/ Trao đổi - Ý kiến
/ Vướng mắc khi áp dụng tình tiết giảm nhẹ ‘phạm tội do lạc hậu’ quy định tại điểm m khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự

Vướng mắc khi áp dụng tình tiết giảm nhẹ ‘phạm tội do lạc hậu’ quy định tại điểm m khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự

11/12/2021 15:35 |

(LSVN) - Trong các tình tiết của vụ án hình sự thì tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xem xét trách nhiệm hình sự, quyết định hình phạt đối với người thực hiện hành vi phạm tội vì đây là một trong những căn cứ để Hội đồng xét xử quyết định hình phạt.

Ảnh minh họa.

Việc quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không những là cơ sở pháp lý để Hội đồng xét xử đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, từ đó quyết định hình phạt tương xứng với tích chất hành vi phạm tội mà còn đảm bảo việc cải tạo giáo dục người phạm tội, góp phần bảo đảm thực hiện nguyên tắc công bằng, nguyên tắc nhân đạo, nguyên tắc bình đẳng và bảo đảm quyền con người.

Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 đã có sự sửa đổi bổ sung trên cơ sở kế thừa phần lớn các quy định trước đó của BLHS năm 1999. Cụ thể, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 bao gồm 22 tình tiết, tăng 4 tình tiết so với quy định trước đây tại khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 là 18 tình tiết. Bốn tình tiết giảm nhẹ được bổ sung trong BLHS năm 2015 được quy định tại các điểm đ, l, p, x khoản 1 Điều 51. 

Trong đó tình tiết quy định tại điểm m khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 “phạm tội do lạc hậu” cũng là một tình tiết được giữ nguyên từ BLHS năm 1999 của người phạm tội. Trường hợp phạm tội này là do sự hạn chế về mặt nhận thức do trình độ lạc hậu, thấp kém, đi chậm so với tiến trình phát triển chung của xã hội. Hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định rõ thế nào là “Phạm tội do lạc hậu”, điều này khiến người áp dụng pháp luật có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến việc áp dụng tình tiết này chưa được thống nhất giữa các Tòa án.

1. Quan niệm về “phạm tội do lạc hậu”

Theo từ điển Tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, Chủ biên là Giáo sư Hoàng Phê (Nhà xuất bản Hồng Đức năm 2018) thì “lạc hậu” là bị tụt lại phía sau, không theo kịp đà tiến bộ, đà phát triển chung.

Hiện tại các cơ quan về chuyên môn chưa có hướng dẫn phạm tội do lạc hậu là như thế nào, nhưng theo bản thân tôi “phạm tội do lạc hậu” là trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội do đời sống sinh hoạt xã hội, không (thiếu) hiểu biết về pháp luật, mọi xử sự trong xã hội đều theo thói quen phong tục, tập quán, tín ngưỡng (cổ hủ, lạc hậu). Họ có hành vi trái với pháp luật mà không hiểu biết mình phạm tội lại cho rằng phù hợp với lợi ích cộng đồng. Trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội họ nhận thức rất kém về tính trái pháp luật của hành vi đó do khách quan.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự lạc hậu như yếu tố địa lý (sinh sống ở vùng xa xôi, hẻo lánh), yếu tố dân tộc (người dân tộc thiểu số), yếu tố văn hóa tín ngưỡng (mê tín, hủ tục)… và nguyên nhân dẫn đến trình độ lạc hậu của người phạm tội phải là khách quan như do không có điều kiện để được học tập, tiếp cận, cập nhật thông tin hoặc do tín ngưỡng, tôn giáo,... không có những điều kiện thực tế để họ nhận biết được giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu. 

Về ý thức chủ quan họ không muốn như vậy nhưng do đặc thù cộng đồng, vùng miền đã có những nếp sống theo tập quán, phong tục từ xa xưa nên không theo kịp sự phát triển của xã hội, trong đó có tri thức của nhân loại, không nhận thức được cái nào là đúng, cái nào là sai. Tuy nhiên, tình tiết giảm nhẹ “phạm tội do lạc hậu” có ý nghĩa phạm vi rộng cần phải xác định được nhiều yếu tố, điều kiện như thế nào là lạc hậu để đưa ra quyết định chính xác khi áp dụng tình tiết giảm nhẹ này, thực tiễn xét xử cho thấy còn có những quan điểm, cách hiểu khác nhau nên khi áp dụng tình tiết giảm nhẹ này còn mang tính chất tùy nghi, thiếu thuyết phục. Vì vậy, cần phải có sự đánh giá một cách toàn diện, để vận dụng một cách chính xác và nhằm đảm bảo tính thống nhất trong áp dụng pháp luật.

2. Vướng mắc khi áp dụng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội do lạc hậu” quy định tại điểm m khoản 1 Điều 51 BLHS

Kế thừa những quy định của BLHS 1999, tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm m khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 “phạm tội do lạc hậu” thể hiện sự ưu việt của pháp luật hình sự Việt Nam, đề cao tính nhân văn, nhân đạo đối với người có hành vi phạm tội. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho người bị kết án nhận ra lỗi lầm, tích cực cải tạo để trở thành người có ích cho xã hội. Tuy nhiên, đây là quy định mang tính chất rộng còn có những cách hiểu khác nhau và chưa có hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, đòi hỏi người tiến hành tố tụng phải có sự thận trọng, đánh giá, vận dụng một cách kỹ lưỡng, trong việc áp dụng điều luật này. Thực tiễn xét xử cho thấy tình tiết này không áp dụng nhiều nhưng khi xảy ra thì có những quan điểm khác nhau, chẳng hạn như vụ án sau:

Khoảng 09 giờ ngày 05/4/2020, T. cùng với vợ là H. đều là người dân tộc Dao trú tại xã Nam Dao, huyện Krông Bô, tỉnh Đắk Lắk, đi đến rẫy của hai vợ chồng thuê giáp ranh với rừng trồng do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đ. quản lý để đốt cỏ, bắp khô chuẩn bị trồng bắp vụ mới. Khi đến rẫy cả hai cùng nhau dùng dao phát, chặt các cây bắp khô cho ngã rạp xuống đất để nguyên tại chỗ và dọn dẹp cỏ khô xung quanh rẫy tạo thành ranh để cản lửa rộng khoảng 02 mét. Khoảng 11 giờ cùng ngày T. dùng bật lửa để đốt cỏ và bắp khô. Sau khi đốt, T. và H. không có ai ở lại giám sát việc đốt cỏ khô trên mà đi đến khu vực khác để mở rộng ranh cản lửa. Đến khoảng 12 giờ cùng ngày ngọn lửa cháy lan sang khu vực rừng trồng của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đ. Thấy vậy T. và H. đã dùng cây tươi để dập lửa nhưng không được. Sau đó T. và H. đã điện báo cho người nhà đến dập lửa giúp, bản thân hai vợ chồng thì đi đến Công an xã để khai báo về việc đốt rẫy gây cháy rừng. 

Ngày 12/01/2021, Tòa án quân sự Khu vực X. xét xử hành vi phạm tội của vợ chồng T. và H., tuyên bố hai bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 313 BLHS. Sau khi xét xử sơ thẩm hai bị cáo có kháng cáo.

Trong vụ án này, có đủ cơ sở để khẳng định hành vi của T. và H. phạm phạm tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”. Tuy nhiên, về áp dụng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội do lạc hậu” đối với T. và H. thì còn có những quan điểm khác nhau, cụ thể như sau:

Quan điểm thứ nhất: Viện Kiểm sát Khu vực Y. và Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội do lạc hậu” cho các bị cáo là thỏa đáng, phù hợp với hoàn cảnh vì các bị cáo là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trình độ học vấn thấp nên thiếu hiểu biết pháp luật.

Quan điểm thứ hai: Tòa án quân sự Khu vực X. cho rằng việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội do lạc hậu” cho hai bị cáo không đủ cơ sở để áp dụng.

Bản thân tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, bởi lẽ như trên đã phân tích, trường hợp khi áp dụng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội do lạc hậu” quy định tại điểm m khoản 1 Điều 51 BLHS thì người dân tộc miền núi không hiểu biết pháp luật được xem là phạm tội do lạc hậu thì phải chứng minh được tình tiết đó là do nguyên nhân khách quan đưa lại như kém hiểu biết pháp luật, không được học tập, không có thông tin liên lạc, đi lại khó khăn để có điều kiện thực tế để nhận biết các đúng sai trong cuộc sống,… (ví dụ: tục cướp vợ, tảo hôn,…). 

