/ Pháp luật - Đời sống
/ Vụ Công an quận Tây Hồ ‘quên’ xử lý vụ cướp: Vấn đề pháp lý xoay quanh việc ‘chỉ đạo miệng’

Vụ Công an quận Tây Hồ ‘quên’ xử lý vụ cướp: Vấn đề pháp lý xoay quanh việc ‘chỉ đạo miệng’

27/05/2021 07:51 |4 năm trước

(LSVN) – Liên quan đến vụ án "Cướp tài sản" do Nguyễn Hữu Tài (sinh năm 1993, ở quận Ba Đình, Hà Nội) và đồng phạm gây ra vào năm 2016 nhưng không bị xử lý hình sự, nhiều cán bộ, lãnh đạo Công an quận Tây Hồ đã có báo cáo về việc này. Đáng chú ý, nội dung báo cáo thể hiện, Đại tá Phùng Anh Lê (thời điểm đó là Trưởng Công an quận Tây Hồ, hiện là Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Công an TP. Hà Nội nhưng bị tạm đình chỉ công tác) đã có “chỉ đạo miệng” không tạm giữ hình sự đối với Tài.

Cụ thể, theo báo cáo của Trung tá V.C.N. -  Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - thời điểm tháng 9/2016, sau khi công an tiếp nhận vụ việc có dấu hiệu bắt giữ người trái luật, Tài đã đến Công an quận Tây Hồ viết đơn đầu thú.

Quá trình thu thập tài liệu chứng cứ và đánh giá, Trung tá N. cùng Điều tra viên P.T.H. có cùng quan điểm rằng, hành vi của Tài cùng đồng bọn có dấu hiệu của tội "Bắt giữ người trái luật" đối với anh T. (sinh năm 1990, ở Hà Nội). Sau đó, cán bộ H. đã đề xuất lãnh đạo Công an quận về việc ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Tài.

Tuy nhiên, sau khi nghe báo cáo và nghiên cứu hồ sơ, Đại tá Lê cho rằng tài liệu, chứng cứ để giữ đối tượng Tài là yếu và không có căn cứ. Tiếp đó, Đại tá Lê đã chỉ đạo bằng miệng không tạm giữ hình sự đối với Tài và phê bình Trung tá N. về cách nhận định trong vụ việc này là không đúng người đúng tội, dễ dẫn đến oan sai.

Vụ việc đang đặt ra những vấn đề pháp lý xoay quanh việc “chỉ đạo miệng” của Đại tá Phùng Anh Lê? 

Trao đổi với PV Luật sư Việt Nam, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS đánh giá, theo thông tin trên báo chí, việc Đại tá Phùng Anh Lê, khi đó là Trưởng Công an quận Tây Hồ có “chỉ đạo miệng” về việc không tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Hữu Tài mới chỉ là nội dung báo cáo của các cán bộ, lãnh đạo Công an quận Tây Hồ. Nội dung chính xác của vụ việc ra sao còn phải chờ vào kết luận chính thức cuối cùng của các cơ quan có thẩm quyền.

Theo quy định tại Điều 34 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (đang có hiệu lực vào thời điểm xảy ra vụ án vào năm 2016) thì Thủ trưởng cơ quan điều tra có nhiệm vụ và quyền hạn: “Trực tiếp tổ chức và chỉ đạo các hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra”; “Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; quyết định không khởi tố vụ án; quyết định nhập hoặc tách vụ án”; “Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn". 

Tuy nhiên, có thể thấy rằng, không có quy chế “chỉ đạo miệng” trong điều tra, tố tụng hình sự. Việc chỉ đạo phải đúng quy định tại Điều 33 Thông tư số 28/2014/TT-BCA ngày 07/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về công tác điều tra hình sự trong Công an nhân dân, cụ thể: 

“1. Ý kiến chỉ đạo của Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra phải thể hiện bằng văn bản, trường hợp chỉ đạo trực tiếp bằng miệng thì Điều tra viên phải ghi lại cụ thể, rõ ràng bằng văn bản, có xác nhận của Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra và đưa vào hồ sơ lưu của vụ án (hồ sơ AK).

