/ Kinh nghiệm - Thực tiễn
/ Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về phòng, chống rửa tiền trong giai đoạn hiện nay

Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về phòng, chống rửa tiền trong giai đoạn hiện nay

25/04/2025 06:54 |11 ngày trước

(LSVN) - Hiện nay, hoạt động rửa tiền trở thành một vấn nạn nguy hiểm đối với tất cả các quốc gia trên toàn thế giới và là vấn đề được cả cộng đồng quốc tế quan tâm. Hoạt động rửa tiền gây ra mức độ tổn thương đến nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng của tất cả các quốc gia ở nhiều mức độ khác nhau và ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đối với những quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam. Khi tình hình kinh tế - xã hội phát triển ngày càng mạnh mẽ thì đi đôi với nó là tình hình tội phạm ngày càng gia tăng với mức độ nguy hiểm và tinh vi hơn rất nhiều, trong đó tội phạm rửa tiền dần trở nên phổ biến, diễn biến phức tạp hơn, quy mô lớn hơn, gây thiệt hại nghiêm trọng hơn đến nền kinh tế.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc đối phó với loại tội phạm này, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực để triển khai ngày càng có hiệu quả cơ chế phòng, chống rửa tiền thông qua việc ban hành và triển khai các quy phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền. Luật Phòng, chống rửa tiền số 14/2022/QH15 được thông qua tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 09/2023/TT- NHNN hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền. Để đạt mục tiêu đẩy mạnh hiệu quả phòng, chống rửa tiền, bên cạnh giải pháp hoàn thiện các quy định pháp luật còn cần có các giải pháp nâng cao việc thực thi quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền. Cụ thể:

Nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng

Tội phạm rửa tiền thực chất là phái sinh của các loại tội phạm khác, do đó, việc phòng, chống loại tội phạm này cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa rất nhiều ban ngành từ trung ương đến địa phương như: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường... Tuy nhiên, để thiết lập một cơ chế phối hợp đồng bộ và hiệu quả giữa các bộ, ngành là một điều không dễ dàng. Để có sự phối hợp hiệu quả trong việc thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (với vai trò là đơn vị đầu mối thực hiện nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền theo quy định của pháp luật và cam kết quốc tế về phòng, chống rửa tiền mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia) cần thường xuyên cung cấp thông tin, tài liệu cho các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước liên quan đến các giao dịch lớn, giao dịch đáng ngờ để kịp thời phát hiện các hành vi rửa tiền và dấu vết của tội phạm rửa tiền.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Phối hợp trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin

- Tiếp nhận, tổng hợp, phân tích, xử tiếp nhận báo cáo khác như giao dịch chuyển tiền điện tử, giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo theo quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền. Thúc đẩy nhanh việc xử lý các STR(1), nâng cao chất lượng xử lý thông tin tiếp nhận/chuyển giao/ trao đổi cung cấp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Chuyển giao kịp thời thông tin hoặc hồ sơ vụ việc liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố và tội phạm khác liên quan đến rửa tiền cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

- Cảnh báo kịp thời tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân những vấn đề nảy sinh liên quan đến rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố và tội phạm khác liên quan đến rửa tiền.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng khác trong việc giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố; phối hợp trao đổi thông tin với cơ quan điều tra, truy tố, xét xử.

Phối hợp trong công tác nghiên cứu

Cục Phòng, chống rửa tiền cần phối hợp với Bộ Công An và các cơ quan khác có liên quan thường xuyên trao đổi, hợp tác, nghiên cứu các phương thức tội phạm mới, loại hình, phương thức rửa tiền mới, đặc biệt trong giai đoạn bùng nổ các loại tội phạm công nghệ cao như hiện nay, qua đó cải tiến, chia sẻ phương pháp phát hiện sớm các dấu hiệu, hành vi rửa tiền để kịp thời có biện pháp ngăn chặn.

Phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các nội dung liên quan đến phòng, chống rửa tiền, tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành có sự tham gia của các cơ quan chức năng khác nhau để kịp thời phát hiện các vi phạm pháp luật về phòng, chống rửa tiền.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về pháp luật phòng, chống rửa tiền

Đối với đại bộ phận người dân Việt Nam, tội phạm rửa tiền dường như vẫn là một loại tội phạm rất mới, việc nhận thức về “hành vi rửa tiền” còn hạn chế, dẫn đến tình trạng đôi khi phạm tội mà không biết mình phạm tội. Việc tuyên truyền chưa đầy đủ dẫn đến người dân hạn chế kiến thức về phòng, chống rửa tiền, gây tâm lý lo lắng khi phải thực hiện cung cấp các thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền theo quy định, việc này ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng, chống rửa tiền nói chung. Hai nội dung quan trọng cần tuyên truyền để người dân nhận biết rõ là: về hành vi “rửa tiền” và các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền.

(1) Về hành vi “rửa tiền”

Theo quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền thì “rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có” và “tài sản do phạm tội mà có là tài sản có được trực tiếp hoặc gián tiếp từ hành vi phạm tội; phần thu nhập, hoa lợi, lợi tức, lợi nhuận sinh ra từ tài sản có được từ hành vi phạm tội”. Như vậy, rửa tiền là hành vi nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản thu được từ các hoạt động phạm tội.

Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 và Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định các hành vi rửa tiền bao gồm:

- Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;

- Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;

- Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;

- Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có;

- Trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có;

- Chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản.

Ngoài ra, Bộ luật Hình sự còn có quy định cụ thể trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền đối với pháp nhân và cá nhân, đặc biệt, người chuẩn bị phạm tội rửa tiền có thể bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

(2) Pháp luật về phòng, chống rửa tiền

- Tuyên truyền, phổ biến việc cung cấp các thông tin về nhận biết khách hàng là việc làm theo quy định của pháp luật, việc thu thập thông tin về nhận biết khách hàng nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia; bảo đảm hoạt động bình thường về kinh tế, đầu tư; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, chống lạm quyền, lợi dụng việc phòng, chống rửa tiền để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan.

- Việc thực hiện các giao dịch phải báo cáo, giao dịch đáng ngờ là việc các đối tượng báo cáo ghi lại và báo cáo về các giao dịch như là một nghiệp vụ nội bộ theo quy định của pháp luật nhằm sàng lọc, phát hiện các giao dịch có dấu hiệu hoặc liên quan đến hành vi phạm tội của một số nhóm đối tượng thuộc “danh sách đen” hoặc “diện cảnh báo”, không liên quan gì đến khách hàng. Các thông tin này nằm trong nội bộ và trong vòng bí mật, chỉ được các đối tượng báo cáo cung cấp theo quy định của pháp luật.

- Cần tăng cường mở các lớp đào tạo về kỹ năng phòng, chống rửa tiền để hướng dẫn các cơ quan chức năng, các tổ chức, cá nhân có liên quan, các đối tượng báo cáo thực hiện quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố mới được ban hành. Tổ chức các buổi đào tạo, hội thảo nhằm quán triệt, nâng cao nhận thức của các tổ chức báo cáo, các đơn vị liên quan về Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 và các văn bản hướng dẫn.

Đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin

Đẩy mạnh việc trang bị giải pháp công nghệ phòng, chống rửa tiền sử dụng cho Ngân hàng Nhà nước, nhằm nâng cao hiệu quả phân tích, xử lý dữ liệu và chuyển giao thông tin. Hiện đại hóa hệ thống cơ sở dữ liệu của Cục Phòng, chống rửa tiền.

Đẩy mạnh việc triển khai đề án kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền; tham gia triển khai nền tảng chia sẻ thông tin, tin học hóa nghiệp vụ báo cáo giao dịch đáng ngờ, mở rộng các đối tượng báo cáo, nghiên cứu các phần mềm, ứng dụng phục vụ công tác nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác phòng, chống rửa tiền.

Nâng cao quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền

Để thực hiện giải pháp này, cần tiếp tục nâng cao chất lượng báo cáo để thể hiện đầy đủ, thuyết phục hơn các tiến triển của Việt Nam trong việc triển khai thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố; thực hiện các nhiệm vụ sau đánh giá đa phương đối với cơ chế phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố của Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh triển khai, thực hiện các thủ tục về ký kết MOU(2) giữa Việt Nam với các nước, tích cực thực hiện trao đổi thông tin với các FIU(3) nước ngoài góp phần ngăn chặn kịp thời các tội phạm rửa tiền và tội phạm xuyên quốc gia. Tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân Việt Nam mở rộng quan hệ kinh doanh, hợp tác với các đối tác nước ngoài, tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, hợp pháp, minh bạch thu hút vốn đầu tư.

(1) Báo cáo giao dịch đáng ngờ.

(2) Bản ghi nhớ, thỏa thuận.

(3) Đơn vị tình báo tài chính quốc gia.

Thạc sĩ TRẦN THỊ THU THỦY

Vụ Pháp chế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Các tin khác