Ngoài ra, như nội dung vụ án nêu trên thì rõ ràng ở đây vợ chồng bị cáo khi thực hiện hành vi đốt cỏ, bắp khô dẫn đến cháy rừng đã lường trước được hậu quả xảy ra nên đã dọn dẹp cỏ khô xung quanh rẫy tạo thành ranh cản lửa rộng 2 mét nhưng vì chủ quan nên sau khi châm lửa đốt vợ chồng bị cáo không ở lại để giám sát đảm bảo an toàn lại đi ra khu vực khác để đốt cỏ, bắp khô tiếp nên để lửa bén ra dẫn đến cháy rừng. 

Qua vụ án trên có thể thấy ở đây việc đốt cỏ khô hay đốt bất cứ cái gì bằng hình thức nào ở nơi dễ bắt cháy đều có thể dẫn đến cháy rừng, cháy nhà, tài sản… con người trong cuộc sống không phân biệt vùng miền, người dân tộc thiểu số hay người kinh, việc đốt lửa dọn rẫy là trong cuộc sống hàng ngày họ đã thường xuyên thực hiện, tiếp xúc… nên theo kinh nghiệm họ biết đốt lửa hay đốt cỏ dọn rẫy như thế nào để được đảm bảo an toàn và thực tế ở đây vợ chồng bị cáo đã đã dọn cỏ khô làm ranh rộng 2 mét để ngăn không cho lửa bén ra khu vực khác nhưng vì chủ quan không cắt cử người ở lại giám sát việc đốt cỏ khô trên nên dẫn đến vụ án. Vì vậy áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ “phạm tội do lạc hậu” cho bị cáo trong vụ án này là thiếu thuyết phục.

Chính vì tình tiết giảm nhẹ “phạm tội do lạc hậu” có những quan điểm khác nhau, đã dẫn đến việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ này trong thực tiễn chưa đúng, khiến việc quyết định hình phạt của Hội đồng xét xử đối với bị cáo chưa phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội đã thực hiện. Nguyên nhân này là do nhận thức của người áp dụng pháp luật, chính vì vậy cơ quan có thẩm quyền cần phải có hướng dẫn về tình tiết này để việc áp dụng trong thực tiễn được thống nhất.

3. Kiến nghị, đề xuất

Để giải quyết vấn đề đặt ra ở trên, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần xây dựng, ban hành hướng dẫn cụ thể về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm m khoản 1 Điều 51 BLHS “phạm tội do lạc hậu” theo hướng sau:

“Phạm tội do lạc hậu là những người mù chữ, không được học hành, sinh sống ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, ở những vùng còn nặng nề về hủ tục, do mê tín dị đoan, do đời sống sinh hoạt xã hội, không hiểu biết về pháp luật, mọi xử sự trong xã hội đều theo phong tục, tập quán, tín ngưỡng. Họ có hành vi trái với pháp luật nhưng lại cho rằng phù hợp tập quán, với lợi ích cộng đồng. Thực chất khi phạm tội họ nhận thức rất kém về tính trái pháp luật của hành vi”.

Việc ban hành các văn bản hướng dẫn đối với tình tiết giảm nhẹ “phạm tội do lạc hậu” quy định tại điểm m khoản 1 Điều 51 BLHS có vai trò hết sức quan trọng đối với thực tiễn xét xử là phương tiện để đạt đến sự công bằng xã hội và là biểu hiện của chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước đối với người phạm tội. Đây là một trong những căn cứ quan trọng quyết định một mức hình phạt cụ thể đối với người phạm tội, có giá trị quan trọng đối với hoạt động quyết định hình phạt của Toà án. 

Vì vậy, khi áp dụng tình tiết giảm nhẹ này cần phải có sự cân nhắc nhằm đảm bảo quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; mục đích phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm. Thể hiện tính khách quan, mềm dẻo, linh hoạt trong quá trình giải quyết vụ án.

Thạc sĩ ĐINH MINH LƯỢNG - NGUYỄN DUY LINH

Tòa án quân sự Khu vực 2 Quân khu 5

Vi phạm quy định về đấu thầu: Nguyên nhân và giải pháp

Lê Minh Hoàng