/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Vấn đề oan, sai trong tố tụng hình sự và trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Vấn đề oan, sai trong tố tụng hình sự và trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

05/01/2021 18:15 |

(LSVN) - Tình trạng làm oan người vô tội trong hoạt động tố tụng hình sự đã gây bức xúc trong dư luận, làm giảm lòng tin của nhân dân vào các cơ quan THTT. Bên cạnh đó, những người là “nạn nhân” của hoạt động tố tụng hình sự tuy đã được minh oan nhưng những thiệt hại về vật chất, tinh thần họ phải chịu đựng vẫn còn tồn tại.

Ông Trần Ngọc Chinh (Vĩnh Phúc) bị oan sai yêu cầu bồi thường oan sai hơn 12,8 tỉ đồng.

Thực trạng tình hình oan, sai làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự

Những năm gần đây, tình hình tội phạm có những diễn biến phức tạp, số vụ án, người phạm tội, tính chất, mức độ của hành vi phạm tội có chiều hướng gia tăng, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có nhiều nỗ lực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Về cơ bản, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; nhờ đó tình hình oan, sai trong tố tụng hình sự được hạn chế đáng kể. Tuy nhiên, so với yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu của Hiến pháp 2013 thì tình hình oan, sai trong tố tụng hình sự vẫn còn nghiêm trọng.

Theo Báo cáo kết quả giám sát về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20/5/2015, trong thời gian từ ngày 01/10/2011 đến ngày 30/9/2014, các cơ quan tiến hành tố tụng (THTT) đã khởi tố, điều tra 219.506 vụ án với 338.379 bị can, làm oan 71 trường hợp (chiếm 0,02%). Trong đó, cơ quan điều tra đình chỉ 31 bị can do không có sự việc phạm tội; 12 bị can do hết thời hạn điều tra không chứng minh được tội phạm; viện kiểm sát đình chỉ 09 bị can do không có sự việc phạm tội; 19 trường hợp tòa án tuyên không phạm tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật. Ngoài các trường hợp bị oan trên, còn tồn tại tình trạng khởi tố, điều tra, đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án do hành vi không cấu thành tội phạm, do miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) có dấu hiệu làm oan người vô tội như: vụ án Trần Văn Đề (Bình Phước) bị khởi tố, bắt giam về tội “không chấp hành bản án” có dấu hiệu làm oan, vì quyết định bản án dân sự đã có hiệu lực pháp luật có nội dung trái pháp luật, buộc ông Đề phải làm thủ tục sang tên quyền sử dụng đất cho ông Trần Văn Năng trái Luật Đất đai nên không thể thi hành bản án; vụ Đặng Công Văn, Bùi Văn Quỳnh (Ban quản lý chợ Đồng Xoài, Bình Phước) đã thi hành quyết định xử lý hành chính, xử lý kỷ luật được hơn 03 năm sau đó bị khởi tố về tội “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là không đúng pháp luật, có dấu hiệu làm oan vì đã xử lý hai lần cùng một hành vi vi phạm pháp luật.

Ngoài con số 71 người bị oan được xác định từ 01/10/2011 đến 30/9/2014, hiện còn một số trường hợp bị oan đang được xem xét, giải quyết cho thấy tình trạng làm oan người vô tội trong hoạt động TTHS còn nghiêm trọng. Các trường hợp làm oan đều ảnh hưởng lớn đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản của người bị oan, có một số trường hợp đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận, mất lòng tin của nhân dân đối với công lý, giảm uy tín của cơ quan bảo vệ pháp luật như vụ 07 thanh niên bị bắt giam oan trong vụ án “giết người”, “Cướp tài sản” xảy ra năm 2013 tại Sóc Trăng. Một số địa phương để xảy ra nhiều trường hợp làm oan như: Sóc Trăng (07 người); Khánh Hòa (06 người); Thanh Hóa (05 người); Vĩnh Phúc (04 người); Đăk Lắc (04 người); Cần Thơ (04 người); Bến Tre (03 người); Bình Phước (03 người); Quảng Trị (02 người); Cà Mau (02 người); Đà Nẵng (02 người)... Hầu hết các trường hợp bị oan trong những năm gần đây đều được các cơ quan có thẩm quyền tố tụng qua kiểm tra, phát hiện và cơ bản được khắc phục, xử lý trong giai đoạn điều tra.

Tóm lại, tuy biểu hiện vi phạm ở mỗi cơ quan THTT là khác nhau nhưng hậu quả chung mà người có thẩm quyền THTT gây ra đều là những thiệt hại về tài sản, sức khỏe, danh dự, uy tín, tinh thần và tự do cá nhân của người bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.

Qua nghiên cứu các trường hợp oan, sai do các cơ quan THTT gây ra, có thể tổng kết do một số nguyên nhân sau:

Nguyên nhân chủ quan

Thứ nhất, một bộ phận người THTT thực hiện không đúng, không đầy đủ, không chính xác các quy định pháp luật tố tụng và quy chế nghiệp vụ của ngành. Việc thu thập, đánh giá chứng cứ chưa thật đầy đủ, khách quan, toàn diện; chưa bảo đảm đúng nguyên tắc “suy đoán vô tội”, từ đó có thái độ đối xử với người bị bắt, bị can, bị cáo như là người có tội; có trường hợp bảo thủ, định kiến trong giải thích và áp dụng pháp luật theo hướng bất lợi cho người bị tình nghi phạm tội. Khi thu thập chứng cứ, những người THTT mới chỉ chú ý đến độ tin cậy của chứng cứ mà xem nhẹ tính hợp pháp của trình tự thu thập chứng cứ. Trong thực tiễn THTT, các hiện tượng ép cung, mớm cung, bắt giữ, giam giữ trái pháp luật... còn tồn tại chứng tỏ tính hợp pháp khi thu thập chứng cứ đã không được người có thẩm quyền THTT coi trọng đúng mức. Hậu quả nghiêm trọng của việc không tôn trọng tính hợp pháp quá trình thu thập chứng cứ là tạo ra chứng cứ phi pháp và hậu quả của nó là vô cùng nghiêm trọng, dẫn đến việc kết án oan, sai người vô tội.

Thứ hai, hồ sơ vụ án hình sự còn có xu hướng nặng về buộc tội; tại phiên tòa, kiểm sát viên còn tập trung vào bảo vệ cáo trạng; quá trình tranh tụng tại phiên tòa còn hình thức, một bộ phận thẩm phán, kiểm sát viên còn coi trọng “án tại hồ sơ”, từ đó chưa chủ động tranh luận, tích cực làm rõ các tình tiết mới phát sinh tại phiên tòa.

Thứ ba, việc phối hợp liên ngành trong một số trường hợp chưa đúng chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, thiếu sự chế ước, kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan tư pháp. Một số viện kiểm sát chưa làm tốt nhiệm vụ công tố gắn với hoạt động điều tra, thực hiện không đầy đủ các thẩm quyền theo luật định; có nơi còn phối hợp nhất trí một chiều với cơ quan điều tra trong nhận định, đánh giá tính chất vụ án, ít nêu yêu cầu khởi tố, yêu cầu điều tra. Trong một số trường hợp, sự chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của các cơ quan tố tụng trung ương chưa kịp thời hoặc ý kiến khác nhau... gây khó khăn, lúng túng cho địa phương.

Thứ tư, một số địa phương còn xảy ra tình trạng thiếu điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán. Việc phân bổ kiểm sát viên, thẩm phán ở nhiều địa phương chưa thật sự phù hợp gây lãng phí nguồn lực. Đội ngũ luật sư còn thiếu, tính chuyên nghiệp chưa cao. Cơ sở để bào chữa cho bị can, bị cáo chủ yếu vẫn là hồ sơ vụ án của cơ quan điều tra. Chất lượng tranh tụng của luật sư bào chữa chỉ định thấp, có luật sư vi phạm pháp luật, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

Nguyên nhân khách quan

Đó là do sự thay đổi của chính sách pháp luật và những tồn tại, hạn chế trong các quy định của pháp luật. Đối với Việt Nam, khoảng thời gian từ 1985 - 2000 và sau những năm 2000 là sự thay đổi có tính lịch sử, cách mạng của đất nước. Yêu cầu đổi mới mọi mặt của xã hội đặt ra phải sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện các quy định của pháp luật nhằm góp phần đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới.

Trong điều kiện phát triển đó, vấn đề thay đổi quy định của pháp luật, nhất là một số ngành luật liên quan đến hoạt động tố tụng hình sự cũng ảnh hưởng đến kết quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Một trong những đặc thù tiêu biểu của Bộ luật Hình sự năm 1999 là sự đan xen giữa hai chiều hướng phát triển của pháp luật hình sự Việt Nam là: hình sự hóa một số hành vi nguy hiểm cho xã hội trở thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 hoặc tăng mức hình phạt đối với một số tội danh so với Bộ luật Hình sự năm 1985 và phi hình sự hóa là việc loại bỏ ra khỏi bộ luật hình sự một số hành vi vốn được coi là tội phạm trong Bộ luật Hình sự năm 1985.

Thực tiễn việc giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong tố tụng hình sự thời gian qua

Tình trạng làm oan người vô tội trong hoạt động tố tụng hình sự đã gây bức xúc trong dư luận, làm giảm lòng tin của nhân dân vào các cơ quan THTT. Bên cạnh đó, những người là “nạn nhân” của hoạt động tố tụng hình sự tuy đã được minh oan nhưng những thiệt hại về vật chất, tinh thần họ phải chịu đựng vẫn còn tồn tại. Kể từ khi Nghị quyết số 388 và sau này Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2009, 2017 có hiệu lực pháp luật đã tạo cơ sở vững chắc giúp các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết bồi thường thiệt hại, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của người bị oan.

Theo Báo cáo kết quả giám sát về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20/5/2015 thì tình trạng người bị oan có yêu cầu bồi thường về vật chất và khôi phục danh dự đang có xu hướng gia tăng.

Trong 03 năm từ 2011 đến 2014, cơ quan điều tra đã thụ lý 15 đơn yêu cầu bồi thường, đã giải quyết 05 trường hợp với số tiền 452.578.000 đồng; 08 trường hợp đang giải quyết, 02 trường hợp không thuộc diện bồi thường. Viện kiểm sát các cấp thụ lý 78 đơn yêu cầu bồi thường, đã giải quyết 69 đơn: bồi thường 62 trường hợp với số tiền 11.360.264.068 đồng (trong đó 58 trường hợp thương lượng thành, 04 trường hợp khởi kiện ra tòa án); 02 trường hợp không yêu cầu bồi thường về tiền, 05 trường hợp trả lại hoặc đương sự rút đơn yêu cầu; đang tiến hành giải quyết 09 trường hợp. Tòa án nhân dân các cấp thụ lý 22 đơn yêu cầu bồi thường, 06 đơn khởi kiện; đã giải quyết 19 trường hợp với số tiền 27.792.190.994 đồng, trả lại 03 đơn, 06 đơn đang trong quá trình giải quyết.

Theo Báo cáo tổng kết 06 năm thi hành Luật TNBTCNN của Bộ Tư pháp, từ khi Luật có hiệu lực đến ngày 31/12/2015, tòa án các cấp đã thụ lý, giải quyết 38 vụ việc, đã giải quyết xong 32 vụ việc, với số tiền phải bồi thường là 37 tỷ 772 triệu 742 nghìn đồng (trong đó có 7 tỷ 272 triệu 247 nghìn đồng của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), 22 tỷ 977 triệu 183 nghìn đồng của ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình), còn 06 vụ việc đang giải quyết; viện kiểm sát các cấp đã thụ lý, giải quyết đối với 113 trường hợp yêu cầu bồi thường, đã giải quyết xong 93 trường hợp, với tổng số tiền phải bồi thường là 16 tỷ 415 triệu 005 nghìn đồng, còn 20 trường hợp đang giải quyết; ngành công an đã thụ lý, giải quyết 11 vụ việc, đã giải quyết xong 7 vụ việc, với số tiền phải bồi thường là 2 tỷ 221 triệu 637 nghìn đồng, còn 04 vụ việc đang tiếp tục giải quyết; cơ quan THTT thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng đã thụ lý, giải quyết 01 vụ việc với số tiền bồi thường là 350 triệu đồng (Quân khu III).

Từ ngày 01/7/2018 (thời điểm Luật TNBTCNN năm 2017 có hiệu lực) đến ngày 31/10/2018, các cơ quan đã thụ lý, giải quyết tổng số 04 vụ việc, trong đó 03 vụ việc trong hoạt động quản lý hành chính, 01 vụ việc trong hoạt động tố tụng. 10 tháng đầu năm 2019, các cơ quan tố tụng đã thụ lý, giải quyết 24 vụ việc, đã giải quyết xong 07/24 vụ việc, đạt tỉ lệ 29,1%, với tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường là 02 tỷ 163 triệu 053 nghìn đồng, còn 17 vụ việc đang được giải quyết.

Một số góp ý hoàn thiện pháp luật để hạn chế các vụ việc oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự

- Cần sửa đổi một số quy định của Bộ luật Hình sự về định lượng và định tính, tạo điều kiện khắc phục việc khởi tố, xử lý hình sự tràn lan dẫn đến làm oan hoặc hành chính hóa các quan hệ hình sự dẫn đến bỏ lọt tội phạm như: nâng mức định lượng trong các tội chiếm đoạt như trộm cắp, cướp giật và các tội phạm khác như đánh bạc, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới... các tình tiết định tính như “gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”, “số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn”, “dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm”, “động cơ cá nhân khác” trong các tội phạm kinh tế, chức vụ, tham nhũng; tình tiết “dùng hung khí nguy hiểm” trong tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”...

- Sửa đổi, bổ sung, quy định rõ dấu hiệu pháp lý đặc trưng của một số tội trong Bộ luật Hình sự, khắc phục tình trạng hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế làm oan người vô tội, tạo điều kiện xác định đúng tội danh trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử như: tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, tội “vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”; phân biệt tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; giữa tội “giết người” và tội “cố ý gây thương tích dẫn đến chết người”...

- Sửa đổi, bổ sung các quy định để tạo điều kiện cho việc thu thập, đánh giá phân tích chứng cứ và sử dụng chứng cứ như: nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc và trách nhiệm xác định sự thật khách quan của vụ án; nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm; sửa đổi các quy định về thu thập, đánh giá và loại bỏ chứng cứ, bảo quản, xử lý vật chứng, khám nghiệm hiện trường, hỏi cung bị can.

- Sửa đổi, bổ sung các quy định bảo đảm tôn trọng quyền của người bị bắt, tạm giữ, bị can, bị cáo, nhất là quyền bào chữa, quyền thu thập chứng cứ, yêu cầu giám định của người bị buộc tội...; mở rộng chủ thể thu thập chứng cứ. Sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục việc mớm cung, dụ cung, bức cung, nhục hình trong hoạt động điều tra.

- Sửa đổi, bổ sung các quy định tạo điều kiện cho việc khởi tố, điều tra tội phạm để chống bỏ lọt tội phạm; khắc phục việc bắt tạm giữ hình sự, tạm giam sau đó chuyển xử lý hành chính như: sửa đổi tăng thời hạn giải quyết đối với tin tố giác, tin báo về tội phạm phức tạp; quy định chặt chẽ các căn cứ khởi tố bị can, căn cứ bắt khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam; căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

KHÁNH HUYỀN

/su-dung-an-le-trong-dao-tao-luat-su-phuc-vu-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te.html