Ảnh minh họa.
Vay tiền trên các ứng dụng trực tuyến hấp dẫn người vay ở việc đáp ứng được nhu cầu tài chính tức thời với thủ tục, cách thức cho vay nhanh gọn. Các giao dịch được thực hiện trực tuyến, thông qua các trang web, các sàn giao dịch trực tuyến hoặc các ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh. Người đi vay không cần có tài sản bảo đảm và người cho vay thì dựa vào uy tín của người đi vay về thu nhập và khả năng trả nợ để cho vay.
Tuy nhiên, bên cạnh các App cho vay tiền chính thống, hoạt động công khai, minh bạch thì hiện nay xuất hiện nhiều App cho vay tiền núp dưới hình thức tín dụng đen, cho vay với lãi suất cắt cổ. Với một số người cần gấp số tiền không quá lớn, hoặc quá gấp rút để giải quyết công việc họ thường “tặc lưỡi” cho qua, thế nhưng đối với nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, họ thực sự “hãi hùng” bởi lãi suất cắt cổ và nhiều người bị “khủng bố” bởi cách thức đòi nợ “tàn khốc” của chủ sở hữu những ứng dụng cho vay này khi rơi vào cảnh chưa trả được nợ.
Thực trạng về vay tiền qua App
Nhầm tưởng về Công ty tài chính
Người dân không nên nhầm tưởng tất cả các dịch vụ cho vay qua App hiện nay là hoạt động kinh doanh của các Tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép. Cụ thể, các Tổ chức tín dụng bao gồm: Ngân hàng, Công ty tài chính, Công ty cho thuê tài chính, Tổ chức tài chính vi mô là các Tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động. Hoạt động cho vay của các Tổ chức tín dụng được thực hiện theo quy định pháp luật ngân hàng. Vì vậy, hoạt động cho vay của các Tổ chức tín dụng chính thống sẽ được công khai thông tin về lãi suất, thời hạn trả nợ... và các chế tài, biện pháp xử lý khi khách hàng không có khả năng thanh toán sẽ được tuân thủ theo các văn bản pháp luật do Ngân hàng nhà nước ban hành.
Thực tế hiện nay, vay tiền là phương thức giao dịch do người có tiền và người cần tiền thực hiện bởi các tổ chức, cá nhân với nhau. Vay tiền qua App chỉ là phương tiện giao dịch và chưa có quy định cấm giao dịch cho vay qua App. Bên cạnh đó, pháp luật không cấm cá nhân, tổ chức cho nhau vay vì đó là mối quan hệ cung - cầu, nhưng tổ chức hay cá nhân cho vay lãi suất quá mức quy định cho phép thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay nặng lãi.
Có lẽ vì lợi nhuận quá lớn nên đang có rất nhiều các công ty, tổ chức, cá nhân thực hiện cho vay tiền qua App, một số cái tên điển hình cho các dịch vụ này là: Tamo, One Click, Vdong, Openvay, Tiennhanh, Vtdong, Movay... mà chủ yếu là do các cá nhân người nước ngoài thuê các cá nhân điều hành hoạt động cho vay tín dụng đen này.
Vay qua App "cực dễ"
Hoạt động vay qua App được hiểu là vay tín chấp, dựa trên sự tín nhiệm của bản thân mà các tổ chức, cá nhân sẽ cho khách hàng vay. Khi người có nhu cầu vay tiền nhanh chóng được đáp ứng với một số thao tác đăng ký đơn giản trên máy tính như: tải App, điền thông tin cá nhân, số tài khoản nhận tiền, gửi ảnh chụp cá nhân và chứng minh nhân dân, đồng ý cho App truy cập danh bạ cá nhân... Chẳng hạn như người đi vay chỉ cần chứng minh nhân thân hay tải hình ảnh của mình lên là được cho vay mà không cần phải thế chấp tài sản gì. Trong hợp đồng vay tiền này không ghi rõ lãi suất hằng tháng hay hằng năm là bao nhiêu, cũng không ghi thời hạn phải trả nợ lãi và nợ gốc. Trong khi đó, vay tiền qua các Tổ chức tín dụng thì chịu một số ràng buộc như phải có điều kiện, hợp đồng, lãi suất, lãi suất xử phạt, thời hạn vay…
Không vay tiền, bỗng dưng bị… đòi nợ
Một số thủ đoạn phổ biến đã được ghi nhận như giả mạo website/Fanpage ngân hàng và gửi đường link giả mạo để khách hàng nhập thông tin; lừa khách cài đặt phần mềm gián điệp; giả danh nhân viên ngân hàng, tòa án, cảnh sát yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin. Bên cạnh đó, các đối tượng tội phạm còn sử dụng thủ đoạn lừa khách hàng tự chuyển tiền đến tài khoản của kẻ gian.
Nhiều khiếu nại của khách hàng cho rằng tại thời điểm ký kết hợp đồng, nhân viên thường hối thúc khách hàng nhanh chóng ký mà không để khách hàng đọc, nghiên cứu kỹ nội dung hợp đồng. Sau khi ký kết hợp đồng cho vay tín dụng, nhân viên từ chối giao bản hợp đồng gốc để khách hàng lưu giữ hoặc không cho phép khách hàng sao chụp hợp đồng [1].
Thậm chí, trên website của một Công ty tài chính có công khai một số thủ đoạn như mạo danh cán bộ nhân viên của Công ty nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng. Cụ thể, nhiều trường hợp xảy ra theo cách thức: có người liên hệ với khách hàng qua facebook, điện thoại, tự nhận là nhân viên Công ty tài chính và tư vấn làm hồ sơ vay tiền, đưa ra các thông tin ưu đãi về chương trình cho vay nhằm thuyết phục khách hàng vay. Nhưng thực chất làm giả hợp đồng giải ngân kiêm khế ước nhận nợ với con dấu giả, làm giả bảng ước tính số tiền phải trả hằng tháng để tạo lòng tin cho khách hàng nhằm thực hiện hành vi lừa đảo; làm giả thẻ nhân viên Công ty tài chính để chiếm lòng tin của khách hàng. Sau khi nộp phí xử lý hồ sơ theo hướng dẫn, khách hàng không thể liên hệ được với đối tượng. Khi kiểm tra lại thông tin tại Công ty tài chính thì phát hiện bị đối tượng mạo danh công ty để lừa đảo. Với những trường hợp nêu trên, các Công ty tài chính sẽ không có cơ sở để hỗ trợ khách hàng.
Đối tượng lừa đảo sử dụng số điện thoại từ nước ngoài hoặc trong nước, đăng ký giả mạo tin nhắn thương hiệu (SMS Brand Name)*, gửi tin nhắn dẫn dụ khách hàng truy cập vào địa chỉ website giả mạo có đường dẫn và giao diện tương tự với website chính thức của các Tổ chức tín dụng. Với lý do cần xác thực thông tin hoặc để nhận thưởng, các đối tượng xấu đã yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin quan trọng như tên đăng nhập website hoặc ứng dụng Mobile Banking, số CMND/CCCD, mật khẩu, mã PIN, mã OTP... từ đó lấy cắp thông tin khách hàng và thực hiện các giao dịch Internet Banking để chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Lãi suất cho vay "cắt cổ"
Do đang cần tiền nên phần lớn các khách hàng đi vay sẽ không để ý hết các quy định hoặc thoả thuận về lãi suất trong hợp đồng vay hoặc không được người cho vay cung cấp thông tin về lãi suất nên thường phải chấp nhận mức lãi suất vay “cắt cổ”.
Trường hợp vay qua ứng dụng "Moreloan" và "VD online" với lãi suất nêu trên thì lãi suất 2.5%/ ngày, tương đương 17.5%/tuần, 75%/tháng và 912.5%/năm. Những khách vay trả nợ đúng hạn thì lần vay sau công ty sẽ cho vay số tiền cao hơn, tối đa là 2.750.000 đồng [2].
Nhưng tuy nhiên, khách hàng không nên ấn định tất cả hoạt động cho vay mà lãi suất trên 20%/1 năm là không đúng quy định pháp luật. Bởi, nếu là hoạt động vay qua Apps do các tổ chức, cá nhân không phải là Công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép thực hiện được điều chỉnh theo pháp luật dân sự. Vì vậy, lãi suất cho vay không được quá 20%/1 năm theo Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015. Điều này có nghĩa là, lãi suất khoản vay của khách hàng quá mức 20%/1 năm do các tổ chức, cá nhân này thực hiện vi phạm pháp luật dân sự, được coi là thu lời bất chính.
