/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Vướng mắc về 'xử lý vật chứng' là tài sản chung của vợ chồng trong trường hợp một bên sử dụng vào việc phạm tội trong vụ án hình sự

Vướng mắc về 'xử lý vật chứng' là tài sản chung của vợ chồng trong trường hợp một bên sử dụng vào việc phạm tội trong vụ án hình sự

10/03/2024 06:47 |

(LSVN) - Quy định về tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm được quy định tại Điều 47 thuộc Chương VII các biện pháp tư pháp của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS) và Điều 106, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS). Có thể hiểu tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm là biện pháp tư pháp được tòa án quyết định áp dụng đối với người phạm tội góp phần phòng ngừa người đó tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội mới [1]. Tuy nhiên, khi thực hiện vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc nhất định.

Ảnh minh họa.

Quy định của pháp luật

Theo Điều 47 BLHS quy định về việc tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm như sau:

1. Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với:

a) Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;

b) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội;

c) Vật thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ, cấm lưu hành.

2. Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.

3. Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu.

Theo các khoản 2, 3 và 4 Điều 106 BLTTHS quy định như sau:

“2. Vật chứng được xử lý như sau:

a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy;

b) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;

c) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.

3. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:

a) Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó;

b) Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án;

c) Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy;

d) Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự".

Vướng mắc và đề xuất, kiến nghị

Qua các quy định tại điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS và điểm a khoản 2 Điều 106 BLTTHS cho thấy đối với công cụ, phương tiện được dùng vào việc phạm tội thì bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy. Tuy nhiên, các quy định này không nêu rõ các công cụ, phương tiện mà người phạm tội dùng vào việc thực hiện tội phạm dưới hình thức lỗi nào sẽ bị tịch thu (lỗi cố ý hay lỗi vô ý). Tương tự, quy định tại khoản 3 Điều 47 BLHS cũng không nêu rõ hình thức lỗi (lỗi cố ý hay lỗi vô ý) của người chủ tài sản hoặc người quản lý hợp pháp tài sản trong việc để người phạm tội sử dụng tài sản vào việc phạm tội.

Ví dụ vụ án có nội dung như sau: Khoảng 19 giờ ngày 22/5/2023, Hoàng Văn Hoài điều khiển xe mô tô BKS 21E1-456.70 đến nhà Hoàng Văn Hiền chơi, rồi cùng thống nhất đi trộm cắp tài sản bán lấy tiền mua ma túy sử dụng (việc sử dụng chiếc xe này đi trộm cắp tài sản vợ bị cáo không biết). Hoài điều khiển xe mô tô chở Hiền mang theo kìm cộng lực, dao gọt hoa quả đến trạm BTS YBI 0328 của Viettel đặt phía sau UBND xã Nà Hẩu. Hiền trèo lên cột phát sóng cắt 20m dây tiếp địa M25 vứt xuống đất, Hoài đứng dưới cảnh giới và cuộn dây lại. Sau đó Hiền phá khóa trạm, cắt 07m dây tiếp địa M35, 10m dây tiếp địa M16 trong trạm cho vào bao tải màu vàng cam mang xuống chỗ để xe ở chân đồi. Hoài điều khiển xe mô tô chở Hiền đến khu vực dốc Ba Khuy, xã Nà Hẩu, sử dụng con dao gọt hoa quả đã chuẩn bị từ trước thay nhau gọt vỏ nhựa cho vào bao tải và để ở giá để hàng phía trước xe mô tô đi về hướng xã An Thịnh. Khi đến khu vực chợ xã Đại Sơn thì bị lực lượng công an truy đuổi, Hiền và Hoài hoảng sợ vứt bỏ bao tải có đựng tang vật, dao, kìm cộng lực xuống dọc đường và chạy về nhà. Sau đó các bị cáo ra đầu thú [2].

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 18/2023/HS-ST ngày 21/8/2023 của Tòa án Quân sự Khu vực Quân khu B ngoài vấn đề về hình sự theo quy định, vấn đề xử lý vật chứng của vụ án đối với chiếc xe dùng vào việc phạm tội đã xác định: Đối với chiếc xe mô tô nhãn hiệu Honda Wave RSX BKS 21E1-456.70 mang tên Hoàng Văn Hoài, Hoài có vợ là chị Hoàng Thị Sa và hiện nay hôn nhân vẫn đang tồn tại; khoản 2 Điều 33 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất”. Hoài sử dụng chiếc xe mô tô BKS 21E1-456.70 (là tài sản chung hợp nhất) làm phương tiện phạm tội, do đó, căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS và điểm a khoản 2 Điều 106 BLTTHS tịch thu ½ (một phần hai) giá trị chiếc xe này để nộp ngân sách Nhà nước.

