/ Trao đổi - Ý kiến
/ Từ chuyện mua bán lan đột biến - Chính sách pháp luật còn nhiều ‘lỗ hổng’

Từ chuyện mua bán lan đột biến - Chính sách pháp luật còn nhiều ‘lỗ hổng’

25/03/2021 16:50 |

(LSVN) – Những thương vụ mua bán lan đột biến với mức giá “trên trời” đang gây ra những tác động hết sức tiêu cực, làm nhiễu loạn, bóp méo thị trường, gây ra những khả năng rủi ro rất lớn cho các nhà đầu tư, ảnh hưởng xấu đến quyền lợi của người chơi lan. Trong thời gian qua, nhiều đối tượng cũng đã lợi dụng “cơn sốt” lan đột biến, để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Trong thời gian qua, đã liên tiếp xuất hiện các thông tin, hình ảnh về các giao dịch mua bán lan đột biến, với mức giá “khủng khiếp”, lên đến hàng chục tỉ, thậm chí hàng trăm tỉ (như tại Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Nam, Hòa Bình, Quảng Ninh...) gây xôn xao trong dư luận xã hội. Thực tế, lan đột biến cũng có những giá trị cao về tính độc đáo, quý hiếm và thẩm mỹ nên thường được người chơi lan yêu thích, dẫn đến nhu cầu tăng cao. Vì vậy, mức giá của lan đột biến cũng tăng theo là điều bình thường. Mặt khác, trên thị trường cũng chưa có mức giá quy chuẩn cho lan đột biến, pháp luật cũng không có quy định về việc xác định giá cho loại hàng hóa này mà chủ yếu dựa vào sự thỏa thuận giữa các bên, cũng như khả năng tài chính và độ “chịu chơi” của người mua.

Tuy nhiên, các mức giá giao dịch lên đến hàng chục tỷ, hàng trăm tỉ là “không tưởng” và không phù hợp với giá trị thật của loại lan này. Do đó, đa phần các ý kiến đều tỏ ra hoài nghi và cho rằng các giao dịch “siêu khủng” này là không có thật, chỉ là các chiêu trò đánh bóng tên tuổi, uy tín và “thổi giá”, tạo “cơn sốt ảo” của các nhà vườn, những người kinh doanh lan đột biến.

Xét về mặt pháp lý thì các giao dịch mua bán lan đột biến là quan hệ dân sự (về mua bán tài sản, hàng hóa), được thực hiện theo sự thỏa thuận và thống nhất giữa người bán và người mua. Nhà nước không thể ngăn cấm hoặc can thiệp “thái quá” vào các quan hệ này. Tuy nhiên, với những mức giá quá “phi thực tế” thì các giao dịch này đã thể hiện sự “bất thường”, không đảm bảo tính minh bạch và đã đặt ra nhiều vấn đề về mặt pháp lý.

Trước hết, nếu các giao dịch này là có thật thì có thể phát sinh nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Theo quy định của pháp luật về thuế hiện hành, nếu các bên tham gia giao dịch là cá nhân, thì các cá nhân đó sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng với mức 1% và thuế thu nhập cá nhân là 0,5% trên tổng giao dịch; còn nếu là doanh nghiệp thì phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là 20% trên tổng số lợi nhuận, và 10% thuế giá trị gia tăng giá trị đầu vào. Tuy nhiên, nếu bên bán trực tiếp trồng hoặc tự gây giống lan đột biến để bán thì họ sẽ thuộc trường hợp không phải nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng; còn nếu mua đi bán lại thì họ vẫn phải chịu thuế theo các quy định nêu trên.

Thực tế, việc xác định và chứng minh nghĩa vụ thế đối với các giao dịch mua bán lan đột biến là hết sức khó khăn, bởi các giao dịch này thường không có hợp đồng, thanh toán bằng tiền mặt, các bên trong giao dịch cũng có thể tìm nhiều cách khác nhau để lách thuế, qua mặt các cơ quan chức năng. Ngay cả đối với các giao dịch đã có hình ảnh, clip thể hiện rõ người bán đã giao cây cho người mua và người mua đã thanh toán tiền cho người bán, với những chồng tiền “khủng” đã được trao tay, thì họ vẫn có thể đưa ra rất nhiều các lý do khác nhau để không phải nộp thuế như: Lan đột biến là do bên bán tự trồng và nhân giống nên không phải nộp thuế; hoặc các bên chưa chính thức giao kết hợp đồng mà mới chỉ dừng lại ở việc bắt tay, thỏa thuận; hay hợp đồng vẫn chưa được thực hiện vì những lý do nào đó...). Trong khi đó, sự thật là như thế nào thì chỉ có các bên trong cuộc mới có thể biết chính xác, còn các cơ quan chức năng nhiều khi muốn xác minh, làm rõ cũng vô cùng khó khăn, thậm chí là “bất khả thi”.

Trong trường hợp các giao dịch này là giả, được các bên cố tình dàn dựng trái sự thật, thì đã có dấu hiệu của hành vi lợi dụng mạng xã hội để “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật”. Đây là những hành vi trái pháp luật, sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ, với mức phạt tiền là từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người vi phạm là tổ chức, còn đối với cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 (một nửa) mức phạt tiền đối với tổ chức nêu trên. Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật theo quy định tại Khoản 3 Điều này.

Trường hợp các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật nêu trên ở mức độ nghiêm trọng (thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên, hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên), gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì có thể bị xử lý hình sự về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” (Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Bên cạnh đó, các giao dịch “khác thường” này cũng tiềm ẩn nguy cơ của các hành vi trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc rửa tiền... Do đó, các cơ quan chức năng (Công an, thuế và quản lý thị trường) cũng cần phải kiểm tra, xác minh, làm rõ tính xác thực, giá trị thực, nguồn tiền, cũng như động cơ, mục đích của các bên trong các giao dịch này là như thế nào, để có thể kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi trái pháp luật có liên quan (nếu có), phòng tránh các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Những thương vụ mua bán lan đột biến với mức giá “trên trời” đang gây ra những tác động hết sức tiêu cực, làm nhiễu loạn, bóp méo thị trường, gây ra những khả năng rủi ro rất lớn cho các nhà đầu tư, ảnh hưởng xấu đến quyền lợi của người chơi lan. Trong thời gian qua, nhiều đối tượng cũng đã lợi dụng “cơn sốt” lan đột biến, để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Để ngăn chặn các chiêu trò “thổi giá” lan đột biến như hiện nay thì trước hết người dân, đặc biệt là những người chơi lan cần phải hết sức thận trọng, sáng suốt, tìm hiểu kỹ lưỡng về thị trường, tránh tin vào các thông tin chưa được kiểm chứng, không nên đầu tư quá mạo hiểm, chạy theo phong trào, để có thể tránh được việc phải ném “trái đắng”, trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo, hoặc sự đổ vỡ của “bong bóng lan đột biến” có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. 

Về góc độ quản lý Nhà nước, những thương vụ rất “khó tin” này có bản chất là hành vi kinh doanh không lành mạnh, đe dọa đến tính ổn định, cân bằng và sự phát triển lành mạnh của thị trường. Do đó, những vấn đề được đặt ra qua các vụ việc này đã không chỉ còn là câu chuyện riêng biệt của thị trường lan đột biến mà chúng có thể phát sinh và gây bất ổn thị trường đối với nhiều lĩnh vực hoặc loại hàng hóa khác. Trong khi đó, các quy định pháp lý của chúng ta trong việc phòng, chống và xử lý các hiện tượng tiêu cực này là còn rất thiếu và có quá nhiều “lỗ hổng”.  Vì vậy, các cơ quan chức năng cũng cần phải nghiên cứu và xây dựng được các hành lang pháp lý và các cơ chế quản lý đồng bộ và chặt chẽ, để có thể quản lý, giám sát và xử lý hiệu quả nhất đối với các vụ việc tương tự trong tương lai và đối với các lĩnh vực kinh doanh và các loại hàng hóa khác nữa.  

Thạc sĩ, Luật sư NGUYỄN ĐỨC HÙNG

Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Gần 600.000 nguồn tin tội phạm được ngành Kiểm sát tiếp nhận, giải quyết trong nhiệm kỳ 2016-2021

Lê Minh Hoàng