Nguy cơ trở thành nợ xấu
Trở thành nợ xấu trong hệ thống CIC - Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước quản lý là một nỗi ám ảnh mà nhiều khách hàng vay đang gặp phải. Nợ xấu là nợ quá hạn, nợ dưới tiêu chay là nợ nghi ngờ hoặc có khả năng mất vốn. Nói cụ thể và rõ ràng hơn đó là nợ xấu là nợ mà đến hạn trả cho bên vay mà người vay không trả và để trong thời gian dài không trả dù là mục đích cố ý hay không cố ý.
Nợ xấu là các khoản nợ quá hạn trả lãi hoặc tiền gốc trên 90 ngày hay có khả năng trốn nợ. CIC sẽ tiến hành phân loại các dữ liệu tín dụng ngân hàng và Tổ chức tín dụng cung cấp. Trong trường hợp, khách hàng vay tiền và chậm trả nợ hoặc không có khả năng thanh toán thông qua các ứng dụng của các Tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép thì có khả năng sẽ trở thành Nợ xấu theo các quy định về Nợ xấu và Phân loại nợ xấu (Thông tư 02/2013/TT-NHNN và Thông tư 09/2014/TT-NHNN). Bởi, nếu trường hợp khách hàng rơi vào nhóm nợ xấu, khả năng được xét duyệt hồ sơ vay vốn ngân hàng sau này của khách hàng đó sẽ rất thấp. Tùy thuộc vào nhóm nợ xấu, sẽ có mức độ ảnh hưởng khác nhau.
Thực tế có nhiều trường hợp muốn xóa nợ xấu của mình trên hệ thống kiểm tra CIC. Tuy nhiên, nợ xấu chỉ có thể bị xóa khi khách hàng đã trả hết nợ gốc, lãi, lãi quá hạn cho bên ngân hàng, Công ty tài chính cho vay nợ. Bởi nếu không trả nợ thì nợ xấu mãi mãi còn trên hệ thống mà để càng lâu thì việc xóa nợ xấu càng mất nhiều thời gian và thời gian xoá nợ xấu là sau 5 năm kể từ khi khách hàng thanh toán hết các khoản nợ. Tuy nhiên, cần lưu ý, nếu người dân vay tiền qua App do các đối tượng khác không phải là các Tổ chức tín dụng thực hiện thì người dân không thể trở thành nợ xấu trong bảng xếp hạng điểm tín dụng.
Một số đề xuất giảm thiểu rủi ro cho người dân khi vay qua App
Một là, khách hàng cần tìm hiểu “ai” đang cho mình vay. Trước khi vay tiền qua bất kỳ hình thức nào, khách hàng cần phải tìm hiểu xem Người/ Tổ chức/ Cá nhân/ App mà mình chuẩn bị vay tiền đứng sau là ai. Khách hàng cần phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín. Việc này có thể tìm trên website của App mà mình vay là của công ty nào, sau đó tra cứu mã số doanh nghiệp, địa chỉ và lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh đăng ký. Thông thường, một website hoặc một App cơ bản sẽ có các nội dung cơ bản như “Về chúng tôi”, “Điều khoản và chính sách”, “Liên hệ”… nhằm cung cấp thông tin cho khách hàng về công ty chủ quan. Nếu không có các nội dung cơ bản trên thì xác định đây là địa chỉ không đáng tin cậy, có thể bị giả mạo và dễ gây ra hậu quả khó lường.
Việc xác định được chủ thể cho vay qua App sẽ giúp khách hàng sử dụng các dịch vụ tốt hơn, hậu quả từ việc không có khả năng thanh toán của khách hàng sẽ thực hiện theo các quy định pháp luật. Tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra.
Hoạt động vay tiêu dùng trực tuyến đang dần trở thành một xu thế vô cùng phổ biến vì vậy, Hhãy chọn các tổ chức tài chính uy tín và được pháp luật kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo tính minh bạch về lãi suất và tôn trọng quyền lợi của người tiêu dùng. Hiện nay, để biết các công ty tài chính cho vay tín chấp là các Tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép, khách hàng có thể truy cập vào đường link: Danh sách các công ty tài chính.
Hai là, khách hàng trước khi vay cần tìm hiểu kỹ nội dung hợp đồng, các thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ... trước khi quyết định vay tiền qua App. Khách hàng cần được trang bị các kiến thức, hiểu biết cơ bản để có thể tự bảo vệ mình trong những giao dịch tài chính.
Để hạn chế tình trạng bị mắc bẫy tín dụng đen qua App, ngoài việc thông tin, hướng dẫn, cảnh báo... người dân cần chủ động tìm hiểu thông tin, trang bị thêm kiến thức để hiểu rằng khi vay tiền dù thủ tục có đơn giản cách mấy vẫn cần phải có những ràng buộc để nhân viên tín dụng thu hồi nợ. Không nên tin vào những quảng cáo cho vay tiền mà không cần điều kiện...
Về điều này, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các Tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm các quy định về minh bạch hóa hoạt động cho vay như: Quy định về niêm yết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, cung cấp thông tin về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho khách hàng; cung cấp đầy đủ cho khách hàng trước khi xác lập thỏa thuận cho vay các thông tin về lãi suất cho vay, nguyên tắc và các yếu tố xác định lãi suất trong trường hợp áp dụng lãi suất có điều chỉnh, lãi suất quá hạn, loại phí và mức phí theo đúng quy định [3].
Chỉ ký xác nhận hợp đồng vay khi có thông tin về kỳ hạn trả lãi. Đây là lưu ý đặc biệt quan trọng, nếu bạn không thỏa thuận về thời hạn trả lãi thì có thể sẽ bị các Tổ chức tín dụng đen áp dụng hình thức lãi mẹ đẻ lãi con, các khoản lãi sẽ được cộng dồn và tính tiếp cho lãi kép.
Do đó, khi làm hợp đồng vay tiền, hãy chắc chắn bạn có thỏa thuận cụ thể trong đó về thời hạn trả lãi để không bị cộng dồn lãi mẹ đẻ lãi con.
Ba là, trong hợp đồng vay phải ghi rõ lãi xuất
Trong hợp đồng vay mà không ghi rõ lãi xuất nếu xảy ra tranh chấp kiện tụng thì theo nguyên tắc suy đoán, khách hàng sẽ phải trả lãi xuất 20%/1 năm của tổng số tiền vay. Nếu khách hàng có thỏa thuận với người cho vay chỉ là 10% thì rõ ràng khách hàng sẽ phải chịu thiệt. Để tránh bị dính vào "giang hồ tín dụng đen" lợi dụng mức lãi suất cao nhất, khách hàng xem hợp đồng vay có quy định lãi suất mới ký hợp đồng.
Đặc biệt, riêng đối với các công ty tài chính tiêu dùng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phải ban hành đầy đủ quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng và báo cáo cụ thể về khung lãi suất cho vay theo quy định.
Nếu trực tiếp vay qua App thì cần thiết chụp lại màn hình để lưu lại. Khách hàng nên hiểu bản chất, vay càng dễ, rủi ro càng cao thì lãi suất càng cao, vậy nên, khách hàng chấp nhận việc lãi suất vay sẽ rất cao khi vay ở các công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoặc vay của các cá nhân, tổ chức khác.
Lãi suất cho vay của các Tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép (Công ty tài chính) không bị khống chế bởi quy định lãi suất khoản vay không quá 20%/1 năm.
Lãi suất cho vay của các tổ chức, cá nhân bị khống chế bởi quy định lãi suất không quá 20%/1 năm. Nhưng đương nhiên, sẽ hiếm có tổ chức, cá nhân nào cho khách hàng vay tín chấp với lãi suất thấp cả, nên khách hàng buộc phải tuân thủ luật chơi vì suy cho cùng khách hàng đi vay đang rất cần tiền. Họ sẵn sàng chấp nhận mức lãi suất cao để giải quyết một nhu cầu nào đó.
Đặc biệt, Thông tư 18/2019/TT-NHNH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính đã bổ sung thêm chi tiết:
Công ty tài chính phải niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, điểm giới thiệu dịch vụ và đăng tải trên trang thông tin điện tử của Công ty tài chính khung lãi suất cho vay tiêu dùng, các loại phí, phương pháp tính lãi; các hình thức tiếp nhận góp ý, phản ánh, khiếu nại của khách hàng, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động cho vay tiêu dùng của Công ty tài chính.
Bốn là, trong trường hợp khách hàng đã vay qua App điện tử, trả chậm nợ, không có khả năng thanh toán và sau đó bị đe dọa, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người... hoặc đơn giản là bị khủng bố điện thoại từ các App điện tử.
Hoặc đưa hình ảnh cá nhân người khác lên mạng nói xấu, tung tin lệnh truy nã, đe dọa, bắt giữ, cưỡng đoạt... thì hành vi này của bên thu hồi nợ sẽ vi phạm pháp luật từ quyền nhân thân, xúc phạm danh dự nhân phẩm, đến vu khống, cưỡng đoạt tài sản... từ đó làm căn cứ để khách hàng khởi kiện.
