/ Luật sư - Bạn đọc
/ Vụ cán bộ Tòa án lập khống hàng chục hồ sơ vụ án: Xử lý kỷ luật khiển trách là chưa thỏa đáng?

Vụ cán bộ Tòa án lập khống hàng chục hồ sơ vụ án: Xử lý kỷ luật khiển trách là chưa thỏa đáng?

08/06/2021 03:35 |

(LSVN) - Theo Luật sư với sai phạm nghiêm trọng như vậy thì việc xử lý kỷ luật ở mức khiển trách có vẻ là chưa thỏa đáng hoặc đây chỉ là bước đầu của quá trình xử lý sai phạm chứ chưa phải là kết quả cuối cùng. Về nguyên tắc là khi cán bộ, công chức vi phạm pháp luật thì không chỉ xử lý kỷ luật đảng mà còn xử lý kỷ luật về mặt chính quyền. Ngoài ra, sẽ bị xem xét xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật. Vụ việc sai phạm này là rất nghiêm trọng và có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Liên quan đến vụ việc Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông đã quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Phạm Văn Phiếm, nguyên Chánh án TAND huyện Đắk Song; bà Nguyễn Thị Hải Âu, nguyên Phó Chánh án TAND huyện Đắk Song và ông Nguyễn Xuân Triệu, nguyên Thẩm phán TAND huyện Đắk Song.

Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông, trong năm 2016, cả 3 người này đã để cấp dưới tạo lập 57 hồ sơ vụ án dân sự mà không có đương sự, không có tranh chấp thực tế. Sau đó, 3 cá nhân trên được phân công thụ lý, trực tiếp giải quyết một số hồ sơ, vi phạm quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho rằng có lẽ vụ việc này xuất phát từ chỉ tiêu thụ lý, xét xử của Thẩm phán trong mỗi năm công tác. Từ chỉ tiêu đầu vụ mà Thẩm phán giải quyết hàng năm này thì sẽ liên quan đến công tác cán bộ, chế độ đãi ngộ cũng như chế độ tiêu chuẩn định mức về tài chính đối với Tòa án địa phương. Hoặc cũng có thể đây là động cơ cá nhân của một số cán bộ, cá nhân của cơ quan này nhằm hưởng lợi, trục lợi từ nguồn ngân sách nhà nước. Vấn đề này cơ quan chức năng phải làm rõ, dù là sai phạm như thế nào thì cũng phải xem xét những chế tài mà pháp luật đã quy định để xử lý công bằng, nghiêm minh, đúng pháp luật.

Với những sai phạm về việc lập khống gần 60 hồ sơ vụ án thì cơ quan chức năng cần làm rõ động cơ mục đích của việc lập khống hồ sơ này để làm gì, đánh giá hậu quả đã gây ra đối với xã hội và xem xét đến phẩm chất đạo đức, ý thức, trách nhiệm của ông Chánh án và Phó chánh án TAND huyện này, cũng như với những người khác có liên quan đến vụ việc để được xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật. Với sai phạm nghiêm trọng như vậy, thì việc xử lý kỷ luật ở mức khiển trách có vẻ là chưa thỏa đáng hoặc đây chỉ là bước đầu của quá trình xử lý sai phạm chứ chưa phải là kết quả cuối cùng. Về nguyên tắc là khi cán bộ, công chức vi phạm pháp luật thì không chỉ xử lý kỷ luật đảng mà còn xử lý kỷ luật về mặt chính quyền. Ngoài ra sẽ bị xem xét xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật. Vụ việc sai phạm này là rất nghiêm trọng và có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Luật sư Cường phân tích, để thụ lý đến gần 60 vụ án “giả mạo” như thế này thì Tòa án này phải ban hành các quyết định về việc thụ lý, quyết định phân công thẩm phán thụ lý giải quyết, quyết định đình chỉ... phải thực hiện việc nộp tạm ứng án phí, phải có đơn thư, chữ ký, chữ viết của đương sự. Để có một hồ sơ vụ án thì sẽ bao gồm rất nhiều tài liệu, chứng cứ trong đó có các giấy tờ của các cơ quan, tổ chức... và các đơn thư văn bản tài liệu của các đương sự trong vụ án. Bởi đây là những vụ án được cơ quan chức năng xác định là không có thật nên các giấy tờ làm căn cứ để thụ lý, giải quyết và đình chỉ sẽ được xác định là các giấy tờ, tài liệu giả (có thể là giả về mặt nội dung - nội dung không có thật hoặc có thể là giả về hình thức - giả chữ ký, giả con dấu).

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp.

Hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước, là nguồn gốc để phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật khác, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Bởi vậy, hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức là hành vi nguy hiểm cho xã hội, người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự.

Những người làm giả các giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức là cá nhân, tổ chức không có chức vụ quyền hạn thì sẽ bị xem xét xử lý hình sự về tội "Làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức"; tội "Sử dụng giấy tờ tài liệu giả" theo Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015. Còn đối với người có chức vụ quyền hạn mà lại làm giả các giấy tờ tài liệu của cơ quan tổ chức thì sẽ bị xử lý hình sự về tội "Giả mạo trong công tác" theo Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trường hợp làm giả các giấy tờ tài liệu để được hưởng lợi như nhận tiền công, tiền lương, tiền phụ cấp hoặc các chế độ đãi ngộ khác của nhà nước, nguồn tiền từ ngân sách nhà nước do cơ quan đơn vị này quản lý thì người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội "Tham ô tài sản" theo quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để ban hành các quyết định, bản án, lập các hồ sơ trái pháp luật cũng là hành vi vi phạm về chức vụ gây thiệt hại cho nhà nước từ 10.000.000 đồng trở lên thì có thể xem xét xử lý hình sự về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015. 

Ngoài ra, hành vi ra bản án, quyết định trái pháp luật, không theo đúng trình tự thủ tục luật định, không có căn cứ thì cũng có thể bị xử lý hình sự về tội "Ra bản án trái pháp luật" hoặc tội "Ra quyết định trái pháp luật",... thuộc nhóm tội xâm phạm hoạt động tư pháp trong Bộ luật Hình sự năm 2015.

"Sự việc này là nghiêm trọng, có dấu hiệu hình sự của nhiều tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 nên cơ quan chức năng cần chuyển hồ sơ vụ việc sang Cục điều tra của VKSND tối cao để xem xét xử lý đối với sai phạm của một số cán bộ, cá nhân có liên quan trong vụ việc nêu trên. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy có cán bộ Toà án đã thực hiện các hoạt động tố tụng sai pháp luật, xâm phạm hoạt động tư pháp, làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của pháp luật, gian dối, không trung thực trong thực hiện nhiệm vụ, ảnh hưởng đến uy tín của ngành, đến dư luận xã hội, gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, của tổ chức, cá nhân thì phải xử lý bằng các chế tài hình sự thì mới phù hợp với quy định của pháp luật.

Trong trường hợp hậu quả về vật chất chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi chưa thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì cũng phải xử lý kỷ luật đảng và kỉ luật cán bộ nghiêm khắc có thể ở mức cao nhất là cách chức, buộc thôi việc. Với sai phạm nghiêm trọng mà chỉ khi luật khiển trách là chưa thỏa đáng, có thể gây ra những hệ lụy xấu cho xã hội làm ảnh hưởng đến uy tín vào các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng như uy tín của ngành Tòa án", Luật sư Cường bày tỏ quan điểm.

HỒNG HẠNH

Vụ cán bộ Tòa án lập khống hàng chục hồ sơ vụ án: Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Lê Minh Hoàng