/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Một số vấn đề pháp lý về đình chỉ vụ án trong giai đoạn truy tố khi có căn cứ miễn trách nhiệm hình sự

Một số vấn đề pháp lý về đình chỉ vụ án trong giai đoạn truy tố khi có căn cứ miễn trách nhiệm hình sự

18/11/2021 10:52 |

(LSVN) - Khi vụ án hình sự đang ở trong bất kỳ giai đoạn tố tụng nào mà các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc người có thẩm quyền tiến hành tố tụng xét thấy rằng có các căn cứ đình chỉ vụ án thì thì chủ thể có thẩm quyền sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án ngay tại thời điểm đó. Đây được xem là quy định có lợi đối với bị can, bị cáo. Các căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với người phạm tội quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS) được Bộ luật Tố tụng hình (BLTTHS) sự áp dụng để làm căn cứ đình chỉ vụ án trong giai đoạn truy tố. Tuy nhiên, trên thực tế áp dụng các quy định này lại phát sinh những bất cập vô hình chung lại gây bất lợi cho bị can, bị cáo đối với một số tội phạm cụ thể.

  Ảnh minh họa. 

Khi nói đến “đình chỉ”, có thể hiểu là chấm dứt mọi hoạt động tố tụng kể từ thời điểm đó, có nghĩa là trong một vụ án hình sự khi đã có quyết định đình chỉ thì không được tiến hành điều tra, truy tố hay xét xử đối với vụ án hay đối với bị can trong vụ án đó nữa. Đối với mỗi giai đoạn của vụ án sẽ có những căn cứ khác nhau để các cơ quan và người thẩm có thẩm quyền tiến hành tố tụng quyết định đình chỉ vụ án, có thể là đình chỉ đối với toàn bộ vụ án hoặc đình chỉ đối với từng bị can (bị cáo) trong vụ án đó.

Khi vụ án đang ở giai đoạn truy tố, toàn bộ thẩm quyền đối với các quyết định tố tụng trong giai đoạn này sẽ do Viện Kiểm sát (VKS) thực hiện bao gồm cả quyết định đình chỉ vụ án. Bản chất của hoạt động đình chỉ vụ án trong giai đoạn truy tố cũng như các hoạt động đình chỉ nói chung đó là chấm dứt hoạt động tố tụng mà hoạt động tố tụng trong giai đoạn này và cụ thể ở đây là giai đoạn truy tố.

Năm căn cứ để VKS ra quyết định đình chỉ vụ án đã được quy định rất rõ tại khoản 1 Điều 248 BLTTHS 2015. Đó là khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của BLHS. Hầu hết các căn cứ để VKS ra quyết định tạm đình chỉ vụ án trong giai đoạn này khá rõ ràng. Tuy nhiên, đối với trường hợp “miễn trách nhiệm hình sự” thì điều luật quy định chưa bao quát hết các trường hợp đình chỉ vụ án, vô hình chung lại gây bất lợi cho người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong một số tội phạm cụ thể.

Căn cứ “miễn trách nhiệm hình sự” đối với trường hợp đình chỉ vụ án trong giai đoạn truy tố

Theo quy định tại khoản 1 Điều 248 BLTTHS thì VKS ra quyết định đình chỉ vụ án trong giai đoạn truy tố là trường hợp khi căn cứ được quy định tại Điều 29 BLHS đây là những những căn cứ miễn trách nhiệm hình sự và có 3 trường hợp như sau:

Trường hợp thứ nhất, người phạm tội được miễn TNHS khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa hoặc khi có quyết định đại xá. (điểm a, b khoản 1 Điều 29 BLHS)

Trường hợp thứ hai, người phạm tội có thể được miễn TNHS khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa; Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận. (khoản 2 Điều 29 BLHS).

Trường hợp thứ ba, người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự. (khoản 3 Điều 29 BLHS)

Ở trường hợp đối với căn cứ “khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”. Thế nào là “chuyển biến của tình hình” đã được hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 05/01/1986 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao về “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự”. Theo đó sự chuyển biến tình hình được hiểu là sự chuyển biến tình hình về chính trị, kinh tế, xã hội nên hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Tuy nhiên, thế nào là hành vi nguy hiểm cho xã hội và “người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” thì vẫn đang bỏ ngỏ. Việc áp dụng trường hợp này chủ yếu dựa vào nhận thức chủ quan của các cơ quan tiến hành tố tụng nên rất dễ xảy ra tình trạng hiểu sai và áp dụng không thống nhất làm bỏ sót tội phạm. Ở trường hợp này, tác giả đề xuất nên có văn bản hướng hướng dẫn cụ thể để áp dụng thống nhất.

Một vấn đề cần lưu ý là tại Điều 248 BLTTHS 2015 quy định về các căn cứ để VKS đình chỉ vụ án trong giai đoạn truy tố đó là “... khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự” [1].

Có thể thấy rằng các căn cứ quy định tại Điều 16 và Điều 29 BLHS là các căn cứ về việc miễn TNHS được quy định trong phần những quy định chung của BLHS. Bên cạnh các trường hợp hợp này, ở phần các tội phạm vẫn có những trường hợp ở một số tội cụ thể mà BLHS quy định về miễn TNHS ví dụ như quy định tại Khoản 4 Điều 110 BLHS về tội "Gián điệp"; Khoản 7 Điều 364 BLHS về tội "Đưa hối lộ"; Khoản 6 Điều 365 BLHS về tội "Môi giới hối lộ"; Khoản 2 Điều 390 BLHS về tội "Không tố giác tội phạm". Đây là những trường hợp miễn TNHS trong các tội phạm cụ thể mà BLTTHS năm 2015 vẫn chưa đưa các trường hợp này làm căn cứ để VKS ra quyết định đình chỉ vụ án.

Như vậy, nếu bị can rơi vào trường hợp hành vi phạm tội của họ được quy định ở Khoản 4 Điều 110; Khoản 7 Điều 364; Khoản 6 Điều 365 hoặc Khoản 2 Điều 390 BLHS thì họ lại không được ra quyết định đình chỉ vụ án. Điều này vô hình chung đã làm cho các quy định tại các điều khoản nói trên của BLHS bị vô hiệu hóa. Và cũng chính vì vậy mà không khuyến khích được người thực hiện các hành vi phạm tội hối lộ; môi giới hối lộ, không tố giác tội phạm ra đầu thú, góp phần hiệu quả vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Theo tác giả nên bổ sung quy định này vào Khoản 1 Điều 248 BLTTHS năm 2015 theo hướng như sau:

 “Viện kiểm sát quyết định không truy tố và ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật này hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc các căn cứ miễn trách nhiệm hình sự khác được quy định trong Bộ luật hình sự”.

=========================

[1] Khoản 1 Điều 248 BLTTHS 2015

HOÀNG ĐÌNH DŨNG

Tòa án quân sự khu vực Quân khu 4

VĂN LINH

Tòa án quân sự khu vực Hải quân

Những điểm mới về quyền bào chữa của người bị buộc tội theo Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015

Lê Minh Hoàng