/ Pháp luật - Đời sống
/ Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 NXB Giáo dục: Kết nối sai lệch với cuộc sống?

Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 NXB Giáo dục: Kết nối sai lệch với cuộc sống?

05/09/2021 14:56 |

(LSVN) - Trong khi dư luận vẫn đang xôn xao với việc lựa chọn bài thơ “Bắt nạt” của Nguyễn Thế Hoàng Linh và những "hạt sạn" đáng tiếc ở sách Ngữ văn lớp 6, thì sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt lớp 2 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống (Tổng chủ biên: PGS. TS. Bùi Mạnh Hùng) đã không thể hiện được triết lý giáo dục của bộ sách. Bởi lẽ, tính khoa học, giáo dục của sách chưa cao.

Dạy học sinh cứ thấy vàng là lấy?

Tập 1, trang 17-18, bài 3: “Niềm vui của Bi và Bống” kể chuyện 2 anh em Bi và Bống nhìn thấy cầu vồng. Bi bảo em: “Anh nghe nói dưới chân cầu vồng có bảy hũ vàng đấy.”, Bống hưởng ứng: “Lát nữa, mình sẽ đi lấy về nhé! Có vàng rồi, em sẽ mua nhiều búp bê và quần áo đẹp”. Bi cũng không chịu kém, nghĩ ngay đến chuyện mua sắm cho mình: “Còn anh sẽ mua một con ngựa hồng và một cái ô tô”. 

Câu chuyện này dạy trẻ con mơ ước viển vông hay dạy trẻ lòng tham? Chẳng lẽ cứ thấy vàng là có thể lấy, mua sắm đủ thứ cho mình, mà không cần biết vàng đó của ai ư?.

Dạy học sinh an phận?

Tập 1, trang 96, nghe kể chuyện: “Chúng mình là bạn”. Câu chuyện tóm tắt như sau: Ếch ộp, sơn ca và nai vàng chơi thân với nhau. Chúng thường kể cho nhau nghe những điều mỗi con đã trải qua. Một hôm, chúng quyết định đổi chỗ cho nhau: chim sơn ca thì xuống nước, ếch ộp vào rừng, còn nai vàng thì tập bay. Kết quả là sơn ca suýt chết đuối, nai vàng ngã đau điếng, còn ếch ộp thì suýt chết đói trong rừng. Từ câu chuyện này, SGK đặt hỏi: “Ếch ộp, sơn ca và nai vàng đã rút ra được bài học gì?”.

Phải chăng bài học ở đây là “mỗi người thuộc về một nơi khác nhau, mỗi người có những khả năng riêng”, người ta không thể thay đổi môi trường sống, vượt lên số phận (như hướng dẫn trong sách giáo viên)?. Nếu vậy thì làm sao có thể khuyến khích con người chế ra các phương tiện lặn xuống nước, bay lên trời và sáng tạo ra biết bao điều kỳ diệu?. 

Dạy học sinh tham ăn, láu cá vặt

Tập 1, trang 74, bài tập “Ăn gì trước?”: “Anh: - Nếu cái bánh này hình chiếc ô tô, em sẽ ăn phần nào trước? Em: - Em sẽ ăn bốn cái bánh xe ạ. Anh: - Tại sao vậy? Em: - Em phải ăn bánh xe trước để cái xe không chạy được nữa. Nếu ăn các bộ phận khác, anh nghĩ cái xe chịu đứng yên cho em ăn nó hay sao?”.

Nhiều ý kiến cho rằng, dù là giả định, cũng không nên dạy cho trẻ ví dụ, giả thiết này. Vì nó phản giáo dục.

Định kiến về giới

Trang 128, tập 1: “Mẹ may chiếc áo mới/Lại thêu một bông hoa/Anh cu Phương rất khoái/Khen: Mẹ giỏi hơn ba!/Khi ô tô hỏng má/Mẹ chẳng sửa được cho/Ba nối dây cót lại/Xe chạy liền ro ro…”.

Trang 128, tập 1: Tranh vẽ mẹ nấu cơm, bà rửa rau, còn bố thì chữa quạt, ông chăm cây hoa.

Trang 129, tập 1: Tranh vẽ mẹ rửa bát, bố trồng cây con.

Ở đây, sự “phân vai” về công việc trong ngữ liệu đã vô hình chung khiến trẻ có ấn tượng về nữ và nam có công việc riêng, mặc nhiên là bố làm những việc lớn, mạnh mẽ, còn mẹ chỉ làm những việc nhẹ nhàng, nhỏ bé.

Vứt bỏ huyền thoại Con Rồng cháu Tiên?

Tập 2, trang 119-120, bài 27: “Chuyện quả bầu”. Theo câu chuyện, ngày xưa, có hai vợ chồng nọ thoát chết sau một trận lụt rất lớn. Người vợ sinh ra một quả bầu. Một hôm, đi làm nương về, họ nghe tiếng lao xao trong quả bầu, vội lấy que dùi quả bầu thì từ trong quả bầu có những người nhỏ bé bước ra. “Đó là tổ tiên của các dân tộc anh em trên đất nước ta ngày nay”.

Dĩ nhiên là SGK có thể dạy những câu chuyện khác nhau về nguồn gốc dân tộc. Nhưng trong một bài học duy nhất ở lớp 2 về quê hương đất nước như bài “Việt Nam quê hương em” mà không dạy truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” thì liệu có “kết nối được tri thức” với Giỗ Tổ Hùng Vương, với hai tiếng thiêng liêng “đồng bào” không?.

