Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng như Bộ luật Hình sự năm 1999 trước đây đều có quy định một nhóm tội là tội "Xâm phạm hoạt động tư pháp"; hoạt động tư pháp làm gì thì phải dựa trên căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật cũng như quan điểm tư tưởng định hướng của đảng và nhà nước.
Hiện nay, chưa có một khái niệm thống nhất, đầy đủ về quyền tư pháp cũng như hoạt động tư pháp. Theo quan điểm của nhiều nhà khoa học pháp lý và căn cứ vào các văn bản của đảng và nhà nước Việt Nam thì có thể hiểu quyền tư pháp là quyền tài phán, quyền phán xét. Quyền đánh giá tính hợp pháp hay không hợp pháp của hoạt động lập pháp, hoạt động hành pháp và có thể áp dụng chế tài đối với các hành vi vi phạm. Còn hoạt động tư pháp là hoạt động để thực hiện quyền tài phán bao gồm hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Trong quyền tư pháp thì con có thể phân chia làm quyền tư pháp hình sự, quyền tư pháp dân sự. Hoạt động tư pháp cũng vậy, sẽ bao gồm hoạt động tư pháp hình sự, hoạt động tư pháp dân sự, hành chính, lao động, kinh doanh thương mại.
Về mặt lý luận thì quyền lực cơ bản của nhà nước thường được phân chia 3 quyền là quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Một số quốc gia họ chia tách 3 quyền lực này thành ba quyền riêng biệt có sự phân công, chế ước lẫn nhau gọi là “tam quyền phân lập”.
Tuy nhiên ở Việt Nam thì quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp giữa 3 nguyền này. Cụ thể, theo Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã chỉ rõ “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; cụ thể hoá đầy đủ nguyên tắc hiến định “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật”.
Khoản 1, Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định: “TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”, có nhiệm vụ bảo vệ công lý. Ngoài ra, Hiến pháp năm 2013 không quy định cơ quan nào khác “thực hiện tư pháp”. Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan bảo vệ pháp luật.
Tại tiểu mục 1.5, mục 1, Phần I của Nghị quyết số 48-NQ/TW nói về việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp gồm: Tòa án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra. Tiểu mục 2.2, mục 2, Phần II của Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị còn bổ sung các cơ quan tư pháp làm công tác thi hành án dân sự, thi hành án hình sự. Mặt khác, từ quy định tại Điều 4, Luật tổ chức VKSND năm 2014 có thể hiểu rằng: hoạt động tư pháp là các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, giải quyết vụ án hình sự; tạm giữ, tạm giam; giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc thi hành án, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp...
Như vậy, theo nghĩa hẹp có thể hiểu hoạt động tư pháp là hoạt động xác minh, điều tra, truy tố, xét xử và hoạt động thi hành án. Những hoạt động này nhằm thực hiện quyền tư pháp là quyền phán xét, đánh giá tính hợp pháp hay không hợp pháp của hành vi con người cũng như đối với các quyết định, văn bản của cơ quan, tổ chức. Hoạt động tư pháp là những hoạt động có liên quan đến việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Chủ thể thực hiện hoạt động tư pháp chủ yếu là cơ quan tư pháp, (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, cơ quan thi hành án) và một số cơ quan tổ chức có chức năng nhiệm vụ bổ trợ tư pháp. Hoạt động tư pháp được thực hiện đúng đắn trên cơ sở các quy định của pháp luật, theo chính sách của đảng và nhà nước sẽ góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp.
Hiện nay, liên quan đến nhóm tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp thì được quy định tại Chương XXIV Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, bao gồm 24 tội danh (từ Điều 368 đến Điều 391), phân loại thành 3 nhóm tội:
- Thứ nhất, Nhóm các tội phạm mà người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc trong lĩnh vực khác (có 14 tội thuộc nhóm này bao gồm từ Điều 368 đến Điều 379, Điều 381 và Điều 385 như tội “Truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội”, tội “Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội”, tội “Ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp làm trái pháp luật, Tội dùng nhục hình, Tội bức cung, Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc”, tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật”; tội “Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù”,…..). Nhóm các tội phạm này là các tội quy định đối với những người có chức vụ, quyền hạn trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc trong lĩnh vực khác có những hành vi cố ý gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
- Thứ hai, Nhóm các tội phạm mà người phạm tội là người tham gia tố tụng (có 5 tội thuộc nhóm này bao gồm các Điều 380 Tội không chấp hành án, Điều 382 tội “Cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối”, Điều 283 tội “Từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu”, Điều 386 tội “Trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử”, Điều 388 tội “Vi phạm quy định về giam giữ”). Nhóm các tội phạm này là các tội quy định đối với người tham gia tố tụng có những hành vi cố ý gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
- Thứ ba, Nhóm các tội phạm mà người phạm tội là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm dân sự và từ đủ 16 tuổi trở lên (có 5 tội thuộc nhóm này) bao gồm các điều: Điều 384 tội “Mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác trong việc khai báo, cung cấp tài liệu”, Điều 387 tội “Đánh tháo người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, người đang bị áp giải, xét xử, chấp hành án phạt tù”, Điều 389 tội “Che giấu tội phạm”, Điều 390 tội “Không tố giác tội phạm”, Điều 391 tội “Gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp”. Nhóm tội phạm này là các tội quy định đối với người có năng lực trách nhiệm dân sự và từ đủ 16 tuổi trở lên, có những hành vi cố ý gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
Trong đó, mức hình phạt cao nhất đối với nhóm tội này là bị phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân, được áp dụng với tội “Dùng nhục hình” quy định tại Điều 373 và tội “Bức cung” quy định tại 374 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Còn đối với một số tội danh còn lại thì mức hình phạt cao nhất có thể áp dụng là phạt tù đến 15 năm tù đối với một số tội danh như tội “Truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội” quy định tại Điều 368 BLHS, tội “Ra bản án trái pháp luật” quy định tại Điều 370 BLHS, tội “Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc” quy định tại Điều 375 BLHS.
Như vậy, có thể thấy trong nhóm tội này không áp dụng hình phạt tử hình mà chỉ có hình phạt cao nhất là tù chung thân và tù có thời hạn (cao nhất đến 20 năm tù). Do đó, khi xem xét, xử lý với người thực hiện hành vi trong nhóm tội này thì cần phải áp dụng tội danh phù hợp với hành vi phạm tội và áp dụng mức hình phạt tương ứng phù hợp với từng tội danh.
LUẬT SƯ ĐẶNG VĂN CƯỜNG
Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp