/ Luật sư - Bạn đọc
/ Từ bài thơ nghĩ đến cả quy trình

Từ bài thơ nghĩ đến cả quy trình

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Một thầy thuốc tồi có thể giết chết vài trăm bệnh nhân nhưng một thầy giáo kém sẽ làm “thui chột” vài chục lớp học với một số lượng học sinh không xác định được. Một bộ sách giáo khoa thường có vòng đời khoảng 20 năm, và còn có thể dài hơn. Với chừng ấy thời gian, những bộ sách giáo khoa sai sót về kiến thức, lệch lạc về ý nghĩa giáo dục sẽ gây hại cho bao nhiêu triệu trẻ em?.

Ảnh minh họa. 

Cháu nội tôi năm nay vào học lớp 6. Cháu mang sách giáo khoa ra hỏi nhiều điều, trong đó có hỏi về bài thơ "Bắt nạt". Tôi vốn định không lên tiếng vì đã có quá nhiều bài viết chỉ ra những sai sót trong mấy cuốn sách giáo khoa này. Nhưng trước câu hỏi non nớt của cháu, thì tôi không thể im lặng nữa. Bởi, những nguy hại do những cuốn sách giáo khoa làm sai, làm ẩu là vô cùng khủng khiếp với thế hệ trẻ.

Sách giáo khoa là một sản phẩm văn hóa đặc biệt, nếu có coi là sản phẩm hàng hóa thì cũng phải được tôn vinh là hàng hóa đặc thù có ý nghĩa cao quý trong mọi loại hàng hóa. Có thể ví như khuôn vàng thước ngọc sử dụng lâu dài cho việc dạy và học trong nhà trường. Bởi, đối tượng tiếp nhận nó là nhiều thế hệ trẻ thơ, những chủ nhân tương lai của đất nước. Một thầy thuốc tồi có thể giết chết vài trăm bệnh nhân nhưng một thầy giáo kém sẽ làm “thui chột” vài chục lớp học với một số lượng học sinh không xác định được. Một bộ sách giáo khoa thường có vòng đời khoảng 20 năm, và còn có thể dài hơn. Với chừng ấy thời gian, những bộ sách giáo khoa sai sót về kiến thức, lệch lạc về ý nghĩa giáo dục sẽ gây hại cho bao nhiêu triệu trẻ em?

Như cháu nội tôi giờ sẽ coi bài "Bắt nạt" là một trong những bài thơ hay nhất. Vì nó nói đến hip hop và mù tạt. Trong khi đó, bài ấy chỉ là một bài mang bóng dáng thể loại vè kém cỏi. Cũng không thể gắn cho cái mác đồng dao, vì nhà nghiên cứu phê bình văn hóa dân gian Nguyễn Xuân Đức khẳng định: “Nó không phải là đồng dao và vè dựa theo tiêu chí thể loại. Nó chỉ là bông phèng, tếu táo mà thôi”. Ông cũng kiên quyết: “Đừng có mang bài thơ Bắt nạt đổ vấy cho văn học dân gian”. Nghĩ đến đây mà thấy buồn vô cùng.

Đã có quy trình biên soạn, thẩm định sách giáo khoa nghiêm ngặt nhưng khổ nỗi dù đầy đủ thông tư luật định, một số lỗ hổng “chết người” vẫn xuất hiện. Tiêu chí chọn lựa, sử dụng người làm Tổng Chủ biên, Chủ biên là gì? Người tham gia ban biên soạn phải đáp ứng những điều kiện gì? Có cần công khai danh tính những người có đủ tài và tâm ấy khi tham gia biên soạn, thẩm định sách giáo khoa trên cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo?

Điều quan trọng hơn hết là chế độ hậu kiểm và quy định chịu trách nhiệm cho từng vị trí trong guồng máy biên soạn, thẩm định, phát hành sách giáo khoa là như thế nào? Thực phẩm bẩn dẫn tới ung thư về thể xác. Sản phẩm văn hóa nói chung, sách giáo khoa nói riêng nếu nhiều sai sót sẽ dẫn tới “ung thư” về nhân cách, lệch lạc về nhận thức. Câu hỏi đặt ra ai sẽ chịu trách nhiệm khi có lỗi xảy ra?