2. Trường hợp không nhất trí với ý kiến chỉ đạo của Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra thì Điều tra viên có quyền kiến nghị; nếu Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra không nhất trí với kiến nghị đó thì Điều tra viên vẫn phải chấp hành, nhưng có quyền bảo lưu ý kiến của mình và kiến nghị lên Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp trên trực tiếp hoặc Thủ trưởng quản lý ngành.”

Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS.

Còn nếu các cơ có thẩm quyền chứng minh được việc "chỉ đạo miệng” này của Đại tá Lê là có thật thì cũng phải làm rõ nguyên nhân, động cơ và mục đích của việc chỉ đạo này, là xuất phát từ nhận định thuần túy về mặt chuyên môn, nghiệp vụ hay cố tình bao che, bỏ lọt tội phạm? Cũng như những tác động tiêu cực (nếu có) của chỉ đạo này đến việc bỏ lọt tội phạm. Nếu có hành vi cố tình bỏ lọt tội phạm thì vụ việc đã có dấu hiệu của tội “Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội” theo quy định tại Điều 294 Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (là Bộ luật đang có hiệu lực vào thời điểm xảy ra vụ việc vào năm 2016), với hình phạt quy định cho tội danh này là bị phạt tù từ 06 tháng đến cao nhất là 12 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội này còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đại tá Phùng Anh Lê: 'Tôi không bao giờ chỉ đạo miệng'

Trước đó, liên quan việc giải hòa cho nhóm đối tượng cướp tài sản năm 2016, có ba sỹ quan Công an quận Tây Hồ, Hà Nội cho rằng đã nhận chỉ đạo miệng từ đại tá Phùng Anh Lê. Tuy nhiên, trao đổi với PV báo Tiền Phong, ông Lê phản bác và nói: “Tôi có niềm tin sắt đá vào các cơ quan thực thi pháp luật, tin rằng có một ngày, vụ việc liên quan tôi sẽ được làm sáng tỏ”.

Đại tá Phùng Anh Lê khẳng định, những báo cáo về việc ông “chỉ đạo miệng” trong vụ việc trên là không chính xác và thông tin này khi được đăng tải đã ảnh hưởng lớn tới uy tín, danh dự của cá nhân ông cùng gia đình.

“Chưa ai cách chức Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra của tôi nên theo quy định, việc liên quan Công an TP. Hà Nội phải có người phát ngôn. Tuy nhiên, những thông tin hiện nay ảnh hưởng rất lớn tới cá nhân nên tôi quyết định chia sẻ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời nói của mình”, đại tá Lê cho hay.

Về những báo cáo có nội dung thể hiện ông đã yêu cầu cấp dưới thả đối tượng cầm đầu vụ cướp tài sản xảy ra năm 2016, đại tá Phùng Anh Lê cho rằng, báo cáo như vậy không chính xác.

Đại tá Lê nêu quan điểm: “Tôi trưởng thành từ lực lượng Công an TP. Hà Nội với 37 năm công tác, trong đó có nhiều năm làm thủ trưởng, phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra nên có thể khẳng định không có quy chế “chỉ đạo miệng” trong điều tra, tố tụng hình sự. Một vụ việc có dấu hiệu hình sự phát sinh sẽ được thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng cơ quan điều tra phụ trách chỉ đạo và phải có quy trình bằng văn bản, chịu trách nhiệm trước pháp luật, không thể chỉ đạo bằng miệng và tôi không bao giờ chỉ đạo bằng miệng trong tố tụng”.

Đại tá Phùng Anh Lê cho biết, vụ việc liên quan bản thân ông đang được cơ quan có thẩm quyền giải quyết và “Tôi có niềm tin sắt đá vào các cơ quan thực thi pháp luật, tin rằng có một ngày, mọi việc liên quan đến tôi sẽ được làm sáng tỏ”.

PHƯƠNG HOA

Định tội danh đối với hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy và một số khuyến nghị

Trần Mạnh Quyết