Nội dung tùy tiện?

Trang 29-30, tập 1, bài 6: Theo Mục lục, bài này dạy học sinh về “từ ngữ chỉ đặc điểm” và “câu nêu đặc điểm”. Nhưng phần viết đoạn lại yêu cầu “nói về các hoạt động” và “viết về những việc em thường làm trước khi đi học”, tức là về “từ ngữ chỉ hoạt động”.  

Dạy học phải có mục đích. Không thể tùy tiện, nhất là về nội dung. 

Trang 58-59, tập 1, bài 14: Sau bài thơ “Em học vẽ”, SGK yêu cầu học sinh “tìm tiếng cùng vần ở cuối các dòng thơ”, mặc dù trước đó chưa hề dạy học sinh thế nào là vần trong thơ. Nếu hiểu “vần” chỉ là “phần vần của tiếng” như ở lớp 1 thì cả bài thơ không có tiếng nào cùng vần với tiếng nào; vì chỉ có tiếng “gió” ở khổ thơ 2 có phần vần gần giống tiếng “ngõ” đứng trước và tiếng “gió” ở khổ thơ 4 có phần vần gần với tiếng “đỏ” đứng trước nhưng chúng vẫn khác nhau về thanh điệu.

Trang 66, tập 1, bài “Khi trang sách mở ra”: SGK nêu đến 6 câu hỏi nhưng cả 6 câu đều không giúp học sinh hiểu được vì sao tác giả bài thơ viết: “Khi trang sách mở ra/Khoảng trời xa xích lại/Đầu tiên là cỏ dại/Thứ đến là cánh chim/Sau nữa là trẻ con/Cuối cùng là người lớn”.

Trang 12, tập 2, bài “Mùa nước nổi”, có câu hỏi:

“Cảnh vật trong mùa nước nổi thế nào?

- Sông nước

- Đồng ruộng, vườn tược, cây cỏ

- Cá”.

Không hiểu “cá” làm sao có thể coi là “cảnh vật” được?. Sự tùy tiện này khiến nhiều người hoài nghi về tính khoa học và giáo dục, nhận thức của bộ sách.

Trang 42-43, tập 2, bài “Khủng long”: Không hiểu tại sao khi dạy học sinh về động vật hoang dã, SGK “Kết nối tri thức với cuộc sống” lại dạy một bài về loài vật đã tuyệt chủng từ trước khi loài người xuất hiện, rồi yêu cầu học sinh tả các bộ phận của khủng long, hỏi đáp về đặc điểm các bộ phận của khủng long?.

Trang 73-74, tập 2, bài “Mây đen và mây trắng”. Bài tập đọc chê mây trắng ích kỉ, không muốn làm mưa cho con người và ca ngợi mây đen biết làm mưa cho con người. Cuối bài viết: “Nước ở ruộng đồng bốc hơi, bay lên, rồi lại kết thành những đám mây đen. Những đám mây đen hóa thành mưa rơi xuống,… Cứ như thế, mây đen tồn tại mãi mãi”. Trong khi đó, mây trắng “bị gió cuốn tan biến vào không trung”. Nói vậy, chẳng hóa mây trắng không phải do hơi nước tạo thành và không tồn tại mãi mãi sao?.

Trang 92-94, tập 2, bài “Mai An Tiêm”, tranh minh họa có thể làm học sinh hiểu sai về trang phục, nhà cửa thời Hùng Vương, cách đây hàng nghìn năm.

Trang 111, tập 2, bài “Đất nước chúng mình”: “Miền Bắc và miền Trung một năm có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Miền Nam có hai mùa: mùa mưa và mùa khô”. Nhưng, Tây Nguyên cũng có 2 mùa: mùa mưa và mùa khô; nhưng Tây Nguyên thuộc vùng Nam Trung Bộ, tức là miền Trung.

Trang 136, tập 2 đố học sinh: “Kêu lên tên thật/Lẩn quất bụi tre/Vào những ngày hè/Ngẩn ngơ đứng gọi (Là chim gì?)”. Hình ảnh minh họa bên dưới câu đố lại là một con gà tây. Đọc lời giải trong sách giáo viên mới biết đó là câu đố về con chim cuốc. Nhưng học sinh lớp 2 sẽ không hiểu nó “kêu tên thật” nghĩa là gì. Chẳng lẽ mỗi mình con cuốc được đặt tên theo tiếng kêu và đậu ở bụi tre vào mùa hè?.

Mỗi bộ SGK cần hướng tới tiêu chí giáo dục, thẩm mỹ, nhân văn, khoa học... Mỗi bộ sách cần hướng tới những triết lý giáo dục được Tổng Chủ biên và nhóm biên soạn đề ra. Các bài học tiếng Việt nói riêng và các môn học khác nói chung đều phải hướng đến mục tiêu và triết lý này. Với những “hạt sạn” đã nêu, e rằng bộ sách chưa đạt được những tiêu chí và triết lý ấy. 

NAM DƯƠNG

Sai sót SGK Tiếng Việt lớp 1: Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chịu trách nhiệm, cần phải thu hồi ngay

'Sạn' trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1: Cần nghiêm túc xem xét lại cho đúng chuẩn mực

Lê Minh Hoàng