Vụ Đường 'Nhuệ': Kiên quyết xử lý triệt để 'không có vùng cấm'

23/07/2020 21:41 | 3 năm trước

(LSO) - Vụ án Đường "Nhuệ" đến nay đã khởi tố 3 vụ án, 12 bị can và phục hồi điều tra 1 vụ án và 1 bị can và đang tiếp tục được mở rộng điều tra.

Ngày 23/7, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ thời gian tới của Ban Chỉ đạo 138 (phòng chống tội phạm) và 389 (phòng chống buôn lậu).

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 138, những tháng đầu năm 2020, các lực lượng chức năng đã tập trung điều tra, khám phá nhiều chuyên án lớn, đặc biệt là tội phạm liên quan đến băng nhóm tín dụng đen, xã hội đen… như băng nhóm do Nguyễn Xuân Đường (Đường Nhuệ) ở Thái Bình, băng nhóm do đối tượng Loan “cá” cầm đầu ở Đồng Nai…

Từ điểm cầu Thái Bình, Nguyễn Khắc Thận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, thực hiện chỉ đạo của Trưởng ban Chỉ đạo 138 quốc gia (Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình) và Bộ trưởng Công an, Thái Bình đã kiên quyết xử lý triệt để, không có vùng cấm.

Đến nay, vụ án Đường Nhuệ đã truy tố 3 vụ án, 12 bị can và phục hồi điều tra 1 vụ án và 1 bị can.

"Qua việc điều tra, xử lý vụ án Đường Nhuệ được dư luận đánh giá rất cao, niềm tin đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đối với vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác đấu tranh triệt phá các băng nhóm tội phạm được nâng cao", lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình nói.

Thông qua vụ án này, tỉnh Thái Bình cho rằng, cần phải tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo 138, các thành viên của Ban Chỉ đạo phải được phân công gắn trách nhiệm cụ thể.

Tiếp tục nâng cao phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, đặc biệt là vai trò của nhân dân trong việc phát hiện, tố giác hành vi vi phạm pháp luật; làm tốt công tác điều tra, nắm bắt tình hình; tăng cường phối hợp trong đấu tranh tội phạm như Công an, Viện Kiểm sát, Toà án…

“Thông qua vụ án Đường Nhuệ, tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo phải chấn chỉnh rà soát để khắc phục những sơ hở thiếu sót trong công tác, ví dụ như quản lý địa bàn, quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực đặc biệt là đất đai, đấu giá quyền sử dụng đất…”, ông Thận nói.

Từ thực tế đầu tranh tội phạm trên địa bàn, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, việc lắp đặt hệ thống camera giám sát có tác dụng trong phát hiện tội phạm. Vì vậy, ông đề nghị quan tâm bố trí kinh phí để lắp đặt hệ thống đồng bộ.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị các bộ, ngành, đại phương thực hiện nghiêm túc các chủ trương, giải pháp lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm.

Trong đó, Đại tướng đặc biệt lưu ý đến vấn đề phòng ngừa tội phạm. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, qua sơ kết 5 năm về công tác phòng ngừa tội phạm giết người thấy có đến 96% các vụ giết người từ vi phạm trật tự xã hội, mâu thuẫn bột phát; trên 80% tội phạm chưa có tiền án, tiền sự…

“Nhiều vụ giết người nếu được phát hiện sớm, hoà giải kịp thời mâu thuẫn thì có lẽ không xảy ra những hậu quả đau lòng rất đáng tiếc như con giết mẹ, anh, em cha vào tù”, Đại tướng nói và đề nghị, các cấp quan tâm phát hiện, chủ động hoá giải các mâu thuẫn trong sinh hoạt hàng ngày ngay từ khi phát sinh không để tích tụ.

Cũng theo Bộ trưởng, trước mắt, cần tập trung trấn áp các loại tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ các hoạt động kỷ niệm dịp Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 02/9, đặc biệt là Đại hội Đảng các cấp, Đại hội 13 của Đảng.

LSO

/doi-chia-lai-dat-da-duoc-cap-gcnqsdd-thi-xu-ly-the-nao.html