/ Trao đổi - Ý kiến
/ Vụ khởi tố hàng loạt nguyên lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai: Trách nhiệm pháp lý của Bộ Y tế và các cơ quan quản lý khác đến đâu?

Vụ khởi tố hàng loạt nguyên lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai: Trách nhiệm pháp lý của Bộ Y tế và các cơ quan quản lý khác đến đâu?

05/01/2021 18:11 |

(LSO) - Hiện nay, quy định vẫn chung chung, chưa gắn trách nhiệm về công tác kiểm tra, giám sát xã hội hóa y tế lên những cá nhân nhất định; việc thực hiện kiểm tra, giám sát vẫn chưa thực sự chặt chẽ, thậm chí nhiều nơi còn lỏng lẻo, dẫn đến sơ hở để nhiều cá nhân trục lợi. Thiết bị y tế là mặt hàng có những thiết bị đặc chủng, không dễ dàng so sánh, tìm hiểu được giá cả. Do đó, việc thẩm định giá sản phẩm phải được kiểm soát chặt chẽ.

Ảnh minh họa.

Ngày 25/9, Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, để điều tra về hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Đồng thời, Cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Hiền, nguyên Phó giám đốc bệnh viện và bà Trịnh Thị Thuận, nguyên Kế toán trưởng. Hai người này bị điều tra cùng về tội danh trên.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các quyết định và lệnh này.

Hiện tại Cơ quan có đang tiếp tục điều tra vụ án.

Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đặc biệt, tuyến cuối, là nơi gửi gắm tất cả hi vọng của nhiều người dân, nhưng một số đối tượng lại lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cấu kết với các đối tượng khác nhằm thổi giá thiết bị, vì lợi ích mà bất chấp để trục lợi, ăn chặn từ tiền xương máu, từ sự lo lắng, sợ hãi của các bệnh nhân, chiếm đoạt cả chục tỉ đồng của những người bệnh phải được coi là “một tội ác”.

Việc một loại máy móc thiết bị y tế nâng giá lên gấp nhiều lần giá trị thực tế, trục lợi đến hàng chục tỉ đồng thì không thể không có sự “bắt tay”, giúp sức của lãnh đạo - những người có thẩm quyền của bệnh viện này. Việc Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố bị can và tiến hành lệnh bắt giam đối với một số cán bộ lãnh đạo của Bệnh viện Bạch Mai là điều đã được nhiều người dự đoán từ trước.

Hơn nữa, các đối tượng trong vụ án này đều là người có hiểu biết, có trình độ, thủ đoạn tinh vi, lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội, phạm tội với nhiều người, số tiền chiếm đoạt và làm thất thoát của bệnh nhân rất lớn nên sẽ phải đối mặt với mức hình phạt nghiêm khắc.

Theo điều 356 Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", cơ quan điều tra phải thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh các đối tượng đã vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ quyền hạn, làm trái công vụ gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cá nhân.

Nếu mức thiệt hại từ 01 tỉ đồng trở lên, những người này phải đối mặt mới mức hình phạt 10 năm đến 15 năm tù. Với thông tin ban đầu của vụ án, thiệt hại hàng chục tỉ đồng thì họ có thể sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù. Ngoài ra, những người bị kết án có thể sẽ bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề từ 01 năm đến 05 năm và bị phạt tiền đến 100 triệu đồng. Nếu thu lợi bất chính thì sẽ bị thu hồi.

Vụ việc tại Bệnh viện Bạch Mai vừa qua khiến nhiều người đặt ra câu hỏi rằng trách nhiệm pháp lý của Bộ Y tế và các cơ quan quản lý khác đến đâu? Theo Nghị định 75/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ y tế thì nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ y tế về trang thiết bị y tế là:

- Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền công bố tiêu chuẩn quốc gia về trang thiết bị y tế;

- Ban hành các quy định chuyên môn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trang thiết bị y tế;

- Ban hành danh mục trang thiết bị thiết yếu cho các đơn vị, cơ sở y tế;

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh, phân loại, tư vấn về kỹ thuật, kiểm định, hiệu chuẩn và quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế;

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật và các tiêu chuẩn thiết kế - thiết kế mẫu các công trình y tế; tiêu chuẩn thiết kế các khoa, phòng chuyên ngành trong công trình y tế.

Ngoài ra Bộ y tế còn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan quản lý nhà nước về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

Về phía Bộ Y tế, sau khi vụ việc xảy ra cũng như xác định các sai phạm của bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế đã gấp rút chỉ đạo các đơn vị bao gồm cả Bệnh viện Bạch Mai tiến hành rà soát lại hợp đồng liên doanh liên kết, thực hiện điều chỉnh giảm giá dịch vụ với các máy đầu tư theo đúng chủ trương liên doanh liên kết trong các cơ sở bệnh viện.

Thế nhưng từ vụ việc này cũng có thấy quy định hiện nay đang chung chung, chưa gắn trách nhiệm về công tác kiểm tra, giám sát xã hội hóa y tế lên những cá nhân nhất định; việc thực hiện kiểm tra, giám sát vẫn chưa thực sự chặt chẽ, thậm chí nhiều nơi còn lỏng lẻo, dẫn đến sơ hở để nhiều cá nhân trục lợi. Thiết bị y tế là mặt hàng có những thiết bị đặc chủng, không dễ dàng so sánh, tìm hiểu được giá cả. Do đó, việc thẩm định giá sản phẩm phải được kiểm soát chặt chẽ.

Thực tế hiện nay từ khâu quản lý, cấp phép chứng chỉ cho các thẩm định viên còn khá lỏng lẻo, dễ dãi, bên cạnh đó đạo đức nghề nghiệp của nhiều người không cao; năng lực, kinh nghiệm, trách nhiệm yếu kém nên các thẩm định viên vẫn ký xác nhận những tài sản có giá trị lớn, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước hoặc tiền túi người dân. Ngoài ra thì hiện nay việc xã hội hóa y tế là cần thiết nhưng mặt trái của nó sẽ xảy ra nhiều vấn đề lạm dụng liên quan đến đấu thầu, đầu tư, phân chia lợi nhuận, giá thành… nếu công tác quản lý của bệnh viện không tốt, việc báo cáo, công tác giám sát không được thực hiện nghiêm chỉnh và sát sao. Việc xã hội hóa y tế, thương mại hóa y tế mà lại không có sự giám sát từ phía cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ khiến cho nhiều đơn vị lợi dụng kẻ hỡ của pháp luật để tự ý thực hiện, trục lợi bệnh nhân.

Với vụ việc này cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra mở rộng để làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức, cán bộ có liên quan. Khi phát hiện phải xử lý nghiêm trách nhiệm, không chỉ của người trục lợi, mà cả những người buông lỏng kiểm tra, giám sát.

Tuy nhiên với những vụ việc nâng khống thiết bị y tế xảy ra gần đây thì cơ quan có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu các giải pháp ngắn hạn và dài hạn nhằm kiểm soát công tác xã hội hóa y tế.

Để hạn chế tình trạng nâng khống giá thiết bị, thời gian tới cơ quan chức năng sẽ phải có cách thức quản lý, giám sát hoạt động thẩm định giá, đấu thầu thiết bị tại các chủ thể công để đảm bảo sự minh bạch về tài chính và thu chi. Về lâu dài cần nghiên cứu ban hành các văn bản quy định rõ ràng và chi tiết hơn về nhiệm vụ quản lý của Bộ Y tế và các cơ quan khác trong việc kiểm tra, giám sát công tác xã hội hóa y tế, thậm chí là gắn trách nhiệm lên từng cá nhân để có thể nâng cao ý thức, trách nhiệm và có chế tài xử lý rõ ràng, phù hợp.

Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG
Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp
/thay-doi-dieu-tra-vien-kiem-sat-vien-trong-to-tung-hinh-su-mot-so-vuong-mac-va-kien-nghi.html
/trach-nhiem-quan-ly-va-giam-sat-cua-bo-y-te-khi-de-xay-ra-hang-loat-sai-pham-tai-benh-vien-bach-mai.html