Cần sớm điều tra làm rõ vụ 'clip nóng nghi' ở quán Bar-karaoke Sunny

10/05/2021 07:06 | 2 năm trước

(LSVN) - Luật sư nhận định, trong trường hợp hành vi thác loạn, kích dục trong quán Bar-karaoke Sunny như clip ghi lại được cơ quan chức năng xác định là đúng sự thật thì đối với hành vi thác loạn, kích dục, thậm chí mời chào môi giới mua - bán dâm thì những người liên quan có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự và có thể bị xử lý hình sự về tội “Môi giới mại dâm” quy định tại Điều 328, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với khung hình phạt từ 06 đến 03 năm và khung hình phạt cao nhất là lên đến 07 đến 15 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Những ngày vừa qua, dư luận xôn xao trước một đoạn clip ghi lại hình ảnh nhiều tiếp viên nữ ăn mặc hở hang, khêu gợi phục vụ khách tại quán karaoke được lan truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, đoạn clip trên được ghi hình tại quán Bar-karaoke Sunny (đường Mai Hắc Đế, khu đô thị Đồng Sơn, phường Phúc Thắng, TP. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc).

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, tối ngày 08/5, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản chỉ đạo Công an tỉnh Vĩnh Phúc vào cuộc điều tra, xác minh thông tin đoạn clip trên.

Đến chiều ngày 09/5, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về một số vấn đề được nhiều phóng viên các cơ quan báo chí quan tâm đó là việc chuẩn bị các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và hướng xử lý vi phạm tại Bar-karaoke Sunny khi có các clip lan truyền trên mạng nơi sử dụng dịch vụ làm lây lan dịch bệnh.

Theo đó, liên quan đến vụ việc tại quan Bar-karaoke Sunny, ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, 04 cán bộ đã bị đình chỉ để xác minh, làm rõ trách nhiệm. Trong đó, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã tạm đình chỉ 02 chiến sĩ Công an TP. Phúc Yên vì buông lỏng quản lý dẫn đến những vi phạm trong hoạt động kinh doanh tại quán Bar- karaoke Sunny.

Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Theo Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc điều tra làm rõ sự thật có đúng như dư luận phản ánh không. Nếu thông tin dư luận phản ánh về hành vi thác loạn trong quán Bar-karaoke Sunny như clip ghi lại là đúng sự thật thì cơ sở kinh doanh này sẽ phải đối mặt với các chế tài xử lý nghiêm khắc.

Cụ thể, theo Luật sư Khuyên, một hành động khá mạnh tay và kịp thời của TP. Phúc Yên vào ngày 04/5/2021 ngay sau khi xác minh vụ việc cơ quan này đã ra văn bản thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hộ ông Vũ Tiến Thành (33 tuổi, trú tại TP. Phúc Yên) - chủ cơ sở quán Bark-karaoke Sunny.

“Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19/06/2019 quy định về “Kinh doanh dịch vụ karaoke, bar, vũ trường” theo đó điều kiện về kinh doanh dịch vụ karaoke, bar, vũ trường được quy định khá rõ tại Điều 4, Điều, Điều 6, Điều 7, Điều 8 và cơ sở kinh doanh dịch vụ này sẽ bị yêu cầu tạm dừng hoạt động nếu có vi phạm quy định tại Điều 15 và bị “Thu hồi Giấy phép kinh doanh” quy định tại Điều 16 của Nghị định”, Luật sư Khuyên cho biết.

Luật sư Hà Thị Khuyên nhấn mạnh, đối với hành vi thác loạn, kích dục, thậm chí mời chào môi giới mua - bán dâm thì những người liên quan có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự và có thể bị xử lý hình sự về tội “Môi giới mại dâm” quy định tại Điều 328, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với khung hình phạt từ 06 đến 03 năm tù và khung hình phạt cao nhất là lên đến 07 đến 15 năm tù, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Điều 328, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội "Môi giới mại dâm" như sau:

1. Người nào làm trung gian dụ dỗ, dẫn dắt để người khác thực hiện việc mua dâm, bán dâm, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi;

b) Có tổ chức;

c) Có tính chất chuyên nghiệp;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Đối với 02 người trở lên;

e) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;

b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Ngoài ra, Luật sư Khuyên cho biết thêm, quán Bar-karaoke Sunny còn được xem là tụ điểm làm lây lan dịch bệnh, nên cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét nếu những người liên quan biết bản thân thuộc đối tượng bị lây nhiễm, thuộc đối tượng có nguy cơ cao nhưng vẫn cố tình không thực hiện các biện pháp khai báo, biện pháp cách ly phòng dịch xem xét nếu đủ yếu tố cấu thành thì có thể bị xử lý thêm tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm dịch bệnh nguy hiểm cho người” theo Điều 240, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với khung hình phạt cao nhất lên đến 10 đến 12 năm tù hoặc tội “Vi phạm quy định về an toàn nơi đông người” theo Điều 295, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 và hướng dẫn tại Công văn số 45/TANDTC của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao về Xử lý tội phạm liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Điều 295., Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người"

1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

d) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đối chiếu với các quy định trên, nếu kết luận của cơ quan chức năng về việc cơ sở kinh doanh bar Sunny có sai phạm, thì tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả hành vi vi phạm pháp luật xảy ra thì có thể xem xét đến trách nhiệm hành chính (phạt tiền và tước giấy phép kinh doanh tạm thời hoặc vĩnh viễn) hoặc xem xét đến trách nhiệm hình sự.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VPLS Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh.

Đồng quan điểm với Luật sư Khuyên, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VPLS Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho hay, kinh doanh karaoke là loại hình đặc thù, nhạy cảm, đa số là thanh thiếu niên tham gia và thường sử dụng chất kích thích như rượu, bia... nên hoạt động dịch vụ vũ trường và karaoke cần được quản lý chặt chẽ hơn là hợp lý.

“Tuy nhiên, bên cạnh những cơ sở kinh doanh tuân thủ theo đúng quy định pháp luật thì cũng không ít cơ sở trá hình, biến tướng gây bức xúc dư luận”, Luật sư Diệp Năng Bình nhận định.

Theo đó, Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, khoản 5 Điều 3, Nghị định 178/2004/NĐ-CP của Chính phủ đã giải thích về thuật ngữ khiêu dâm như sau: “Khiêu dâm là hành vi dùng cử chỉ, hành động, hình ảnh, âm thanh gây kích thích ham muốn tình dục”.

Ngoài ra, Thông tư 09/2010/TT-BVHTTDL của Bộ VH-TT&DL cũng đã định nghĩa cụ thể và rõ ràng hơn về thuật ngữ này: “Khiêu dâm là hành vi dùng hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh, hành động khêu gợi, kích thích dâm ô, ham muốn tình dục trái với truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam, gồm: Mô tả bộ phận sinh dục, khỏa thân, mô tả khỏa thân hoặc không khỏa thân nhưng kích thích tình dục, mô tả nhu cầu tình dục, thủ dâm dưới mọi hình thức”.

Theo Luật sư Bình, trong trường hợp tổ chức các hoạt động mang tính khiêu dâm, đồi trụy thì hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.

Cũng theo Luật sư Bình, cơ quan cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hộ kinh doanh tạm dừng kinh doanh để khắc phục vi phạm.

Về việc có bị xử lý hình sự hay không, Luật sư Bình cho biết, có thể tùy thuộc vào tính chất của sự việc mà xem xét xử lý hình sự đối với người thực hiện việc kinh doanh dịch vụ này. Chẳng hạn, khi phát hiện những cô gái được sử dụng là người dưới 16 tuổi thì có thể xử lý hình sự đối với người tổ chức về tội “Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm” theo quy định của Điều 147 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với mức hình phạt cao nhất là 12 năm tù.

Trong trường hợp phát hiện hành vi mại dâm, tức là có việc mua bán dâm giữa khách hàng và những cô gái, thì lúc này chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thể bị xử lý hình sự về tội “Chứa mại dâm” theo Điều 327 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Đối với các đối tượng cò mồi, môi giới thì có thể bị xử lý hình sự về tội “Môi giới mại dâm” với mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù.

Được biết, hiện nay các đoạn clip đang phát tán trên mạng xã hội, lực lượng chức năng vẫn chưa xác định được địa điểm cụ thể có phải là tại quán Bar-karaoke Sunny hay không. Do đó, Luật sư Bình cho biết, trong trường hợp người tung clip sai sự thật gây ảnh hưởng quán bar thì sẽ bị xử lý theo quy định.

Cụ thể, trong trường hợp hành vi vi phạm gây hậu quả không nghiêm trọng thì chủ thể vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

Lưu ý: Mức phạt trên là mức phạt áp dụng đối với tổ chức. Trường hợp cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Về vấn đề trên, Luật sư Khuyên cũng cho biết, nếu cơ quan chức năng xác minh được đoạn clip trên không phải của quán Bar-karaoke Sunny, nếu đủ yếu tố cấu thành tội người phát tán clip lên mạng xã hội do clip có tính chất đồi trụy, mô tả các hành vi kích dục và dung lượng nếu từ 1GB trở lên hoặc 10 người tiếp cận trở lên thì người phát tán clip sẽ bị xử lý hình sự về tội “Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” quy định tại Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với hình phạt cao nhất có thể lên đến 10 năm tù.

Ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, Luật sư Khuyên cũng cho biết cũng có thể xử phạt hành chính đối với người phát tán clip nếu đoạn clip trên không phải từ quán Bar-karaoke Sunny.

Cụ thể, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 của Chính phủ xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử đã quy định người phát tán clip không đúng sự thật sẽ bị xử phạt hành chính theo điểm g, khoản 3, Điều 102, mức phạt lên đến 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng về hành vi “Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin”.

“Bởi vậy, cơ quan chức năng cần nhanh chóng xử lý nghiêm, kịp thời, triệt để nhằm cảnh tỉnh các cơ sở kinh doanh khác chấp hành quy định về kinh doanh loại hình dịch vụ này và chấp hành công tác phòng dịch”, Luật sư Hà Thị Khuyên nói.

TRẦN MINH

Pháp luật chưa có quy định cụ thể việc sử dụng logo, giấy phép ra vào trụ sở các cơ quan