Ảnh minh họa.
Thông thường, tranh chấp phát sinh từ hoạt động kinh doanh, thương mại đều xuất phát từ hành vi vi phạm hợp đồng của một hoặc cả hai bên ký kết với lỗi cố ý hoặc vô ý nên đã làm trái với các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng. Khi tranh chấp phát sinh từ hợp đồng kinh doanh thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận, việc xác định trường hợp nào áp dụng pháp luật chuyên ngành, trường hợp nào áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự về thời hiệu khởi kiện và các loại chế tài do vi phạm hợp đồng.
Bài viết phân tích những quy định pháp luật liên quan đến việc giải quyết các tranh chấp thương mại, nhằm giải quyết một tồn tại thực tế hiện nay là vẫn còn có cách hiểu và áp dụng pháp luật không thống nhất làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, của nhà đầu tư và ảnh hưởng không tốt đến môi trường đầu tư, kinh doanh.
Khái niệm
Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 quy định “Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”.
Khoản 21 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định “Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận”.
Khoản 1 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định một trong những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án là tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
Khoản 1 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không liệt kê các tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhưng phổ biến hiện nay là các tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ, đại diện, đại lý, gia công, đấu giá, cho thuê hàng hóa, giám định thương mại, nhượng quyền thương mại theo quy định của Luật Thương mại; tranh chấp về hợp đồng thi công xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng; tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm; tranh chấp về hợp đồng kinh doanh bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản…
Theo các quy định nêu trên thì hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ, đại diện, đại lý, gia công, đấu giá, cho thuê hàng hóa, g iám định thương mại, nhượng quyền thương mại... là các hoạt động thương mại được quy định cụ thể trong luật chuyên ngành là Luật Thương mại; còn hợp đồng thi công xây dựng, hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng kinh doanh bất động sản… là hoạt động kinh doanh, được quy định tại các luật chuyên ngành là Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Việc áp dụng pháp luật, thời hiệu khởi kiện và các chế tài do vi phạm hợp đồng
Việc áp dụng pháp luật
Theo quy định tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.
Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.
Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới.
Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong nước không được cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp. Điều 4 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc áp dụng Bộ luật Dân sự như sau: Bộ luật này là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự. Luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này. Trường hợp luật khác có liên quan không quy định hoặc có quy định nhưng vi phạm khoản 2 Điều 4 Bộ luật Dân sự thì quy định của Bộ luật Dân sự được áp dụng.
Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Bộ luật Dân sự và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.
Việc áp dụng Bộ luật Dân sự, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Bộ luật Hàng hải… và tập quán quốc tế được quy định cụ thể như sau:
Điều 4 Luật Thương mại quy định hoạt động thương mại phải tuân theo Luật Thương mại và pháp luật có liên quan. Hoạt động thương mại đặc thù được quy định trong luật khác thì áp dụng quy định của luật đó. Hoạt động thương mại không được quy định trong Luật Thương mại và trong các luật khác thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự.
Khoản 3, 4 Điều 15 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định hợp đồng bảo hiểm hàng hải được thực hiện theo quy định của Bộ luật Hàng hải; nội dung không quy định tại Bộ luật Hàng hải thì thực hiện theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Nội dung liên quan đến hợp đồng bảo hiểm không được quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm thì thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Khoản 1 Điều 45 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 quy định tổ chức, cá nhân khi xác lập hợp đồng kinh doanh bất động sản, hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản phải tuân thủ quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản và Bộ luật Dân sự.
Điều 2 Luật Xây dựng quy định: Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động đầu tư xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam.
Như vậy, theo các quy định của pháp luật nêu trên thì áp dụng luật chuyên ngành (Luật Thương mại, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Kinh doanh bất động sản…) đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà luật chuyên ngành đó đang có hiệu lực để giải quyết tranh chấp, nếu luật chuyên ngành không quy định thì áp dụng Bộ luật Dân sự để giải quyết.
Về thời hiệu khởi kiện và các chế tài do vi phạm hợp đồng
Theo quy định tại Điều 184 và Điều 185 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự. Các quy định của Bộ luật Dân sự về thời hiệu được áp dụng trong tố tụng dân sự.
Điều 429 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thời hiệu khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Điều 319 Luật Thương mại năm 2005 quy định thời hiệu khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.
Như vậy, về nguyên tắc, phải ưu tiên áp dụng pháp luật chuyên ngành để xác định thời hiệu khởi kiện tranh chấp về hợp đồng. Do đó, việc xác định thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng hàng hóa, dịch vụ, đại diện, đại lý, gia công, đấu giá, cho thuê hàng hóa, giám định thương mại, nhượng quyền thương mại... được thực hiện theo quy định của Luật Thương mại (02 năm).
Còn Luật Xây dựng năm 2014, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, Luật kinh doanh bất động sản năm 2023 và văn bản hướng dẫn thi hành không quy định về thời hiệu khởi kiện tranh chấp nên việc xác định thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng, hợp đồng bảo hiểm (trừ hợp đồng bảo hiểm hàng hải thì thời hiệu 2 năm), hợp đồng kinh doanh bất động sản được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự (3 năm) mà không áp dụng Luật Thương mại (2 năm).
Để xác định thời hiệu khởi kiện, cần căn cứ vào các hợp đồng, phụ lục hợp đồng (nếu có); các văn bản trao đổi, thỏa thuận của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng để xác định thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự bị xâm phạm.
Về chế tài do vi phạm hợp đồng Đối với hợp đồng thương mại như mua bán hàng hóa, dịch vụ, đại diện, đại lý, gia công, đấu giá, cho thuê hàng hóa, giám định thương mại, nhượng quyền thương mại... thì áp dụng chế tài thương mại được quy định trong Luật Thương mại, ví dụ về mức phạt vi phạm (8%), về tiền lãi do chậm thanh toán (lãi suất trung bình 03 ngân hàng).
Đối với hợp đồng thi công xây dựng, hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng kinh doanh bất động sản…, nếu vi phạm sẽ căn cứ quy định tại luật chuyên ngành là Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn thi hành để giải quyết. Trường hợp luật chuyên ngành không có quy định về những vấn đề có tranh chấp thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự để giải quyết, ví dụ về mức phạt vi phạm (do các bên thoả thuận), về tiền lãi do chậm thanh toán (do các bên có thỏa thuận, lãi suất không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay).
Để giải quyết vụ án đúng pháp luật, cần căn cứ vào các hợp đồng, phụ lục hợp đồng (nếu có), các văn bản thỏa thuận, cam kết… của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng; yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố của các đương sự… để xác định có vi phạm hợp đồng hay không; nếu có vi phạm thì ai vi phạm và vi phạm điểm, khoản, điều nào của hợp đồng; mức độ và lỗi vi phạm hợp đồng; nội dung tranh chấp của các bên. Trên cơ sở đó, xác định trách nhiệm của các bên đối với việc vi phạm hợp đồng của mình; đồng thời giải quyết yêu cầu thanh toán tiền lãi, yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng, yêu cầu bồi thường.
ThS. NGUYỄN THỊ HƯƠNG
Trường Đại học Văn Hóa Hà Nội
Kinh doanh bất động sản cho thuê: Thực trạng và rủi ro pháp lý hiện nay