Bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là cho em gái là vấn đề rất phức tạp không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Ở nhiều quốc gia như Ấn Độ, một số nước Đông Á, châu Phi và nhiều quốc gia khác tình trạng bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em xảy ra rất phức tạp, thậm chí khó kiểm soát.
Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, mặc dù chỉ là phần nhỏ so với thực tế nhưng mỗi năm trung bình có 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, trong số 1.000 vụ xâm hại tình dục, số vụ mà trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%, đa số nạn nhân là nữ ở độ tuổi 12-15 (chiếm 57,46%), tuy nhiên số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại là vấn đề rất đáng báo động, chiếm tới 13,2%. Số liệu thống kê năm 2016 của Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an cho thấy, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội trên toàn quốc đã phát hiện hơn 1373 vụ xâm hại tình dục trẻ em, với hơn 1352 đối tượng; trong đó đã khởi tố hàng trăm vụ án hiếp dâm trẻ em (chiếm 30,1%), với 438 bị can (chiếm 32,3%); 465 vụ án giao cấu với trẻ em (chiếm 33,8%), với 461 bị can (chiếm 34,1%). Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, trong 5 năm (từ năm 2012 - 2016), Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 9.305 vụ với 10.656 bị cáo. Trong đó, đưa ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm 8.674 vụ (chiếm 93,2%), với 9.873 bị cáo (chiếm 92,65%).
Một số đặc điểm của những vụ việc bạo hành, phạm xâm hại tình dục đối với trẻ em
Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội thì tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng và số vụ theo từng năm. Trẻ em bị xâm hại tình dục không chỉ là trẻ em nữ mà còn cả các em nam. Người xâm hại tình dục không chỉ là người lạ mà phần nhiều là những người có quan hệ gần gũi, thân thiết với nạn nhân. Hành vi bạo lực gia đình, bạo hành với trẻ em thường xảy ra giữa bố mẹ với con chưa thành niên. Những người bảo hành thường là những người có học thức thấp, trình độ nhận thức hiểu biết pháp luật hạn chế, nghiện ngập.
Các hành vi xâm hại tình dục trẻ em thường là dâm ô, giao cấu, hiếp dâm. Các hành vi bạo hành với trẻ em thường diễn ra trong những gia đình không có hạnh phúc, bố mẹ nghiện ngập hoặc trong những gia đình có hôn nhân phức tạp, sống chung với dì, dượng con riêng, con chung, thiếu sự quan tâm, giáo dục của bố mẹ...
Ở các địa phương có du lịch phát triển như một số tỉnh ven biển, Sa Pa, Đà Lạt... là những nơi tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng xảy ra nhiều hơn, phức tạp hơn, các hành vi như mua dâm người chưa thành niên, dâm ô với trẻ em, mua bán người diễn ra phổ biến hơn... Cùng với sự phát triển du lịch, giao lưu văn hóa thì đối tượng phạm tội là người nước ngoài đang có xu hướng gia tăng.
Những trẻ em bị bạo hành, xâm hại thường là những em có nhược điểm về thể chất, ít có khả năng tự bảo vệ bản thân. Những trẻ em trong hoàn cảnh đặc biệt thiếu cha phải thiếu mẹ, cha mẹ thiếu quan tâm chăm sóc hoặc trong những gia đình không hạnh phúc, cha mẹ là người nghiện ngập, tù tội... Hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt, thiếu sự bảo vệ, chăm sóc của cha mẹ, các em chưa nhận thức, ý thức được mối nguy hiểm với bản thân, thêm vào đó các đối tượng thường lợi dụng những hoàn cảnh đặc biệt, yếu thế của các em để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, phần lớn các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, bạo hành trẻ em thì đối tượng phạm tội đều là đối tượng có quan hệ quen biết, thậm chí thân thiết, là người thân, người nhà với nạn nhân có nhiều cơ hội tiếp xúc, tiếp cận với nạn nhân, nhân cơ hội, thời cơ thuận lợi để thực hiện hành vi phạm tội. Những đối tượng bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em một phần là do bệnh lý về tình dục, phần còn lại là do lệch lạc về nhân cách, đạo đức, lối sống dẫn việc thực hiện hành vi phạm tội.
Những đứa trẻ bị bảo hành, xâm hại tình dục thường bị tổn hại nghiêm trọng về sức khỏe, tâm lý, thậm chí thiệt mạng. Trong số các nạn nhân bị xâm hại về tình dục thì rất nhiều em bị ảnh hưởng lâu dài về sức khỏe, tâm lý, hạnh phúc. Các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội rất dễ dẫn đến khả năng sát hại nạn nhân để bịt đầu mối hoặc đe dọa uy hiếp, khủng bố tinh thần nạn nhân để che giấu hành vi phạm tội. Bởi vậy hậu quả của hành vi xâm hại tình dục không chỉ xảy ra tức thời mà còn là hậu quả lâu dài gây đau đớn, thương tật về thể xác, đe dọa về tính mạng, gây hoang mang, bất bình trong nhân dân. Nhiều trẻ em bị xâm hại tình dục dẫn đến tự sát, nhiễm bệnh về tình dục, HIV, bị trầm cảm gây đau đớn không chỉ đối với nạn nhân mà cả gia đình nạn nhân rất lâu dài.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục
Thứ nhất, do cha mẹ, người giám hộ, người có nghĩa vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em không thực hiện hết trách nhiệm của mình.
Theo quy định của pháp luật thì cha mẹ có nghĩa vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tuy nhiên nhiều trường hợp chính cha mẹ là người vi phạm nghĩa vụ này, trở thành người bạo hành thậm chí xâm hại tình dục đối với trẻ em. Ngoài ra khi cha mẹ không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình do những nguyên nhân khách quan (như bị tù tội, nghiện ngập, vợ chồng ly hôn, công việc trở ngại...). Khi cha mẹ không có khả năng bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thì các cháu được chuyển cho ông bà, anh chị, cô dì chú bác nhưng những người này thường không thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình dẫn đến việc các cháu rơi vào tình huống sơ hở, tự ti, tiêu cực hoặc vì chưa có nhiều kinh nghiệm sống, chưa có khả năng tự bảo vệ bản thân nên rất dễ trở thành nạn nhân của hành vi bạo hành, xâm hại tình dục. Nhiều trường hợp chính cô dì chú bác, anh chị em lại là những đối tượng xâm hại tình dục các em khi cha mẹ thiếu quan tâm hoặc không thực hiện hết trách nhiệm, bổn phận của mình.
Thứ hai, trẻ em sinh ra trong các gia đình khó khăn, cha mẹ nghèo khó, tù tội, bệnh tật hoặc nghiện ngập, sa đọa, nhân cách thấp kém, nhận thức về trách nhiệm với trẻ em, về pháp luật hạn chế hoặc không có khả năng, điều kiện để bảo vệ chăm lo, giáo dục các cháu. Các cháu bị phân biệt đối xử, bị bắt nạt, bạo hành, xâm hại tình dục. Theo thống kê cho thấy phần lớn những đứa trẻ bị bảo hành, xâm hại tình dục là sinh ra lớn lên trong gia đình nghèo, khu vực nghèo, gia đình có hoàn cảnh éo le, khó khăn, cha mẹ không có khả năng bảo vệ. Sự phân hóa xã hội, phân biệt giàu nghèo cũng là nguyên nhân dẫn đến những đứa trẻ con nhà nghèo, trong hoàn cảnh éo le có nguy cơ bị bạo hành, xâm hại tình dục lớn hơn.
Thứ ba, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cũng như bảo vệ, hỗ trợ trẻ em ở nhiều nơi chưa đạt hiệu quả tốt. Các chính sách và pháp luật về bảo vệ trẻ em chưa được tuyên truyền thường xuyên, kịp thời đến với quần chúng nhân dân.
