Ảnh minh họa.
Theo Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử vụ "chuyến bay giải cứu" nhận định về quyền lợi của những người dân về nước trong các chuyến bay giải cứu và chuyến bay combo như sau: Đối với quyền lợi của khách hàng đã mua vé máy bay của các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay combo, chuyến bay giải cứu, theo bản án hồ sơ không có thông tin, tài liệu về những người đã mua vé. Cùng với đó, đến nay cũng không có thông tin về chi phí của các khách hàng đã mua vé.
Trong đó, chi phí đưa công dân về nước bao gồm vé máy bay, chi phí cách ly y tế và các chi phí hợp lý khác của doanh nghiệp, chi phí cho các đại lý bán vé và các khâu trung gian khác. Do đó, tòa cho rằng không có cơ sở xem xét giải quyết nội dung này.
Hội đồng xét xử dành cho các công dân đã mua vé yêu cầu các doanh nghiệp giải quyết quyền lợi của mình theo quy định pháp luật.
Đánh giá về vấn đề này dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Tòa án nhận định như vậy là đúng bởi đây là vụ án hình sự xử lý về một số tội danh mà Viện Kiểm sát truy tố theo thủ tục tố tụng hình sự. Trong đó, những công dân về nước không được xác định là người bị hại hay người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, không được Tòa án triệu tập để giải quyết. Tòa án có giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự này, tuy nhiên việc giải quyết những vấn đề dân sự trong vụ án hình sự phải dựa trên các nguyên tắc của pháp luật. Những tài sản được giải quyết trong vụ án này là số tiền đưa hối lộ, số tiền chạy án, tài sản do phạm tội mà có và tài sản của các bị cáo để đảm bảo thi hành án. Về phần dân sự, Tòa án giải quyết đến tài sản sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội, tài sản do phạm tội mà có và những tài sản đứng tên các bị cáo đã bị bị kê biên, niêm phong để đảm bảo thi hành án.
Trong vụ án này xuất phát từ việc đưa công dân về nước trong thời điểm chống dịch bệnh Covid-19 những năm 2020 - 2021. Theo đó công dân Việt Nam ở nước ngoài muốn về nước trong thời điểm dịch bệnh đó thì phải thỏa thuận với các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay về chi phí về nước bao gồm phí vé máy bay, phí cách ly, phí ăn nghỉ, xét nghiệm và các chi phí khác có liên quan được tính trọn gói gọi là chuyến bay combo.
Khác với các chuyến bay giải cứu do nhà nước tổ chức (người dân về nước chỉ phải thanh toán vé máy bay, còn mọi chi phí khác do nhà nước chi trả) thì chuyến bay combo là do doanh nghiệp tổ chức nên có sự thoả thuận về tổng chi phí phát sinh khi công dân Việt Nam về nước và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh như cách ly y tế, xét nghiệm,...
Các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ đưa công dân về nước được gọi là "doanh nghiệp tổ chức chuyến bay". Các doanh nghiệp này có trách nhiệm liên hệ với các cơ quan đại diện ngoại giao lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài để tiếp nhận công dân, lên kế hoạch đưa công dân về nước, liên hệ với các địa phương có thể tổ chức cách ly và làm việc với các bộ ban ngành để thực hiện thủ tục đưa công dân về nước trong thời điểm dịch bệnh. Đầu mối tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp đưa công dân về nước lúc đầu là thuộc Văn phòng Chính phủ, sau đó chuyển sang Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện là Cục Lãnh sự.
Theo Luật sư Cường, trong vụ việc này, tất cả các hoạt động để đưa công dân về nước đã phát sinh đan xen các mối quan hệ dân sự, kinh tế, hành chính và có liên quan đến các chi phí dịch vụ. Trong đó có việc thỏa thuận dân sự về chi phí combo đưa công dân về nước, thỏa thuận chi phí thuê máy bay, trả phí cách ly, phí xét nghiệm, các dịch vụ phát sinh. Các quan hệ hành chính liên quan đến các thủ tục giấy tờ để xét duyệt cấp phép các chuyến bay thì nhà nước không thu phí, doanh nghiệp không phải trả tiền cho thủ tục hành chính này nhưng các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay lại chi phí riêng gọi là "tiền cảm ơn" cho nhiều cán bộ thuộc các bộ ban ngành. Đây là hành vi vi phạm pháp luật nên riêng mối quan hệ hành chính này có dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra đã xử lý hình sự về hành vi này. Bản chất của vụ án này là xử lý đối với các cán bộ thực hiện nhiệm vụ ký duyệt các thủ tục tổ chức đưa công dân về nước do có hành vi nhận hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và xử lý đối với một số cá nhân, đại diện doanh nghiệp về hành vi đưa hối lộ, hành vi bỏ tiền để chạy án trong quá trình cơ quan chức năng phát hiện xử lý vi phạm.
Còn các quan hệ dân sự kinh tế như quan hệ giữa công dân với các đơn vị tổ chức chuyến bay về thỏa thuận phí về nước, các hợp đồng liên quan đến thuê đơn vị lưu trú, thuê máy bay và các dịch vụ khác thì không phát sinh tranh chấp nên không được giải quyết trong vụ án này...
Trong vụ án này, Tòa án xét xử về 5 tội danh, trong đó có tội “Đưa hối lộ”, tội “Nhận hối lộ”, tội “Môi giới hối lộ”, tội ”Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Những người bị xử lý hình sự trong vụ án là các cán bộ của các cơ quan liên quan đến hoạt động tổ chức chuyến bay do hành vi nhận tiền, nhận quả trái pháp luật của các doanh nghiệp và gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức cá nhân, ngoài ra còn có một số cá nhân phải đại diện doanh nghiệp bị xử lý về hành vi đưa hối lộ.
Dưới góc độ pháp lý, cơ quan chức năng có đủ căn cứ để xác định số tiền, tài sản mà các bị cáo đưa hối lộ là tiền tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của doanh nghiệp và cá nhân, hiện tại đang không có tranh chấp với bên thứ ba. Vì vậy Tòa án (cơ quan tiến hành tố tụng) xác định đang chỉ giải quyết mối quan hệ giữa bên đưa hối lộ (là người có tiền tài sản) và người nhận hối (những người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan công quyền đã nhận số tiền tài sản này để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ). Chưa có cơ sở để xác định số tiền đưa hối lộ là tiền trực tiếp của công dân về nước, thuộc quyền sở hữu của các công dân Việt Nam mà chưa được chuyển giao cho tổ chức cá nhân khác. Mặc dù về nguồn gốc có thể là tiền của công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước chi trả cho các đơn vị tổ chức chuyến bay nhưng khoản tiền này đã được chuyển giao bằng quan hệ dân sự kinh tế hợp pháp, đang không có tranh chấp, chưa bị tuyên bố vô hiệu nên các đơn vị tổ chức chuyến bay có toàn quyền sử dụng số tiền này.
Do việc sử dụng số tiền đã thu của công dân về nước được xác định là bất hợp pháp (đưa hối lộ) nên đại diện các doanh nghiệp này bị xử lý hình sự về tội "Đưa hối lộ" mà không liên quan đến các công dân Việt Nam về nước. Cơ quan tiến hành tố tụng xác định những người đưa hối lộ là chủ sở hữu tài sản, họ có trách nhiệm liên quan đến tài sản này. Nếu số tiền đưa, nhận, môi giới hối lộ vẫn thuộc quyền sở hữu hợp pháp của các công dân Việt Nam trên các chuyến bay, chưa được chuyển quyền sở hữu cho các tổ chức cá nhân khác, đồng thời họ có mục đích sử dụng số tiền đó một cách bất hợp pháp để được về nước thì các công dân này sẽ được xác định là bị cáo bị xử lý hình sự hoặc có thể được xác người liên quan trong vụ án này với những trường hợp hành vi chưa thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm. Trường hợp những người Việt Nam ở nước ngoài nhờ người khác đưa hối lộ cho cán bộ trong nước để được đưa về nước thì những người người bỏ tiền ra trong trường hợp này mới là những người đưa hối lộ, những người này sẽ bị xử lý hình sự, khi đó số tiền này sẽ bị tịch thu và người chi tiền sẽ bị xử lý hình sự về tội “Đưa hối lộ”, vụ án này không giải quyết đến mối quan hệ đó.
“Bởi vậy, Tòa án đã ghi vào bản án nội dung là mối quan hệ dân sự kinh tế giữa người Việt Nam ở nước ngoài về nước với các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay không được giải quyết trong vụ án này, nếu có tranh chấp thì sẽ được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự khi đương sự có yêu cầu là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật”, Luật sư Cường bày tỏ quan điểm.
Mối quan hệ giữa người Việt Nam ở nước ngoài về nước trên các chuyến bay combo với các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay là quan hệ dân sự, kinh tế. Pháp luật không quy định về mức giá, về chi phí nên rất khó có thể xác định được số tiền đó là thu nhiều hay ít, đắt hay rẻ, có "quá" quy định hay không. Thực tiễn cho thấy vào thời điểm dịch bệnh như vậy, rất nhiều người sẵn sàng chi trả số tiền lớn để được trở về Việt Nam. Thậm chí có trường hợp đã thuê cả một chuyến bay riêng để được về nước.
Trong bối cảnh xã hội thời điểm đó, nhiều quốc gia yêu cầu Việt Nam phải đưa công dân Việt Nam về nước, người Việt Nam ở nước ngoài cũng không được điều trị, hỗ trợ miễn phí khi mắc bệnh dịch Covid-19, trong khi đó việc phòng dịch trong nước đang được thực hiện tốt nên tâm lý của người Việt Nam ở nước ngoài rất muốn được về nước, thậm chí về nước bằng mọi giá, không tiếc chi phí. Chính vì vậy rất khó có thể xác định được việc thu tiền là trái pháp luật, bất hợp pháp, đây là sự thỏa thuận dân sự tự nguyện và đang không có tranh chấp.
Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về xử lý vật chứng như sau: "Điều 106. Xử lý vật chứng 1. Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản. 2. Vật chứng được xử lý như sau: a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy; b) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước; c) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy. 3. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền: a) Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó; b) Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án; c) Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy; d) Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. 4. Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự". |
DUY ANH
Vụ "chuyến bay giải cứu": Số tiền các bị cáo khắc phục sẽ được xử lý thế nào?