Ảnh minh họa.
Thế nào là "Áp giải" và thế nào là "Dẫn giải":
Tại điểm k, điểm l, khoản 1, Điều 4, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đã quy định:
Áp giải là việc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo đến địa điểm tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử.
Dẫn giải là việc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế người làm chứng, người bị tố giác hoặc bị kiến nghị khởi tố đến địa điểm tiến hành điều tra, truy tố, xét xử hoặc người bị hại từ chối giám định.
Từ quy định nêu trên, nhà làm luật cũng đã quy định rõ từng biện pháp áp dụng cho những đối tượng nào, "Áp giải" chỉ áp dụng cho những người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Còn "Dẫn giải" chỉ áp dụng đối với người làm chứng, người bị tố giác hoặc bị kiến nghị khởi tố, người bị hại từ chối giám định. Việc "Áp giải" và "Dẫn giải" này chỉ được thực hiện bởi cơ quan có thẩm quyền, do đây là 02 biện pháp mang tính “cưỡng chế”. Mục đích của "Áp giải" và "Dẫn giải" đều đưa những người này đến địa điểm cần thiết phục vụ hoạt độngđiều tra, truy tố, xét xử.
Thực tiễn áp dụng các quy định "Áp giải" và "Dẫn giải"
Tuy nhiên, qua thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cho thấy không ít người tham gia tố tụng, người tiến hành tố tụng nhầm lẫn quy định này, hiểu sai 02 thuật ngữ pháp lý này, dẫn tới đề xuất – kiến nghị áp dụng không có căn cứ; việc áp dụng không đúng, không đầy đủ, xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Thậm chí, có người tham gia tố tụng đòi dẫn giải và thậm chí là áp giải cả “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan” trong vụ án hình sự, đây là một đề xuất – kiến nghị không có căn cứ pháp luật, thiếu thận trọng, thậm chí có thể nếu cơ quan tiến hành tố tụng thiếu sâu sắc và vội vàng áp dụng đề xuất này đối với “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan” thì dẫn tới vi phạm tố tụng, xảy ra những khiếu nại, khởi kiện quyết định áp giải, dẫn giải về sau. Ngoài ra, nếu vì bào chữa cho bị cáo, vì bảo vệ cho bị hại mà đề xuất áp giải, dẫn giải sai quy định đối với một người nào đó mà họ có lý do chính đáng, vì lý do bất khả kháng… thì chính những đề xuất – kiến nghị này cũng đang xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của những người này, làm xấu đi tình trạng pháp lý của họ. Chính vì vậy, việc áp dụng các biện pháp "Áp giải" hay "Dẫn giải" đối với một người phải có căn cứ pháp luật.
Tại Điều 55, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 thì người tham gia tố tụng gồm: Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố; Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; Người bị bắt; Người bị tạm giữ; Bị can; Bị cáo; Bị hại; Nguyên đơn dân sự; Bị đơn dân sự; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; Người làm chứng; Người chứng kiến; Người giám định; Người định giá tài sản; Người phiên dịch, người dịch thuật; Người bào chữa; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố; Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội, người đại diện khác theo quy định của Bộ luật này.
Tại Điều 65, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 nêu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của “Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”, đều không có quy định "Áp giải", hay "Dẫn giải" đối với người tham gia tố tụng với tư cách này nếu họ không có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.
Thứ nhất, Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự.
Thứ hai, Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện của họ có quyền: Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này; Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; Yêu cầu giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật; Tham gia phiên tòa; phát biểu ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi những người tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa; Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình; Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án về những vấn đề trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình; Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có nghĩa vụ: Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; Trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mình; Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Bộ luật Tố tụng Hình sự đã nêu rõ nghĩa vụ cụ thể đối với người tham gia tố tụng phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập, nếu không sẽ bị áp dụng biện pháp "Áp giải": Đối với Bị can quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 60; Đối với Bị cáo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 61. Bên cạnh đó, Bộ luật Tố tụng Hình sự đã nêu rõ nghĩa vụ cụ thể đối với người tham gia tố tụng phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập, nếu không sẽ bị áp dụng biện pháp "Dẫn giải": Đối với Bị hại quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 62; Đối với Người làm chứng quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 66. Như vậy, luật đã quy định rất rõ việc áp dụng biện pháp "Áp giải", "Dẫn giải" cụ thể đối với từng đối tượng, những người tham gia tố tụng và cơ quan tiến hành tố tụng cần nắm chắc các quy định này để việc giải quyết vụ án đúng luật, đúng đường lối xét xử, tránh xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Tại phiên tòa, nếu thấy những yêu cầu, đề xuất "Áp giải", "Dẫn giải" trái luật người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần từ chối ngay các yêu cầu, đề xuất này. Ngoài ra, những người tham gia tố tụng là “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan” nếu vắng mặt có lý do chính đáng, lý do bất khả kháng, không ảnh hưởng tới quá trình giải quyết vụ án, thì trong trường hợp này theo tôi hội đồng xét xử vẫn nên tiếp tục hoạt động xét xử mà không cần phải hoãn phiên tòa.
Từ thực tiễn xét xử và kinh nghiệm tranh tụng tại phiên tòa cho thấy, không ít người tham gia tố tụng có những đề xuất - kiến nghị, yêu cầu áp dụng biện pháp "Áp giải", "Dẫn giải" sai quy định, nên những người tiến hành tố tụng cần phải nắm chắc quy định pháp luật để từ chối các yêu cầu, đề xuất – kiến nghị không có căn cứ này. Ngoài ra, đối với người bào chữa cho bị cáo, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, cho người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cần nắm vững những quy định này để bào chữa, bảo vệ cho thân chủ một cách tốt nhất, thuyết phục nhất.
Luật sư HÀ THỊ KHUYÊN
Đoàn Luật sư TP. Hà Nội