Qua thực tiễn xét xử thông qua vụ án điển hình nêu trên cho thấy, cùng một tình huống tương tự nhau nhưng có Tòa án tuyên lại rất khác nhau trong việc xử lý.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Tòa án cần tuyên trả lại toàn bộ chiếc xe cho vợ bị cáo bởi đây là tài sản chung của vợ chồng , mặt khác bị cáo là đối tượng nghiện ma túy lâu năm không có công sức đóng góp gì để mua chiếc xe nói trên việc lấy chiếc xe đi trộm cắp tài sản vợ bị cáo không biết nên việc trả lại là có căn cứ và phù hợp.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Tòa án cần tuyên tịch thu toàn bộ bởi theo quy định của pháp luật thì công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội phải bị tịch thu sung quỹ nhà nước hoặc tịch thu và tiêu hủy theo Điều 47 BLHS và Điều 106 BLTTHS.

Quan điểm thứ ba cũng là quan điểm cua tác giả cho rằng: Tòa án tuyên tịch thu 1/2 giá trị tài sản chung của vợ chồng mà một bên sử dụng để phạm tội. Vì căn cứ khoản 2 Điều 33 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất”. Hoài sử dụng chiếc xe mô tô BKS 21E1-456.70 (là tài sản chung hợp nhất) làm phương tiện phạm tội , tài sản chung nên chỉ được tịch thu phần lỗi của bị cáo; mặt khác căn cứ vào văn bản số 2160/VKSTC-V14 ngày 05/6/2023 về việc giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của BLHS, BLTTHS, THTG và THAHS  của VKSND Tối cao trường hợp phương tiện, công cụ phạm tội được hình thành từ nguồn vốn tài sản chung của vợ chồng thì tùy từng trường hợp, nếu xác định được vợ/chồng có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm (như biết rõ mà vẫn đồng ý hoặc cho phép) thì phương tiện, công cụ phạm tội đó có thể bị tịch thu toàn bộ; nếu xác định vợ/chồng không có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm (như không biết việc chồng/vợ sử dụng vào việc phạm tội sử dụng vào việc phạm tội) thì có thể không tịch thu phần giá trị tài sản thuộc sở hữu của vợ chồng [3]. Do đó, căn cứ quy định Khoản 3 Điều 47 BLHS năm 2015 quy định: “Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu” và điểm a khoản 2 Điều 106 BLTTHS tịch thu 1/2 (một phần hai) giá trị chiếc xe này để nộp ngân sách Nhà nước là phù hợp.

Có lẽ do quy định của Điều 47 BLHS và Điều 106 BLTTHS chưa quy định rõ về hình thức lỗi cố ý hay vô ý nên dẫn đến thực tiễn xét xử đã có các phán quyết khác nhau trong việc xử lý vật chứng là tài sản chung của vợ chồng mà một bên dùng vào việc phạm tội. Do đó, trong thời gian tới các cơ quan liên ngành Trung ương cần có văn bản giải thích quy định tại khoản 3 Điều 47 BLHS và TANDTC cần sớm có văn bản giải đáp để các Tòa án địa phương thống nhất về đường lối giải quyết đối với trường hợp nêu trên. 

Trên đây là quan điểm cá nhân của tác giả, rất mong nhận được sự trao đổi của các quý độc giả và đồng nghiệp.

[1] Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Lê Văn Cảm - Chủ biên (2021), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 394 - 395.

[2] Nguồn: Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án, https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta712981t1cvn/chi-tiet-ban-an.

[3] Văn bản số 2160/VKSTC-V14 ngày 05/6/2023  "V/v giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của BLHS, BLTTHS, THTG và THAHS".

Thẩm phán NGUYỄN TỨ

Tòa án Quân sự Quân khu 2

Hợp đồng cộng tác viên và hợp đồng dịch vụ với cá nhân dưới góc nhìn pháp lý

Nguyễn Hoàng Lâm