Nhận thức của các bậc phụ huynh cũng như của trẻ em về bảo vệ trẻ em chưa tốt. Công tác bảo vệ, hỗ trợ trẻ em chưa được làm tốt ở nhiều địa phương. Các giải pháp phòng ngừa về bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em chưa được triển khai đồng bộ đầy đủ đến cấp cơ sở. Thông thường thì trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục một thời gian dài, nhiều năm mới bị phát hiện, khi bị phát hiện thì cơ quan chức năng mới vào cuộc xử lý. Còn trước khi sự việc xảy ra thì sự can thiệp, hỗ trợ, giúp đỡ, ngăn chặn của chính quyền địa phương cũng như các cơ quan tổ chức đoàn thể bảo vệ trẻ em chưa nhiều, chưa kịp thời. Còn thiếu những cán bộ chuyên trách về bảo vệ trẻ em, chưa đảm bảo được đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ tham gia hoạt động này dẫn đến nhân lực còn hạn chế cả về chuyên môn lẫn tính chuyên nghiệp.
Thứ tư, hành vi bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em rất khó phát hiện, khó thu thập chứng cứ để xử lý. Phần lớn đối tượng bạo hành, xâm hại đến giúp trẻ em là những người thân quen với trẻ em, có mối quan hệ tình cảm, huyết thống nên các em thường rất sợ hoặc ngại tố cáo. Sự lệ thuộc về kinh tế, xã hội, giáo dục, về huyết thống giữa đối tượng thực hiện hành vi phạm tội bạo hành, xâm hại tình dục đối với nạn nhân nên nạn nhân thường không muốn tố cáo, cam chịu hoặc sợ hãi. Khi phát hiện ra sự việc thì thường gia đình lựa chọn phương pháp nào giải quyết nội bộ không đưa ra pháp luật. Nhiều trẻ em bị xâm hại tình dục (Bị dâm ô hoặc bị hiếp dâm, giao cấu khi tuổi còn nhỏ), bị bạo hành nhưng không biết là mình trở thành nạn nhân nên cũng không tố cáo. Nhiều đối tượng xâm hại tình dục trẻ em, bạo hành trẻ em lại là những người có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục các em nên đã che giấu hành vi vi phạm pháp luật của mình. Xã hội càng hiện đại thì mối quan hệ giữa các gia đình càng thiếu gắn bó, nhiều người cho rằng đây là chuyện riêng tư của gia đình họ nên không quan tâm, không can thiệp kịp thời. Những vụ việc bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em thường bị phát hiện muộn nên việc thu thập các dấu vết, chứng cứ để xử lý gặp nhiều khó khăn.
Thứ năm, đạo đức xã hội xuống cấp, mặt trái của kinh tế thị trường, thời điểm xã hội công nghệ phát triển, việc tiếp cận với văn hóa đồi trụy, bạo lực, khiêu dâm là rất dễ dàng, phổ biến đối với trẻ em. Cuộc sống hiện đại, tự do khiến các cặp đôi còn trẻ ly hôn rất nhiều, sau cuộc ly hôn thì trẻ em phải sống trong những gia đình “hỗn tạp”, với cha, dượng mẹ kế, sống trong gia đình có nhiều phức tạp có nhiều loại con khác nhau dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong gia đình, trong những gia đình đó những ông bố, ba mẹ thường có học thức, nhân cách thấp kém dẫn đến lạm dụng tình dục đối với con của vợ, chồng mình. Nhận thức pháp luật thấp kém, đạo đức suy thoái của một bộ phận người thanh niên dẫn đến nguy cơ bạo hành xâm hại tình dục trẻ em có nguy cơ gia tăng.
Thứ sáu, Việc giáo dục kiến thức, kỹ năng sống cho trẻ em còn chưa tốt, đặc biệt là trẻ em trong những hoàn cảnh đặc biệt dẫn đến việc trẻ em hạn chế khả năng tự bảo vệ bản thân, tự ti, thiếu kiến thức cần thiết để bảo vệ mình trước hành vi bạo hành, xâm hại tình dục ở chính những người thân, xung quanh mình. Với những trẻ em lang thang, khuyết tật, thiểu năng trí tuệ thì nguy cơ bị bạo hành, xâm hại tình dục càng cao do thiếu sự quản lý, bảo vệ của gia đình cũng như của cơ quan chức năng.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp.
Một số giải pháp phòng ngừa hiện tượng bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em
Một là, cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách để xây dựng hệ thống các cơ quan. Cần quy định rõ ràng các khái niệm về xâm hại tình dục trẻ em, những biểu hiện của hành vi xâm hại tình dục trẻ em, thẩm quyền phủ tục giải quyết, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan bảo vệ trẻ em. Cần có cơ chế phối hợp, có sự phân công, phân nhiệm, phối hợp nhịp nhàng, rõ ràng, gắn trách nhiệm với các cơ quan tổ chức bảo vệ trẻ em: ví dụ trách nhiệm thống kê, rà soát trẻ em có nguy cơ bị bạo hành, xâm hại tình dục trên từng địa bàn; tổ chức các hoạt động hỗ trợ, can thiệp phòng ngừa sớm trước khi sự việc có thể xảy ra; giao cho các cán bộ chuyên trách trong việc phát hiện, phối hợp xử lý với cơ quan chức năng; Cần phải có những cán bộ chuyên trách bảo vệ trẻ em, những cán bộ này được hưởng quyền lợi, đảm bảo đời sống, kinh tế, có trình độ chuyên môn, có đạo đức phải trách nhiệm để thực hiện công việc có hiệu quả...
Hai là, cần xác định rõ những đối tượng có nguy cơ bị bạo hành, xâm hại tình dục trên từng địa bàn để đưa vào diện theo dõi, phát hiện nhầm hỗ trợ can thiệp và xử lý kịp thời.
Cần có sự phân loại trẻ em trên từng địa phương để xác định nhóm trẻ em có nguy cơ bị bạo hành, xâm hại. Nhóm những trẻ em khuyết tật, tự kỉ, thiểu năng trí tuệ, những trẻ em bị bỏ rơi lang thang cơ nhỡ, những em sống trong những gia đình không có hạnh phúc, những gia đình phức tạp, cha mẹ nghiện ngập, nghèo khó cần phải được quan tâm, can thiệp, giúp đỡ kịp thời tránh nguy cơ có thể xảy ra bạo hành, xâm hại tình dục đối với nhóm trẻ em yếu thế này.
Cần tăng cường công tác giáo dục kiến thức về quyền trẻ em, các kỹ năng, kiến thức về bảo vệ trẻ em, giáo dục kỹ năng sống và có sự can thiệp hỗ trợ kịp thời đối với những trẻ em yếu thế có nguy cơ bị bạo hành, xâm hại tình dục cao trong xã hội. Tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em nói chung và những trẻ em có nguy cơ bị bảo hành xâm hại tình dục cao nói riêng.
Ba là, nâng cao trách nhiệm, vai trò của cán bộ cơ sở cũng như chính quyền địa phương trong việc can thiệp, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em khi bị bạo hành, xâm hại tình dục.
Chính quyền địa phương cần có những giải pháp can thiệp, hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, éo le có trẻ em để đảm bảo điều kiện về vật chất, tinh thần cho các bậc cha, mẹ, người giám hộ, những người đang có trọng trách bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, nhận thức của họ đối với vấn đề bảo vệ trẻ em, khơi gợi trong họ tình yêu thương, đạo đức con người và cách giáo dục con một cách khoa học, tôn trọng, đúng pháp luật để giảm nguy cơ bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em trong nhóm những đối tượng này. Kịp thời phát hiện, can thiệp đối với những trường hợp cha mẹ, người giám hộ, thầy cô giáo có biểu hiện bệnh lý về tình dục, nhu cầu tình dục cao bất thường hoặc có những người biểu hiện bệnh lý dẫn đến nguy cơ bạo hành, xâm hại tình dục đối với trẻ em cao. Kịp thời can thiệp, các trẻ em khỏi những đối tượng có nguy cơ cao về bảo hành, xâm hại tình dục để tránh tình trạng các em phải sống trong môi trường, tình huống nguy hiểm.
Bốn là, xây dựng mối liên hệ chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong việc bảo vệ cho em. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của các thành viên trong gia đình đối với việc bảo vệ trẻ em.
Cần phải nêu cao trách nhiệm, vai trò của cha, mẹ, người thân, cán bộ cơ sở trong việc phát hiện, can thiệp, xử lý, bảo vệ trẻ em. Kịp thời phát hiện ra những hiện tượng có nguy cơ bạo hành, xâm hại trẻ em để có những giải pháp kịp thời tránh trường hợp vụ việc xảy ra nhiều lần, thậm chí nhiều năm mới bị phát hiện xử lý, hậu quả đối với trẻ em trở nên nghiêm trọng, khó có thể khắc phục được.
Năm là, tăng cường giáo dục kỹ năng sống, khả năng nhận biết và tự bảo vệ của trẻ em qua các chương trình giáo dục phổ thông.
Cần bổ sung, hoàn thiện chương trình giáo dục về kỹ năng sống trong nhà trường đặc biệt là kỹ năng thoát hiểm trong các tình huống bị bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em. Cần có lộ trình, phương pháp phù hợp để cho em hiểu biết được quyền của mình, có kỹ năng thoát hiểm trong một số tình huống có nguy cơ bị bạo hành, xâm hại tình dục. Tạo ra những cơ chế, giải pháp để cho trẻ em có cơ hội bày tỏ, tìm kiếm cơ quan, tổ chức có chức năng bảo vệ trẻ em để can thiệp, hỗ trợ kịp thời. Nâng cao trách nhiệm cũng như vai trò của giáo viên trong việc phát hiện tâm lý bất thường, nguy cơ bị bảo hành xâm hại của cho em để kịp thời can thiệp, hỗ trợ, phối hợp với các cơ quan chức năng để sớm giải quyết.
Sáu là, củng cố, tăng cường lực lượng cán bộ bảo vệ trẻ em có chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ tốt, có đạo đức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Cần bổ sung các cán bộ chuyên trách, có chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức kỹ năng tốt trong việc giải quyết tin báo tố giác tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm xâm hại tình dục trẻ em để đảm bảo việc phát hiện, xử lý kịp thời, đúng pháp luật, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra đối với trẻ em.
Thứ bảy, quản lý tốt những đối tượng có nguy cơ cao về bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em.
Những nguy cơ tấn công xâm hại tình dục trẻ em từ những đối tượng suy đồi về đạo đức cũng như có bệnh lý về tình dục. Cần sàng lọc, phát hiện ra những đối tượng có bệnh lý về tình dục, có biểu hiện tâm lý, bệnh lý bất thường, có nguy cơ mất kiểm soát về hành vi dẫn đến khả năng bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em để có những can thiệp kịp thời. Với những đối tượng bệnh lý về tình dục thì cần phải bắt buộc chữa bệnh. Về lâu dài có thể bổ sung biện pháp hành chính là “thiến hóa học” để giảm thiểu những ham muốn bản năng tình dục ở những đối tượng này. Những đối tượng tâm thần, nghiện ngập, không có khả năng bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em hoặc có nguy cơ đe dọa đến sự an toàn của trẻ em thì cần phải có can thiệp kịp thời, giao cho em cho những người khác, cơ quan tổ chức khác tốt hơn để đảm bảo an toàn cho trẻ em.
Cần phải kiểm soát tốt các vật phẩm, ấn phẩm đồi trụy để tránh việc trẻ em bị dụ dỗ, tiếp cận với văn hóa phẩm đồi trụy dẫn đến lệch lạc trong việc phát triển và hình thành nhân cách, không nhận thức được việc mình đang bị lợi dụng, xâm hại tình dục. Cũng như kiểm soát được những đối tượng có biểu hiện bất thường về tâm lý, nhân cách hoặc quản lý, thường xuyên tiếp cận với những văn hóa phẩm đồi trụy dẫn đến xa đọa về nhân cách, lệch lạc về lối sống.
Cần tạo điều kiện công ăn việc làm, thu nhập cho các bậc cha mẹ phụ huynh trong những gia đình nghèo khó mà đang phải nuôi con nhỏ. Cần xử lý, can thiệp kịp thời đối với những người nghiện ma túy, nghiện rượu có biểu hiện bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em.
Thực hiện đồng bộ, đầy đủ các giải pháp từ cơ chế, chính sách, pháp luật, nhân lực, nhận thức, kỹ năng và các giải pháp về kĩ thuật thì mới tạo ra một cơ chế đồng bộ, tạo môi trường lành mạnh, giảm bớt nguy cơ trẻ em bị bạo hành, xâm hại, tăng cường cơ chế giải pháp để xử lý kịp thời đối với các đối tượng bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em.
THẠC SĨ. LUẬT SƯ ĐẶNG VĂN CƯỜNG
Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp