/ Luật sư - Bạn đọc
/ Vụ xử phạt nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP: Đã đúng với quy định pháp luật?

Vụ xử phạt nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP: Đã đúng với quy định pháp luật?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Luật sư cho biết, nếu Giấy mời của Thanh tra Bộ VH-TT&DL mời đích danh nghệ sĩ Sơn Tùng M-TP (Nguyễn Thanh Tùng) nhưng với tư cách là người đại diện theo pháp luật của Công ty M-TP Entertainment thì ca sĩ này vẫn có quyền ủy quyền cho người khác (thông qua Giấy ủy quyền hoặc Hợp đồng ủy quyền) để làm việc với Thanh tra Bộ VH-TT&DL và trên cơ sở kết quả của buổi làm việc này thì Chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL ra quyết định xử phạt đối với Công ty M-TP Entertainment là đúng quy định của pháp luật. Ngược lại, nếu Giấy mời của Thanh tra Bộ VH-TT&DL là mời cá nhân ca sĩ Sơn Tùng M-TP và Giấy ủy quyền hoặc Hợp đồng ủy quyền của ca sĩ Sơn Tùng M-TP cho người đại diện cũng là với tư cách cá nhân ông Nguyễn Thanh Tùng (không phải là tư cách người đại diện theo pháp luật của Công ty M-TP Entertainment) thì việc Thanh tra Bộ VH-TT&DL căn cứ vào kết quả buổi làm việc này, để ra quyết định xử phạt vi phạm đối với Công ty M-TP Entertainment là không đúng quy định, vì đã có sự nhầm lẫn về mặt chủ thể.

MV 'There’s no one at all' bản “hit” của Sơn Tùng M-TP.

Mới đây, vụ việc Sơn Tùng M-TP phát hành MV “There’s No One at all” hàm chứa những hình ảnh minh họa, cổ súy việc tự tử đã gây tác động tiêu cực tới sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội đang là vấn đề được công chúng hết sức quan tâm.

Chiều ngày 05/5, Thanh tra Bộ VH-TT&DL đã có buổi làm việc với đại diện của Sơn Tùng M-TP tại trụ sở của Bộ tại Hà Nội. Nội dung làm việc liên quan tới MV “There's no one at all” mà Sơn Tùng M-TP đã đăng tải trên kênh YouTube vào tối 28/4 và gỡ 01 ngày sau đó do làn sóng phản đối của đông đảo công chúng, đặc biệt là các bậc phụ huynh, các nhà giáo dục, những người làm công tác bảo vệ trẻ em.

Giấy mời của Thanh tra bộ mời đích danh Sơn Tùng M-TP (Nguyễn Thanh Tùng), tuy nhiên nam nghệ sĩ này đã không có mặt tại buổi làm việc mà ủy quyền cho người đại diện của mình.

Kết thúc buổi làm việc, Thanh tra Bộ VH-TT&DL đã quyết định phạt công ty của Sơn Tùng M-TP theo quy định tại khoản 3, Điều 13, Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Quy định này quy định mức xử phạt 30 - 40 triệu đồng nhưng áp dụng cho tập thể là Công ty Sơn Tùng M-TP nên mức xử phạt tăng gấp đôi. Do đó, công ty của Sơn Tùng bị phạt 70 triệu đồng.

Ngoài mức phạt này, công ty của Sơn Tùng cũng phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 5, Điều 13 của Nghị định 38/2021/NĐ-CP này như: Buộc tiêu hủy văn hóa phẩm; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; Buộc tháo gỡ bản ghi âm, ghi hình, văn hóa phẩm có nội dung độc hại dưới hình thức điện tử trên môi trường mạng và kỹ thuật số (Sơn Tùng M-TP đã thực hiện trước đó).

Dư luận quan tâm đặt ra câu hỏi về việc giấy mời của Thanh tra Bộ VH-TT&DL đã mời đích danh Sơn Tùng M-TP (Nguyễn Thanh Tùng), nhưng nghệ sĩ này lại không có mặt tại buổi làm việc mà ủy quyền cho người đại diện của mình là có đúng với quy định pháp luật? Và tại sao lại xử phạt pháp nhân công ty của ca sĩ này thay vì cá nhân Sơn Tùng M-TP? 

Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2022 đã có nhiều quy định ghi nhận việc người đại diện hợp pháp (đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền) của chủ thể vi phạm khi làm việc với các cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết vụ việc vi phạm hành chính.

Cụ thể: “Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính” (điểm đ, khoản 1, Điều 3); “…Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính, người đại diện hợp pháp của họ có quyền tham gia phiên giải trình và đưa ra ý kiến, chứng cứ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.” (khoản 2 và khoản 3, Điều 61). Đồng thời, tại khoản 4, Điều 12, Nghị định 118/2021/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng quy định: “Biên bản vi phạm hành chính phải bao gồm các nội dung cơ bản sau đây: ... g) Lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm (đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền)”...

Mặt khác, Công ty M-TP Entertainment, do ca sỹ Sơn Tùng M-TP là người đại diện theo pháp luật được xác định là chủ thể vi phạm và đã bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo quy định tại Điều 85, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Đại diện của pháp nhân có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền…”. Do đó, Công ty M-TP Entertainment có quyền cử người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền làm việc Thanh tra Bộ VH-TT&DL trong quá trình giải quyết vụ việc.

Như vậy, nếu Giấy mời của Thanh tra Bộ VH-TT&DL mời đích danh nghệ sĩ Sơn Tùng M-TP (Nguyễn Thanh Tùng) nhưng với tư cách là người đại diện theo pháp luật của Công ty M-TP Entertainment thì ca sĩ này vẫn có quyền ủy quyền cho người khác (thông qua Giấy ủy quyền hoặc Hợp đồng ủy quyền) để làm việc với Thanh tra Bộ VH-TT&DL và trên cơ sở kết quả của buổi làm việc này thì Chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL ra quyết định xử phạt đối với Công ty M-TP Entertainment là đúng quy định của pháp luật.

Ngược lại, nếu Giấy mời của Thanh tra Bộ VH-TT&DL là mời cá nhân ca sĩ Sơn Tùng M-TP và Giấy ủy quyền hoặc Hợp đồng ủy quyền của ca sĩ Sơn Tùng M-TP cho người đại diện cũng là với tư cách cá nhân ông Nguyễn Thanh Tùng (không phải là tư cách người đại diện theo pháp luật của Công ty M-TP Entertainment) thì việc Thanh tra Bộ VH-TT&DL căn cứ vào kết quả buổi làm việc này, để ra quyết định xử phạt vi phạm đối với Công ty M-TP Entertainment là không đúng quy định, vì đã có sự nhầm lẫn về mặt chủ thể.

Tại sao lại xử phạt pháp nhân mà không phải là cá nhân? 

Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS cho biết, trong vụ việc này, các cơ quan chức năng đã xác định hành vi vi phạm là hành vi “lưu hành” bản ghi hình "There's No One At All" trên trang mạng xã hội Youtube có hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lí xã hội, vi phạm khoản 3, Điều 13, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Do đó, việc xác định ai là chủ thể vi phạm và bị xử phạt sẽ phụ thuộc vào việc ai (ca sĩ Sơn Tùng M-TP hay Công ty M-TP Entertainment) đã có hành vi lưu hành bản ghi âm, ghi hình video ca nhạc (MV) “There's No One At All’’. Điều đó sẽ phụ thuộc vào kết quả xác minh và giải quyết của các cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật.

Thực tế, video ca khúc “There's no one at all” đã được đăng tải trên kênh YouTube “Sơn Tùng M-TP Official”, với 9,92 triệu người đăng ký là thuộc quyền sở hữu của Công ty M-TP Entertainment. Do đó, Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL tiến hành xử phạt đối với Công ty M-TP Entertainment là có căn cứ.

Việc xác định ca khúc “There's no one at all” mà Sơn Tùng M-TP đã đăng tải trên kênh YouTube là thuộc về cá nhân ca sĩ Sơn Tùng hay thuộc về sở hữu của Công ty M-TP Entertainment sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Nếu ca sĩ Sơn Tùng M-TP là người đã sáng tác ca khúc này thì ca sĩ này sẽ là tác giả và có các quyền tác giả đối với tác phẩm của mình theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009. Tuy nhiên, nếu Công ty M-TP Entertainment là “Tổ chức giao nhiệm vụ sáng tạo tác phẩm cho tác giả là người thuộc tổ chức mình” hoặc “Giao kết hợp đồng với tác giả sáng tạo ra tác phẩm” thì theo quy định tại Điều 39, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, Công ty M-TP Entertainment sẽ là chủ sở hữu các quyền quy định tại Điều 20 và khoản 3, Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 (trừ trường hợp có thoả thuận khác), cụ thể bao gồm các quyền: Làm tác phẩm phái sinh; Biểu diễn tác phẩm trước công chúng; Sao chép tác phẩm; Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính; Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm.

MV "There is no one at all" có những nội dung tiêu cực, có thể ảnh hưởng rất xấu đến tâm lý xã hội, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, nhất là khi ca sĩ Sơn Tùng là người rất nổi tiếng, có lượng người hâm mộ và theo dõi rất lớn. Do đó, việc các cơ quan chức năng nhanh chóng, kịp thời tiến hành xử lý vi phạm hành chính, cũng như yêu cầu tiêu hủy và gỡ bỏ MV này là hết sức cần thiết và đúng quy định của pháp luật.

Vụ việc này một lần nữa là sự nhắc nhở, cũng như bài học quý báu cho các nghệ sĩ, những người sáng tạo các nội dung văn hóa, nghệ thuật cần phải có sự thận trọng, xem xét và đánh giá kỹ lưỡng về mọi mặt trong việc sáng tạo, sản xuất và phát hành các sản phẩm, cần phải thể hiện được trách nhiệm của mình với cộng đồng và xã hội.

MV There’s no one at all của Sơn Tùng M-TP chính thức gỡ khỏi YouTube

Chiều ngày 06/5, MV "There’s no one at all" của Sơn Tùng M-TP đã bị gỡ bỏ khỏi YouTube. Khi truy cập vào đường dẫn cũ của MV sẽ hiển thị thông báo "Video này không hoạt động".

Trước đó vào tối 29/4, nam ca sĩ sinh năm 1994 đã đăng lời xin lỗi nhưng chỉ ngừng phát hành MV tại Việt Nam sau khi bị chỉ trích. Tới hôm nay, There’s no one at all đã chính thức bị gỡ khỏi nền tảng video lớn nhất này.

Theo Cục Nghệ thuật biểu diễn, sản phẩm âm nhạc Sơn Tùng M-TP vừa phát hành có ảnh hưởng xấu đến giới trẻ, đặc biệt là phân cảnh nhảy lầu tự tử.

Với một ca sĩ có tầm ảnh hưởng như Sơn Tùng M-TP thì càng nguy hại hơn vì có nhiều người theo dõi, đặc biệt là các bạn trẻ trong độ tuổi tâm sinh lý chưa phát triển hoàn thiện, rất dễ bị ảnh hưởng.

Theo quyết định xử phạt của Thanh tra Bộ VH-TT&DL, chiều 05/5, ngoài mức tiền phạt 70 triệu đồng, công ty của Sơn Tùng cũng phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như: Tiêu hủy văn hóa phẩm; Nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; Tháo gỡ bản ghi âm, ghi hình, văn hóa phẩm có nội dung độc hại dưới hình thức điện tử trên môi trường mạng và kỹ thuật số.

TRẦN MINH

'Phe vé' có phải hành vi vi phạm pháp luật?

Lê Minh Hoàng