1. Xử lý vật chứng trong các vụ án xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi
Vật chứng trong vụ án hình sự theo quy định tại Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án. Để được coi là vật chứng trong vụ án hình sự thì vật chứng phải được thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định.
Vật chứng được xử lý như sau:
- Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước hoặc tiêu hủy;
- Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước;
- Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy;
- Vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm hoặc sản phẩm của chúng được xử lý như sau:
Vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm còn sống thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành để trả về tự nhiên, giao cho trung tâm cứu hộ, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia hoặc giao cho cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
Vật chứng là cá thể động vật chết hoặc sản phẩm động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc loại mau hỏng, khó bảo quản thì tiêu hủy hoặc giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Vật chứng khác không thuộc hai trường hợp trên thì tịch thu hoặc tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
Trong vụ án xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi, đối với từng tội danh khác nhau thì việc xác định loại vật chứng cũng sẽ khác nhau căn cứ trên dấu hiệu hành vi khách quan, khách thể của tội danh đó. Các tội xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi bao gồm: Tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi"; Tội "Cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi"; Tội "Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi"; Tội "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi" và Tội "Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm". Mỗi tội này có những biểu hiện hành vi, tính chất khác nhau. Chính vì vậy, cùng một vật (như điện thoại, xe máy, ô tô…) nhưng sẽ là các loại vật chứng khác nhau, có thể là công cụ phương tiện phạm tội, có thể là vật không liên quan đến tội phạm. Do đó, cần phân biệt rõ và xử lý dựa trên từng tình huống khác nhau.
2. Một số bất cập
Qua thực tiễn và nghiên cứu các bản án được công bố trên cổng thông tin điện tử Tòa án, tác giả nhận thấy việc xử lý các vật chứng sau đây trong vụ án xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi là chưa thống nhất, các vụ án có tính chất gần như nhau, cùng một tội danh nhưng quan điểm và quyết định về xử lý vật chứng lại khác nhau. Cụ thể là:
Đối với quần áo của người phạm tội và nạn nhân Trong tội Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, giữa các bản án có chung tính chất hành vi, quần áo chỉ là đồ mặc trên người, không được sử dụng với mục đích, hay làm công cụ, phương tiện khác nhưng lại có các nội dung tuyên án khác nhau. Có bản án tuyên trả lại (Bản án số 60/2024/HS-ST ngày 16/8/2024 của TAND huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Lắk, số 105/2024/HS-ST ngày 01/8/2024 của TAND huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình…) vì lý do không liên quan đến hành vi phạm tội, là tài sản riêng của người phạm tội và nạn nhân. Nhưng cũng có bản án tuyên tịch thu tiêu hủy (Bản án số 104/2024/HS-ST ngày 13/9/2024 của TAND Quận 3, TP. Hồ Chí Minh; số 107/2024/HS-ST ngày 03/7/2024 của TAND quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh…) vì lý do vật mang dấu vết của tội phạm nhưng không còn giá trị sử dụng (trường hợp này có Bản án nhận định “không còn giá trị sử dụng”, có bản án nhận định “bị cáo, bị hại không nhận lại”). Trong nhiều trường hợp, các cơ quan chức năng còn không thu giữ hay xem xét đến quần áo của người phạm tội và nạn nhân. Việc tịch thu hay trả lại trong trường hợp quần áo có giá trị cao cũng có ảnh hưởng rất lớn. Xét hành vi khách quan của tội "Dâm ô" là “tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo”, nên quần áo mặc trên người không ảnh hưởng đến việc xác định và xem xét hành vi. Do đó, cách xử lý đúng là phải trả lại cho người phạm tội và nạn nhân, trường hợp người được trả lại không muốn nhận, thì tịch thu tiêu hủy. Việc nhận định “không còn giá trị sử dụng” là không chắc chắn, thậm chí là sai nghiêm trọng.
