/ Nghề Luật sư
/ Tự quản nghề luật sư và trách nhiệm thực hiện

Tự quản nghề luật sư và trách nhiệm thực hiện

10/10/2023 14:33 |

(LSVN) - Tại Việt Nam, quản lý Luật sư và hành nghề luật sư được thực hiện theo nguyên tắc kết hợp quản lý Nhà nước với chế độ tự quản của tổ chức xã hội, nghề nghiệp của Luật sư (Điều 6 Luật Luật sư năm 2006). Thực tiễn hành nghề luật sư tại Việt Nam cho thấy nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân cùng có trách nhiệm trong công tác tự quản hành nghề luật sư.

Ảnh minh họa.

Thứ nhất, trách nhiệm tự quản hành nghề luật sư của tổ chức xã hội, nghề nghiệp của Luật sư. 

Trong đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam là tổ chức xã hội, nghề nghiệp của Luật sư trong phạm vi cả nước, đại diện cho Luật sư, các Đoàn Luật sư. Thành viên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam là các Đoàn Luật sư và các Luật sư; Liên đoàn Luật sư Việt Nam thực hiện chế độ tự quản của tổ chức Luật sư trong phạm vi cả nước nhằm xây dựng các giá trị chuẩn mực của Luật sư Việt Nam, phát triển đội ngũ Luật sư có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu của xã hội và yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần bảo vệ công lý, quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, phát triển kinh tế, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Đoàn Luật sư là tổ chức xã hội, nghề nghiệp của Luật sư ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức và hoạt động theo Luật Luật sư và Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm và giữ vai trò chính yếu trong việc tổ chức, thực hiện chế độ tự quản hành nghề Luật sư. Đây là tổ chức có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đồng thời có nghĩa vụ trách nhiệm ban hành các quy định, chế định tự quản và tổ chức thực hiện, đảm bảo các quy định, chế định đó đi vào đời sống thực tiễn.

Thứ hai, trách nhiệm tự quản hành nghề luật sư của tổ chức hành nghề luật sư. 

Tổ chức hành nghề luật sư tại Việt Nam bao gồm Công ty Luật và Văn phòng Luật sư. Đây là các tổ chức được tổ chức hoạt động góc độ một đơn vị kinh tế, khi hoạt động phải thực hiện, tuân thủ các quy định của pháp luật đối với một doanh nghiệp nhưng đồng thời cũng phải tổ chức, hoạt động tuân thủ quy định của một đơn vị thực hiện chức năng bổ trợ tư pháp. Tổ chức hành nghề luật sư là nơi cá nhân Luật sư đăng ký hoạt động và trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của người Luật sư, đồng thời tổ chức các hoạt động kinh doanh để nuôi sống người Luật sư, nghề luật sư.

Có thể nói, tổ chức hành nghề luật sư giữ vai trò quan trọng và là nơi trực tiếp tổ chức thực hiện tự quản đối với người Luật sư. Tổ chức hành nghề luật sư căn cứ quy định pháp luật, quy định của tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư ban hành các quy định nội bộ (không trái pháp luật) để tổ chức hoạt động, nuôi dưỡng người Luật sư, quản lý người Luật sư, cung cấp điều kiện để người Luật sư hoạt động (trừ trường hợp Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân).

Luật sư, nhóm Luật sư giữ vai trò quản lý, điều hành hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư trong mối quan hệ lao động là người sử dụng lao động đối với người lao động là cá nhân các Luật sư giữ vai trò trực tiếp thực hiện chức năng tự quản nghề luật sư trong tổ chức. 

Hiện nay, tổ chức hành nghề luật sư chưa phải là thành viên của tổ chức xã hội, nghề nghiệp Luật sư, việc quản lý tổ chức hành nghề luật sư gián tiếp thực hiện thông qua trưởng các tổ chức hành nghề luật sư. Do vậy, vai trò, trách nhiệm của Luật sư là trưởng tổ chức, Luật sư giữ vai trò quản lý điều hành tổ chức càng quan trọng. Điều đó, đòi hỏi các Luật sư giữ vai trò quản lý, điều hành tại các tổ chức hành nghề luật sư không những phải giỏi về kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn, giỏi về quản trị doanh nghiệp, giỏi về kiếm tiền mà còn có uy tín, đạo đức nghề nghiệp.

Thứ ba, trách nhiệm tự quản hành nghề luật sư của Luật sư với đồng nghiệp, với nghề luật sư. 

Tự quản nghề luật sư thực hiện qua con người, thông qua chính cá nhân các Luật sư. Tự quản hiểu một cách trực tiếp là tự quản lý, tự giám sát, tự hành động, tự điều chỉnh. Tự quản nghề luật sư cần nhất và chỉ có thể phát huy tác dụng trên thực tế khi mỗi Luật sư cùng thực hiện việc giám sát, góp ý, nhắc nhở, hỗ trợ Luật sư đồng nghiệp thực hiện đúng, đủ quy định pháp luật, quy định của tổ chức xã hội nghề nghiệp. Tự quản nghề luật sư đòi hỏi mỗi cá nhân Luật sư cũng phải chủ động góp ý, đấu tranh, đóng góp với Luật sư đồng nghiệp, với tổ chức hành nghề luật sư, với tổ chức xã hội nghề nghiệp của Luật sư. 

Mỗi cá nhân Luật sư cùng nhau phát huy, tôn vinh những việc làm đúng đắn, cao đẹp, đấu tranh loại bỏ hành vi sai trái, vi phạm. Góp ý kịp thời khi thấy đồng nghiệp làm điều sai trái, ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp luật sư. Mọi ý kiến đóng góp của Luật sư với Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư phải bảo đảm sự trung thực, khách quan, mang tính chất xây dựng, góp phần vào việc phát triển tổ chức xã hội, nghề nghiệp Luật sư và nghề luật sư.

Thứ tư, trách nhiệm tự quản hành nghề luật sư của chính cá nhân Luật sư đối với chính mình. 

Nghề Luật sư ở Việt Nam là một nghề cao quý, bởi hoạt động nghề nghiệp của Luật sư nhằm mục đích góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, để xứng đáng với nghề, xứng đáng với niềm tin của xã hội vào nghề Luật sư. 

Để tạo lập thương hiệu, uy tín cá nhân qua đó là cơ sở, điều kiện thu hút khách hàng, tạo thu nhập bền vững, ổn định nuôi sống bản thân, gia đình và đóng góp cho xã hội, trước hết và trên hết chính mỗi cá nhân người Luật sư phải tự quản trị hành vi, việc làm của mình, phải tự quản hoạt động hành nghề của mình thông qua việc tuân thủ pháp luật, quy định của tổ chức mình là thành viên và đặc biệt phải tuyệt đối, tự giác tuân thủ Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.

Luật sư TRẦN VĂN AN

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Luật sư với hoạt động xây dựng và tuyên truyền, phố biến pháp luật

Bùi Thị Thanh Loan