Vai trò của Luật sư trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự

15/02/2021 02:19 | 3 năm trước

(LSVN) - Hoạt động tố tụng hình sự bao gồm các giai đoạn: Điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Mỗi một giai đoạn nêu trên đều có những quy định cụ thể về cách thức thực hiện, nguyên tắc thực hiện,… nhằm mục đích làm sáng tỏ sự thật vụ án, đúng người, đúng tội, tránh oan sai cho người vô tội. Nếu phía cơ quan điều tra, viện kiểm sát có chức năng điều tra và buộc tội các bị can, bị cáo thì Luật sư là lực lượng tham gia tố tụng với chức năng bào chữa cho bị can, bị cáo hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại hoặc người có liên quan.

Giai đoạn xét xử vụ án hình sự là giai đoạn mà cá nhân tôi đánh giá là quan trọng nhất để giải quyết một vụ án hình sự bởi đây là giai đoạn mang tính quyết định rằng ai phạm tội, phạm tội như thế nào, hình phạt ra sao,… Hay có thể nói, phán quyết cuối cùng có tính quyết định đối với việc giải quyết một vụ án hình sự chủ yếu được thực hiện ở giai đoạn xét xử và bởi tòa án.

Nhằm mục đích xét xử đúng người, đúng tội, không oan sai cho người vô tội, pháp luật được thực thi trong đời sống thì Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) quy định chế độ hai cấp xét xử đó là xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm. Chính vì vậy, tại giai đoạn này cũng là giai đoạn Luật sư cực kỳ dụng tâm, cũng có thể nói đây là giai đoạn thể hiện được tiếng nói bảo vệ cho thân chủ của mình nhiều nhất. Vai trò người bào chữa cho bị cáo là điểm nổi bật của Luật sư.

Trước tiên, để thực hiện được việc bào chữa cho bị cáo thì Luật sư cần phải xác định địa vị pháp lý của mình đối với vụ án hình sự cụ thể. Địa vị pháp lý của Luật sư được xác định khi Luật sư thông báo bào chữa. 

Luật sư tham gia bào chữa trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự với tư cách độc lập, nhưng tính độc lập ở đây chỉ là độc lập tương đối. Tính độc ập tương đối được thể hiện ở chỗ mặc dù Luật sư được tự mình thực hiện các hoạt động tố tụng cần thiết như thu thập chứng cứ, đưa ra chứng chứ, trình bày quan điểm của bản thân về vụ án mà không phụ thuộc bởi bị cáo hay các cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng khác. Luật sư không phải bào chữa theo tất cả các yêu cầu của bị cáo nếu những yêu cầu đó không có căn cứ, là trái pháp luật. Ngoài ra, Luật Luật sư đã quy định Luật sư hành nghề với tư cách độc lập theo các quy định của pháp luật và đạo đức hành nghề chứ không chịu áp lực từ bất kỳ yếu tố nào khác kể cả tư lợi cá nhân. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động thì thực tế Luật sư lại hoạt động lại được xuất phát và phụ thuộc vào thái độ của bị cáo (chủ yếu là khách hàng) đối với Luật sư, Luật sư sẽ không thể thực hiện và tiếp tục thực hiện những vai trò của mình nếu như bị cáo từ chối Luật sư.

Với tư cách là người bào chữa – Luật sư thông qua các quyền và nghĩa vụ được Luật Tố tụng hình sự quy định để bào chữa cho bị cáo

Điều 73 BLTTHS năm 2015 quy định về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa thì Luật sư tham gia bào chữa từ thời điểm tiến hành hoạt động điều tra, khi có quyết định khởi tố bị can, quyết định bắt tạm giam, tạm giữ… 

Thực tế cho thấy, các hoạt động tố tụng ban đầu có ý nghĩa quan trọng đối với giải quyết vụ án, có ảnh hưởng tới các hoạt động tố tụng sau đó. Về phía Luật sư, việc tham gia các vụ án từ giai đoạn sớm có điều kiện thuận lợi trong việc thu thập chứng cứ gỡ tội hoặc các tình tiết giảm nhẹ để làm căn cứ bảo vệ tốt nhất cho bị cáo sau này. 

Nổi bật nhất chính là quyền tham gia hỏi, tranh luận tại phiên Tòa: Tại phiên Tòa xét xử vụ án hình sự, việc buộc tội, gỡ tội và xét xử được thực hiện đồng thời vì thế Luật sư có quyền được tham gia hỏi và tranh luận tại phiên tòa. Đối với phần hỏi, Luật sư có quyền hỏi bị cáo, những người tham gia tố tụng khác (người làm chứng, bị hại, người liên quan, …). Việc hỏi này kết hợp cùng với những phần hỏi của cơ quan có thẩm quyền nhằm làm sáng tỏ sự thật vụ án, củng cố các chứng cứ gỡ tội, tình tiết giảm nhẹ bởi tại phiên Tòa, sự có mặt của những người tham gia tố tụng, những thành phần khác sẽ phần nào xác thực được các thông tin, chứng cứ trong hồ sơ vụ án. Đối với phần tranh luận, Luật sư sau khi trình bày quan điểm bào chữa của mình thì sẽ tranh luận với Kiểm sát viên phụ trách quyền công tố trong vụ án. Việc tranh luận này là phần cực kỳ quan trọng, bởi đây là một trong những căn cứ ảnh hưởng đến phán quyết của Tòa án. Việc tranh luận nhằm mục đích làm sáng tỏ sự thật vụ án, hoàn thiện các căn cứ bào chữa của mình, khẳng định những quyền lợi của bị cáo.

Luật sư có vai trò làm rõ sự thật khách quan của vụ án, giúp giải quyết vụ án một cách nhanh chóng, chính xác, đúng pháp luật; minh bạch quá trình tố tụng

Trong thực tiễn hoạt động xét xử ở nước ta hiện nay, bản cáo trạng và kết luận điều tra đã thể hiện rất rõ tính chất, mức độ hành vi của bị cáo và đương nhiên cũng đã có đề nghị về hình phạt, mức hình phạt cụ thể. Tuy nhiên, khi Luật sư tham gia bào chữa, bằng các căn cứ, lập luận của Luật sư đã dẫn đến HĐXX xem xét tuyên bị cáo vô tội; tội danh khác; mức hình phạt nhẹ hơn hoặc trả hồ sơ điều tra bổ sung (đối với xét xử sơ thẩm); trả hồ sơ điều tra lại (đối với phúc thẩm),… Để có được những kết quả này, một phần lớn là xuất phát từ những lập luận sắc bén, có căn cứ và phù hợp với thực tế khách quan mà Luật sư đưa ra.

Ngoài việc bào chữa cho bị cáo, làm sáng tỏ sự thật vụ án thì việc tham gia của Luật sư còn có một vai trò chính là giám sát sự tuân theo pháp luật của các cơ quan tố tụng góp phần để các cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Có rất nhiều trường hợp, Luật sư phát hiện ra những sai phạm trọng quá trình thực hiện của các cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng, điều này dẫn đến sự thật vụ án chưa được làm rõ, dẫn đến oan sai cho người vô tội, xử lý tội phạm không đúng tinh thần của luật. Trong một số trường hợp có thể ngăn cản được các hành vi sai phạm đó.

Góp phần bảo vệ con người, bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa

Trước hết cần phẩn khẳng định một điều rằng: Bị cáo vẫn là người, bị cao là người có quyết định dưa vụ án ra xét xử, bị cáo chưa phải người phạm tội vì thế các quyền của bị cáo vẫn phải được đảm bảo. Đối với những người bị cáo buộc phạm tội, pháp luật bảo vệ họ thông qua việc họ được trải qua quá trình xét xử đúng luật, được tự mình bào chữa, nhờ người bào chữa. Luật sư thông qua các quy địn của pháp luật nhằm đảm bảo tốt nhất những quyền lợi của bị cáo, nếu tham gia từ những giai đoạn đầu thì tỷ lệ tránh được tình trạng bị cáo bị bức cung, nhục hình sẽ so với nhiều vụ án khác cũng đảm bảo hơn.

Một người chỉ được xác định là tội phạm khi có bản bán có hiệu lực của Tòa án có thẩm quyền, trải qua quá trình tố tụng theo pháp luật. Vì thế, Luật sư có vai trò bảo vệ công lý, đảm bảo các quy định của pháp luật, bảo vệ chế độ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Góp phần giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật trong xã hội, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và chủ động tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần nâng cao hiệu quả nền tư pháp

Thông qua phần bào chữa của mình, Luật sư góp phần giáo dục và nâng cao ý thức pháp luật, nâng cao ý thức trong xã hội, từ đó góp phần làm cho người dân có ý thức tuân thủ pháp luật, chủ động tham gia đấu trang phòng chống tội phạm.

Xét trong mối quan hệ đối với bị cáo: Luật sư bào chữa cho bị cáo để cho bị cáo thấy được hành vi của bản thân có vi phạm pháp luật hay không? Nếu vi phạm thì tính chất mức độ ra sao, các tình tiết giảm nhẹ để bảo vệ tối đa quyền lợi của bị cáo. Từ dây, bị cáo nhận biết rõ được tính chất, mức độ hành vi của mình, hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình đối với hành vi của mình.

Xét trong mối quan hệ với người thân, người nhà của bị cáo: Luật sư bào chữa cho bị cáo, bảo vệ tối đa quyền lợi của bị cáo, nhưng không có nghĩa là đổi trắng thay đen, theo ý nguyện của người thân bị cáo. Từ đây, người thân của bị cáo cũng được tiếp nhận sự giáo dục pháp luật.

Đối với những người khác giống như một buổi chia sẻ, phổn biến pháp luật để hiểu được hành vi được đưa ra xét xử làm rõ là hành vi như thế nào? là hành vi phạm tội? tính chất mức độ ra sao. Từ đó người ân hiểu biết thêm pháp luật, gặp phải các hành vi tương tư thì có ý thức phòng ngừa, đấu tranh.

Luật sư khi tham gia vào các giai đoạn tố tụng hình sự và đặc biệt là giai đoạn xét xử có rất nhiều vai trò thông qua việc bào chữa của mình. Đối với mỗi vụ án, mỗi bước đi, mỗi lập luận đều có vai trò quan trọng, nhưng mục đích lớn nhất vẫn là bảo vệ tốt nhất quyền và nghĩa vụ của bị cáo. Vai trò của Luật sư sẽ được thể hiện khác nhau tùy vào tính chất mức độ của vụ án cụ thể, phụ thuộc vào năng lực, kinh nghiệm và quan điểm của từng Luật sư thực hiện. Vì thế, những chia sẻ trên đây chỉ là những đánh giá chung về vai trò của Luật sư nên làm, phải làm được khi tham gia xét xử vụ án hình sự.

Luật sư HOÀNG TÙNG

Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa

Một số ý kiến về nhận diện rủi ro, xung đột phát sinh trong thuê và mua chung cư ở nước ta