Từ chuyện cắt xén tác phẩm "Tôi đi học" của Thanh Tịnh, tôi nghĩ rằng, muốn cắt xén rút gọn cũng phải có một quy trình vừa mang tính khoa học vừa mang tính nghệ thuật. Nước Pháp khi xây dựng Nhà thờ Đức Bà, tượng Nữ thần Tự do phiên bản thu nhỏ ở Việt Nam cũng phải giữ nguyên kiến trúc và hình thức của hai công trình kiến trúc và điêu khắc là mẫu gốc, chỉ thu nhỏ về kích thước. Không ai dám cắt xén tùy tiện để từ mẫu gốc là một con công, nay làm ra con quạ hay con vịt bầu, rồi bảo đó là sáng tạo, đổi mới. Đó là sự xuyên tạc, làm què quặt mẫu gốc. Đấy là với công trình kiến trúc và điêu khắc còn thận trọng đến thế. Với tác phẩm văn học còn khó hơn nhiều.

Với những tác phẩm văn học đưa vào sách giáo khoa, không nên cắt xén như trường hợp đã làm với tác phẩm "Tôi đi học" của Thanh Tịnh. Mỗi tác phẩm ấy là sáng tạo nghệ thuật độc đáo không lặp lại. Trừ tác giả của tác phẩm ấy, không ai có thể cắt xén mà không làm mất mát hay sai lạc giá trị của tác phẩm. Chưa nói mỗi tác phẩm đều in đậm dấu ấn phong cách của nhà văn. Cắt sửa để làm thay đổi, thậm chí làm mất đi dấu ấn phong cách đó, tác phẩm ấy không phải là nó nữa. Thế chẳng khác nào tôi tự ý mang con anh về, giao cho mấy tay thợ làm ẩu, vừa dốt vừa liều, phẫu thuật thẩm mỹ, làm thằng bé biến dạng hoàn toàn, rồi trả cho anh mà ngang nhiên tuyên bố vẫn con anh đấy. Anh nghĩ sao?

Chỉ nên tỉnh lược để chọn lấy đoạn, phần hay nhất của tác phẩm được chọn làm ngữ liệu, tránh cắt xén thô thiển. Chỉ có một Thanh Tịnh, một tác phẩm "Tôi đi học" đã được ghi khắc vào thương nhớ của bao thế hệ, trong đó có tôi. Nay nhìn bản hàng nhái vụng về, còn “thua cả hàng nhái”, vì "hàng nhái" nhìn vẫn hơi giống hàng thật. Buồn và ngạc nhiên. Không hiểu các vị cắt xén theo nguyên tắc nào?

Trên đây là một số trăn trở về những sai sót trong sách giáo khoa mà báo chí đã chỉ ra, về một vài lỗ hổng trong quy trình biên soạn, thẩm định sách giáo khoa, vì tương lai của hàng triệu trẻ thơ, mong Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện đúng trách nhiệm của mình để hàng nghìn tỉ đồng bỏ ra để đổi mới sách giáo khoa hi vọng không lãng phí.

“Quyền nhân thân của tác giả là vĩnh viễn. Đó là quyền công bố, quyền đặt tên tác phẩm, công bố một phần hay từng phần, đặt tên tác phẩm, tên tác giả hay bút danh, quyền thay đổi nội dung, chỉnh sửa, quyền cho, biếu tặng... không ai có thể làm thay tác giả hoặc người được thừa kế, ủy quyền. 

Nếu chuyện này xảy ra đối với việc làm sách giáo khoa hiện nay thì thật đáng buồn và phải xử lý theo đúng Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội thông qua. Vì một khi các tác phẩm văn học của các tác giả nổi tiếng trên thế giới hay các tác giả được yêu mến của Việt Nam bị cắt xén, phóng tác, chuyển thể làm mất nội dung, tư tưởng của tác giả, thậm chí méo mó, biến dạng tác phẩm thì đó là sự thụt lùi về thực hiện quyền tác giả”, Nhà văn Đỗ Hàn, Giám đốc Trung tâm Bản quyền Văn học Việt Nam .  

PGS. TS NGUYỄN ĐỨC HẠNH

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 NXB Giáo dục: Kết nối sai lệch với cuộc sống?

Lê Minh Hoàng