Ảnh minh họa.
1. Cơ sở pháp lý
Theo Điều 17 BLHS năm 2015 quy định cụ thể về đồng phạm như sau:
“1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm”.
Mặc dù hiện nay pháp luật không quy định thế nào là đồng phạm song có thể hiểu khái niệm đồng phạm tồn tại dưới hai nội dung:
Thứ nhất, đó là đồng phạm có sự bàn bạc, thống nhất giữa những người thực hiện hành vi phạm tội, việc bàn bạc, thống nhất này có thể được thực hiện trước khi thực hiện hành vi phạm tội, trong khi thực hiện hành vi phạm tội hoặc sau khi thực hiện hành vi phạm tội, như vậy, nội dung này tồn tại ở tất cả các giai đoạn của hành vi phạm tội.
Thứ hai, đó là dạng đồng phạm tiếp nhận ý chí, đây là đồng phạm mà không có sự bàn bạc, thống nhất song giữa những người phạm tội có sự ăn ý, hiểu ý nên vẫn cùng nhau thực hiện hành vi phạm tội, dạng này tồn tại phổ biến ở giai đoạn đang thực hiện hành vi phạm tội và nó diễn ra trước khi hậu quả tội phạm xảy ra, nếu nó diễn ra sau khi thực hiện hành vi phạm tội thì không là đồng phạm. Đồng thời, người tiếp nhận ý chí đó phải có các hành vi cùng với người thực hành thực hiện hành vi phạm tội, thông thường người tiếp nhận ý chí thực hiện với vai trò là người giúp sức trong đồng phạm.
2. Nhận diện vấn đề đồng phạm trong pháp nhân thương mại phạm tội
2.1. Pháp nhân đồng phạm với người
Pháp nhân là một tổ chức (một chủ thể pháp luật) có tư cách pháp lý độc lập, có thể tham gia vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội,… theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 75 Bộ luật Dân sự 2015 thì khái niệm pháp nhân thương mại được quy định cụ thể như sau:
“Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên”. Từ khái niệm trên có thể thấy, pháp nhân là một tổ chức do nhiều người liên kết thành, như vậy, khái niệm pháp nhân và khái niệm “hai người trở lên” trong khái niệm đồng phạm của BLHS là hai thuật ngữ hoàn toàn khác nhau do đó có quan điểm cho rằng giữa pháp nhân thương mại và con người không thể đồng phạm với nhau?
Tuy nhiên, xét dưới góc độ pháp lý chúng ta có thể thấy rằng, pháp nhân là một tổ chức có đại diện theo pháp luật là một người đứng đầu (tức là một con người cụ thể) việc tổ chức và hoạt động của pháp nhân là hoàn toàn dựa vào ý chí của con người mà cụ thể, nên khi pháp nhân thương mại phạm tội đồng phạm thì nó được thực hiện theo ý chí con người đây là vấn đề không thể tách rời được, tuy nhiên, hành vi phạm tội của pháp nhân chỉ có thể đồng phạm với con người cụ thể khi đại diện cho pháp nhân đó nhân danh pháp nhân, vì lợi ích pháp nhân, có sự chỉ đạo điều hành khi thực hiện hành vi phạm tội.
Mặc dù, quy định đồng phạm trong BLHS chỉ đề cập đến con người cụ thể mà không đề cập đến chủ thể là pháp nhân thương mại là không phù hợp với chủ thể chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 8 của BLHS, tuy nhiên, có thể hiểu tinh thần trong quy định về đồng phạm của BLHS đó là vấn đề ý chí của các chủ thể trong việc cùng nhau thực hiện hành vi phạm tội mà không phân biệt là con người hay pháp nhân thương mại.
2.2. Pháp nhân đồng phạm với pháp nhân
Theo quy định tại Điều 75 BLHS về điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại:
"1. Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;
b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;
c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;
d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này”.
Từ quy định về điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân có thể xác định vấn đề đồng phạm giữa pháp nhân với pháp nhân chủ yếu thông qua việc ký kết hợp đồng, văn bản thỏa thuận, đây là một dạng đồng phạm xảy ra phổ biến liên quan đến quy định trong vấn đề quan hệ làm ăn giữa các pháp nhân thương mại, việc ký kết hợp đồng, văn bản thỏa thuận là một hình thức nhằm qua mắt cơ quan có thẩm quyền, song trong thực tiễn là sự thỏa thuận bằng miệng giữa những người của pháp nhân với nhau, vấn đề này trong thực tiễn rất khó xác định.
3. Kiến nghị
Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đấu tranh phòng chống tội phạm, cũng như phù hợp với các quy định khác trong BLHS về chủ thể tội phạm thiết nghĩ cần sửa đổi, bổ sung quy định về đồng phạm tại Điều 17 BLHS năm 2015 cụ thể như sau:
"1. Đồng phạm là trường hợp có hai chủ tội phạm thể trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa các chủ thể cùng thực hiện tội phạm.
3. Đồng phạm bao gồm hành vi tổ chức, hành vi thực hành, hành vi xúi giục, hành vi giúp sức.
Hành vi thực hành là hành vi trực tiếp thực hiện tội phạm.
Hành vi tổ chức là hành vi chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Hành vi xúi giục là hành vi kích động, dụ dỗ, thúc đẩy chủ thể khác thực hiện tội phạm.
Hành vi giúp sức là hành vi tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm”.
TRẦN VĂN HÙNG
Tòa án Quân sự khu vực Quân khu 4
Những điểm mới về quyền bào chữa của người bị buộc tội theo Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015