Vai trò hợp tác xã trong việc phát triển kinh tế - chính trị - xã hội

15/10/2018 23:36 | 5 năm trước

LSVNO - Từ khi ra đời đến nay, các Hợp tác xã (HTX) đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển cùng với quá trình phát triển của nền kinh tế - xã hội đất nước. Trong mỗi giai đoạn, các HTX đều có nh...

LSVNO - Từ khi ra đời đến nay, các Hợp tác xã (HTX) đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển cùng với quá trình phát triển của nền kinh tế - xã hội đất nước. Trong mỗi giai đoạn, các HTX đều có những dấu ấn riêng và có những đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển chung của đất nước.

Qua đó, chất lượng hoạt động của các HTX, liên hiệp HTX được nâng lên, mới bảo đảm được mục tiêu chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp, đưa nền nông nghiệp Việt Nam bước sang một giai đoạn mới, tiếp tục phát triển theo chiều hướng hội nhập sâu rộng vào chuỗi nông sản toàn cầu và phục vụ tốt nhu cầu thị trường tiêu thụ nội địa.

Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Thạnh Phước - Nguyễn Văn Chiến là người tiên phong trồng chanh không hạt ở vùng đất Hậu Giang.

Nhằm thúc đẩy HTX kiểu mới phát triển nhanh, trở thành nhân tố liên kết trong tổ chức sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản và tái cơ cấu nông nghiệp. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2018 và Quyết định số 461 về phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX từ nay đến năm 2020. Mục tiêu chung của chương trình là phấn đấu đưa 15.000 HTX trở thành hạt nhân để liên kết với các doanh nghiệp, từ đó tạo thành hệ thống đồng trục để 8,6 triệu hộ nông dân cùng các HTX, liên hiệp HTX và các doanh nghiệp tạo chuỗi khép kín. Theo đó, các HTX, liên hiệp HTX kiểu mới hoàn chỉnh chu trình sản xuất khép kín từ khu vực tổ chức sản xuất, vùng nguyên liệu đến khu vực chế biến và xúc tiến thương mại, trên cơ sở bảo đảm mục tiêu chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến hết tháng 6/2018, cả nước có 39 liên hiệp HTX và 12.596 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua phân loại HTX nông nghiệp năm 2017 cho thấy, số HTX hoạt động tốt chiếm 12% (1.115 HTX), 34,3% hoạt động khá (3.178 HTX), 41,3% ở mức trung bình (3.830 HTX) và còn 12,4% HTX xếp loại yếu (1.143 HTX).

Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: Phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đòi hỏi có sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và các hộ nông dân. Tái cơ cấu sản xuất thông qua hình thức liên kết, hình thành hợp tác xã kiểu mới để tăng năng lực sản xuất là con đường “an sinh kinh tế”. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Cường còn chia sẻ thêm: “15.000 HTX phải trở thành hạt nhân để liên kết với doanh nghiệp. Từ đó, tạo thành hệ thống để đồng trục 8,6 triệu hộ nông dân cùng các HTX, các doanh nghiệp tạo chuỗi khép kín từ khu vực tổ chức sản xuất, vùng nguyên liệu, chế biến và xúc tiến thương mại, hoàn chỉnh chu trình sản xuất khép kín trên cơ sở đảm bảo mục tiêu chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp. Nếu HTX làm đúng nghĩa, tự nguyện, theo hướng thị trường, chắc chắn mô hình này sẽ trở thành thành tố quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp”.

Nhu cầu liên kết và phát triển kinh tế HTX, từ các mô hình hoạt động hiệu quả của HTX, liên hiệp HTX kiểu mới, là sự cấp thiết hiện nay của nước ta. Vì sức sản xuất của ngành hàng nông nghiệp là rất lớn. Đối với thực phẩm của Việt Nam có khả năng sản xuất tới 5,5 triệu tấn thịt các loại, 30 triệu tấn rau quả và có thể đạt mức 45 triệu tấn lương thực/năm.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sự liên kết giữa HTX, liên hiệp HTX với các DN, nhất là các DN chế biến, xúc tiến thương mại còn rời rạc, manh mún và nhỏ lẻ. Ở hầu hết các địa phương có thế mạnh về phát triển nông nghiệp vẫn tiếp diễn theo dạng “mạnh ai nấy làm”, tách rời giữa khâu sản xuất với khâu chế biến và tiêu thụ. Công tác xúc tiến thương mại đối với ngành hàng nông nghiệp ít được chú trọng đầu tư, người nông dân phải tự bơi và  luôn rơi vào tình cảnh bị chi phối về giá cả, sức tiêu thụ của các đầu nậu, thương lái và thị trường tiểu ngạch. Dẫn tới tình trạng hiệu quả kinh tế trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản trong các HTX nông nghiệp rất thấp. Sản phẩm do người nông dân và doanh nghiệp sản xuất nhiều lúc rơi vào tình thế bấp bênh, hàng hóa vào mùa thu hoạch phải dồn đống, hoặc vứt bỏ. Những vụ việc giải cứu dưa hấu, chuối, hành tím còn chưa nguôi ngoai, thì lại có thêm trái thanh long bị treo với nắng mưa khi đường tiểu ngạch bị gián đoạn.

Ngoài ra, việc tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, bao gồm cả công nghệ cao trong tất cả các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của ngành. Đặc biệt là khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả của ngành, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiếp tục mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nông dân, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của ngành. Huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; tăng cường năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Vì vậy, việc phát triển kinh tế HTX cần coi trọng và đầu tư phát triển các mô hình HTX, liên hiệp HTX kiểu mới một cách quyết liệt và hợp lý. Trước hết cần tập trung xử lý, giải thể các HTX kiểu cũ đã ngừng hoạt động hoặc hoạt động yếu kém, giải tỏa tâm lý mặc cảm với mô hình HTX kiểu cũ, tạo điều kiện cho thành lập mới các HTX kiểu mới, chuyên ngành. Tăng cường và đẩy mạnh sự hợp tác, liên kết trong sản xuất, kinh doanh giữa các thành phần kinh tế, giữa các HTX, liên hiệp HTX. Từ đó, hình thành và phát triển các mô hình HTX, liên hiệp HTX kiểu mới, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gắn với chuỗi giá trị nông sản. Đồng thời, phát huy tiềm năng các nguồn lực trong xã hội để tái cơ cấu nông nghiệp và liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. 

Minh Sơn – Thanh Phong