại.

Theo Chính phủ, những quy định nào phải sửa đổi, bổ sung theo cam kết trong CPTPP sẽ không được nêu lại trong kết quả rà soát theo EVFTA. Ở cấp độ luật, tổng số văn bản được kiến nghị sửa đổi, bổ sung là 2 văn bản bao gồm Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009 và Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010.

LÂM HOÀNG (t/h)

/thu-tuong-de-nghi-chua-tang-luong-co-so-cho-can-bo-cong-chuc-tu-01-7-2020.html