Từ 'thầy cãi' đến 'trạng sư'

12/11/2020 16:09 | 3 năm trước

(LSVN) - Từ lâu, Luật sư đã được biết là nghề đặc biệt với sứ mệnh bảo vệ công lý. Ở các nước phát triển, Luật sư rất được coi trọng, họ là nguồn để trở thành thẩm phán, lãnh đạo trong bộ máy chính quyền. Luật sư là một trong những nhóm nghề có thu nhập cao nhất và có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng - xã hội. Do vậy, nên không phải ngẫu nhiên để trở thành Luật sư luôn là một hành trình gian nan, vất vả. Thậm chí, do bản lĩnh, sự nỗ lực và thành công trong hoạt động nghề nghiệp, người ta còn gọi Luật sư là “trạng sư” - một biệt danh thể hiện sự đề cao, tôn trọng.

Lịch sử hàng nghìn năm dưới thời phong kiến Việt Nam và nhiều nước châu Á không tồn tại nghề Luật sư. Thậm chí, những người có “dính dáng” đến nghề này còn bị liệt vào hạng “xui nguyên giục bị”, bị “phân biệt đối xử”, giống như “bọn người xướng ca vô loài” và bị cấm đi thi. Phép thi Hương ban hành vào tháng 4 năm Nhâm Ngọ (1462) dưới đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) quy định: “Học trò trong nước, không kể hạng quân hay dân, người nào xin thi, đều cho phép viên quan bảo quản và xã trưởng làm giấy cam đoan người ấy thực sự có đạo đức, hạnh kiểm mới cho ứng thí. Còn những hạng người bất hiếu, bất mục, loạn luân và xui nguyên giục bị đều không được dự thi”. Quan niệm và sự đánh giá đó có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng đó là sự thật.

Dẫu vậy, nhưng do nhu cầu của xã hội, trên thực tế ở đâu đó vẫn xuất hiện một số người do hiểu biết, mang sẵn lòng trắc ẩn hoặc “giữa đường thấy cảnh bất bình chẳng tha” nên vẫn tự mình hoặc chỉ vẽ cho người khác thưa gửi, kiện tụng. Và phải chăng, chính vì sự yếu kém về năng lực của hàng ngũ quan lại, sự e ngại phải đối mặt với tình trạng thưa tụng phức tạp của người dân và trong bối cảnh quyền lực tập trung, luật pháp sơ sài, lợi dụng sự lạc hậu của dân chúng,... nên tầng lớp thống trị đã luôn tìm cách ngăn cản hoạt động tư vấn, tranh tụng và gán cho họ các biệt danh như “thầy kiện”, “thầy cãi” với hàm ý thiếu trân trọng?! Tất nhiên, “thầy kiện”, “thầy cãi” còn có cách giải thích khác, đó là cách gọi nôm na, dân dã đối với người hành nghề Luật sư. Nhưng hậu quả của cách gọi đó đến cả ngày nay, khi Việt Nam đã ở thời đại 4.0, đang xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mỗi khi có điều không hài lòng hoặc vì lý do nào đó, có người vẫn sử dụng các biệt danh này nhằm hạ thấp uy tín của nhau.

Luật sư vốn là nghề cao quý, xuất hiện trong phương thức tố tụng phương Tây, bắt nguồn từ sự sáng tạo của nền pháp chế La Mã cổ tồn tại cách nay đã hơn 2.0000 năm. Rồi theo con đường xâm lược và đô hộ của thực dân phương Tây, nó được lan truyền đến một số quốc gia Đông Nam Á từ thế kỷ XVII - XVIII. Nằm trong trào lưu này, sau khi xâm lược Việt Nam vào giữa thế kỷ XIX, thực dân Pháp tiến hành xây dựng bộ máy chính quyền cai trị và thiết lập mô hình tư pháp trên lãnh thổ thuộc địa.

Ngày 26/11/1867, Thống đốc Nam Kỳ De la Grandière ký ban hành Nghị định về việc hành nghề bào chữa trước các tòa án Pháp (dành xét xử người Pháp và người đã nhập quốc tịch Pháp ở Nam Kỳ). Đây là văn bản pháp luật đầu tiên về nghề Luật sư, được chính quyền thực dân Pháp ban hành ở Việt Nam theo quy định tại Điều 27 Sắc lệnh ngày 25/7/1864 của Hoàng đế Napoléon III. Như vậy, nghề Luật sư đã xuất hiện tại Việt Nam vào nửa sau thế kỷ XIX và tất nhiên ở giai đoạn đầu nó chỉ thuộc về người Pháp. Phải đến những năm đầu của thế kỷ XX, chính quyền Pháp mới mở rộng quy định cho phép người Việt Nam làm Luật sư và biện hộ cho cả những người không chỉ có quốc tịch Pháp.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nghề Luật sư ở Việt Nam được hoạt động trở lại qua Sắc lệnh số 46/SL ngày 10/10/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Song trong hoàn cảnh chiến tranh nên hầu như ở vùng giải phóng các văn phòng Luật sư đều ngưng hoạt động. Một số Luật sư tham gia cách mạng và trở thành những nhân vật quan trọng trong bộ máy chính quyền nhân dân, như Phan Anh, Trịnh Đình Thảo, Vũ Đình Hòe, Vũ Trọng Khánh, Trần Công Tường, Vũ Văn Hiền, Phạm Văn Bạch, Phạm Ngọc Thuần, Bùi Thị Cẩm, Nguyễn Thành Vĩnh…, còn một số chuyển sang hoạt động ở lĩnh vực khác.

Chế độ bào chữa viên thay thế vai trò của Luật sư được duy trì từ cuối năm 1949 ở miền Bắc. Trong khi đó, từ năm 1954 đến 1975, tại miền Nam, đội ngũ Luật sư vẫn tiếp tục hành nghề dưới chính quyền Sài Gòn hoặc “bỏ áo choàng đen đi theo kháng chiến”. Nhiều Luật sư, bằng năng lực, tâm huyết của mình đã tích cực đấu tranh và trở thành những tên tuổi lớn, như: Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Luật sư Ngô Bá Thành,…

Sau ngày đất nước thống nhất, đặc biệt từ sau khi thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội đã có bước phát triển vượt bậc. Pháp lệnh Tổ chức Luật sư năm 1987 (sửa đổi năm 2001) và Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi năm 2012) ra đời đã đưa chế định Luật sư ở nước ta xích gần với thông lệ quốc tế và là cơ sở pháp lý quan trọng để nghề Luật sư phát triển ở Việt Nam. Để rồi từ 186 Luật sư vào năm 1989, đến ngày 30/4/2020 cả nước đã có 14.178 Luật sư. Số lượng và chất lượng hành nghề Luật sư tăng nhanh trong thời gian qua đã đáp ứng tốt các yêu cầu thực tế.

Tháng 5/2009, Liên đoàn Luật sư Việt Nam thành lập đã trở thành ngôi nhà chung quy tụ hoạt động của giới Luật sư cả nước. Sứ mệnh bảo vệ công lý cùng sự lớn mạnh của đội ngũ Luật sư càng chứng tỏ sự cần thiết, tất yếu của nghề này trong xã hội. Hiếm có một tổ chức nghề nghiệp nào mà chỉ trong một thời gian ngắn nhưng đã có tới bốn pháp lệnh, luật cùng hàng loạt văn bản pháp luật ra đời, sửa đổi để điều chỉnh trực tiếp công tác tổ chức, hoạt động như nghề Luật sư. Cùng với đó, Bộ quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư (ban hành năm 2011 và sửa đổi năm 2019) gồm 6 chương, 32 quy tắc được xem là một trong các bộ quy tắc được ban hành sớm và đầy đủ, chặt chẽ nhất trong các tổ chức xã hội - nghề nghiệp ở Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, ngày 14/01/2013 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 149/2013/QĐ-TTg công nhận ngày 10/10 là Ngày truyền thống của Luật sư Việt Nam càng chứng tỏ sự quan tâm, tính kế thừa và vị thế của nghề Luật sư ở nước ta.

