(LSO) - Hành vi gây tai nạn giao thông khi không có bằng lái xe là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy từng hậu quả, tính chất, mức độ mà hành vi này sẽ phải đối diện với các trách nhiệm pháp lý như trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự, xử phạt hành chính.
Ngày 12/10, Công an thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án và tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Quang Hưng (sinh năm 2002; trú tại: thôn 4, xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) để điều tra về hành vi "Vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ" xảy ra trên địa bàn thị xã Sơn Tây xảy ra vào chiều 11/10.
Quyết định trên đã được chuyển sang Viện kiểm sát cùng cấp để phê chuẩn.
Trước đó, theo thông tin, khoảng 17 giờ, ngày 11/10, tại km44+4 quốc lộ 32 đến km 1+300 quốc lộ 21 thuộc địa phận thị xã Sơn Tây đã xảy ra vụ tai nạn giao thông liên hoàn giữa xe ô tô biển kiểm soát 30E-885.18 với 7 phương tiện tham gia giao thông khác. Hậu quả có 7 người bị thương được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, trong đó có 2 người bị thương nặng và 1 người tử vong.
Ngay sau vụ TNGT, Công an thị xã Sơn Tây đã phối hợp với Đội CSGT số 9 (Phòng CSGT - CATP Hà Nội) và các đơn vị nghiệp vụ có mặt tại hiện trường cứu người bị nạn. Quá trình điều tra xác định lái xe Nguyễn Quang Hưng không có Giấy phép lái xe ô tô, âm tính với chất ma tuý, nhưng đã uống rượu với mức 0,959 mg/1 lít khí thở.
Sau tai nạn, trong 8 nạn nhân (7 nam, 1 nữ, không có người già, không có trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai) thì có 6 người vào Bệnh viện đa khoa Sơn Tây; 1 người vào Bệnh viện Quân y 105 sơ, cấp cứu; 1 người không đi viện do thương tích nhẹ; hư hỏng 5 xe máy và 4 ô tô.
Lực lượng chức năng đang củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng theo đúng pháp luật.
Vậy liên quan đến vụ án này, trách nhiệm pháp lý khi người không có bằng lái xe gây tai nạn được pháp luật quy định như thế nào?
Trước hết, hành vi gây tai nạn giao thông khi không có bằng lái xe là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy từng hậu quả, tính chất, mức độ mà hành vi này sẽ phải đối diện với các trách nhiệm pháp lý như trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự, xử phạt hành chính.
Trách nhiệm hình sự
Trong trường hợp hành vi không có bằng lái xe gây tai nạn có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, mức cao nhất của khung hình phạt 15 năm tù nếu làm chết 03 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ 1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Làm chết người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: a) Không có giấy phép lái xe theo quy định; b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác; c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; đ) Làm chết 02 người; e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%: g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Làm chết 03 người trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. 4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. 5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |
Trách nhiệm dân sự
Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Trong trường hợp người gây tại nạn làm người chết và nhiều bị thương thì sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng của người khác.
Cụ thể, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
- Thiệt hại khác do luật quy định.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
- Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;
- Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
- Thiệt hại khác do luật quy định.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Về xử phạt hành chính
Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới. Theo đó, phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện hành vi vi phạm không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa;
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe mô tô ba bánh thực hiện hành vi vi phạm có Giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe đang điều khiển hoặc không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa.
THANH THANH