Từ Sơn, Bắc Ninh: Cần xem xét các tình tiết khách quan đối với bị cáo Hà Văn Lục

02/04/2022 04:23 | 2 năm trước

(LSVN) - Trong đơn thư gửi tới các cơ quan báo chí, Hà Văn Lục cho rằng việc TAND TP. Từ Sơn tuyên xử 32 tháng tù giam đối với mình tại phiên sơ thẩm ngày 18/11/2021 là chưa phản ánh đúng sự thật khách quan của vụ án. Bị cáo đề nghị trong phiên phúc thẩm ngày 31/3/2022, Tòa án cần xem xét lại thấu đáo sự việc, các phán quyết của tòa cần khách quan, toàn diện hơn nữa, tránh bỏ lọt tội phạm và tránh oan sai.

Ảnh minh họa.

Cần phán quyết công tâm

Ngày 18/11/2021, TAND TP. Từ Sơn (Bắc Ninh) mở phiên xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 22/2021/TLST-HS ngày 19/10/2021 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 21/2021/QĐXXST-HS ngày 03/11/2021 đối với các bị cáo: Hà Văn Lục (SN 1995); Lương Văn Đông (SN 1991); Hà Văn Hiếu (SN 1997), cùng trú tại: Xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa; Ngân Văn Lanh (SN 1989, HKTT: Xã Tân Thành, huyện Thường Xuyên, tỉnh Thanh Hóa).

Các bị cáo bị VKSND TP. Từ Sơn truy tố, TAND TP. Từ Sơn xét xử về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.

Khép lại phiên sơ thẩm, áp dụng điểm b, khoản 2 Điều 318; điểm s, khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 Bộ luật Hình sự, TAND TP. Từ Sơn tuyên xử Hà Văn Lục 32 tháng tù giam; Lương Văn Đông 30 tháng tù giam.

Áp dụng khoản 1 Điều 318; điểm i, s, khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều  65 Bộ luật Hình sự tuyên xử Hà Văn Hiếu 05 tháng tù cho hưởng án treo; Áp dụng Khoản 1 Điều 318; điểm i, s, khoản 1 Điều 51; Điều 65 Bộ luật Hình sự tuyên xử Ngân Văn Lanh 06 tháng tù cho hưởng án treo.

Sau phiên sơ thẩm, các bị cáo Hà Văn Lục và Lương Văn Đông kháng cáo, cho rằng trong giai đoạn điều tra, truy tố, cơ quan tiến hành tố tụng đã chưa xác định đầy đủ đối tượng chứng minh của vụ án, dẫn đến kết quả điều tra, truy tố chưa phản ánh được sự thật khách quan.

Các bị cáo đề nghị Tòa phúc thẩm phân tích, đánh giá đúng tính chất vụ án, hành vi phạm tội của từng cá nhân liên quan; nghiên cứu kỹ các tài liệu, chứng cứ thu thập được trong hồ sơ vụ án để nghị án, xét xử một cách công tâm, tránh việc “biến” người bị hại, bị chém trong vụ án trở thành bị cáo.

Tránh bỏ lọt tội phạm

Trong phiên phúc thẩm tới đây, bị cáo Hà Văn Lục đề nghị Tòa phúc thẩm làm rõ các vấn đề:

Thứ nhất, Hà Văn Lục cho rằng, việc không truy tố Nguyễn Văn Ba là có dấu hiệu của việc bỏ lọt tội phạm. Nguyên nhân là vì Lục khẳng định mình bị Nguyễn Văn Ba dùng dao chém thẳng về phía đầu, nên giơ tay lên đỡ và bị chém vào tay, dẫn đến thương tích phải nằm viện điều trị.

Những thông tin về việc Nguyễn Văn Ba sử dụng dao gây thương tích cho Lục cũng được thể hiện trong Cáo trạng số 143/CT-VKS của VKSND thị xã Từ Sơn với nội dung: “Quá trình điều tra xác định, khi Lục và Lanh liên tục xông vào đánh anh Ba, anh Ba có cầm dao vung từ sau ra trước nhằm mục đích để Lục, Lanh tránh xa ra, để anh Ba chạy vào phòng trọ thì trúng vào bàn tay của Lục”.

VKSND thị xã Từ Sơn nhận định: “Cơ quan CSĐT Công an thị xã Từ Sơn đã ra Quyết định trưng cầu giám định, Quyết định dẫn giải Lục đi giám định tỷ lệ thương tật nhưng Lục kiên quyết từ chối giám định thương tích và có đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho anh Ba nên cơ quan công an tiến hành giáo dục nhắc nhở với anh Ba là phù hợp”. (trang 5 Cáo trạng số 143/CT-VKS - PV).

Về vấn đề này, trong đơn thư gửi các cơ quan báo chí, Hà Văn Lục lý giải như sau: “Sau khi điều trị ở viện về, Lục được Công an thị xã Từ Sơn mời lên làm việc nhiều lần, lấy lời khai và cho đi giám định tổn hại sức khoẻ, nhưng cán bộ điều tra lại nói với Lục là “đi giám định sức khoẻ thì phải tự bỏ tiền túi để trả và có giám định thì cũng không đến 11% đâu mà làm”.

Hà Văn Lục khẳng định “vì không có tiền nên Lục không dám đi làm giám định nữa và đồng ý ngồi viết đơn xin miễm truy cứu trách nghiệm hình sự cho Nguyễn Văn Ba (đơn này do đồng chí điều tra viên đọc cho Lục chép).

Khi Toà án tiếp nhận vụ việc và Lục được giải thích “đi giám định không mất tiền” nên Lục mới hiểu và viết đơn đề nghị đi giám định sức khoẻ, đồng thời viết đơn đề nghị truy tố Nguyễn Văn Ba.

Tuy nhiên, Cơ quan Điều tra, VKSND thị xã Từ Sơn vẫn truy tố cả Lục và Đông về tội “Gây rối trật tự công cộng” mà không xử lý hành vi chém người của Nguyễn Văn Ba. Nguyễn Văn Ba không bị truy tố về tội danh nào.

Lục khẳng định "anh Ba là người đã dùng dao chém tôi, gây thương tích cho tôi và cũng là nguyên nhân trong việc gây rối trật tự công cộng. Đề nghị làm rõ về hành vi của anh Ba dùng dao chém tôi, gây thương tích cho tôi và làm rõ việc thỏa thuận để tôi rút yêu cầu khởi tố, thực chất tôi không có thỏa thuận nào cả và cũng không rút yêu cầu”.

Theo đại diện Công ty TNHH Xã hội và Luật Sinh Hùng, trong một vụ án “Cố ý gây thương tích” thì một yêu cầu bắt buộc đó là xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể của bị hại. Việc này, do cơ quan giám định thực hiện, theo trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng. Do vậy, trong trường hợp này, Tòa án cần làm rõ các thông tin do Hà Văn Lục cung cấp để xác định đúng/sai trong việc trưng cầu giám định tại vụ án.

Cần phải thấy rằng, công tác giám định tư pháp đóng vai trò rất quan trọng trong việc xử lý vụ án hình sự. Kết luận giám định là chứng cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, cơ chế hình thành dấu vết, tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; những tình tiết liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án, để đảm bảo việc xử lý vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật.

Thứ hai, Hà Văn Lục cho rằng, vụ án này đã hình sự hoá hành vi vi phạm hành chính để truy tố Lục và các bạn về tội "Gây rối trật tự công cộng".

Phân tích về điểm này, Luật sư Nguyễn Văn Thưởng - Văn phòng Luật sư Âu Lạc, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, để một vụ việc gây rối trật tự công cộng bị truy tố trách nhiệm hình sự thì vụ việc ấy phải thỏa mãn tình tiết định tội, đó là gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Luật sư Nguyễn Văn Thưởng lý giải, trong vụ án này, các bị cáo đều có nhân thân tốt, chưa từng có tiền án tiền sự, chưa từng bị xử phạt hành chính lần nào. Xét về mức độ thì tác động của vụ án không gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Thứ ba, trong đơn thư, Hà Văn Lục cho rằng: “Sự việc này được camera nhà anh Hoàng Minh Định ghi lại và được Công an thu giữ ngay từ đầu, nhưng không hiểu sao sau này file ghi hình dài khoảng hơn 2 giờ bị xoá một đoạn 5’8s tại thời điểm 23h40’17s, đúng thời điểm mà Ba đã dùng dao chém Lục”.

Đề nghị HĐXX xem xét đến tình tiết này, triệu tập anh Hoàng Minh Định, trưng cầu giám định file ghi hình tại nhà anh Định, xem xét có hay không hành vi hủy hoại chứng cứ, từ đó lý giải đúng hiện tượng, nhận định đúng bản chất sự việc để tìm ra sự thật khách quan nhất.

Liên quan đến việc xét xử bị cáo Hà Văn Lục, đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật TP. Từ Sơn xem xét một cách khách quan, đầy đủ các tình tiết của vụ án cũng như vai trò của các bên có liên quan đến vụ việc xảy ra vào tối ngày 07/11/2020. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần sớm xác minh, làm rõ các dấu hiệu của hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Ba; dấu hiệu của việc hủy bỏ chứng cứ, dấu hiệu của việc vi phạm các nguyên tắc tố tụng; từ đó xử lý nghiêm túc các cá nhân có liên quan.

Chúng tôi tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

NHÓM PV

Chính thức hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động

Từ khoá : lsvn.vn LSVN tránh oan sai