Từ lâu, Luật sư đã được biết là nghề đặc biệt với sứ mệnh bảo vệ công lý. Ở các nước phát triển, Luật sư rất được coi trọng, họ là nguồn để trở thành thẩm phán, lãnh đạo trong bộ máy chính quyền. Luật sư là một trong những nhóm nghề có thu nhập cao nhất và có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng - xã hội. Do vậy, nên không phải ngẫu nhiên để trở thành Luật sư luôn là một hành trình gian nan, vất vả. Thậm chí, do bản lĩnh, sự nỗ lực và thành công trong hoạt động nghề nghiệp, người ta còn gọi Luật sư là “trạng sư” - một biệt danh thể hiện sự đề cao, tôn trọng.

Để trở thành Luật sư uy tín, chuyên gia pháp luật thực thụ, được tôn xưng là “trạng sư” với khả năng tư vấn, biện hộ, bào chữa hiệu quả không phải dễ dàng. Chưa kể, đây đó vẫn xuất hiện một vài cá nhân mang danh Luật sư vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp làm ảnh hưởng đến danh tiếng của nghề. Nhưng “mía sâu có đốt…”, không thể vì sự hạn chế, yếu kém cá biệt mà có thành kiến, quy chụp về nghề mà hình ảnh, uy tín, ảnh hưởng của nó chủ yếu do chính nghề nghiệp tạo nên như Luật sư.

Dẫu vẫn biết “chiếc áo không làm nên nhà sư”, việc sử dụng các từ ngữ hay biệt danh ra sao chưa thể nói lên đầy đủ vai trò, bản chất và giá trị của một nghề. Ở đây, chỉ có thể khẳng định, Luật sư là một nghề không thể thiếu trong xã hội dân chủ, “những chiến sĩ bảo vệ công lý” đã và đang dày công nghiên cứu, làm việc không mệt mỏi, góp phần tạo dựng một xã hội công bằng, nhân văn. Tại Việt Nam, dù nghề Luật sư có lịch sử phát triển mới khoảng một thế kỷ và phải trải qua biết bao thăng trầm, nhưng đội ngũ Luật sư vẫn có những đóng góp đáng kể trong công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước; trong đó, nhiều Luật sư nổi tiếng từ lâu đã là niềm tự hào chung của người dân đất Việt. Sự phát triển của đội ngũ Luật sư hiện nay không những cho thấy nhu cầu và sự cần thiết của xã hội mà còn minh chứng về vai trò, vị thế của nghề Luật sư ở nước ta trong xu hướng hội nhập với thế giới.

“Thầy cãi”, “thầy kiện”, “trạng cãi”, “trạng sư” hay “chiến sĩ bảo vệ công lý” đều là cách gọi về Luật sư. Việc sử dụng các biệt danh, cách tôn xưng này ra sao tùy thuộc vào quan điểm, nhận thức, thái độ của mỗi người, nhưng một nghề mà có nhiều tên gọi như vậy cũng là điều hiếm thấy. Sự vươn lên nhanh chóng với tầm ảnh hưởng ngày một lớn của nghề Luật sư ở Việt Nam là những dấu hiệu  đáng mừng. Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống của Luật sư Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có quyền tin tưởng vào sự lớn mạnh của nghề Luật sư và đội ngũ Luật sư Việt Nam để phụng sự đất nước và thực hiện tốt hơn sứ mệnh bảo vệ công lý.

CHÍ TRUNG

/nghe-luat-su-trong-toi.html