(LSO) - Nhân kỉ niệm Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam, Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco đã có những trao đổi tâm huyết về vị thế của nghề Luật sư tại Việt Nam giai đoạn hiện nay.
PV: Thưa ông, nhân Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam 10/10 tới đây, ông có thể chia sẻ một chút về sự phát triển của nghề Luật sư tại Việt Nam và vị thế của nghề Luật sư hiện nay?
Hoạt động Luật sư đã có từ trước Cách mạng tháng 8/1945 và chỉ hơn một tháng sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL ngày 10/10/1945 về tổ chức đoàn thể Luật sư. Trong nhiều năm chiến tranh, mặc dù hoạt động của các Luật sư chưa phổ biến trên thực tế, nhưng luôn được Nhà nước quan tâm một cách thích đáng và tạo lập cơ sở pháp lý bằng những văn bản có giá trị cao nhất. Hiến pháp năm 1980 quy định “Tổ chức Luật sư được thành lập để giúp bị cáo và các đương sự khác về mặt pháp lý”. Tháng 12 năm 1982, Pháp lệnh tổ chức Luật sư đầu tiên ra đời, đặt cơ sở pháp lý quan trọng cho sự hình thành và phát triển thực tế của nghề Luật sư tại Việt Nam.
Ở thời điểm hiện tại, nghề Luật sư đang được xem là nghề “hot” trên thị trường. Hoạt động của các Luật sư có mặt ở mọi ngõ ngách của cuộc sống. Không chỉ là các hoạt động bào chữa tại Tòa, các Luật sư còn cung cấp nhiều dịch vụ pháp lý khác nhau cho doanh nghiệp, doanh nhân và các cá nhân. Các cá nhân, tổ chức đã có xu hướng sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật của các Luật sư ngày càng nhiều và thường xuyên hơn. Cơ hội và vị thế của nghề Luật sư trở nên rất rộng mở nâng cao trên thương trường.
Vai trò của các Luật sư cũng được Nhà nước ghi nhận bằng việc ban hành nhiều văn bản và quy định để tạo điều kiện tác nghiệp nên đã phần nào nâng cao vị thế của các Luật sư trên thị trường và trong mối quan hệ với các cơ quan công quyền.
PV: Có những thông tin cho rằng, hoạt động hành nghề của các Luật sư vẫn gặp phải nhiều rào cản, điều này có đúng không thưa ông?
Với nghề Luật sư, những rào cản và thử thách nghề nghiệp là tất yếu và không thể tránh khỏi, trong đó lớn nhất sự nhận thức chưa đầy đủ và đúng đắn về nghề và vai trò của những người hành nghề.
Hệ thống pháp luật và quan điểm quản lý còn phiến diện, chưa tạo điều kiện đầy đủ cho hoạt động hành nghề của Luật sư, chưa có cơ chế bảo vệ Luật sư chống lại những nguy hiểm và cản trở trong quá trình hành nghề.
Các Luật sư thường bị cản trở, bị gây khó khăn trong quá trình tác nghiệp. Một số người trong các cơ quan tố tụng vẫn coi Luật sư là người ngáng trở công việc, “kì đà cản mũi”, xen vào hoạt động nghiệp vụ của họ, nên luôn tìm cách để hạn chế sự tham gia của các Luật sư bằng nhiều thủ thuật khác nhau. Những hiện tượng như xúi giục đương sự từ chối Luật sư, bêu xấu Luật sư trước đương sự không phải là không tồn tại.
Một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về hoạt động hành nghề của Luật sư, chưa tin tưởng vào hệ thống pháp luật nên chưa tận dụng hết vai trò và năng lực của Luật sư, chưa sử dụng chất xám và kinh nghiệm nghề nghiệp của Luật sư vào phục vụ cho các hoạt động kinh doanh của mình một cách hiệu quả.
Rào cản khác, đến từ chính từ sự thiếu năng lực, phẩm chất của một số Luật sư nên dẫn tới hiện tượng mất lòng tin và sự ủy nhiệm của thân chủ, khách hàng. Mặc dù là cá biệt, nhưng việc đó góp phần làm hạn chế cơ hội phát triển của nghề Luật sư và những người Luật sư chân chính.
PV: Tôi nhớ rằng, có một vị Luật sư nổi tiếng đã chia sẻ với rất nhiều thế hệ sinh viên rằng nghề Luật sư vất vả và khó khăn về vật chất, đặc biệt là trong khoảng 10 năm sau khi ra trường. Ông đánh giá thế nào về chia sẻ này?
Đó là một chia sẻ đầy ẩn ý và có nhiều ý nghĩa. Sự sung túc về mặt tiền bạc không tự nhiên sinh ra, mà nó phải là kết quả của những nỗ lực hành nghề để có thể cung cấp dịch vụ đủ tốt. Nếu ai đó xác định dấn thân và sinh tồn trong nghề Luật sư, thì phải xác định là có đầy đủ năng lực, tố chất và quyết tâm để có thể cung cấp dịch vụ tốt. Hành nghề Luật sư là một quá trình trải nghiệm đầy cảm xúc. Công việc của một Luật sư đầy phiêu lưu và trải nghiệm những cung bậc cảm xúc rất đỗi con người. Mỗi Luật sư là một cá tính rất riêng, bản ngã rất riêng và những Luật sư giỏi là những người có cá tính rất mạnh, có thiên hướng độc lập cả về mặt tư duy và hành động. Là một Luật sư tốt, bạn nhất thiết phải là người có tư duy độc lập và để tạo dựng được tính độc lập, bạn phải có thời gian và vượt qua được những thử thách nghề nghiệp.
Một cử nhân luật tốt nghiệp loại xuất sắc không nghiễm nhiên trở thành một Luật sư giỏi nếu không kinh qua quá trình dài lâu, cọ xát với hàng nghìn vụ việc khác nhau. Sự tích lũy kiến thức và kinh nghiêm luôn đòi hỏi bạn phải kiên nhẫn trong nhiều năm. Trước khi trở thành một Luật sư độc lập, bạn cần trải qua một thời gian tập sự, phụ việc cho Luật sư độc lập, và thời gian tối thiểu cũng nên tiêu tốn 5-7 năm, thậm chí lâu hơn.
Điều an ủi, là nếu bạn có thể trưởng thành và hoạt động như một Luật sư độc lập, có uy tín, cung cấp dịch vụ chất lượng tốt thì không cần lo lắng quá nhiều về đời sống vật chất. Ở các nước phát triển như Mỹ, Châu Âu hay Singapore, Luật sư là nghề rất được trọng vọng và có thu nhập cao ngất ngưỡng. Ở Việt nam chưa đạt tới điều đó, nhưng có rất nhiều cơ hội cho những người có đủ đam mê, quyết tâm, kiến thức và phẩm chất tốt.
PV: Vậy, điều gì đã khiến ông gắn bó với nghề và làm thế nào để những người mới vào nghề có thể bám trụ và thành công với nghề?
Đó là tính trách nhiệm và dám dấn thân. Luật sư tiếp nhận nhiều công việc mỗi ngày, và đằng sau mỗi công việc như vậy, không chỉ là tiền bạc mà là cơ đồ sự nghiệp, là tính mạng và sức khỏe, là đời sống của người lao động, và niềm tin của khách hàng. Không thể hành nghề Luật sư nếu làm việc thiếu trách nhiệm. Trách nhiệm chính là thứ cuốn chúng tôi vào một guồng quay của công việc, hết ngày này sang ngày khác, năm này qua năm khác, khách hàng này tới khách hàng khác. Điều lạ, là các Luật sư chúng tôi, luôn là những người bị nghiện công việc và sẵn sàng xả thân vì công việc. Mỗi Luật sư chúng tôi, luôn đau đáu những nỗi lo, lo cái lo của người khác nên không cho phép mình được nghỉ ngơi hay thờ ơ. Điều đó tạo nên sự gắn bó và đồng hành.
Giá trị tinh thần và vật chất luôn mang tính tương đối và sự hoán vị, chuyển hóa diễn ra trong tâm thức, trong đời thường. Nếu bạn xác định vào nghề Luật sư chỉ để kiếm tiền, thì đó là một sai lầm, nhưng nếu bạn là một Luật sư tốt, thì bạn và gia đình sẽ có đủ điều kiện vật chất để trang trải cho cuộc sống của mình và tương lai. Trong nghề Luật sư, tính nhân quả giữa hành động cho đi và thành tựu nhận lại là rất chặt chẽ và sâu sắc.
Tôi tin rằng, một cử nhân luật có thể tìm được cảm giác yêu nghề, quyết tâm theo đuổi và tồn tại, phát triển tốt trong nghề nghiệp, nếu người đó có tính trách nhiệm cao và dám dấn thân với công việc.
PV: Xin cảm ơn Luật sư!
VƯƠNG LIỄU