Đối với điện thoại di động thì đây là vật xuất hiện tương đối phổ biến trong các vụ án xâm hại tình dục nói chung và xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi nói riêng, nó có thể được đùng để nhắn tin, dụ dỗ, câu dẫn; hoặc có thể dùng để quay phim, chụp ảnh… Trong từng trường hợp khác nhau sẽ phải xử lý khác nhau. Ở đây, tác giả muốn đề cập đến việc điện thoại di động dùng để nhắn tin, trao đổi, dẫn dụ giữa người phạm tội và nạn nhân. Có quan điểm cho rằng, chiếc điện thoại đó mặc dù được người phạm tội sử dụng, nhưng phải trả lại vì bản chất hành vi xâm hại tình dục không liên quan đến chiếc điện thoại, chiếc điện thoại không thể trở thành công cụ, phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội. Có quan điểm khác lại cho rằng, phải thông qua phương tiện là chiếc điện thoại, người phạm tội mới tìm thấy và có điều kiện thực hiện hành vi phạm tội đối với nạn nhân. Trong thực tế còn có quan điểm thứ ba là mặc dù không tịch thu chiếc điện thoại, nhưng quá trình điều tra vẫn phải thu giữ, Tòa án phải tuyên tiếp tục tạm giữ chiếc điện thoại để bảo đảm thi hành án. Theo quy định của BLTTHS về xử lý vật chứng, rõ ràng không có quy định tạm giữ để bảo đảm thi hành án, do đó việc tuyên như vậy là không phù hợp. Quan điểm của tác giả trong trường hợp này là phải trả lại bởi vì chiếc điện thoại hoàn toàn không phải công cụ, phương tiện phạm tội trong trường hợp này. Mặc dù có thể được sử dụng để làm quen, tìm kiếm, hẹn hò, câu dẫn… phục vụ cho việc tiếp cận nạn nhân, nhưng hành vi xâm hại tình dục chỉ bắt đầu sau đó và kể từ thời điểm thực hiện hành vi, chiếc điện thoại không có vai trò gì trong việc đó.
Đối với phương tiện di chuyển, phương tiện di chuyển cũng được sử dụng nhiều trong các vụ án này, nhưng tác giả chỉ nhấn mạnh trường hợp người phạm tội đi trên xe, đã có hành vi tiếp cận và dâm ô đối với nạn nhân. Trường hợp này, có vụ án chiếc xe không được thu giữ, có vụ án tuyên trả lại, có vụ án lại tuyên tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước cũng với các lý do tương tự trường hợp điện thoại di động. Theo tác giả, trường hợp này lại khác hoàn toàn với chiếc điện thoại. Nếu việc sử dụng chiếc điện thoại diễn ra trước khi hành vi xâm hại diễn ra thì việc sử dụng xe đi theo nạn nhân, tiếp cận và thực hiện hành vi dâm ô. Có nghĩa rằng, nếu như không có chiếc xe, người phạm tội không thể tiếp cận và thực hiện được hành vi của mình. Nên chiếc xe phải được xếp vào nhóm công cụ, phương tiện phạm tội và phải tịch thu.
Đối với số tiền người phạm tội đưa cho nạn nhân trước hoặc sau khi thực hiện hành vi, nhiều vụ án xâm hại tình dục, nhất là xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi, trước khi thực hiện hành vi hoăc sau khi thực hiện xong hành vi, người phạm tội đưa cho nạn nhân một số tiền và nói “không được cho ai biết”, “cho tiền mua kẹo”… Việc xử lý số tiền này trên thực tế cũng có sự khác nhau. Có bản án tuyên buộc bị cáo phải nộp ngân sách số tiền đó (mặc dù số tiền bị cáo đưa cho nạn nhân đã bị nạn nhân tiêu thụ hết hoặc vẫn tiếp tục cho nạn nhân quản lý, sử dụng); có bản án tuyên tịch thu số tiền (còn lại) do nạn nhân đang nắm giữ; thậm chí có bản án không xem xét đến số tiền này, coi như đây là tiền người phạm tội tự nguyện “cho” nạn nhân. Cùng là việc đưa tiền cho nạn nhân, nhưng tác giả cho rằng thời điểm đưa là trước hay sau khi thực hiện hành vi sẽ khiến cho bản chất của số tiền thay đổi. Nếu đưa trước khi thực hiện hành vi thì bản chất của số tiền này sẽ giúp cho nạn nhân buông lỏng, mất cảnh giác, xuôi theo, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện hành vi của người phạm tội. Do đó, sẽ được hiểu là phương tiện phạm tội, nên cần tịch thu của người phạm tội. Nếu đưa sau khi thực hiện hành vi, lúc này hành vi đã thực hiện xong (không khẳng định có lặp lại hành vi ở các lần sau hay không) thì số tiền này sẽ không cần xem xét đến trong vụ án.
Mặc dù BLTTHS đã quy định cụ thể về việc xử lý vật chứng trong vụ án hình sự bằng nhiều hình thức khác nhau, nhưng thực tế đối với mọi vụ án nói chung và các vụ án xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi nói riêng còn nhiều vấn đề. Nguyên nhân là do đội ngũ cán bộ chuyên môn còn có các nhận thức, quan điểm khác nhau. Đăc biệt khi trong vụ án có xuất hiện một số loại vật chứng đặc biệt đối với vụ án đó, nhưng lại rất thông thường với các vụ án (tội danh) khác. Việc xác định loại vật chứng phải được xem xét trong từng vụ án, đối chiếu với các khái niệm, lý luận về đặc điểm của chúng. Để tiến tới thống nhất hướng xử lý, đề nghị cần có những giải đáp, hướng dẫn của cơ quan tư pháp trung ương, tránh tình trạng áp dụng tùy nghi, lộn xộn và tình trạng “mỗi địa phương một kiểu”.