/ Trao đổi - Ý kiến
/ Vướng mắc, bất cập tội ‘Trốn tránh nghĩa vụ quân sự’

Vướng mắc, bất cập tội ‘Trốn tránh nghĩa vụ quân sự’

01/05/2022 14:59 |

(LSVN) - Điều 332 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS) quy định về tội “Trốn tránh nghĩa vụ quân sự”, đây là quy định có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xử lý những trường hợp thanh niên không nhận thức được trách nhiệm cũng như quyền lợi trong thực hiện nghĩa vụ quân sự dẫn đến có hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết các vụ án, vụ việc có dấu hiệu của tội này nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc do bất cập trong quy định của pháp luật và trong quy định, hoạt động mang tính đặc thù của Quân đội.

Ảnh minh họa.

Theo khoản 8 Điều 3 Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) năm 2015 quy định: “Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự là hành vi không chấp hành lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu”.

Như vậy, có 04 hành vi được coi là trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự gồm:

- Không chấp hành lệnh gọi đăng ký NVQS.

- Không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe NVQS.

- Không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ.

- Không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu.

Những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn áp dụng

Một là, Điều 332 BLHS đã “không quy định về” hành vi “không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự”, gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn như ví dụ sau:

A. đã thực hiện việc đăng ký NVQS với cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, đến khi có lệnh gọi khám sức khỏe NVQS thì A. đã không chấp hành. Cơ quan có thẩm quyền đã bị xử phạt hành chính A. về hành vi trên, nhưng khi có lệnh gọi khám sức khỏe NVQS tiếp theo, A. tiếp tục không chấp hành. Vì A. chưa khám sức khỏe NVQS nên không có cơ sở để ra lệnh gọi nhập ngũ.

Như vậy, mặc dù hành vi này có tính chất, mức độ nghiêm trọng tương tự như hành vi không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký NVQS hay hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ nhưng lại không thể truy cứu TNHS đối với A. về tội "Trốn tránh NVQS" theo quy định tại Điều 332 BLHS năm 2015, bởi vì điều luật không quy định hành vi này. Mặt khác, cũng không thể xử lý hình sự A. về hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ.

Hai là, Điều 332 BLHS đã không liệt kê đầy đủ về hành vi “Không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu”. Việc quy định chỉ dừng lại ở “lệnh gọi tập trung huấn luyện” mà không đề cập đến “lệnh gọi tập trung diễn tập, sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu” làm nảy sinh những khó khăn, bất cập trong việc áp dụng pháp luật như ví dụ sau:

A. không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện thì bị xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự. B. không chấp hành lệnh gọi tập trung diễn tập thì chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Trong khi đó, diễn tập là hình thức huấn luyện cao nhất, toàn diện nhất, việc trốn tránh không tham gia diễn tập là hành vi có tính chất, mức độ nghiêm trọng hơn. Nhưng vì Điều 332 BLHS không quy định hành vi này nên không có cơ sở pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đề xuất, kiến nghị

Để khắc phục các vướng mắc, bất cập trên, tác giả đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 332 BLHS năm 2015 theo hướng không liệt kê hành vi. Cụ thể:

“Người nào trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.

Với quy định như vậy, khi áp dụng, chúng ta sẽ có thể viện dẫn đến văn bản luật điều chỉnh cụ thể về lĩnh vực này là Luật Nghĩa vụ quân sự, từ đó, tiến hành xử lý đối với 04 hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự, đảm bảo tính toàn diện, thống nhất và không bỏ lọt tội phạm.

THANH THỊNH

Thư ký Tòa án Quân sự Khu vực Hải quân

Thực tiễn hoạt động bào chữa của Luật sư trong tố tụng hình sự

Lê Minh Hoàng