Một số khách hàng không sử dụng dịch vụ từ các Công ty tài chính nhưng liên tục bị gọi điện, nhắn tin đòi nợ hoặc giục trả nợ cho người thân, đồng nghiệp, bạn bè đã vay tiêu dùng từ các công ty này [4].
Trường hợp đã thông báo, đề nghị nhưng vẫn tiếp tục bị gọi điện quấy rối, người tiêu dùng có thể khiếu nại tới Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng thông qua tổng đài 1800.6838 hoặc email vcca@moit.gov.vn. Trong nội dung khiếu nại, người tiêu dùng cần cung cấp họ tên, số điện thoại của mình; tên của đơn vị liên quan và tóm tắt nội dung sự việc.
Năm là, nhằm ngăn chặn tình trạng khách hàng bị lừa đảo khi vay tín chấp, khách hàng không nên tiếp nhận tư vấn cho vay tài chính qua mạng xã hội, zalo, facebook hoặc cung cấp các thông tin cá nhân trên Mạng xã hội vì đối tượng có thể lợi dụng để khai thác thông tin và lừa đảo. Chỉ thực hiện việc xử lý hồ sơ tại các điểm giới thiệu dịch vụ của công ty; chỉ nên tiếp nhận thông tin tư vấn từ số máy bàn của công ty hoặc tổng đài, hạn chế tiếp nhận thông tin tư vấn từ số điện thoại di động; tìm hiểu kỹ về việc công ty có yêu cầu cung cấp giấy tờ bản gốc hay không. Trong trường hợp công ty không yêu cầu, mà người tự nhận là nhân viên yêu cầu cung cấp bản chính giấy tờ để lưu giữ thì khách hàng phải đề cao cảnh giác và cần kiểm tra lại thông tin. Cụ thể:
- Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin thẻ như: số thẻ, mã PIN, số CVV, tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, câu hỏi bảo mật, các thông tin khác liên quan đến việc sử dụng thẻ ,… cho bất kỳ ai và dưới bất cứ hình thức nào;
- Không cung cấp mã bảo mật (OTP) cho bất kỳ ai kể cả người thân;
- Không để người khác chụp hình cá nhân và/ hoặc các giấy tờ tùy thân, thẻ tín dụng;
- Cẩn thận trong các giao dịch qua mạng/ điện thoại/ thư tín để không bị lộ, bị đánh cắp thông tin thẻ (số thẻ, số CVV,…) dẫn đến bị kẻ gian lợi dụng.
Sáu là, những khách hàng đang vay tiền tại các Tổ chức tín dụng (trong đó có Công ty tài chính) có thể được gia hạn nợ các khoản vay theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN Quy định về Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 do NHNN ban hành, Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 03/20221/TT-NHNN.
Theo đó, đối tượng được hỗ trợ bao gồm: Khách hàng của Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ khách hàng là Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài); Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định tại Điều 2, Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Lưu ý: hoạt động cơ cấu lại thời hạn trả nợ (Khoản 2 Điều 1 Thông tư 03/2021/TT-NHNN); miễn, giảm lãi phí (Đọc Khoản 3 Điều 1 Thông tư 03/2021/TT-NHNN); giữ nguyên nhóm nợ (đọc khoản 4 Điều 1 Thông tư 03/2021/TT-NHNN) chỉ áp dụng với hoạt động cho vay của các Tổ chức tín dụng (trừ Ngân hàng chính sách), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, không áp dụng với hoạt động vay qua App tín dụng đen.
Bảy là, người dân khi phát hiện những Apps cho vay tiền có dấu hiệu nghi vấn cho vay nặng lãi thì thu thập bằng chứng về việc này và liên hệ tới cơ quan có thẩm quyền theo danh cách số điện thoại tố giác tội phạm của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo website của Bộ công an. Đường link: Danh sách các cơ quan Công an tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trên toàn quốc (Mục 4).
[1] https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/tai-chinh/20024/hai-hung-lai-suat-cho-vay-tieu-dung; [2] https://tuoitre.vn/toi-pham-cho-vay-nang-lai-qua-App-don-khach-hang-den-chan-tuong-cach-nao-20200615170523517.htm; [3] Thông tư 43/2016/TT-NHNN và công văn; [4] https://nhandan.vn/baothoinay-kinhte/nan-giai-he-luy-tu-cho-vay-tieu-dung-331696. |
Thạc sĩ NGUYỄN MAI ANH
Khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội