/ Trao đổi - Ý kiến
/ Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí - Kinh nghiệm từ Nghệ An

Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí - Kinh nghiệm từ Nghệ An

15/05/2025 10:30 |3 ngày trước

(LSVN) - Có thể thấy, tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ là lời khuyên về đạo đức cá nhân, mà còn là chiến lược quản lý xã hội, xây dựng đất nước. Đó là tư tưởng mang tính thời sự, có giá trị lâu dài trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước. Thấm nhuần tư tưởng của Bác, trong những năm qua Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp, ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm xây dựng văn hoá tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu quả trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Mở đầu

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất coi trọng về tiết kiệm, chống lãng phí, là một phần quan trọng trong hệ thống tư tưởng đạo đức, chính trị và quản lý nhà nước của Người. Hồ Chí Minh coi tiết kiệm không chỉ là một đức tính cá nhân mà còn là một yêu cầu bắt buộc trong quản lý kinh tế, xây dựng đất nước và đạo đức cách mạng. Người cho rằng, tiết kiệm là quốc sách, là yêu cầu tất yếu của cách mạng, là một trong những nguồn lực để xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt trong bối cảnh đất nước nghèo, chiến tranh kéo dài. Người nói: “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là yêu nước”; “Tiết kiệm là quốc sách hàng đầu”. Người cho rằng, tiết kiệm là một đức tính đạo đức cách mạng.

Đối với cán bộ, đảng viên, tiết kiệm là biểu hiện của sự cần kiệm liêm chính, gắn với phẩm chất đạo đức cách mạng. Người khuyên: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư - là đạo đức cách mạng”; “Kiệm để giúp nước, giúp dân, để làm tròn nhiệm vụ cách mạng”. Hồ Chí Minh nhấn mạnh tiết kiệm trên mọi lĩnh vực: Tiết kiệm thời gian; làm việc có kế hoạch, khoa học. Tiết kiệm tiền của, vật tư; không lãng phí tài nguyên, ngân sách. Tiết kiệm sức lao động; tổ chức lao động hợp lý, tránh việc vô ích. Tiết kiệm trong đời sống; ăn mặc giản dị, không xa hoa, phô trương…

Tư tưởng của Bác, chống lãng phí đi liền với tiết kiệm; lãng phí được xem là hành vi có hại cho dân, cho nước, là biểu hiện của sự vô trách nhiệm; phê phán mạnh mẽ thói quen lãng phí trong sử dụng công quỹ, thời gian làm việc, tiêu dùng cá nhân của cán bộ. Người coi lãng phí là "ăn cắp của nhân dân, của nhà nước", dù vô ý hay cố ý. Gắn tiết kiệm với chống tham ô, tham nhũng. Hồ Chí Minh nhìn nhận rằng tham ô, lãng phí và quan liêu là "giặc nội xâm", là kẻ thù của nhân dân và sự nghiệp cách mạng. Vì vậy, thực hành tiết kiệm cũng là biện pháp để ngăn chặn và phòng chống những tệ nạn này. Người cho rằng, tiết kiệm phải đi đôi với hiệu quả; tiết kiệm không có nghĩa là hà tiện, cắt xén không hợp lý. Người dặn: “Tiết kiệm phải hợp lý, phải đem lại lợi ích thiết thực.”

Có thể thấy, tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ là lời khuyên về đạo đức cá nhân, mà còn là chiến lược quản lý xã hội, xây dựng đất nước. Đó là tư tưởng mang tính thời sự, có giá trị lâu dài trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước. Thấm nhuần tư tưởng của Bác, trong những năm qua Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp, ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm xây dựng văn hoá tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu quả trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

I. Tổng quan về tình hình Nghệ An trong xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí

Trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay, việc phát huy các giá trị truyền thống trong xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí là yêu cầu cấp thiết nhằm hướng tới một xã hội văn minh, phát triển bền vững. Tổng bí thư Tô Lâm nhận định: “Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Ðể tự tin bước vào kỷ nguyên mới, sánh vai với các cường quốc năm châu, đòi hỏi chúng ta phải có đủ thế và lực, có sức mạnh nội sinh vững vàng. Huy động mọi nguồn lực trong xã hội nhằm tăng cường sức mạnh nội sinh quốc gia là yêu cầu khẩn trương, cấp thiết hiện nay. Xây dựng và thực hành văn hóa tiết kiệm, phòng chống lãng phí là một trong những giải pháp căn cơ, vừa cấp thiết, vừa lâu dài để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước” [1].

Nghệ An - vùng đất giàu truyền thống cách mạng, văn hóa và lịch sử, từ lâu đã được biết đến với những phẩm chất quý báu như cần cù, giản dị, tiết kiệm, kiên trung. Những giá trị ấy được hình thành từ điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, lịch sử đấu tranh gian khó và văn hóa dân gian phong phú.

Tại Nghệ An, thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, những năm qua, tỉnh đã triển khai, thực hiện quyết liệt, quy định của luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội địa phương. Việc phân bổ đầu tư công năm 2024 đã đảm bảo tuân thủ thứ tự ưu tiên đúng quy định. Công tác đấu thầu đã được nâng cao. Các đơn vị tiếp tục thực hiện hiệu quả quyền tự chủ đã được Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp phê duyệt.

Công tác thu ngân sách năm 2024 đạt kết quả cao. Công tác quản lý, khai thác và kinh doanh khoáng sản có nhiều chuyển biến. Việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy bước đầu thu gọn đầu mối, giảm biên chế.

Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đã được tăng cường, qua đó phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm, đồng thời kiến nghị khắc phục những sơ hở, bất cập về cơ chế chính sách, pháp luật hiện hành [2].

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách, pháp luật về Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn tồn tại, hạn chế. Một số nguồn vốn, chủ đầu tư giải ngân vẫn còn chậm. Việc thực hiện kiểm tra, tự phát hiện việc lãng phí của chủ đầu tư chưa được quan tâm thực hiện đúng mức. Kết quả thực hiện thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các công trình, dự án đạt kết quả với tỷ lệ thấp. Vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Ý thức trách nhiệm, kỷ luật kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa cao. Tình hình tiến độ thu hồi các tài khoản tạm ứng quá hạn, kéo dài nhiều năm còn chậm. Đặc biệt, nhiều dự án lớn nhằm phát triển cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ cho người dân, nhưng không ít dự án lại rơi vào tình trạng 'đắp chiếu', gây lãng phí ngân sách và hệ lụy lớn về môi trường, bỏ hoang quỹ đất, mất cân đối trong phát triển đô thị và giảm niềm tin của người dân đối với các dự án công.

Theo thống kê của UBND tỉnh Nghệ An, đối với các công trình văn hóa, giáo dục, y tế trọng điểm, đến nay trên địa bàn có 8 dự án đang thi công theo tiến độ, 2 dự án gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, 2 dự án gặp khó khăn do nguồn vốn, 2 dự án tồn đọng, dừng thi công. Tình trạng một số công trình dự án lớn kéo dài, hoặc bỏ dở đang diễn ra ở nhiều huyện, thành trên cả tỉnh [3].

Trước những tồn tại nêu trên, Nghệ An xác định trong thời gian tới, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan toả mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác đối với mỗi cán bộ, đảng viên và người dân. Thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí, Nghệ An đã ban hành nhiều chính sách, chương trình và hoạt động cụ thể trong toàn hệ thống chính trị và đời sống nhân dân. Tinh thần tiết kiệm không chỉ tồn tại trong tư tưởng mà đã được thể chế hóa bằng các chính sách cụ thể và được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

II. Kinh nghiệm từ Nghệ An trong xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí

1. Bối cảnh tự nhiên và lịch sử hun đúc tinh thần tiết kiệm

Nằm ở vùng Bắc Trung Bộ, Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với địa hình đa dạng, gồm đồng bằng, đồi núi, sông ngòi và bờ biển dài. Tuy nhiên, điều kiện tự nhiên nơi đây lại không mấy thuận lợi: đất đai phần lớn là feralit, độ màu mỡ thấp; khí hậu nhiệt đới gió mùa khắc nghiệt với mùa hè nắng nóng gay gắt, mùa đông lạnh buốt, thường xuyên xảy ra thiên tai như bão, lũ lụt và hạn hán. Những điều kiện tự nhiên như vậy buộc người dân xứ Nghệ phải sống trong cảnh thiếu thốn, vất vả, từ đó hình thành thói quen lao động cần cù, tiết kiệm tối đa nguồn lực để duy trì cuộc sống.

Không chỉ khó khăn về thiên nhiên, Nghệ An còn là vùng đất gánh chịu nhiều biến cố lịch sử. Từ thời kỳ Bắc thuộc đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, người dân nơi đây luôn là lực lượng đi đầu trong các phong trào yêu nước, đấu tranh giành độc lập dân tộc. Tên tuổi của Mai Thúc Loan với khởi nghĩa Hoan Châu, Nguyễn Xí với tài cầm quân, hay phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đầu thế kỷ XX là những minh chứng tiêu biểu cho tinh thần quật cường, kiên trung của con người xứ Nghệ. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người con vĩ đại của vùng đất này, là biểu tượng sống động của đức tính tiết kiệm, giản dị, hết lòng vì nước, vì dân. Chính hoàn cảnh khắc nghiệt của tự nhiên và sự tôi luyện qua thử thách lịch sử đã hun đúc cho người dân Nghệ An tinh thần vượt khó, ý thức tiết kiệm, và thái độ trân trọng mọi thành quả lao động [4].

2. Truyền thống văn hóa và con người - nền tảng cho tinh thần tiết kiệm

Nghệ An không chỉ nổi bật về truyền thống cách mạng mà còn giàu bản sắc văn hóa dân gian. Văn hóa xứ Nghệ là sự giao thoa giữa tinh thần tự lập, lòng yêu nước sâu sắc và nếp sống giản dị, kiệm lời, trọng đạo lý. Những giá trị này được gìn giữ qua nhiều thế hệ và được phản ánh đậm nét trong lời ăn tiếng nói, trong lối sống thường nhật và trong ứng xử cộng đồng.

Tinh thần tiết kiệm của người Nghệ không phải là sự khắt khe, mà là biểu hiện của sự ý thức cao trong sử dụng tài nguyên, tiền bạc và thời gian. Văn hóa “ăn chắc mặc bền”, “tích tiểu thành đại”, hay “khéo ăn thì no, khéo nằm co thì ấm” trở thành kim chỉ nam trong cách tổ chức đời sống cá nhân và gia đình. Trong nông nghiệp, người dân biết tận dụng từng thửa đất, từng giọt nước, sáng tạo trong kỹ thuật canh tác để nâng cao năng suất. Trong đời sống sinh hoạt, người dân có thói quen tái sử dụng đồ vật, hạn chế lãng phí điện, nước và thực phẩm. Trong giáo dục con cái, gia đình xứ Nghệ luôn đề cao sự cần cù, lễ nghĩa và tinh thần hiếu học, coi đây là con đường thoát nghèo và phát triển bền vững.

Một minh chứng tiêu biểu là truyền thống “học không ngại nghèo” đã giúp Nghệ An trở thành vùng đất sản sinh nhiều nhân tài. Làng Quỳnh Đôi, Trung Cần hay Nho Lâm từng là những làng khoa bảng nổi tiếng. Sự kết hợp giữa tinh thần tiết kiệm và ý chí vươn lên đã tạo nên những lớp thế hệ thành công, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn… tiết kiệm cốt để giúp vào việc tăng gia sản xuất”. Tư tưởng ấy, đến nay, vẫn là kim chỉ nam cho đời sống của người dân xứ Nghệ trong thời đại mới.

3. Thực tiễn triển khai tiết kiệm, chống lãng phí tại Nghệ An

Bước sang giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội hiện đại, tỉnh Nghệ An đã có nhiều giải pháp thiết thực nhằm đưa tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí đi vào đời sống thực tế. Trong những năm gần đây, việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Các chỉ thị như Chỉ thị số 51/CT-UBND, ngày 31/12/2024 được ban hành nhằm siết chặt quản lý tài sản công, chi ngân sách nhà nước, đầu tư công và tổ chức hoạt động của các cơ quan hành chính [5].

Năm 2024, Nghệ An đã tiết kiệm hơn 550 tỷ đồng trong đầu tư xây dựng cơ bản thông qua việc rà soát, cắt giảm các dự án không cấp thiết. Đồng thời, chi thường xuyên giảm gần 568 tỷ đồng nhờ thắt chặt chi tiêu và đổi mới quy trình quản lý ngân sách. Nhiều phong trào như “Cơ quan kiểu mẫu không lãng phí”, “Xây dựng công sở tiết kiệm” hay các sáng kiến cộng đồng về tiết kiệm điện, nước, giấy văn phòng đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Tuy vậy, trên thực tế vẫn tồn tại một số bất cập. Ở một vài địa phương, tình trạng tổ chức hội nghị, lễ hội một cách hình thức, lãng phí chưa được khắc phục triệt để. Một bộ phận cán bộ, công chức chưa thực sự nêu gương trong thực hành tiết kiệm. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công gây lãng phí nguồn lực xã hội, làm chậm tiến độ nhiều công trình, dự án trọng điểm. Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm có lúc chưa nghiêm minh, thiếu tính răn đe.

Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng từ cách làm bài bản và nỗ lực liên tục của chính quyền cùng sự đồng lòng của nhân dân, có thể khẳng định rằng Nghệ An đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí thành một giá trị bền vững trong quản trị công và đời sống xã hội.

III. Những định hướng, giải pháp phát huy các phẩm chất tốt đẹp của vùng đất và con người Nghệ An trong xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí

Để phát huy truyền thống tốt đẹp của vùng đất và con người Nghệ An trong xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí, trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An sẽ có những định hướng và giải pháp cụ thể, phù hợp với bối cảnh hiện đại:

Một là, giáo dục và nâng cao nhận thức. Giáo dục là yếu tố then chốt để duy trì và phát huy các giá trị truyền thống của con người xứ Nghệ. Các trường học, gia đình và cộng đồng cần phối hợp để đưa các bài học về tiết kiệm, chống lãng phí vào chương trình giáo dục. Các câu chuyện về tinh thần cần cù, lối sống giản dị của người dân xứ Nghệ nên được lồng ghép vào các môn học như lịch sử, văn học và giáo dục công dân.

Ngoài ra, sẽ tổ chức các chiến dịch truyền thông, hội thảo và chương trình tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của văn hóa tiết kiệm. Các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là mạng xã hội, có thể được sử dụng để lan tỏa những giá trị tốt đẹp này đến thế hệ trẻ.

Hai là, phát triển kinh tế gắn với tiết kiệm tài nguyên: Trong bối cảnh phát triển kinh tế, Nghệ An cần tập trung vào các mô hình sản xuất bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Ví dụ, trong nông nghiệp, cần khuyến khích người dân áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến, giảm thiểu lãng phí nước và phân bón. Trong công nghiệp, cần thúc đẩy các doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ sạch để giảm thiểu tác động đến môi trường. Chính quyền địa phương cần tăng cường hỗ trợ các chương trình khuyến khích tái chế và tái sử dụng tài nguyên, từ việc xây dựng các cơ sở xử lý rác thải đến việc hỗ trợ các sáng kiến cộng đồng về bảo vệ môi trường.

Ba là, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống: Văn hóa truyền thống của xứ Nghệ, từ các loại hình nghệ thuật như: ví dặm, ca trù đến các lễ hội dân gian, cần được bảo tồn và phát huy như một giải pháp để giáo dục thế hệ trẻ về lối sống tiết kiệm và giản dị. Các lễ hội truyền thống nên được tổ chức một cách tiết kiệm, tránh lãng phí, đồng thời nhấn mạnh vào ý nghĩa văn hóa và tinh thần cộng đồng.

Các làng nghề truyền thống, như nghề dệt, nghề gốm, cũng cần được khuyến khích phát triển, không chỉ để bảo tồn văn hóa mà còn để tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân, từ đó củng cố tư duy “ăn chắc mặc bền”.

Bốn là, xây dựng mô hình cộng đồng tiết kiệm: Chính quyền và các tổ chức xã hội nên khuyến khích xây dựng các mô hình cộng đồng tiết kiệm, chẳng hạn như các hợp tác xã nông nghiệp, các nhóm tiết kiệm trong làng xóm, hoặc các chương trình chia sẻ tài nguyên trong cộng đồng... Những mô hình này không chỉ giúp người dân cải thiện đời sống mà còn tạo ra một môi trường khuyến khích lối sống tiết kiệm và đoàn kết.

Năm là, khuyến khích vai trò của gia đình và thế hệ trẻ: Gia đình vẫn là nơi quan trọng nhất để duy trì các giá trị tiết kiệm. Các bậc phụ huynh cần làm gương cho con cái thông qua việc thực hành lối sống giản dị, tiết kiệm trong sinh hoạt hàng ngày. Đồng thời, thế hệ trẻ cần được khuyến khích tham gia vào các hoạt động cộng đồng, các dự án bảo vệ môi trường và các sáng kiến tiết kiệm tài nguyên. Các chương trình như “Thanh niên xứ Nghệ vì văn hóa tiết kiệm” hoặc “Gia đình xứ Nghệ tiết kiệm năng lượng”… có thể được triển khai để tạo động lực cho thế hệ trẻ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương.

Sáu là, tăng cường vai trò của chính quyền và các tổ chức xã hội: Chính quyền địa phương cần xây dựng các chính sách cụ thể để khuyến khích văn hóa tiết kiệm, chẳng hạn như hỗ trợ tài chính cho các dự án tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu rác thải, hoặc tổ chức các cuộc thi sáng tạo về tiết kiệm tài nguyên. Các tổ chức xã hội, như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân… cũng cần đóng vai trò tích cực trong việc tuyên truyền và tổ chức các hoạt động liên quan đến văn hóa tiết kiệm.

Xứ Nghệ, với bề dày lịch sử và văn hóa, là vùng đất giàu tiềm năng để phát huy các giá trị truyền thống trong xây dựng văn hóa “tiết kiệm, chống lãng phí”. Những phẩm chất tốt đẹp của con người xứ Nghệ, từ tinh thần cần cù, lối sống giản dị đến tư duy tiết kiệm, không chỉ là di sản quý báu mà còn là nguồn lực quan trọng để xây dựng một xã hội văn minh, bền vững.

Trong bối cảnh hiện đại, việc kết hợp giữa truyền thống và các giải pháp đổi mới sẽ giúp xứ Nghệ xây dựng các chuẩn mực về văn hóa tiết kiệm. Thông qua giáo dục, phát triển kinh tế bền vững, bảo tồn văn hóa và xây dựng cộng đồng đoàn kết, vùng đất và con người Nghệ An sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước, đồng thời lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến các thế hệ tương lai.

[1] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, https://phapluatphattrien.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-chung-ta-dang-dung-truoc-co-hoi-lich-su-de-dua-dat-nuoc-buoc-vao-ky-nguyen-moi-d2201.html.

[2] Báo Nghệ An điện tử, chuyên mục Kinh tế – Xã hội, các bài viết tổng hợp năm 2023–2024 về tình hình quản lý đầu tư công, lãng phí dự án, hiệu quả sử dụng ngân sách (có thể tham khảo từ: https://baonghean.vn).

[3] Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực giáo dục, văn hóa, y tế, https://www.nghean.gov.vn/thong-tin-chi-dao-dieu-hanh/day-nhanh-tien-do-thuc-hien-cac-du-an-trong-diem-thuoc-linh-vuc-giao-duc-van-hoa-y-te-706990.

[4] Nguyễn Cảnh Bình (Chủ biên) (2012), Con người và văn hóa Xứ Nghệ, NXB Văn hóa – Thông tin.

[5] Công văn số 10907/UBND-KT, ngày 06/12/2024 của UBND tỉnh Nghệ An về triển khai thực hiện Công điện số 125/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tài liệu tham khảo

1. Hồ Chí Minh toàn tập (tập 5, 6, 7, 8) - NXB Chính trị Quốc gia Sự thật.

2. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969).

3. Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo - NXB Chính trị Quốc gia Sự thật.

4. Văn kiện Đại hội II của Đảng Cộng sản Việt Nam (1951) đến các Đại hội gần nhất.

5. Sách “Đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh”, GS.TS. Hoàng Chí Bảo, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật.

ThS. CAO NGUYÊN HÙNG

Viện Quyền con người - Học viện Chính trị Quốc gia HCM

Các tin khác