Vướng mắc cần tháo gỡ để nâng cao hoạt động tranh tụng của luật sư tại phiên toà hình sự

21/07/2018 23:09 | 6 năm trước

LSVNO - Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị đã chỉ ra những quan điểm chỉ đạo và một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, như nâng cao chất lượng công...

LSVNO - Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị đã chỉ ra những quan điểm chỉ đạo và một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, như nâng cao chất lượng công tố của kiểm sát viên tại phiên tòa, bảo đảm tranh tụng dân chủ với luật sư và những người tham gia tố tụng khác...; khi xét xử, các tòa án phải bảo đảm cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, thực sự dân chủ, khách quan...; việc phán quyết của tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn dân sự và những người có quyền, lợi ích hợp pháp để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục và trong thời hạn pháp luật quy định...

Theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì người bào chữa bao gồm: Luật sư; bào chữa viên nhân dân; đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Thông qua thực tiễn xét xử, thì hầu hết việc bào chữa trong các vụ án hình sự đều do các luật sư đảm nhiệm. Vai trò của luật sư trong quá trình tố tụng có một vị trí hết sức quan trọng, với nhiệm vụ sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo vô tội hoặc những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập tới một nội dung đó là hoạt động của luật sư trong các phiên toà hình sự, mà chủ yếu là đề cập tới một số nội dung vướng mắc, bất cập của pháp luật cần phải sửa đổi, bổ sung để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng và luật sư trong hoạt động tố tụng, nâng cao chất lượng hoạt động tranh tụng của luật sư tại mỗi phiên toà xét xử các vụ án hình sự.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, tính đến thời điểm hiện nay cả nước đã thành lập 62 Đoàn luật sư thuộc 62 tỉnh, thành phố, với hơn 7.000 luật sư và gần 3.500 người tập sự hành nghề luật sư trong 8.231 tổ chức hành nghề luật sư. Tuy nhiên, số lượng luật sư ở nước ta hiện nay vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu khi dịch vụ pháp lý ngày càng tăng trong các lĩnh vực của đời sống, nhất là việc tham gia trợ giúp và bào chữa cho các bị can, bị cáo và các đương sự trong các vụ, việc nói chung và các vụ án hình sự nói riêng. Trên thực tế, hiện chỉ có khoảng 20% các vụ án hình sự trong cả nước có luật sư tham gia, trừ các vụ án hình sự bắt buộc các cơ quan tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho bị can, bị cáo (luật sư chỉ định). Như vậy, hầu hết các vụ án chưa có sự tham gia của luật sư.

Ảnh minh họa.

Về thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa

Khi bị bị can, bị cáo hoặc đại diện hợp pháp của họ lựa chọn luật sư là người bào chữa thì luật sư phải có đầy đủ thủ tục, giấy tờ cần thiết đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng cấp giấy chứng nhận người bào chữa. Thủ tục này là cần thiết nhằm xác định tư cách, điều kiện pháp lý để tham gia tố tụng của một luật sư. Theo quy định của pháp luật, để các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét cấp giấy chứng nhận người bào chữa, luật sư phải có các giấy tờ theo quy định tại Điều 27 của Luật Luật sư như: Thẻ luật sư, chứng chỉ hành nghề, giấy giới thiệu của văn phòng nơi luật sư công tác... Trong thời hạn ba ngày, cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét cấp giấy chứng nhận bào chữa cho họ để họ thực hiện quyền bào chữa.

Pháp luật tố tụng hình sự quy định: “Trong thời hạn ba ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét để cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư để họ thực hiện quyền bào chữa, nếu từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa thì phải nêu rõ lý do; trường hợp tạm giữ người, thì trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, cơ quan điều tra phải xem xét để cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư để họ thực hiện quyền bào chữa, nếu từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa thì phải nêu rõ lý do”, quy định như vậy là phù hợp. Tuy nhiên, do luật không quy định về thủ tục giao - nhận giấy chứng nhận người bào chữa có bắt buộc luật sư phải trực tiếp đến cơ quan tiến hành tố tụng để nhận giấy chứng nhận người bào chữa hay không. Hiện nay, qua thực tiễn cho thấy, một số cơ quan khi có giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư thì yêu cầu luật sư phải tới cơ quan tiến hành tố tụng để nhận trực tiếp, có cơ quan thì không bắt buộc mà chỉ gửi qua đường công văn. Theo chúng tôi, việc yêu cầu luật sư phải đến cơ quan để nhận giấy chứng nhận người bào chữa là không cần thiết, mà chỉ cần xem xét nếu luật sư đó đã có đầy đủ thủ tục và các giấy tờ theo quy định, thì cơ quan tiến hành tố tụng cấp giấy chứng nhận và gửi cho họ theo đường công văn về văn phòng nơi luật sư đó công tác, miễn sao thời gian cấp và gửi giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư không quá ba ngày theo quy định tại Điều 56 Bộ luật Tố tụng hình sự. Việc luật sư nhận được hay không, không phụ thuộc vào cơ quan đã gửi. Trong thực tiễn, nhiều văn bản, giấy tờ khác, cơ quan tiến hành tố tụng cũng chỉ phải gửi qua đường công văn, như: Bản án, lệnh tạm giam, giấy triệu tập... Cho nên, không có lý gì phải yêu cầu luật sư tới tận trụ sở cơ quan tiến hành tố tụng để nhận giấy chứng nhận người bào chữa, vì có trường hợp luật sư ở rất xa như ở TP. Hồ Chí Minh phải ra tận Hà Nội để nhận giấy chứng nhận người bào chữa, điều này là quá tốn kém cho luật sư và không cần thiết. Tuy nhiên, để tránh trường hợp ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng (như việc hoãn phiên toà khi luật sư vắng mặt), thì trong thủ tục gửi giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư cũng cần có quy định: Văn phòng luật sư phải có trách nhiệm thông báo về việc đã nhận được giấy chứng nhận người bào chữa của luật sư cho cơ quan tiến hành tố tụng đó biết.

