Vụ 'buôn lậu' gỗ trắc vào nghị trường Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 14

23/05/2020 01:41 | 3 năm trước

(LSO) - Ngày 21/5, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 14, khi góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giám định Tư pháp, ông Hoàng Đức Thắng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã nhắc đến vụ án “Buôn lậu” gỗ trắc.

Ba nội dung liên quan người giám định

Góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giám định Tư pháp, ông Thắng cho rằng nội dung ông đề xuất là rất cơ bản, quan trọng cần được xem xét tiếp thu để làm cho nội dung dự luật được chặt chẽ, rõ ràng, tránh những hệ lụy khi áp dụng luật vào thực tiễn sẽ có những cách hiểu khác nhau, dẫn đến lợi dụng, lạm dụng, lách luật để làm trái quy định pháp luật.

Ông Hoàng Đức Thắng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị.

“Một là, nhất định cần bổ sung một khoản (khoản 8) vào Điều 6; về Các hành vi bị nghiêm cấm là: “Không từ chối thực hiện việc giám định khi không phù hợp về chuyên môn, không có đủ năng lực, điều kiện thực hiện theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này”.

Ông Thắng nhắc đến vụ án “Buôn lậu” gỗ trắc để phân tích, trong hoạt động tố tụng, giám định tư pháp là việc làm rất quan trọng; kết luận giám định là thể hiện giá trị khoa học và giá trị pháp lý, là cơ sở quan trọng để giải quyết vụ án. Ngược lại, nếu nó bị lợi dụng sẽ làm thay đổi hoàn toàn bản chất vụ việc, gây ra hậu quả pháp lý vô cùng to lớn như đã từng xảy ra trong vụ án buôn bán gỗ tại Quảng Trị mà các cơ quan tố tụng, tòa án đã dựa vào kết quả giám định bất hợp pháp đó mà phán quyết cho là 'buôn lậu gỗ' mà ông đã có dịp phát biểu trước Quốc hội.

Từ thực tế là cơ sở thực tiễn để cần thiết phải được đưa vào quy phạm pháp luật nội dung ràng buộc hết sức chặt chẽ, bằng một điều “cấm” của Luật như đã nêu trên.

Theo ông Thắng, việc từ chối tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu thực hiện giám định trong trường hợp nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định không phù hợp với phạm vi chuyên môn hoặc không có đủ năng lực, điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định mang tính bắt buộc và phù hợp với nguyên tắc hết sức cơ bản là: Không làm những việc không đúng chuyên môn, hoặc không có chuyên môn, không có điều kiện.

Ông nói tiếp: “Hai là, tại khoản 10 sửa đổi, bổ sung Điều 20: Lập và công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc. Có hai vấn đề cần xem xét, thứ nhất, dự thảo quy định trong trường hợp đặc biệt, người trưng cầu giám định có thể trưng cầu cá nhân, tổ chức chuyên môn có đủ điều kiện không thuộc danh sách đã công bố để thực hiện giám định nhưng phải nêu rõ lý do trong quyết định trưng cầu”.

Ông Thắng cho rằng, quy định như vậy là thiếu chặt chẽ, bởi vì vấn đề đặt ra ở đây là căn cứ tiêu chí nào để người trưng cầu nhận diện “cá nhân, tổ chức chuyên môn có đủ điều kiện” để trưng cầu? Việc công nhận cá nhân, tổ chức để xác nhận tư cách pháp nhân, pháp lý cho họ khi thực hiện giám định tư pháp là việc làm cẩn trọng, phải được thực hiện đầy đủ các bước quy trình chặt chẻ, đảm bảo tính pháp lý vững chắc chứ nhất thiết không thể giản đơn là giao cho người trưng cầu giám định tùy nghi xem xét lựa chọn để thực hiện việc giám định tư pháp. Có thể nói, quy định như vậy là hết sức nguy hiểm, tạo ra sơ hở pháp lý cho hành vị lợi dụng, lạm dụng vi phạm pháp luật về giám định tư pháp; vì thế nhất định cần phải được loại bỏ.

Dự thảo quy định: “Theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan trung ương đóng trên địa bàn cấp tỉnh có trách nhiệm giới thiệu cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện thực hiện giám định ngoài danh sách đã được công bố”.

Ông Thắng phân tích, trong trường hợp này, tại sao không quy định rằng: Phải thực hiện bằng một quyết định công nhận cho các tổ chức cá nhân có đủ điều kiện thực hiện giám định; mà chỉ dừng lại ở trách nhiệm giới thiệu, không đầy đủ tính pháp lý và tính chịu trách nhiệm của tổ chức giới thiệu! Mặt khác, việc công nhận tư cách pháp nhân cho tổ chức, cá nhân giám định tư pháp đã được pháp luật quy định theo một quy trình, yêu cầu rất chặt chẽ; do vậy, không thể chỉ với hình thức giới thiệu cá nhân, tổ chức giám định tư pháp một cách quá dễ dãi, tùy tiện như dự thảo được. Điều này sẽ xung đột nội dung ngay chính trong một số điều của luật này và các luật khác có liên quan; vì vậy cần được xem xét thấu đáo. "Vì vậy, tôi đề nghị thay việc giới thiệu cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện thực hiện giám định ngoài danh sách đã được công bố bằng một quyết định công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu cho đảm bảo tính pháp lý, chính danh, ngôn thuận", ông Thắng nói.

“Từ những vấn đề trên đây, tôi đề nghị chỉnh sửa lại như sau: “Trong trường hợp cần trưng cầu đối với những lĩnh vực không có người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc thì người trưng cầu giám định đề nghị các cơ quan có thẩm quyền lựa chọn, quyết định công nhận bổ sung người giám định tư pháp theo vụ việc ngoài danh sách đã được công bố để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu”, ông Thắng chia sẻ.

Tiếp theo, ông Thắng “đề nghị bổ sung thêm ở Điều 32; Kết luận giám định tư pháp; Nội dung: “Kết luận giám định do người vi phạm trong hoạt động giám định tư pháp lập ra không được làm căn cứ để giải quyết vụ án và phải bị hủy bỏ”. Quy định như vậy là hoàn toàn phù hợp với khoản 4, Điều 100 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định; “Kết luận giám định của người được trưng cầu giám định thuộc trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án”.

Chất vấn Viện trưởng VKSND tối cao

Tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án “buôn lậu” gỗ trắc, hai người giám định lô gỗ (đứng) thừa nhận không có tư cách pháp nhân giám định tư pháp.

Cũng tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội, ông Hoàng Đức Thắng cho biết đã gửi hai nội dung chất vấn tới Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí về vụ án “Buôn lậu” gỗ trắc.

“Thứ nhất là việc trả lời các kiến nghị, yêu cầu của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị về kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm Bản án số 187/2019/HSPT ngày 26/7/2019 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng. Liên quan đến vụ án “Buôn lậu” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại tỉnh Quảng Trị và Thành phố Đà Nẵng từ cuối năm 2011; Ngày 05/8/2019, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã có Công văn số 79/ĐĐBQH gửi Viện trưởng VKSND tối cao về việc yêu cầu kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm Bản án số 187/2019/HSPT ngày 26/7/2019 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, đến nay Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị chưa nhận được trả lời của VKSND tối cao về việc xem xét, giải quyết và trả lời kiến nghị, yêu cầu của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị theo quy định cũ tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án “Buôn lậu” gỗ trắc, hai người giám định lô gỗ thừa nhận không có tư cách pháp nhân giám định tư pháp”.

Do đó, ông Thắng đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao cho biết: Vì sao các kiến nghị, yêu cầu của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị nêu trên đến nay đã hơn 9 tháng mà chưa được xem xét, trả lời? Việc không trả lời kiến nghị, yêu cầu của Đoàn Đại biểu Quốc hội như thế có phải là trái quy định pháp luật và Quy định của ngành Kiểm sát do chính Viện trưởng VKSND tối cao ký ban hành tại Quyết định số 201/QQĐ-VKSNDTC ngày 20/5/2019 hay không? Quan điểm của Viện trưởng VKSND tối cao như thế nào đối với yêu cầu kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án này của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị?

Nội dung chất vấn thứ hai được căn cứ ngày 31/5/2019, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã có quyết định số 09/VKSNDTC-C1 (P6) khởi tố vụ án hình sự về tội “Ra quyết định trái pháp luật” xảy ra tại Cơ quan cảnh sát điều tra (C44) Bộ Công an liên quan đến vụ án “Buôn lậu” gỗ trắc. Theo đó, ngày 09/9/2019 Cơ quan điều tra VKSNDTC đã khởi tố bị can đối với ông Phan Văn Vĩnh, nguyên Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra thời điểm đó về tội “Ra quyết định trái pháp luật” theo quy định tại khoản 2 Điều 371 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ông Thắng cho biết câu hỏi chất vấn cụ thể: “Vì sao Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã khởi tố vụ án 'Ra quyết định trái pháp luật' về xử lý bán đấu giá trái pháp luật toàn bộ số gỗ là vật chứng của vụ án nhưng đến nay vẫn chưa được truy tố, xét xử? Và, đến bao giờ vụ án này sẽ được xét xử? Trách nhiệm của Viện trưởng VKSND tối cao trong thời điểm giải quyết bán đấu giá trái quy định pháp luật lô hàng vật chứng vụ án đó như thế nào? Và cần phải xử lý ra sao?”.

Tiếp theo, ông Thắng đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao cho biết: “Ngoài bị can Phan Văn Vĩnh, qua theo dõi giám sát vụ án chúng tôi thấy rằng còn có những người liên quan trong vụ án 'Ra quyết định trái pháp luật' xảy ra tại Cơ quan cảnh sát điều tra (C44) Bộ Công an chưa được xem xét xử lý.

Vụ án “Buôn lậu” gỗ trắc, theo hồ sơ, ngày 17/12/2011 ông Trương Huy Liệu và vợ Trần Thị Dung là chủ Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) nhập từ Lào 535,8 m3 gỗ trắc, nộp thuế đủ. Hai ngày sau xuất cả lô gỗ đi Hồng Kông thì bị bắt giữ và khởi tố vụ án “buôn lậu” vào ngày 06/4/2012. Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Việt Nam không có tư cách giám định tư pháp nhưng được điều tra trưng cầu giám định lô gỗ đã đưa ra hai kết quả, lần thứ nhất vào ngày 12/3/2012 có khối lượng 453,104 m3, lần thứ hai vào ngày 26/11/2012 là 614,672 m3. Xử sơ thẩm, TAND TP. Đà Nẵng 3 lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, đến lần thứ tư vào ngày 23/8/2018 căn cứ kết quả giám định lần thứ nhất tuyên phạt ông Liệu 1 năm 16 ngày tù (đúng bằng thời gian tạm giam), bà Trần Thị Dung 9 tháng tù treo. Phiên phúc thẩm của TAND cấp cao tại Đà Nẵng ngày 26/7/2019 căn cứ kết quả giám định lần thứ hai tuyên phạt ông Liệu 7 năm tù giam, bà Dung 3 năm tù treo. Còn lô gỗ đã bị C44 bán đấu giá ngày 13/01/2014 trong quá trình điều tra.

SÁU NGHỆ

/can-khac-phuc-chong-cheo-bat-hop-ly-trong-linh-vuc-dat-dai.html