Về nội dung tranh tụng của luật sư, kiểm sát viên tại phiên toà

Chúng ta đã biết, tranh tụng tại các phiên toà hình sự là hoạt động của những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng như: Kiểm sát viên, luật sư, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác theo quy định của pháp luật, nhằm làm sáng tỏ vụ án, xác định một người có tội hay không có tội. Hoạt động này bảo đảm cho việc xét xử các vụ án được đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm. Hoạt động tranh tụng tại các phiên tòa hình sự còn là cuộc điều tra công khai, dân chủ, khách quan, loại bỏ quan niệm cho rằng: Bản án và quyết định của Toà án được ban hành không phải trên cơ sở tranh luận tại phiên toà mà chủ yếu dựa vào ý chí chủ quan của thẩm phán thông qua nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi xét xử (“án tại hồ sơ”, “án bỏ túi”). Vì vậy, hoạt động tranh tụng tại phiên toà hình sự giữ vai trò quyết định đối với toàn bộ quá trình tố tụng, là một trong những cơ sở quan trọng giúp Hội đồng xét xử giải quyết đúng đắn vụ án.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong hoạt động tố tụng hình sự cũng còn không ít tồn tại như: Sự vi phạm thủ tục tố tụng trong quá trình thu thập, kiểm tra và đánh giá chứng cứ; điều tra phiến diện, không đầy đủ; đánh giá chứng cứ không chính xác; nhận thức và áp dụng không đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự và các quy định khác của pháp luật... dẫn đến xử lý oan sai, không bảo vệ kịp thời các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân hoặc bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội. Vì thế, cần phải nâng cao hiệu quả của giai đoạn tranh tụng tại phiên toà, mở rộng tính dân chủ trong việc đưa ra chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội của các chủ thể tham gia tố tụng, nhằm khắc phục những tồn tại trên.

Các chủ thể quan trọng nhất trong giai đoạn tranh luận tại phiên toà đó là: Luật sư và kiểm sát viên. Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, khi tham gia xét xử tại Toà án, kiểm sát viên thực hiện các nhiệm vụ: Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của Toà án; tham gia phiên toà, đọc cáo trạng, quyết định của Viện kiểm sát liên quan đến việc giải quyết vụ án; hỏi, đưa ra chứng cứ và thực hiện việc luận tội; phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án; tranh luận với những người tham gia tố tụng tại phiên toà. Để luật sư và kiểm sát viên tham gia tranh luận theo đúng quy định của pháp luật, đòi hỏi Hội đồng xét xử phải hết sức công minh, theo dõi điều hành đúng quy định của pháp luật, không thiên vị, không áp đặt để cho việc tranh luận đạt hiệu quả. Chỉ có thông qua việc thẩm vấn của Hội đồng xét xử, cộng với kết quả tranh luận khách quan của các chủ thể, thì các tình tiết của vụ án mới được làm sáng tỏ và công minh. Tuy nhiên, cũng không ít phiên toà, việc tranh luận của luật sư và kiểm sát viên còn nhiều hạn chế, đặc biệt là việc đối đáp giữa các bên hoặc trường hợp thường hay gặp đó là việc luật sư khi tranh luận đưa ra nhiều tình tiết không liên quan đến nội dung vụ án dẫn đến Chủ toạ phiên toà cắt nội dung tranh luận của luật sư làm cho chất lượng tranh luận không cao. Có trường hợp khi đối đáp, Viện kiểm sát chỉ nêu tranh luận của luật sư là không có căn cứ nên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận; hoặc có phiên toà phần tranh luận của luật sư và kiểm sát viên lại không được tiến hành đầy đủ, nên phần nào cũng dẫn đến kết quả xét xử của mỗi phiên toà không cao.

Từ yêu cầu hết sức quan trọng của công tác tranh luận tại toà, thông qua thực tiễn xét xử thấy, cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả của hoạt động tranh tụng nói chung và việc tranh tụng của luật sư và kiểm sát viên tại các phiên toà hình sự nói riêng trong giai đoạn hiện nay. Để làm được điều này, theo chúng tôi, cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau nhằm hạn chế, khắc phục những yếu tố tiêu cực là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tranh tụng của các chủ thể; đồng thời, phát huy các yếu tố tích cực đối với hoạt động này trong thời gian tới. Theo đó, trước hết chúng ta cần tăng cường các giải pháp pháp lý hướng tới hoàn thiện các quy định của pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan, những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng thực hiện tốt nhất quyền năng và nghĩa vụ pháp lý của mình.

Theo chúng tôi, trong lần sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự này, những nội dung như địa vị pháp lý của người bào chữa, thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa bào chữa, nguyên tắc tranh luận tại phiên toà... cần được quan tâm thoả đáng. Ngoài ra, cần có sự phối hợp giữa Liên Đoàn Luật sư Việt Nam với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an sớm nghiên cứu và xây dựng văn bản liên ngành để xác lập cơ chế phối hợp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư khi tham gia hoạt động tố tụng nói chung và tham gia tranh luận tại các phiên toà hình sự nói riêng. Có như vậy mới góp phần nâng cao chất lượng xét xử các phiên toà hình sự, đáp ứng yêu cầu của công tác cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện tại cũng như sau này. 

Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật